Đề bài: Phân tích hai câu thơ đầu trong bài thơ Tương tư
Xem thêm: phân tích khổ thơ đầu bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính
------
Bài của học sinh giỏi văn phân tích hai câu thơ đầu trong bài Tương tư của Nguyễn Bính
Nhà thơ Nguyễn Bính nổi tiếng là một trong những cây bút tài năng trong phong trào thơ mới của Việt Nam. Phong cách thơ mới của Nguyễn Bính thường mang đậm nét truyền thống, chân quê với những hình ảnh mộc mạc, lời thơ dung dị, bài thơ “Tương tư” chính là một điển hình cho phong cách thơ ấy. Xuyên suốt bài thơ là tâm trạng nhớ mong, chờ đợi của nhân vật trữ tình trong tình yêu đôi lứa, ngay ở hai câu thơ đầu bài thơ, tác giả đã cho ta thấy tâm trạng và nỗi nhớ của nhân vật trữ tình lộ ra rất chân thành, mộc mạc.
Trong tình yêu, đặc biệt là một tình yêu chớm nở còn e ấp, ngại ngùng chưa dám tỏ bày, làm sao tránh khỏi trạng thái nhớ mong, và trong hai câu thơ đầu bài thơ, tác giả đã nhắc đến nỗi nhớ ấy của một chàng trai về người mình yêu:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông…
Một người chín nhớ mười mong một người.
Trong câu thơ “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”, tác giả đã rất tinh tế khi sử dụng hình ảnh hoán dụ “thôn Đoài”, “thôn Đông” để nói về nỗi nhớ của hai con người. Nguyễn Bính không nhắc đến con người cụ thể như Chế Lan Viên “Anh nhớ em như đông về nhớ rét”, hay như Xuân Diệu “Anh nhớ em! Nhớ lắm em ơi”. Tác giả dùng cái tên của hai thôn thay thế cho hai cá thể con người kia một cách vừa khái quát, vừa kín đáo lại nhẹ nhàng.
Ở đây có thể hiểu là người ở thôn Đoài nhớ người ở thôn Đông, hay chính chàng trai ở thôn Đoài đang nhớ người con gái mình yêu thương ở thôn Đông. Nỗi nhớ ở đây dường như nhẹ nhàng nhưng cũng mạnh mẽ lắm, bởi nó đã lan tỏa ra không gian, thấm vào cảnh vật. Khi người ta yêu nhau thì người ta yêu thương cả cái không gian bao trùm nơi người mình thương, có chăng là nỗi nhớ cũng là nỗi nhớ của không gian có anh và không gian có em. Bằng cách đong đếm nỗi nhớ mong, tác giả đã thể hiện nỗi nhớ của chàng trai một cách tinh tế, cụ thể hơn: “Một người chín nhớ mười mong một người”.
Điệp từ “một người” ở đầu và cuối câu thơ vẫn là đại diện cho hai cá thể, một người nhớ và một người được nhớ. Nằm giữa hai con người ấy là thành ngữ “chín nhớ mười mong”, nó góp phần thể hiện niềm mong nhớ vô cùng của chàng trai kia. Đồng thời, nỗi nhớ mong ấy vừa là cầu nối lại là ngăn cách giữa tình cảm của hai con người. Đến đây thì nỗi nhớ của chàng trai quê chất phác kia không đơn thuần là nhớ nữa mà còn là sự mong đợi, ngóng trông, nhớ đến nỗi đứng ngồi không yên. Có thể nói đó là một tình yêu đằm thắm, tha thiết nhưng nhà thơ thể hiện thật ý nhị, kín đáo và sâu sắc.
Có thể bạn quan tâm:
Bài văn mẫu tham khảo phân tích hai câu thơ đầu bài thơ Tương tư
Bài văn mẫu 1
Nguyễn Bính là một trong những gương mặt nhà thơ nổi bật của phong trào Thơ mới, những vần thơ của Nguyễn Bính thường mang đậm nét chân quê với những hình ảnh giản dị, lời thơ chân thành, da diết. Tương tư là bài thơ điển hình cho phong cách thơ của Nguyễn Bính, bài thơ là lời của chàng trai đang yêu với nỗi nhớ da diết băn khoăn vì không nhận được sự đáp lại của cô gái mình yêu. Khổ thơ đầu tiên đã tái hiện đầy sống động tình yêu đầy mộc mạc mà không kém phần tinh tế, ý nhị của chàng trai.
Mở đầu bài thơ, tác giả Nguyễn Bính đã nhắc đến một tình yêu chân thành với nỗi nhớ da diết của nhân vật trữ tình dành cho cô gái mình yêu:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người”
Nỗi nhớ là tâm trạng thường trực của những người đang yêu. Ở trong hai câu thơ đầu tiên, Nguyễn Bính đã hình tượng hóa nỗi nhớ thông qua hình ảnh hoán dụ về “thôn Đoài” và “thôn Đông”. Sự giãi bày tình cảm mang tính tế nhị đã thể hiện được cái mộc mạc, chân chất trong tình yêu của chàng trai quê. Tình yêu của hai người được đặt trong không gian của làng quê càng gợi ra cái gần gũi, thân thương trong cảm xúc của độc giả.
Mức độ của tình cảm được thể hiện thông qua câu thành ngữ “chín nhớ mười mong” đã thể hiện được nỗi nhớ nhung khôn xiết, thường trực trong tâm hồn của người đang yêu. Đó không chỉ đơn thuần là nỗi nhớ mà còn là sự trông chờ, mong ngóng đến đứng ngồi không yên. Tình yêu đơn phương được thể hiện đầy ý nhị, kín đáo, có thể dễ dàng khơi dậy cảm xúc trong trái tim của người đọc.
Qua thơ của Nguyễn Bính, người đọc phần nào hiểu được thứ tình cảm trong trẻo mà dung dị, mãnh liệt nhưng vẫn thấm đậm chất quê, không phô trương, không cầu kỳ nhưng vẫn thật đẹp.
Bài văn mẫu 2
“Hoa chanh nở giữa vườn tranh
Thầy u mình với chúng mình chân quê”
(“Chân quê” – Nguyễn Bính)
Rất nhiều người công nhận Nguyễn Bính là nhà thơ “quê mùa” nhất trong thơ hiện đại Việt Nam. Riêng tôi, tôi cho rằng từ “chân quê” hợp với Nguyễn Bính hơn. Nguyễn Bính muôn đời vẫn trung thành nhất nhất với bản sắc văn hóa truyền thống Việt, với những mối duyên tơ tình tự mà tế nhị, thẹn thùng. Chỉ hai câu thơ ngắn trong bài “Tương tư”, người đọc sẽ thấy một cái tôi rất Nguyễn Bính:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
Nguyễn Bính (1918-1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính, người Vụ Bản, Nam Định. Nguyễn Bính thuộc nhóm nhà thơ lãng mạn, được coi là nhà thơ của làng quê Việt Nam. Thơ Nguyễn Bính tựa nàng thiếu nữ thôn quê mộc mạc, mặn mà, sâu sắc, kín đáo, dung dị, đằm thắm. Người ta dễ thấy cái hồn cốt người Á Đông trong mỗi con chữ, ngôn từ, cách gieo vần, thả âm, nhấn thanh. Và cũng thấy cả một trái tim đau đáu cho những bản sắc và bản chất tốt đẹp của người xưa đang dần mai một vì sự du nhập của các nền văn hóa mới.
Vậy đó, Nguyễn Bính đâu đưa ta đến vườn trần nào đâu. Nguyễn Bính chỉ sống với không gian ao làng, có thôn Đoài, thông Đông, có người tình xóm bên hay e hay thẹn:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”
Thôn Đông hay thôn Đoài là những địa danh quen thuộc ở làng quê xóm nhỏ Việt Nam. Những cái tên ấy gợi ra không gian của những mái nhà tranh san sát, có những con đường nhỏ uốn quanh, có cây cầu bắc ngang nối giữa thôn này với thôn nọ. Nguyễn Bính đã nhân hóa 2 địa danh này, gieo vào nó cảm xúc của con người – “nhớ”. Nỗi nhớ xa xôi giữa hai thôn dường như tượng trưng cho chàng trai và cô gái nào đó đang phải lòng nhau.
Hai nhân vật ấy được cụ thể hóa trong câu thơ tiếp:
“Một người chín nhớ mười mong một người”
Đó là “một người” và “một người”. Hai con người ấy không tên tuổi, không danh xưng. Cho nên, nó có khả năng điển hình hóa. Một mối tình riêng nhưng mang đậm văn hóa thôn quê.
Cách nói “chín nhớ mười mong” cũng rất độc đáo. Có ai lại đếm được nỗi nhớ, nỗi mong. Tác giả tách một bên “chín nhớ” và một bên “mười mong” trao cho hai chủ thể. Chính cách tách riêng như vậy ngược lại khiến người đọc có cảm giác như hai chủ thể đang hòa vào một, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Tình yêu của ai, nơi đâu, ta không rõ. Nhưng tình yêu xa xôi ấy lại nồng nàn như thể rất gần, rất đậm.
Chỉ qua hai câu thơ đầu, chúng ta đã thấy được toàn bộ nội dung tâm hồn, tư tưởng và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Bính. Chất thơ mộc mạc, vừa đậm phong vị dân gian vừa đầy sáng tạo mới mẻ đã chứng tỏ Nguyễn Bính là một trong những đỉnh cao thơ Mới lãng mạn có cái tôi rất dân dã.
-----------
Trên đây là một số bài văn mẫu 11 phân tích hai câu thơ đầu trong bài thơ Tương tư mà Đọc tài liệu đã biên soạn muốn gửi đến các bạn. Còn rất nhiều những bài văn mẫu phân tích khác phân tích về bài thơ Tương tư, các em chỉ cần truy cập vào trang doctailie.com là có thể thấy ngay nhé. Chúc các em học tốt môn văn mẫu 11.