Cảm nhận vẻ đẹp khác nhau của thiên nhiên Tây Bắc trong Tây Tiến

Xuất bản: 25/03/2019 - Cập nhật: 06/09/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Bài văn hay cảm nhận về những vẻ đẹp khác nhau của thiên nhiên Tây Bắc trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng).

Đề bài: Cảm nhận của anh/ chị về những vẻ đẹp khác nhau của thiên nhiên Tây Bắc qua hai đoạn thơ sau:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộ

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

(Trích "Tây Tiến", Quang Dũng)

***

Cảm nhận về những vẻ đẹp khác nhau của thiên nhiên Tây Bắc trong Tây Tiến

Phân tích vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc, núi rừng sông Mã

Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc - Bài số 1:

Quang Dũng vừa là người lính, vừa là một nghệ sĩ tài năng: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc. Trong lĩnh vực nào Quang Dũng cũng có nhưng thành tựu nổi bật nhưng đáng chú ý nhất là thơ. Thơ Quang Dũng âm vang hào khí của một thời cách mạng, của một thời dấn thân vì đại nghĩa. Nhắc đến thơ Quang Dũng, trước hết phải nhắc đến bài Tây Tiến. Chỉ với Tây Tiến, Quang Dũng mới thực sự vững bước đi vào “làng thơ” cách mạng. Trong lần xuất bản 1949, Nhà xuất bản Vệ Quốc quân Liên khu III cho in bài thơ với tựa đề là Nhớ Tây Tiến. Đến năm 1957, khi đưa bài thơ này vào tập Rừng biển quê hương (in chung với Trần Lê Văn - Nhà xuất bản Hội Nhà văn), Quang Dũng bỏ chữ nhớ đi, chỉ lấy hai chữ Tây Tiến.

Bài Tây Tiến vừa ra đời đã được bạn đọc trong và ngoài quân đội truyền tay, truyền miệng thưởng thức. Tính đến năm 2002, bài thơ đã được 54 năm, thế mà nhiều người từ già đến trẻ vẫn không quên vì câu nào, đoạn nào cũng hay. Đây là một đoạn trong bài thơ:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Sau cảm hứng bi tráng về cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả nhưng cũng rất đỗi tự hào của các chiến binh Tây Tiến, bài thơ khơi gợi những kỉ niệm tha thiết yêu thương, tươi đẹp của một thời nhà thơ từng gắn bó với đoàn quân Tây Tiến. Bên cạnh nét đẹp của núi rừng biên giới: nét e ấp của các cô gái trong xiêm áo rực rỡ, những đêm "hội đuốc hoa” tưng bừng là cảnh sông núi miền Tây mênh mang, mờ ảo, thơ mộng. Mặt khác, không gian dòng sông trong một buổi “chiều sương” ở Châu Mộc thật lặng lẽ, hoang dại. Bên dòng sông đậm màu sắc cổ tích, huyền thoại ấy, thiên nhiên qua vài nét chấm phá của Quang Dũng hiện lên có hồn và tình tứ như con người:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ.

Ở đây, những hoa lau phất phơ dọc triền núi, dọc bên bờ Châu Mộc như có hồn phảng phất trong gió, như quyến luyến, tiễn đưa. Câu thơ mang đậm tâm hồn của một người nghệ sĩ tài hoa.

Đặc biệt, thi nhân không dùng bút pháp tả mà chỉ dùng bút pháp gợi. Cái “dáng người trên độc mộc” cũng là gợi nhưng vẫn làm rõ cái dáng dịu dàng, uyển chuyển, xinh xắn của những cô gái trên chiếc thuyền độc mộc lao nhanh trên dòng nước lũ chảy xiết:

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Như hòa hợp với con người, những bông hoa rừng cũng “đong dưa” làm duyên trên dòng nước lũ. Hoa “đong đưa” chứ không phải là “đung đưa”. “Đong đưa” là đưa qua đảo lại. Còn “đung đưa” là chao đi chao lại một cách nhẹ nhàng trong khoảng không. Đây là bút pháp vừa tả thực vừa tả tình lãng mạn: nước lũ chảy xiết làm cho những bông hoa bên mép suối đung đưa - nhưng thi nhân nhìn thành “đong đưa” như những điệu múa mềm mại của những cô gái đẹp, tài hoa, tình tứ. Trên bức tranh thơ có hai bóng hoa rừng sóng đôi: cô lái đò Châu Mộc dáng thon thả, uyển chuyển trên thuyền cũng là một bông hoa rừng và những bông hoa thực đang “đung đua” bên bờ suối; ở đây, còn có cách hiểu khác: trên thuyền độc mộc là người chiến sĩ hiên ngang, oai vệ. Hiểu như thế liệu có phù hợp với đoạn thư này chăng?

Bốn câu thơ rất đặc sắc và đẹp như một bức tranh thủy mặc với những nét chấm phá tinh tế, mềm mại, sâu lắng, truyền được cái sắc hồn của cảnh vật. Phải là nhà thơ của Tây Tiến mới sáng tạo được những vần thơ tài hoa đến thế.

Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc - Bài số 2:

Nhắc đến Quang Dũng là nhắc đến một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc… Ở lĩnh vực nào tác giả cũng có những thành công đáng kể. Nhưng có lẽ còn lại lâu dài nhất với thời gian là một Quang Dũng – nhà thơ. Đó là một hồn thơ trung hậu, yêu tha thiết quê hương, đất nước. Trong thơ Quang Dũng có cái tôi hào hoa, thanh lịch, có khả năng cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên cũng như của tình người. Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho cái tôi nghệ thuật ấy, đặc biệt ở phần hai bài thơ qua khổ thơ:

"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có thấy dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

      Tây Tiến là bài thơ viết về nỗi nhớ:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi"

“Nhớ chơi vơi” - một nỗi nhớ vừa như thực, vừa như hư, bồng bềnh, lan tỏa giữa không gian đại ngàn Tây Bắc và như “chơi vơi” cả trong kí ức nhà thơ về một thời Tây Tiến. Để rồi, từ nỗi nhớ “chơi vơi” ấy, nhà thơ đưa người đọc về với một vùng rừng núi miền Tây Bắc vừa hùng vĩ, hoang sơ, vừa dữ dội, khác thường, với núi cao, vực sâu, thác gầm, thú dữ… Tất cả đều là những thử thách đáng sợ đối với đoàn quân Tây Tiến:

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"

Thế nhưng, người lính Tây Tiến vẫn cứ đối diện với thiên nhiên, nhẫn nại xuyên rừng, mở lối và tiến về phía trước. Vì thế, cái uy lực của thiên nhiên bị giảm xuống, cái tư thế, tầm vóc của con người được nâng cao lên.

Vẫn là nỗi nhớ, là xúc cảm về thiên nhiên cảnh vật gắn với một thời Tây Tiến nhưng đến phần hai bài thơ lại là một bức tranh Tây Bắc vừa duyên dáng, mĩ lệ, vừa thơ mộng, trữ tình:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có thấy dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

Hai câu thơ đầu mở ra một không gian như thực, như hư:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ”

Đó là cảnh của một buổi chiều sương như giăng mắc cả không gian giữa hai bờ của một dòng sông đang chảy về trong hoài niệm, trong nỗi nhớ của nhà thơ. Sông nước, bến bờ lặng tờ, hoang vắng như thời tiền sử. Tất cả như đắm chìm trong màn sương dày đặc. Hai bên bờ sông Mã thời khắc ấy chỉ còn lại những cành lau trắng phất phơ trong bóng chiều đang sậm lại: và hai chữ “hồn lau” ấy có cảm giác như đượm hồn của dân tộc từ ngàn xưa đang vọng về. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng đã từng nói về một Tây Bắc như thế khi gửi nỗi nhớ của mình trong hành trình lên biên giới: Ngắm những ngàn lai trắng đến tận cùng.

Trên dòng sông đậm sắc màu cổ tích ấy, nét bút của nhà thơ lại dừng ở cái dáng rất tạo hình của cô lái đò người Thái:

“Có nhớ dáng người trên độc mộc”

Ngòi bút của nhà thơ thật tinh tế. Chỉ thoáng vài nét chấm phá mà đã gợi lên được cái hồn ngàn lau, cái dáng mềm mại, uyển chuyển của cô gái Thái trên chiếc thuyền độc mộc đuôi én. Cảnh và người như hòa làm một, không rõ nét, tất cả như đắm chìm trong màn sương huyền thoại. Ngay cả một cành hoa trôi trên dòng lũ cũng chỉ thấy một điệu đong đưa:

“Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Phải là “đong đưa” chứ không phải “đung đưa”. “Đong đưa” vừa gợi được sự chuyển động lại vừa gợi được dáng vẻ mềm mại của những nhành hoa rừng như cũng biết làm duyên trên dòng nước lũ. “Đong đưa” là cảm nhận của một tâm hồn giàu tình yêu với thiên nhiên, quan trọng hơn là sự thể hiện của một năng lực quan sát tài hoa của một nhà thơ - một nhà họa sĩ.

Tạo ra được cái hư ảo của cảnh vật và con người trong một buổi chiều dòng sông đậm màu cổ tích ấy, một mặt do cảm nhận tinh tế của một hồn thơ đầy lãng mạn, tài hoa, mặt khác còn do cách lựa chọn bút pháp của tác giả. Quang Dũng đã kết hợp bút pháp vừa tả, vừa gợi để đẩy cao cảm xúc và gây ấn tượng ở người đọc khi sử dụng hàng loạt các câu hỏi tu từ: “Người đi” là ai? “Chiều sương ấy” là chiều sương nào? “Dáng người trên độc mộc” cụ thể ra sao? Và mấy ai đã thấy “hồn lau” như thế nào? Cách tả kết hợp với gợi này cũng thật hợp với nỗi “nhớ chơi vơi” của nhà thơ? Và cảnh và người, vì thế vốn đã thơ, đã mộng lại càng được khoác màu sắc hư ảo, thơ mộng thêm một bậc nữa. Thêm vào đó là những điệp ngữ “có thấy”, “có nhớ”… như khơi dậy cả một vùng hoài niệm về những năm tháng không thể nào quên, nơi rừng núi phía Tây của Tổ quốc. Và rồi, qua cách miêu tả ấy, người đọc chợt nhận ra chiều sâu tâm hồn của những người lính Tây Tiến. Họ không chỉ biết vượt lên thiên nhiên khắc nghiệt, thậm chí đối lập với thiên nhiên (“Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”) mà còn có khả năng cảm nhận vẻ đẹp có chiều sâu của một vùng biên giới. Không ở đâu, chất thơ, chất nhạc lại được kết hợp hài hòa như trong đoạn thơ này.

     Tây Tiến là bài thơ kết tinh cho bút pháp lãng mạn của ngòi bút Quang Dũng. Chỉ với bốn câu thơ nhưng nhà thơ đã thể hiện được một cách nhìn nhiều chiều về thiên nhiên và con người mang đậm phong cách riêng. Bởi vì thiên nhiên và con người ấy chỉ có thể được hái qua một cái tôi nghệ thuật hào hoa, lãng mạn.

Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc - Bài số 3:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Đoạn thơ mở đầu bằng hình ảnh “Người đi Châu Mộc” trong “chiều sương ấy”. Giữa một không gian mờ mờ, ảo ảo, hư hư, thực thực, tác giả đã đẩy người đọc về một điểm thời gian xa xôi vô định ở đâu đó trong nỗi nhớ của mình. “Người đi Châu Mộc” ở đây có thể hiểu như là đối tượng trữ tình để Quang Dũng hướng nỗi nhớ, tình cảm và ý thơ của mình đến. Tứ thơ của hai câu thơ thứ hai và thứ ba gợi nên cho người đọc biết bao rung động, suy tư. Chính cái cấu trúc “có thấy… có nhớ…” đã làm cho câu thơ, giọng thơ mang nhịp da diết, khắc khoải, in sâu thêm vào tiềm thức con người. Dường như cái "hồn” và cái “bóng” trong không gian ấy đều mờ nhạt, tạo nên cảm thức hoang sơ, cô quạnh. Đối với Quang Dũng, khi viết bài thơ này, cảm hứng chủ đạo là nỗi niềm nhớ thương về đồng đội, cho nên động tới bất kỳ câu thơ nào ta cùng thấy trào dâng nên xúc cảm. Mọi hình ảnh qua cảm quan của người đọc đều ở trong trạng thái mơ hồ, ám ảnh. Và chìm trong những hình ảnh tĩnh ấy, ta thấy nổi lên một hình ảnh “hoa đong đưa” thật đẹp và gợi hình. Câu thơ thứ tư đọc lên nghe giống như trong một thước phim vậy. Đất trời lặng lẽ theo con nước là bông hoa vô thường đơn chiếc.

Cả đoạn thơ nhuốm một vẻ buồn của tâm trạng, nếu như ở những khổ thơ trên trong bài Tây Tiến người ta thấy một giọng thơ lãng mạn trẻ trung và tươi tắn của anh lính trẻ Tây Tiến thì đến đây, tâm trạng như có phần trùng xuống. Phải chăng giữa mênh mang nỗi nhớ niềm yêu, giữa những hồi ức đẹp đẽ gian khổ mà hào hùng, anh dũng mà tài hoa, lòng Quang Dũng bỗng dưng cảm thấy cô đơn, buồn bã khi chợt hiểu ra rằng tất cả đều đã chìm sâu trong quá khứ.

Phải nói đây thực sự là một đoạn thơ rất hay và đặc sắc trong cả một bài thơ Tây Tiến. Bởi lẽ, khi người ta đọc nó, người ta buộc phải hướng toàn bộ xúc cảm và tư tưởng về nó để cảm thụ được và hiểu được. Hơn thế nữa, tứ thơ gợi nhiều suy tưởng miên man. Nào là “hồn lau”, nào là “hoa đong đưa”, và đặc biệt là “chiều sương ấy”, hình ảnh nào cũng mang màu sắc vô thực, ám ảnh để rồi từ ấy, nó cứ len lỏi, len lỏi sâu thêm vào trong tâm trí cũng như là trong nỗi nhớ của Quang Dũng.

Nếu như coi Tây Tiến là một bản hòa âm thì có lẽ bốn câu thơ này sẽ là một nốt trầm xao xuyến để sau đây lại tiếp tục cất vút cao lên những khúc ca bi tráng của những người lính Tây Tiến anh hùng.

Lời thơ đẹp và tứ thơ lại giàu hình ảnh, chính điều này đã làm nên vẻ đẹp cho toàn đoạn thơ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng “hồn lau nẻo bến bờ” hình ảnh này không chỉ mang nét cô đơn, mà còn gợi nên sự hoang dại của cảnh vật. Và “hoa đong đưa” dường như mang một cái gì đó tương phân với “dòng nước lũ”. Bởi lẽ, “hoa đong đưa” chỉ thường xuất hiện bên dòng sông phẳng lặng hay đại loại như thế. Phải chăng đây cũng chính là một dụng ý nghệ thuật độc đáo của tác giả? Điều này có lẽ cũng chẳng ai biết chắc được, chỉ biết rằng, Quang Dũng đã thành công trong việc diễn tả được cảm xúc và nỗi nhớ bâng khuâng của mình gián tiếp từ những hình ảnh và tứ thơ mới, độc đáo.

Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên dữ dội của Tây Bắc

Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc - Bài số 1:

Bài thơ Tây Tiến có thể xem như một hiện tượng “xuất thần” của Quang Dũng trong thơ kháng chiến chống Pháp. Đó là “đứa con đầu lòng hào hoa và tráng kiện” (Phong Lê) được khí phách của cả một thời đại ùa vào, chắp cánh để cho cái chất bi tráng bay lên như một nét đẹp hiếm có của một thời thơ. Và đây là một nét đẹp hào hùng trên đường hành quân gian khổ của người lính Tây Tiến qua sự hồi tưởng của nhà thơ Quang Dũng:

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Bốn câu thơ mà dựng lên trước mắt ta cái độ cao đến rợn người của chiến trường Tây Tiến. Người lính phải hành quân lên cao mãi, hết dốc này đến dốc khác, đã “khúc khuỷu” lại “thăm thẳm”. Nhịp thơ dừng ở vần trắc: Dốc lên khúc khuỷu / dốc thăm thẳm tưởng như nghe được nhịp thở nặng nhọc, gấp gáp của người chiến sĩ đang trèo núi để chiếm lĩnh những độ cao thăm thẳm. Ngỡ như các anh đang đi trong mây, đang cưỡi trên mây (“cồn mây”) để lên đến đỉnh trời. Và khi đã chiếm lĩnh được đỉnh cao nhất thì “súng” các anh đã “ngửi trời”! Có một tiếng cười, thú vị mà tinh nghịch của người lính hào hoa Hà Nội khi đã chiếm lĩnh được đỉnh cao nhất. Không phải súng chạm trời mà là súng ngửi trời. Khẩu súng được nhân hóa như con người (chính là các anh đó thôi!) đã khiến câu thơ trở nên hóm hỉnh, tinh nghịch, nhưng không kém hào hoa của những chàng trai đất kinh thành hoa lệ lên đánh giặc ở miền Tây. Câu trên nặng nhọc, gấp gáp; câu dưới nhẹ nhàng, thơ mộng trong sự tự hào của người chiến thắng. Ta hiểu đây không chỉ là đỉnh cao của thiên nhiên mặt đất mà chính là đỉnh cao trong sự chiến thắng của tinh thần, nghị lực người chiến sĩ.

Cái độ cao ấy chắc chắn đã thành ấn tượng trong nỗi nhớ của Quang Dũng đối với chiến trường miền Tây đến mức nhà thơ phải nhắc đến hai lần trong một khổ thơ ngắn. Và lần thứ hai lại là một sáng tạo đặc sắc của thơ Quang Dũng:

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Câu thơ gấp khúc như bị ngắt làm hai Ngàn thước lên cao / ngàn thước xuống diễn tả rõ con đường hành quân lên rất cao rồi lại xuống rất sâu trên những vách núi dựng đứng của chiến trường Tây Tiến. Nếu câu trên được dùng nhiều thanh trắc, đặc biệt ở cuối câu thơ (ngàn thước xuống) tạo nên sự khúc khuỷu, gập ghềnh, cheo leo, vất vả thì câu dưới lại dùng toàn thanh bằng, hầu hết là thanh không dấu khiến câu thơ êm ả như một sợi khói nhẹ nhàng đang bay lên trời: Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi. Sự đối lập của thanh điệu, nhịp điệu câu thơ đem đến sự đối lập của cảnh và tình trong hai câu thơ và đấy chính là nét tài hoa cùa thi sĩ. Xưa, Tản Đà cũng có câu thơ như vậy:

Tài cao phận thấp, chí khí uất

Giang hồ mê chơi quên quê hương

Nhưng câu thơ của Tản Đà chủ yếu là gợi tình, còn câu thơ của Quang Dũng chủ yếu lại là vẽ cảnh. Tất nhiên trong cảnh có tình. Trên đường hành quân ra trận, hình ảnh một mái nhà thấp thoáng trong màn mưa mỏng nơi lưng chừng núi thì ấm lòng chiến sĩ, gợi nhớ tình người biết bao! Mặt khác, trên đường hành quân cheo leo vách núi dựng đứng, mà vẫn không bỏ qua một mái nhà thơ mộng như vậy, thì đó chính là tâm hồn hào hoa nghệ sĩ của người lính Tây Tiến - những chàng trai kinh thành “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Tâm hồn các anh phải phong phú, cao đẹp, lãng mạn như thế nào thì mới cảm nhận được cảnh đẹp như vậy. Và chỉ một khổ thơ nhớ lại bước đường hành quân trên núi cao Tây Tiến của các anh mà đã bộc lộ rõ nét tài hoa ấy. Đó là khẩu khí Quang Dũng đã thổi hồn vào ngôn ngữ thi ca để làm nên khổ thơ tuyệt bút mang đậm chất thơ Tây Tiến này.

Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc - Bài số 2:

Quang Dũng là một nhà thơ nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhạc sĩ, một họa sĩ, nhà điêu khắc… Nên trong thơ ông thường có chất nhạc, chất họa, trữ tình lãng mạn, nhưng không kém phần anh hùng, bi tráng.

Bài thơ Tây Tiến là một bài thơ hay, với đề tài người lính trong kháng chiến tuy không phải là lạ lẫm với người đọc, nhưng thông qua cái nhìn của nhà thơ Quang Dũng thì hình ảnh người lính hiện lên vô cùng sinh động, chân thực, nhưng cũng rất lãng mạn đậm chất trữ tình, oai hùm.

Trong khổ thơ này thể hiện sự khó khăn, vất vả của người lính trên con đường hành quân gian nan của mình, gặp nhiều khó khăn, nhiều tình huống bi ai, đau xót khi người lính phải đối diện với cái chết, nhưng tất cả hiện lên vô cùng đơn sơ, chân thực, nhẹ tựa lông hồng, khiến người đọc cảm nhận được sự anh hùng của người lính.

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

Đoạn thơ thể hiện cảnh chiến trường vô cùng gian nan nguy hiểm. Trong khổ thơ này tác giả sử dụng nghệ thuật đối lập giữa lên và xuống thể hiện sự trùng điệp của núi non hiểm trở, những khó khăn mà binh đoàn Tây Tiến phải vượt qua trong quá trình hành quân của mình.

Cảnh rừng Tây Bắc vô cùng hiểm trở hoang sơ, được tác giả Quang Dũng tái hiện lại vô cùng rõ nét, như một bức tranh thiên nhiên hoang vu, hiểm ác, khắc họa sự chân thực của cuộc sống người lính trong rừng như thế nào. Người lính Tây Tiến phải đối diện những thử thách ghê gớm, rợn người với những giờ phút sinh tử có thể cận kề bất cứ lúc nào ám ảnh người đọc bởi sự thiếu thốn về vật chất, những trận sốt rét rừng. Có những lúc người lính leo lên tới đỉnh núi cảm nhận thấy như ngọn súng chiến đấu của mình chạm tới những đám mây trên trời.

Hình ảnh heo hút cồn mây súng ngửi trời thể hiện sự hiểm trở, hẻo lánh của vùng núi rừng Tây Bắc nhưng cũng là hình ảnh nghệ thuật vô cùng tươi đẹp, thể hiện chất nhạc chất họa trong thơ của Quang Dũng, thể hiện tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ lúc nào cũng sẵn sàng cho tình huống đối diện với giặc, nên ngọn súng dương cao không bao giờ ngủ yên, hay cúi xuống, tư thế sẵn sàng chiến đấu của người lính trong binh đoàn Tây Tiến.

“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

Hình ảnh đoàn quân nghỉ chân giữa lưng chừng núi, giữa bốn bề hoang vu không gian bao la, người lính nhìn thấy những ngôi nhà xa xa những khói bếp quê nhà gợi lên ấm áp tình cảm quê hương, con người thân thiết.

Gợi lên những cảm xúc vô cùng thân thương, quen thuộc như gia đình mình ở đâu đó nơi xa kia. Câu thơ toàn thanh bằng làm cho khổ thơ đang trúc trắc gập ghềnh bỗng trở nên nhẹ bẫng, thổi một làn gió mát lành vào trong lòng người nghe người đọc.

Đó chính là sự tài tình của Quang Dũng khi viết bài thơ Tây Tiến, sự tinh tế của tác giả trong việc sử dụng ngôn ngữ tạo cho bài thơ những âm hưởng giai điệu riêng, vô cùng độc đáo phóng khoáng.

Bài thơ Tây Tiến là bài thơ thể hiện khí chất anh hùng, bi tráng nhưng không kém phần lãng mạn của những người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ trong kháng chiến chống thực dân Pháp giải phóng dân tộc.

--------------------------------------------------------------------

Có thể nói thiên nhiên Tây Bắc hiện lên trong hai đoạn thơ rất khác nhau, đó là vẻ đẹp dữ dội và vẻ đẹp lãng mạn, trữ tình. Trên đây là những bài văn tham khảo phân tích hai đoạn thơ Tây Tiến để thấy từng vẻ đẹp khác nhau của thiên nhiên Tây Bắc trong Tây Tiến, các em có thể tham khảo và chọn lọc ý rồi tổng hợp thành một bài hoàn văn hoàn chỉnh. Có thể xem lại bài văn mẫu phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng để cảm nhận rõ hơn bức tranh thiên nhiên đa dạng này.

Cảm nhận vẻ đẹp khác nhau của thiên nhiên Tây Bắc trong Tây Tiến

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM