Trang chủ

Nghị luận xã hội về chữ hiếu (TOP 7 bài văn hay nhất)

Xuất bản: 23/06/2023 - Tác giả:

Nghị luận xã hội về chữ hiếu, hướng dẫn lập dàn ý và tham khảo TOP 7 bài văn nghị luận hay bàn về ý nghĩa của chữ hiếu trong cuộc sống con người

Hướng dẫn chi tiết cách làm bài văn nghị luận xã hội về chữ hiếu do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn có kèm theo một số bài văn mẫu hay giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình học tập cũng như ôn luyện kĩ năng làm văn nghị luận.

Dàn ý nghị luận xã hội về chữ hiếu

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: chữ hiếu của con cái với ông bà, cha mẹ

2. Thân bài nghị luận về chữ hiếu

a. Giải thích

- Chữ hiếu: là lòng hiếu thảo, tấm lòng thảo thơm, hiếu kính, sự đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ của những người con.

b. Bàn luận

* Biểu hiện của lòng hiếu thảo như thế nào?

– Những người có lòng hiếu thảo là người luôn biết cung kính và tôn trọng ông bà, cha mẹ

– Biết vâng lời và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được yên tâm.

– Luôn biết sống đúng chuẩn mực với đạo đức xã hội, thực hiện lễ nghi hiếu nghĩa đối với các bậc sinh thành.

– Lòng hiếu thảo là hành vi vô cùng ý nghĩa mang lại danh tiếng tốt cho ông bà cha mẹ và tổ tiên

* Vì sao cần phải có lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ?

– Ông bà cha mẹ là người đã sinh ra ta, đã mang lại cuộc sống này cho chúng ta

– Hiếu thảo là một chuẩn mực đạo đức của xã hội

– Sống hiếu thảo với ông bà cho mẹ là thể hiện sống có trách nhiệm của mỗi người

– Người có lòng hiếu thảo luôn được mọi người yêu mến và quý trọng

– Khi bạn hiếu thảo thì con cái của bạn sau này sẽ hiếu thảo với bạn

– Giá trị của bạn sẽ được nâng cao nếu sống có hiếu thảo

– Lòng hiếu thảo gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau, thể hiện tình yêu thương gia đình.

* Cần làm gì để có được lòng hiếu thảo?

– Bạn cần phải biết kính trọng và yêu thương ông bà cha mẹ

– Bạn cần chăm sóc, phụng cha mẹ ông bà khi về già

– Cư xử tốt với ông bà cha mẹ, không cãi lại

– Yêu thương an hem trong nhà cũng là thể hiện lòng hiếu thảo.

c. Chứng minh

- Học sinh tự lấy dẫn chứng là những con người, những hành động sống với lòng hiếu thảo.

d. Phản biện

- Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người con chưa có hiếu, không hiểu, không coi trọng công lao của bố mẹ dành cho mình,… => những người này đáng bị phê phán.

3. Kết bài

- Khẳng định lại vai trò, tầm quan trọng của chữ hiếu và rút ra bài học cho bản thân.

TOP 7 bài văn hay nghị luận xã hội về chữ hiếu

   Dưới đây Đọc Tài Liệu đã sưu tầm, tổng hợp gửi đến các em tham khảo một số bài văn mẫu nghị luận xã hội về chữ hiếu. Hi vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cũng như mở rộng vốn từ ngữ cho bài văn sắp viết.

Nghị luận xã hội về chữ hiếu bài số 1

“Công cha đức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân”

Công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái là vô cùng to lớn, không sao kể xiết. Vì vậy, những người làm con khi đã khôn lớn, trưởng thành phải luôn ghi nhớ công lao trời biển ấy và báo đáp, phụng dưỡng cha mẹ. Đúng như những lời trong câu ca dao: “Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Bất kể ai cũng vậy, từ khi mới chào đời ta đã nhận được tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ và những người xung quanh. “Mang nặng đẻ đau” chín tháng mười ngày để rồi vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc khi nghe thấy tiếng khóc đầu đời của con. Còn gì vui sướng hơn khi sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi, thiên thần của cha mẹ đã ra đời. Và cũng từ đó, cha mẹ vất vả hơn khi phải chăm sóc con, lo cho con tất cả mọi thứ, thức trắng đêm trông nom khi con ốm. Cứ như vậy cho đến khi con “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”, thời gian trôi con lớn dẫn trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ còn cha mẹ thì vất vả hơn vì vừa phải lo cho công việc vừa phải lo cho con. Nhưng có một điều mà chắc chắn ai cũng biết đó là cho dù vất vả, nặng nhọc đến đâu chỉ cần những đứa con luôn vui tươi, khỏe mạnh thì đó đã là niềm động viên, an ủi, tiếp thêm sức mạnh cho những người làm cha, làm mẹ rồi.

Công lao của cha mẹ thật vô cùng lớn lao, chính vì vậy con cái cần làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Khi còn nhỏ, bổn phận của con cái là phải biết vâng lời cha mẹ, chăm chỉ học tập rèn luyện để cha mẹ được vui lòng. Tuy còn nhỏ, chưa thể giúp gì nhiều cho cha mẹ nhưng việc phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi chính là món quà to lớn dành cho cha mẹ của mình. Mặc dù có nhiều lúc cha mẹ có quát mắng ta nhưng suy cho cùng, những bậc làm cha làm mẹ chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Có thể khi đó, chúng ta còn quá nhỏ để hiểu được một cách sâu xa những lời quát mắng đó là muốn tốt cho mình, nhưng khi đã trưởng thành, ta thầm cảm ơn những lời quát mắng đó đã giúp ta hiểu ra nhiều điều hơn. Khi con cái dần trưởng thành cũng là lúc cha mẹ ngày càng già yếu đi, đây chính là lúc những người làm con cần làm làm tròn chữ hiếu của mình, đó là phải phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo cho cha mẹ của mình, có như vậy mới làm tròn chữ hiếu của đạo làm con.

Tuy nhiên không phải những người con nào cũng làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ. Chắc các bạn đã từng đọc hay được nghe câu thơ:

“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể
Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”

Có những người con xem cha mẹ của mình là gánh nặng khi họ già yếu đi, anh em trong cùng một gia đình đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ hết cho người này rồi đến người khác, có một số người chọn cách đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để không mất thời gian chăm sóc. Cha mẹ cả một đời vất vả vì con cái, chỉ mong lúc về già được an nhàn, sum họp bên con cháu, vậy mà những người con nỡ nhẫn tâm bỏ mặc cha mẹ trong sự cô đơn, mặc dù vẫn đầy đủ về cuộc sống vật chất nhưng lại thiếu thốn tình cảm, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn.

“Công cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”

Một lần nữa phải luôn tự nhắc nhở rằng, công lao, ơn nghĩa của cha mẹ là không gì có thể sánh nổi. Những người làm con phải luôn ghi nhớ công lao ấy và phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ, đừng để khi cha mẹ mãi mãi không còn trên thế gian này nữa thì mọi sự báo đáp cũng đã muộn rồi.

Nghị luận xã hội về chữ hiếu bài số 2

Mỗi con người chúng ta được sinh ra, được trưởng thành, được thành đạt trên cõi đời này đều do công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Công ơn trời biển ấy kể sao cho xiết! Câu ca dao từ ngàn xưa của người dân Việt Nam đến hôm nay vẫn thiết tha nhắc mãi nghĩa tình này:

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kinh cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"

Câu ca đao gợi cho chúng ta biết bao suy nghĩ về công ơn của mẹ cha, về làm con. Người dân xưa đã gửi gắm lòng biết ơn mẹ cha và lời nhắc nhở người làm con vào bài ca dao với những hình ảnh so sánh thấm thìa. Núi Thái Sơn cao lớn vời vợi và nước trong nguồn chảy ra là dòng nước tinh khiết trong lành nhất không bao giờ vơi cạn. So sánh hai hình ảnh ấy với công cha, nghĩa mẹ, tác giả dân gian muốn nói tới thái độ tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc đối với công ơn trời biển của cha mẹ và muốn khuyên mỗi người con phải luôn "thờ mẹ kính cha” phải có thái độ, cách ứng xử tôn kính, quý trọng đấng sinh thành của mình

Đạo lý đúng đắn mà bài ca dao đã truyền đạt. Ý nghĩa bài ca dao hoàn toàn đúng trong mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. Công cha nghĩa mẹ to lớn vô cùng. Không có cha mẹ thì sẽ không có chúng ta. Mẹ phải vất vả chín tháng mười ngày thai nghén bao gian truân, cợ cực. Chín tháng hay chín năm, gian khó khôn cùng để sinh ra ta. Để có được mẹ vượt cạn một mình, bất chấp hiểm nguy của tính mạng. Khi sinh ra hài nhi đỏ hỏn, mẹ chắt chiu dòng sữa nuôi con khôn lớn. Mẹ thức trắng đêm để chăm cho con, "chỗ ráo nhường con, chỗ ướt mẹ nằm". Khi con ốm đau, mẹ quên ăn quên uống, thức trắng cùng những cơn sốt, con đau của con, thao thức lo toan. Mẹ và cha hân hoan khi thấy con chập chững những bước đi đầu tiên nghẹn ngào khi con bập bẹ tiếng mẹ tiếng cha.

Khi con đã lớn lên: từ bát cơm mỗi ngày, từ manh áo đến mọi tiện nghi học hành cha mẹ lo cho con tất cả. Cha mẹ như cánh cò cần cù nhẫn nại, vật lộn với đời thường để chắt chiu lo cho con ăn học thành tài. Cha mẹ hết lòng vì con cái, chẳng giành lại cho mình điều gì. Công sinh thành đã lớn, công dưỡng dục càng lớn hơn. Khi con trưởng thành dần lên, cha uốn nắn con từ lời ăn tiếng nói, từ cách đối nhân xử thế sửa con từ dáng đứng điệu cười. Con là hạnh phúc, là niềm vui, niềm hạnh phúc của cha mẹ. Nhìn con khôn lớn, mọi cực khổ nhọc nhằn của cha mẹ vơi đi. Con khỏe, ngoan, học giỏi, cha mẹ vui sướng, hạnh phúc. Con ốm đau mẹ nước mắt lưng tròng. Con hư, con phạm lỗi, cha mẹ đau buồn, âu lo.

Cha mẹ không quản vất vả chỉ mong mai sau con thành người có ích cho đời, cho xã hội. "Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cho con bước vào đời, là cây cao bóng cả che mát đời con. Trong vòng tay cha mẹ, con lớn lên, trưởng thành. Hiếu thảo với cha mẹ là đạo lý làm người, là nền tảng của đạo đức.

Phải có hiếu với cha mẹ: phải chân thành biết ơn và tôn kính mẹ cha. Quan hệ giữa cha mẹ, con cái trong gia đình tốt đẹp sẽ góp phần xây dựng, bảo vệ kỉ cương, đạo lý xã hội. Có hiếu với cha mẹ qua thái độ, lời nói và việc làm cụ thể. Từ lời nói lễ phép đúng mực, từ sự quan tâm, chăm sóc chu đáo tận tình từ những việc nhỏ giúp cha mẹ trong gia đình, từ sự bảo ban gương mẫu với các em nhỏ. Người con có hiếu phải phấn đấu trở thành niềm tự hào, nguồn động viên bố mẹ; phấn đấu học tập tốt nhất, rèn luyện đạo đức tốt nhất, xác định đường đi tốt để có một sự nghiệp, để trở thành người có ích cho xã hội.

Thờ mẹ kính cha là trách nhiệm, là đạo lý thiêng liêng mà mỗi chúng ta phải gìn, noi theo. Vì đây còn là vấn đề nhân cách, là cái gốc của nhiều tình cảm. Con người không kính yêu cha mẹ thì sẽ không có tình người, không thể là người có phẩm chất, biết sống đẹp, thủy chung với bạn bè, xã hội, nhân dân được, mở rộng vần đề, phê phán quan niệm, thái độ sai lầm:

Thời đại hiện nay vẫn còn một thực tại đau lòng: vẫn còn nhiều người xem nhẹ chữ hiếu, muốn sống tách khỏi gia đình, mẹ cha, đó là nhận thức lệch lạc, sai lầm. Vẫn còn những người con vô ơn, bất hiếu, ngược đãi mẹ cha. Không nghe cha mẹ, không phụng dưỡng cha mẹ tuổi già, gây đau lòng, bất hạnh cho cha mẹ. Những người con đó, dù thời đại nào, hoàn cảnh nào, đều đáng để xã hội lên án, phẫn nộ. Đó là những biểu hiện cùa người vô đạo đức, vô ơn, bạc nghĩa, không có lương tâm. Những biểu hiện đó gây ảnh hưởng, làm băng hoại đạo lý cổ truyền của dân tộc ta và đáng phải lên án.

Quan niệm chữ hiếu ngày nay: cuộc sống dù phát triển thì chữ hiếu vẫn là cơ bản xây đắp những mối quan hệ khác giữa người với người trong xã hội. Người hiếu thảo với cha mẹ thường là một công dân tốt, có trách nhiệm với gia đình, xã hội, quan hệ gia đình thuận hòa, góp phần làm kỷ cương của xã hội phát triển. Lòng biết ơn cha mẹ là cội nguồn của lòng biết ơn nhân dân, Tổ quốc. Chữ hiếu ngày nay phải được hiểu rộng hơn: hiếu với cha mẹ nhưng phải là người công dân tốt vẫn "trung với nước, hiếu với dân". Đạo lý ấy là sức mạnh của nhân dân ta chiến thắng kẻ thù, dựng xây đất nước. Lòng yêu nước, yêu nhân dân bắt nguồn từ những tình cảm giản dị bình thường. Có hiếu có tình cha mẹ thì mới có hiếu với đất nước.

Bài ca dao nhắc nhở thấm thía về bài học đạo lý sâu sắc. Bài ca dao sẽ còn mãi với thời gian, nuôi dưỡng tình cảm gia đình, lòng yêu kính mẹ cha bao thế hệ.

Nghị luận xã hội về chữ hiếu bài số 3

"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"

Câu ca dao của người xưa đã thể hiện một bài học sâu sắc về công ơn trời biển của các bậc sinh thành, đồng thời cũng gián tiếp nhắc nhở con người bài học về lòng hiếu thảo. Trong xã hội hiện nay, chữ "hiếu" cũng là một trong những vấn đề đang được quan tâm, bởi những giá trị mà nó mang lại.

Như chúng ta đã biết, "hiếu" có nghĩa là hiếu thảo, lễ phép, tôn trọng đối với những người đã có công ơn sinh thành, dưỡng dục như ông bà, cha mẹ. Lòng hiếu thảo được thể hiện bằng sự thành kính qua những hành động cụ thể như ngoan ngoãn, luôn vâng lời bố mẹ, hay sẵn sàng chăm sóc khi họ già yếu, ốm đau,...

Lòng hiếu thảo là một trong những phẩm chất quý giá của mỗi con người. Trong quan niệm ở mọi thời đại, chữ "hiếu" luôn là một trong những phạm trù quan trọng về mặt đạo đức của con người. Khi hiếu thảo, con người đã thể hiện lòng biết ơn đối với công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Chúng ta xuất hiện trên cõi đời này là nhờ vào hành trình mang nặng đẻ đau "chín tháng mười ngày" đầy vất vả của mẹ, chúng ta khôn lớn, trưởng thành nhờ những giọt mồ hôi cùng sự hi sinh lớn lao, vĩ đại của mẹ cha. Xuyên suốt quá trình đó, những người con luôn được bao bọc, bảo vệ, chở che bởi tấm lòng yêu thương vô hạn của các bậc sinh thành. Thấu hiểu những mất mát, gian truân đó, con cháu cần luôn luôn lễ phép, kính trọng và chăm sóc bố mẹ, ông bà với lòng biết ơn vô hạn. Đó là những con người làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình và phát huy giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc ta:

"Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"

Đồng thời những hành động đó còn góp phần thể hiện sự tri ân đối với nguồn cội, hình thành những gia đình ấm êm, hạnh phúc và góp phần xây dựng một xã hội thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân đạo, bởi "gia đình là tế bào của xã hội".

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn còn không ít người sống vô ơn, bất hiếu với ông bà, cha mẹ của mình. Khi cha mẹ ốm đau hay già yếu, họ không mảy may quan tâm, chăm sóc mà đùn đẩy trách nhiệm cho nhau vì sợ tốn kém về vật chất, thậm chí sẵn sàng đấy cha mẹ vào viện dưỡng lão để tìm kiếm sự bình yên, an nhàn cho bản thân. Đáng buồn hơn, có những người bất kính, vô lễ và đánh đập cha mẹ một cách nhẫn tâm, tàn nhẫn. Những hành vi này đã vi phạm những chuẩn mực đạo đức và đi ngược lại với những truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc.

Để phát huy những giá trị tốt đẹp của lòng hiếu thảo, chúng ta cần nhận thức đúng vai trò, công ơn của ông bà, cha mẹ và thể hiện lòng biết ơn đối với công lao vô hạn đó bằng những hành động cụ thể như lễ phép, tôn trọng, chăm sóc chu đáo các bậc sinh thành. Đồng thời, cần lên án, phê phán một cách mạnh mẽ những hành động bất hiếu, bất kính của những người con "vong ân phụ nghĩa".

Như vậy, lòng hiếu thảo là một trong những điểm sáng về nhân cách của con người và là điểm sáng, điểm tựa để xây dựng mái ấm gia đình, xã hội tốt đẹp. Là học sinh, chúng ta luôn phải ghi nhớ công ơn của mẹ cha và hiện thực tình cảm đó bằng việc ngoan ngoãn, lễ phép và nỗ lực học tập tốt để trở thành "con ngoan trò giỏi".

Nghị luận xã hội về chữ hiếu bài số 4

Trong xã hội hiện đại ngày nay khi mà những giá trị đạo đức trong mỗi người ngày càng bị suy đồi đi thật là đáng buồn biết bao nhiêu. Thế rồi lòng hiếu thảo của con người cũng lại là một vấn đề được dư luận xã hội quan tâm và ngày càng có những cái nhìn khác, đa chiều về lòng hiếu thảo của con người.

Thực tế cũng đã minh chứng được rằng, con người chúng ta phải thật sự hiếu thảo với ông bà, với cha mẹ bởi họ cũng chính là người thân và luôn yêu hương chúng ta. Lòng hiếu thảo từ trước cho đến nay thì cũng chính là một truyền thống văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc ta. Chúng ta cũng lại có thể cảm nhận được cũng chính từ ngàn năm qua, phẩm chất quý báu ấy thực sự cũng chính là sợi chỉ kết nối tình cảm gia đình và ta cũng lại biết được rằng dân tộc ta dường như cũng lại tạo nên một lối sống nghĩa tình, đó mang được những sự đằm thắm của dân tộc Việt Nam. Thế rồi người ta cũng lại nhận thấy được chính lòng hiếu thảo là một trong những phẩm chất tốt đẹp bao giờ cũng cần có ở mỗi con người.

Vậy khái niệm về lòng hiếu thảo được hiểu như thế nào là đúng nhất? Lòng hiếu thảo cũng có rất nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng nôm na nó có nghĩa tôn trọng, và đó cũng chính là những kính trọng ông bà, cha mẹ và tổ tiên, những người thân của mình. Không những thế thì hiếu thảo cũng lại còn là hành động yêu thương, còn là hành động chăm sóc, cũng như phụng dưỡng ông bà, cha mẹ của mỗi người khi già yếu hay đó là sự thờ phụng sau khi họ qua đời. Hiếu thảo được các bậc Nho gia ngày xưa vô cùng coi trọng, và là trung tâm của nho học thời trước.

Thực tế cũng cho thấy được rằng biểu hiện lòng hiếu thảo được thể hiện cũng ở rất nhiều phương diện khác nhau. Trên thực tế thì lòng hiếu thảo của con người không những được thể hiện trong thái độ, nó cũng chẳng phải biểu hiện ở những tình cảm nói riêng mà còn được biểu hiện qua hành động cụ thể của con cháu đối với các bậc bề trên. Chứ không phải đứng đó và nói yêu thương suông.

Trong cuộc sống cũng có thể dễ dàng nhận thấy được chính người có lòng hiếu thảo là người luôn biết cung kính ông bà, kính trọng cha mẹ. Ta như nhìn thấy ở họ là những người luôn biết vâng lời và đồng thời cũng chính họ đã làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an nhiên hơn bao giờ hết. Với những người hiếu thảo họ lại luôn luôn biết sống đúng chuẩn mực, và luôn biết mà để thực hiện lễ nghi hiếu nghĩa đối với các bậc sinh thành của họ, đối với họ đây không chỉ là trách nhiệm mà còn chính là một niềm vui. Cha mẹ đã khó nhọc nuôi chúng ta lên người để lúc già yếu thì sao chúng ta có thể làm ngơ được cơ chứ. Lòng hiếu thảo có thể có được ở mọi thời điểm khi chúng ta nhoe thì hãy luôn biết hiếu thuận cũng như nghe lời những bậc bề trên.Còn khi họ về già thì cũng hãy biết yêu thương họ, phụng dưỡng họ, cho đến lúc mất đi thì ta lại lòng thành thờ cúng.

Thật đáng buồn biết bao nhiêu khi cũng ngay chính trong cuộc sống hiện đại ngày nay thì ta cũng lại có thể cảm nhận thấy được rằng có những kẻ lại biến lòng hiếu thảo là hành vi thật tồi. Đó là những hành vi cư xử tốt không chỉ đối với cha mẹ của chính họ, nhưng bên ngoài thì lại cứ tự đắc luôn luôn tốt với cha mẹ để được người ngoài nhìn thấy mà cảm phục. Có biết bao vụ việc đáng buồn như con giết cha, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà hay tống vào trại dưỡng lão. Biết bao giọt nước măt thật chạnh lòng của các bậc làm cha làm mẹ cứ rơi khi nhớ lại thuở nhỏ con còn bé, họ đã cưng chiều và hết lòng vì con. Nhưng đến khi trưởng thành lại quay lưng lại với họ, những người già ở trong viện dưỡng lão cứ ngày ngày nhớ và hi vọng con cái có thể đón về phụng dưỡng. Dẫu trong thâm tâm họ biết các con sẽ chẳng bao giờ để họ trở về, bởi họ như gánh nặng của các con.

Bạn phải luôn luôn nhớ rằng bạn có mặt trên đời nàng chính là sự mang nặng đẻ đau của mẹ, và đó còn là những nỗi nhọc nhằn của cha phải làm thêm chạy vạy lo cho bạn từng miếng ăn và giấc ngủ. Và thật buồn khi chúng ta lại sống bạc nghĩa với chính những người thân yêu của bạn. Hãy nghĩ về một tương lai rộng và xa hơn khi bạn có con và đứa con của bạn cũng lại đối xử không tốt với chính bạn thì sẽ ra sao? Bạn thực sự sẽ hối hận vì những việc làm không tốt với cha mẹ. Hãy đối xử tốt với họ vì họ thực sự đáng được nhận thành quả đó.

Người ta sẽ vẫn còn ca ngợi người sống có lòng hiếu thảo là lối sống cao đẹp. Biết quý trọng công ơn đã sinh thành và dưỡng dục của ông bà cha mẹ. Bạn cũng hãy học và biết thể hiện niềm tri ân sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Lòng hiếu thảo thể hiện sự bao dung, sống có trách nhiệm. Thế rồi bạn cũng phải nhớ rằng giá trị của một người con được nhìn nhận thực sự nó không phải ở sự giàu sang hay đó là sự quyền quý. Mà giá trị con người được thể hiện sâu sắc qua chữ Hiếu.

Thực sự chính tấm lòng hiếu thảo thể hiện lối sống trọng tình trọng nghĩa của con người chúng ta. Lòng hiếu thảo đó dường như cũng sẽ mãi mãi là một nét đẹp cao quý trong nền văn hóa Việt Nam chúng ta từ bao đời.

Nghị luận xã hội về chữ hiếu bài số 5

Hồ Chí Minh có câu: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”

Đạo đức, phẩm chất là một phần quan trọng đối với bản thân con người. Trong đó hiếu thảo là một đức tính vô cùng cần thiết đối với chúng ta. Vậy theo các bạn, như thế nào là hiếu thảo? Trước tiên để biết được ý nghĩa của hiếu thảo thì chúng ta cần phải hiểu thế nào là hiếu thảo? Hiếu thảo là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người. Nó thể hiện những tình cảm, suy nghĩ của bản thân mỗi người với những ai đã có công ơn to lớn với chúng ta. Hiếu thảo rất cần thiết trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt là đối với những thế hệ trẻ ngày nay – những con người đang dần hòa nhập vào nhịp sống của thế giới hiện đại. Nhân dân ta có truyền thống hiếu thảo từ bao đời nay. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc. Ca dao có câu:

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Cha mẹ là người đã có công rất lớn trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Họ sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ ta nên người. Cha mẹ hết lòng yêu thương, chăm sóc những đứa con của họ một cách vô điều kiện, luôn bên cạnh, chia sê, quan tâm trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn, gian khổ hay lúc thành công hạnh phúc. Đối với cha mẹ, “con dù lớn vẫn là con của mẹ – đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”.

Thật vậy, công ơn cha mẹ là vô cùng to lớn như như “núi Thái Sơn”, như “dòng nước bao la, mênh mông và vô tận”. Bởi thế, mỗi chúng ta cần phải đền đáp lại những công ơn to lớn ấy từ những việc làm nhỏ nhất như: ra sức học tập, rèn luyện tốt, hiếu thảo, sống sao cho có ích với bản thân, gia đình và xã hội …..

Đó chính là lí do vì sao bản thân mỗi người luôn cần có lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo của chúng ta không phải chỉ đối với cha mẹ mà còn được thể hiện với mọi người xung quanh: ông bà, thầy cô, những chiến sĩ cách mạng,…..Thầy cô cho ta kiến thức, chắp cánh cho những học trò thực hiện ước mơ của mình. Không ồn ào, phô trương, âm thầm và lặng lẽ, thầy cô như những người lái đò cần mẫn đưa qua bến bờ tri thức bao nhiêu là những lớp trẻ thanh niên.

Bên cạnh đó, để có được cuộc sống hạnh phúc, hòa bình như ngày hôm nay, chúng ta cũng chảng thể nào quên “hiếu thảo”, nhớ ơn đến các anh hùng liệt sĩ đã ngả xuống hi sinh vì dân tộc Việt Nam. Không bia đá, tượng đài, không một chút hoa mĩ, cầu kì, các anh đã mãi ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng chính những tâm hồn ấy, những tấm gương ấy, những bài học ấy sẽ mãi mãi sống trong lòng người hôm nay, ngày mai và mai sau.

Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, khi cuộc sống đang dần trở nên văn minh hiện đại, và đầy cả lo toan… thì đôi khi bản thân chúng ta lại quên đi hoặc thậm chí là đánh mất đi cả lòng hiếu thảo của bản thân.Họ thản nhiên vô phép, đối xử bạt đãi với gia đình, với thầy cô, đặc biệt là cha mẹ. Trong cuộc sống hôm nay có bao nhiêu những hành vi, tình trạng những giới trẻ cư xử không đúng đắn như: hành hạ, đánh đập,…. một cách tàn nhẫn với thầy cô – những người chắp cho ta đôi cánh kiến thức, rồi cha mẹ – những người có công sinh thành và dưỡng dục chúng ta. Đó là những hành vi mà chúng ta phải lên án, suy nghĩ và tìm giải pháp.

Chúng ta – những thế hệ trẻ cần phải biết tôn trọng, gìn giữ và phát huy những đạo đức tốt đẹp đối với con người, đặc biệt là lòng hiếu thảo, cần nghiêm khắc lên án, cảnh cáo với những hành vi trái ngược với lương tâm, đạo đức của mỗi người. Đó là nhiệm vụ của bản thân chúng ta.

Thật vậy, lòng hiếu thảo là một đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam. Qua đây, bản thân chúng ta – những chủ nhân tương lai của đất nước cũng sẽ nhìn nhận lại đạo đức của bản thân, của cái nhìn về gia đình, về lòng hiếu thảo và thấm thía rằng: “ Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”.

Nghị luận xã hội về chữ hiếu bài số 6

Ai trên cõi đời này mà lại chẳng có cha mẹ để yêu thương, kính trọng, tôn thờ. Bổn phận chúng ta là con cái phải luôn đặt chữ "hiếu" làm đầu thể hiện chúng ta là người có nhân cách, phẩm chất tốt đẹp. Vậy lòng hiếu thảo đối với chúng ta có ý nghĩa như thế nào?

Vậy lòng hiếu thảo có ý nghĩa là gì? Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ có nghĩa là tình cảm, thái độ kính trọng, tôn thờ, biết ơn cha mẹ của mình và đó là một trong những truyền thống đạo đức cao đẹp của con người. Vậy thì tại sao chúng ta phải có lòng hiếu thảo? Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức tốt mà chúng ta cần có. Là nghĩa vụ mà chúng ta phải làm vì không tự nhiên mà chúng ta có mặt ở cõi đời này được. Đó phải là một quá trình mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày của người mẹ kính yêu, sự chăm nom, yêu thương của người cha. Nó còn là thước đo để đánh giá phẩm chất, đạo đức của con người. Bản thân chúng ta khi cha mẹ còn sống khỏe mạnh, phận làm con phải biết yêu thương, tôn thờ và kính trọng. Phải biết chăm sóc cha mẹ đỡ đần thuốc thang khi cha mẹ già yếu, bệnh tật. Trong kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam mà ông bà ta đã để lại có những bài ca dao ca ngợi công lao trời biển của cha mẹ như:

"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

Hay như:

"Lên non mới non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ"

Hoặc:

"Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang".

Trong cuộc sống xã hội hiện giờ vẫn còn xuất hiện những đứa con bất hiếu, vong ơn bội nghĩa, phủi bỏ, vội vàng quên đi những tháng năm cha mẹ yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ nên người mà giờ đây những kẻ này còn quay ngược lại chửi mắng đánh đập, đôi khi còn tàn nhẫn hơn đó chính là giết chính cha mẹ của mình. Những kẻ này chỉ biết sống cho mình, bỏ mặc cha mẹ già yếu, neo đơn. Thay vì cha mẹ già yếu, bệnh tật, bổn phận làm con cái phải phụng dưỡng thì lại gửi cha mẹ vào "viện dưỡng lão" bỏ mặc sống chết. Hay những người con chỉ vì những đồng tiết ít ỏi mà nhẫn tâm ra tay giết hại cha mẹ mình. Trên báo chí gần đây thường hay đăng những tin tức liên quan đến những đứa con bất hiếu, giết hại chính cha mẹ của mình chỉ vì xin tiền chơi game cha mẹ không cho. Hay chỉ vì những lời quan tâm của cha mẹ thì những kẻ này lại xem là những lời cằn nhằn, trách mắng thì chúng lại có những hành động rất đau lòng như đánh đập, giam nhốt chính cha mẹ ruột của mình. Hoặc đôi khi có những nơi có tục lệ rất cổ hủ như khi cha mẹ già yếu thì theo tập tục thì những người con phải mang cha mẹ mang bỏ lên núi bơ vơ một mình. Thật là tàn nhẫn.

Tóm lại, lòng hiếu thảo là phẩm chất đạo đức cần thiết của con người mà ai ai cũng nên có. Chúng ta cần trau dồi, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức này là ở chính cha mẹ của mình, chúng ta phải yêu thương, tôn thờ, chăm sóc khi cha mẹ già yếu, bệnh tật… Riêng bản thân em, em sẽ phấn đấu học tập thật tốt đem lại niềm vui cho cha mẹ của mình.

Nghị luận xã hội về chữ hiếu bài số 7

Lòng hiếu thảo vốn là vấn đề quen thuộc mà chúng ta thường xuyên đề cập đến, nhất là trong giáo dục học đường. Hai chữ “hiếu thảo” bắt nguồn từ triết học Nho giáo, ám chỉ một đức tính của con cái phải biết trân trọng, tôn trọng và yêu thương cha mẹ, ông bà tổ tiên của mình. Trong văn hóa Á Đông, lòng hiếu thảo là một đức tính quan trọng, có ý nghĩa không chỉ trong đạo đức mà còn là văn hóa sống của con người. Ở Việt Nam, lòng hiếu thảo là một phẩm chất đạo đức đặc trưng của dân tộc, thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn” có tính truyền thống ngàn năm.

Lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ được biểu hiện thông qua sự chăm sóc, yêu thương, kính mến, biết ơn cha mẹ khi còn sống và thờ phụng, hương khói cho cha mẹ khi họ đã mất. Lòng hiếu thảo không chỉ với riêng cha mẹ ruột thịt mà là dành cho tất cả những người có công lao nuôi dưỡng, chăm sóc… con cái, thậm chí là cả tổ tiên, dòng họ và các thể hệ trước có công lao giúp cuộc sống của thế hệ sau tốt đẹp hơn. Nhờ có lòng hiếu thảo mà con người trong xã hội trở nên gắn kết với nhau hơn.

Vậy khái niệm về lòng hiếu thảo được hiểu như thế nào là đúng nhất? Lòng hiếu thảo cũng có rất nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng nôm na nó có nghĩa tôn trọng, và đó cũng chính là những kính trọng ông bà, cha mẹ và tổ tiên, những người thân của mình. Không những thế thì hiếu thảo cũng lại còn là hành động yêu thương, còn là hành động chăm sóc, cũng như phụng dưỡng ông bà, cha mẹ của mỗi người khi già yếu hay đó là sự thờ phụng sau khi họ qua đời. Hiếu thảo được các bậc Nho gia ngày xưa vô cùng coi trọng, và là trung tâm của nho học thời trước.

Thực tế cũng cho thấy được rằng biểu hiện lòng hiếu thảo được thể hiện cũng ở rất nhiều phương diện khác nhau. Trên thực tế thì lòng hiếu thảo của con người không những được thể hiện trong thái độ, nó cũng chẳng phải biểu hiện ở những tình cảm nói riêng mà còn được biểu hiện qua hành động cụ thể của con cháu đối với các bậc bề trên. Chứ không phải đắn đo và nói yêu thương suông.

Trong cuộc sống thực tế, hiếu thảo cũng không hề khó thực hiện, nó thể hiện ngay trong những hành động nhỏ nhất của mỗi người. Trước khi đi học phải thưa gửi, khi về nhà phải chào hỏi, ăn cơm phải mời bề trên, giúp mẹ làm những công việc lặt vặt vừa sức, cố gắng chăm chỉ học hành… đều là xuất phát điểm của lòng hiếu thảo. Trong chúng ta, bao nhiêu người làm được?

Lòng hiếu thảo khi nâng lên tầm vĩ mô, nó chính là lòng biết ơn tổ tiên, thế hệ đi trước đã gây dựng lên cục diện xã hội tốt đẹp ngày hôm nay. Biết bao đời vua Hùng dựng nước, giữ nước. Các thế hệ cha anh thời chống Pháp, chống Mĩ giành lại độc lập. Ngày nay, có được hòa bình, tự do, chúng ta không quên khắc ghi lòng biết ơn đối với thế hệ trước.

Trong cuộc sống cũng có thể dễ dàng nhận thấy được chính người có lòng hiếu thảo là người luôn biết cung kính ông bà, kính trọng cha mẹ. Ta như nhìn thấy ở họ là những người luôn biết vâng lời và đồng thời cũng chính họ đã làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an nhiên hơn bao giờ hết. Với những người hiếu thảo họ lại luôn luôn biết sống đúng chuẩn mực, và luôn biết mà để thực hiện lễ nghi hiếu nghĩa đối với các bậc sinh thành của họ, đối với họ đây không chỉ là trách nhiệm mà còn chính là một niềm vui. Cha mẹ đã khó nhọc nuôi chúng ta lên người để lúc già yếu thì sao chúng ta có thể làm ngơ được cơ chứ. Lòng hiếu thảo có thể có được ở mọi thời điểm khi chúng ta nhoe thì hãy luôn biết hiếu thuận cũng như nghe lời những bậc bề trên.Còn khi họ về già thì cũng hãy biết yêu thương họ, phụng dưỡng họ, cho đến lúc mất đi thì ta lại lòng thành thờ cúng.

Thật đáng buồn biết bao nhiêu khi cũng ngay chính trong cuộc sống hiện đại ngày nay thì ta cũng lại có thể cảm nhận thấy được rằng có những kẻ lại biến lòng hiếu thảo là hành vi thật tồi. Đó là những hành vi cư xử tốt không chỉ đối với cha mẹ của chính họ, nhưng bên ngoài thì lại cứ tự đắc luôn luôn tốt với cha mẹ để được người ngoài nhìn thấy mà cảm phục. Có biết bao vụ việc đáng buồn như con giết cha, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà hay tống vào trại dưỡng lão. Biết bao giọt nước măt thật chạnh lòng của các bậc làm cha làm mẹ cứ rơi khi nhớ lại thuở nhỏ con còn bé, họ đã cưng chiều và hết lòng vì con. Nhưng đến khi trưởng thành lại quay lưng lại với họ, những người già ở trong viện dưỡng lão cứ ngày ngày nhớ và hi vọng con cái có thể đón về phụng dưỡng. Dẫu trong thâm tâm họ biết các con sẽ chẳng bao giờ để họ trở về, bởi họ như gánh nặng của các con.

Tóm lại, lòng hiếu thảo là đức tính quý báu của con người, đặc biệt là với người Việt Nam. Chúng ta, thế hệ trẻ hôm nay hãy giữ gìn, phát huy và thực hiện nghiêm túc đạo lí ấy để con cháu chúng ta nhiều thế hệ sau được tự hào hơn nữa về truyền thống đạo đức dân tộc.

-/-

Trên đây Đọc Tài Liệu đã giới thiệu đến các em các bước để làm được một bài nghị luận xã hội về chữ hiếu đầy đủ ý nhất. Ngoài ra, để củng cố thêm kĩ năng làm văn của mình, các em có thể tìm đọc thêm những bài viết khác trong mục Văn mẫu lớp 12 tại website Doctailieu.com. Chúc các em học tốt môn Văn !

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM