Tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở địa phương em

Xuất bản: 13/04/2020

Gợi ý trả lời câu hỏi 3 trang 120 SGK Lịch sử lớp 12: Tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở địa phương em (Hà Nội, TP.HCM, Huế,...)

Câu hỏi

Tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở địa phương em.

Hướng dẫn  trả lời

Các em học sinh tìm tài liệu về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám ở địa phương mình thông qua các phương tiện truyền thông: sách, báo, tư liệu lịch sử địa phương, mạng Internet...

Trả lời câu 3 trang 120 SGK Lịch sử 12

Tham khảo một số tài liệu, Đọc tài liệu đã sưu tầm được thông tin về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám ở một số địa phương sau, mời các em học sinh tham khảo.

a) Tại các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên:

2 giờ chiều ngày 16/8/1945, một đơn vị chủ lực của Việt Nam Giải phóng quân xuất phát từ Tân Trào tiến đánh thị xã Thái Nguyên.

Đêm hôm trước (ngày 15/8), một bộ phận khác tiến về phối hợp với các địa phương giải phóng tỉnh lỵ Tuyên Quang...

Mục tiêu tiến công của Giải phóng quân lúc này không còn là những đồn bốt, châu lỵ mà là những căn cứ chính của địch, các thị trấn, thị xã.

Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập" là quyết tâm của các cán bộ và chiến sĩ Giải phóng quân.

Thị xã Thái Nguyên được chọn làm điểm tiến công chính của Giải phóng quân.

Đây là một đô thị quan trọng án ngữ phía Nam Việt Bắc, một bàn đạp để tràn về trung châu Bắc Bộ, một vị trí yết hầu để đổ về Hà Nội.

Sau cuộc càn quét lên khu giải phóng thất bại, quân đội Nhật ra sức củng cố thị xã Thái Nguyên thành một điểm chốt mạnh để ngăn cản thế uy hiếp của khu giải phóng.

Lực lượng địch ở đây có 400 lính bảo an với 600 súng trường, súng máy và khoảng 120 lính Nhật.

Giải phóng quân từ Tân Trào tiến thẳng về Thái Nguyên, bỏ đằng sau các đồn trại lẻ tẻ của Nhật.

1 giờ trưa ngày 19/8/1945, Giải phóng quân tới làng Thịnh Đán, phía tây thị xã Thái Nguyên thì dừng lại để chuẩn bị đánh chiếm thị xã; trên đường hành quân, lực lượng ta được bổ sung thành một chi đội 450 người.

Trong hai ngày 18 và 19/8/1945, khi Giải phóng quân đang về thị xã Thái Nguyên, thì tại đây các đội tuyên truyền xung phong, tự vệ vũ trang ở địa phương đã tăng cường hoạt động.

Nhiều đội dân quân từ các huyện lân cận mang theo dao, kiếm, giáo, mác, gậy gộc... tấp nập kéo đến cùng Giải phóng quân đánh chiếm thị xã.

Đây là lần đầu tiên Giải phóng quân tập trung nhiều quân nhất đánh vào một thị xã có đông quân địch phòng ngự trong các công sự kiên cố.

Mặc dầu về mặt số lượng, Giải phóng quân không đủ lực lượng để tiêu diệt địch, nhưng căn cứ vào tình hình đặc biệt lúc bấy giờ và tình hình kẻ địch đang bối rối, tan rã, Bộ chỉ huy quyết định hành động.

4 giờ sáng ngày 20/8/1945, Giải phóng quân cùng nhân dân bao vây thị xã, năm giờ rưỡi sáng, ta trao tối hậu thư cho tên tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng đầu hàng, lính bảo an nộp khí giới.

Cùng một lúc, Giải phóng quân đã nổ súng tiến công các doanh trại quân Nhật; ngay loạt súng đầu, ta đã diệt nhiều tên địch.

Sau hai giờ chiến đấu, Giải phóng quân ngừng bắn, đưa thư của Ủy ban khởi nghĩa buộc quân Nhật phải nộp khí giới.

3 giờ chiều, đến hạn định, quân Nhật không chịu nộp khí giới, cuộc chiến đấu lại tiếp tục. Ta chuyển dần từ đánh tập kích sang trận địa bao vây và chiến đấu trên đường phố.

Nhân dân tiếp tục dựng thêm nhiều chiến lũy, mang cơm nước, đạn dược tiếp tế cho bộ đội.

Bộ đội Giải phóng quân kết hợp xung phong với hỏa lực ba-dô-ca, lựu đạn lửa, diệt quân Nhật ở hai ngôi nhà gạch lớn trong thành phố, diệt trại hiến binh rồi bao vây chặt hai doanh trại còn lại.

Quân khởi nghĩa đã làm chủ thành phố, quân Nhật rút hết về Hà Nội.

Ngày 20/8, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại trung tâm thị xã.

Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố bãi bỏ chính quyền tay sai của phát xít Nhật, thành lập chính quyền nhân dân và bắt đầu thi hành chính sách của Chính phủ lâm thời trong thị xã và trong toàn tỉnh.

Hai chi đội Giải phóng quân 3 và 4 được thành lập.

Ở Tuyên Quang, 8 giờ tối ngày 16/8/1945, các lực lượng vũ trang, nửa vũ trang đã tập trung đông đủ ở Ỷ La trên đường Hà Giang - Tuyên Quang để tiến đánh thị xã, một cứ điểm mạnh của giặc Nhật.

Bên cạnh các chiến sĩ Giải phóng quân là các chiến sĩ tự vệ công nhân mỏ than, tự vệ các dân tộc ở thị xã và các xã lân cận; đội ngũ chỉnh tề, vũ trang bằng mã tấu, súng kíp, cuốc chim, choòng, búa, giáo, mác, tên nỏ.

2 giờ sáng ngày 17/8/1945, đoàn quân chia làm hai mũi, một mũi vòng xuống phía nam thị xã Tuyên Quang, một mũi tiến thẳng vào khu trại bảo an binh và các công sở.

Do có binh lính giác ngộ cách mạng hưởng ứng, Giải phóng quân nhanh chóng đột nhập trại bảo an binh, chiếm các vị trí trọng yếu rồi ập vào bắt tên chỉ huy, kêu gọi binh lính đầu hàng.

Cuộc chiến đấu kết thúc mau lẹ, gọn gàng; các đơn vị khác nhanh chóng chiếm các công sở trong thị xã, công chức, nhân viên đã chuẩn bị sẵn đón quân khởi nghĩa; tỉnh trưởng bù nhìn đầu hàng.

Trận tiến công doanh trại quân Nhật diễn ra rất quyết liệt.

Lực lượng quân Nhật gồm hơn một tiểu đoàn, có súng cối và cả sơn pháo; vị trí đóng quân của chúng có tường cao, hào sâu.

Quân khởi nghĩa bám từng bờ hào, nhảy cả lên mái nhà, công kênh nhau vượt tường, dùng dao, súng, mã tấu xung phong đánh quân Nhật.

Bên ngoài, nhân dân xuống đường đông nghịt, biểu tình thị uy, trợ lực cho cuộc tiến công.

Tiếng reo hò của nhân dân biểu tình vang như sấm dậy hòa lẫn tiếng súng trận làm rung chuyển cả thị xã.

Trước sức tiến công mãnh liệt của Giải phóng quân và sức uy hiếp mạnh mẽ của nhân dân khởi nghĩa, quân Nhật phải xin đàm phán nhưng khi được tin có một cánh quân của chúng đang từ Hà Giang kéo về gần tới nơi, quân Nhật lại trở mặt.

Các chiến sĩ Giải phóng quân và tự vệ công nhân lập tức tiếp tục cuộc tiến công, mở nhiều đợt xung phong mãnh liệt. Đến sáng 21/8/1945, quân Nhật rút hết về Hà Nội, Tuyên Quang được giải phóng.

Cuộc đánh chiếm các tỉnh lỵ Thái Nguyên, Tuyên Quang thắng lợi vì Giải phóng quân đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chính trị, dùng cả quân sự, chính trị và binh vận để tiến công quân địch.

b) Tại Hà Nội:

Hà Nội nằm ở trung tâm Bắc Kỳ, một vị trí chiến lược quan trọng hàng đầu trong hệ thống phòng thủ, cai trị của Pháp và sau là Nhật ở Đông Dương; cả Pháp và Nhật đều đặt các công sở cai trị quan trọng về quân sự, dân sự ở Hà Nội cùng với việc duy trì lực lượng tay sai ở đây.

Từ năm 1940 đến đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở Hà Nội đã có bước phát triển rõ rệt.

Lực lượng cách mạng đã đông đảo, lực lượng vũ trang đã vững vàng.

Nhân dân Hà Nội đã trải qua những bước đấu tranh từ thấp đến cao, từ đấu tranh kinh tế đến đấu tranh chính trị và có vũ trang hỗ trợ.

Mọi tầng lớp xã hội đã nhận thức con đường cứu nước của Việt Minh là đúng đắn.

Đêm 9/3/1945, Nhật nổ súng lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương.

Việc Nhật đảo chính Pháp đã được Trung ương Đảng dự đoán từ trước.

Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta".

Trên cơ sở bản chỉ thị của Trung ương, Thành ủy Hà Nội chủ trương hướng phong trào cách mạng Hà Nội vào những nhiệm vụ cụ thể:

Thứ nhất, coi các tổ chức cứu quốc là lực lượng nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa sắp tới, vận động công nhân tăng cường đấu tranh tại các xí nghiệp lớn, quan trọng, gấp rút tổ chức huấn luyện đào tạo cán bộ về quân sự và chính trị, tranh thủ quần chúng trong các tổ chức công khai hợp pháp, mở rộng hơn nữa Mặt trận Việt Minh;

Thứ hai, gấp rút xây dựng, phát triển các đội tự vệ chiến đấu, đội tuyên truyền xung phong, đoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, mở rộng việc bán "tín phiếu Việt Minh", tổ chức quyên góp mua sắm vũ khí, lấy súng đạn của binh lính Pháp - Nhật, tổ chức sản xuất vũ khí thô sơ;

Thứ ba, chống khủng bố trắng của phát xít, huấn luyện nguyên tắc hoạt động bí mật cho các đoàn viên cứu quốc, phát triển cơ sở Đảng trong lính bảo an, cảnh sát thành phố, công sở quan trọng của địch để nắm tình hình;

Thứ tư, trừng trị phản động, vạch mặt phát xít Nhật, đảng phái thân Nhật và chính quyền thân Nhật.

Trung ương quyết định tăng cường cán bộ cho Hà Nội để phối hợp lãnh đạo cách mạng.

Những cán bộ Đảng viên vượt ngục Hỏa Lò trong dịp Nhật làm đảo chính đã kịp thời được bổ sung vào các tổ chức.

Ban quân sự được thành lập để chỉ đạo các đơn vị tự chiến đấu, các đội tuyên truyền xung phong. Đội danh dự đảm nhận việc trừng trị phần tử phản động, mật thám.

Đồng chí Nguyễn Khang, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ đạo phong trào Hà Nội và lãnh đạo đội danh dự, ban Cán sự Thành ủy đổi là Ban Thành ủy.

Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ cũng trực tiếp chỉ đạo các tổ chức ở Hà Nội như: Văn hóa cứu quốc, Ban Tài chính, Ban mua sắm vũ khí, dược phẩm.

Việc mở lớp huấn luyện quân sự chính trị tại ngoại thành các vùng Bắc Ninh, Hà Đông và tham dự lớp "Quân chính kháng Nhật" ở Chiến khu Việt Bắc cũng do Trung ương và Xứ ủy giúp đỡ.

Khi lệnh Tổng khởi nghĩa về tới Hà Nội ngày 15/8/1945, các cán bộ phụ trách cùng với đội trưởng các đội tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong triệu tập.

Tại chùa Hà, Dịch Vọng, một Hội nghị bất thường được tiến hành để kiểm tra lại lực lượng và vạch ra kế hoạch hành động theo phương châm: diễn thuyết để thu hút quần chúng, tổ chức mít tinh để thăm dò thái độ Nhật, sẵn sàng đối phó bằng lực lượng vũ trang với Nhật.

Tối 15/8/1945, đội tuyên truyền xung phong tổ chức diễn thuyết đồng thời ở ba rạp hát lớn trong thành phố: Tố Như, Quảng Lạc, Hiệp Thành. Tại đây, quần chúng nhân dân được thông báo tin Nhật đã đầu hàng và kêu gọi sẵn sàng xuống đường đấu tranh giành chính quyền.

Ở mọi nơi, mọi lúc, các báo, đài đồng loạt truyền tin Nhật đầu hàng, quân Đồng minh sẽ vào Hà Nội giải giáp quân Nhật. Bọn Nhật ở Hà Nội tỏ ra hoang mang, chán nản rõ rệt.

Cùng lúc với Hội nghị chùa Hà, cuộc họp của Xứ ủy Bắc Kỳ cũng được tiến hành tại làng Vạn Phúc, Hà Đông.

Ban Xứ ủy quyết định khởi nghĩa từng phần trong 10 tỉnh đồng bằng, thành lập Ủy ban quân sự cách mạng ở Hà Nội.

Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Khang, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ ra Hà Nội phụ trách cuộc họp tại số nhà 101 phố Găm-bét-ta (nay là phố Trần Hưng Đạo) để bàn về việc giành chính quyền ở Hà Nội với tinh thần chủ động khởi nghĩa, không trông chờ vào quân Đồng minh.

Quá trình khởi nghĩa được xác định là phải có sự phối hợp giữa lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, tránh xung đột, đổ máu trong lúc quân Nhật đang hoang mang, ngụy quyền mất chỗ dựa.

Qua nắm tình hình, Mặt trận Việt Minh ở Hà Nội biết sẽ có cuộc mít tinh lớn của Tổng hội viên chức vào ngày 17/8/1945. Việt Minh quyết định sẽ chuyển cuộc mít tinh này thành cuộc mít tinh tuần hành của quần chúng, biểu dương lực lượng cách mạng.

Chiều ngày 17/8/1945, cuộc mít tinh của Tổng hội công chức bắt đầu tại Nhà hát Lớn.

Hàng vạn quần chúng ở nội và ngoại thành đến dự, có nhiều lính bảo an, cảnh sát đến giữ trật tự; cuộc mít tinh vừa khai mạc thì cờ đỏ sao vàng xuất hiện.

Đám đông quần chúng xôn xao: "Cờ Việt Minh!", "Cờ Việt Minh!".

Lính bảo an, cảnh sát ngơ ngác, cả hội trường nhà hát sôi động. Các đội viên đội tự vệ dồn Ban tổ chức mít tinh vào một góc rồi chiếm lấy diễn đàn. Lá cờ đỏ sao vàng lớn từ tầng 2 Nhà hát Lớn buông xuống.

Các đội viên tuyên truyền xung phong báo tin Nhật đầu hàng Đồng minh, tuyên bố đường lối cứu nước của Việt Minh, kêu gọi nhân dân thành phố ủng hộ Việt Minh, đả đảo chính quyền thân Nhật và tay sai.

Dưới sự hướng dẫn của đội tự vệ chiến đấu, nhân dân nhanh chóng chuyển thành hàng ngũ xuống đường tuần hành. Đoàn tuần hành từ Nhà hát lớn, diễu qua phố Tràng Tiền, rồi ra bờ hồ Hoàn Kiếm.

Các khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh", "Đả đảo bù nhìn", "Việt Nam hoàn toàn độc lập" vang lên. Nhân dân hai bên đường nhập vào làm cho cuộc tuần hành càng thêm đông.

Đến vườn hoa Chí Linh, đoàn tuần hành có thêm binh lính bảo an. Đoàn biểu tình qua các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, Cửa Bắc, Cửa Nam, Phủ Toàn quyền Nhật.

Đến Cửa Nam, đoàn tách ra thành những tốp nhỏ, đi về các ngả phố, các cửa ô và ra ngoại thành. Tại khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào, Bờ Hồ, lính bảo an trong nhóm tuần hành còn bắn một loạt súng trước khi giải tán. Đến 10 giờ đêm, rải rác trong thành phố vẫn còn tiếng hô khẩu hiệu.

Tối 17/8/1945, khâm sai Bắc Kỳ xin từ chức, ban lãnh đạo Thường vụ và Xứ ủy triệu tập cuộc họp bất thường tại làng Vạn Phúc (Hà Đông).

Hội nghị nhận định: quân Nhật hoang mang đến cực điểm, lực lượng cách mạng đã ở thế áp đảo, nhân dân Hà Nội đang nóng lòng hành động, xứ ủy quyết định phát động khởi nghĩa ở Hà Nội và Hà Đông.

Từ ngày 18/8/1945, không khí chuẩn bị khởi nghĩa ở Hà Nội bừng bừng trong thành phố. Những mô tô, xe đạp của các đội viên đội tuyên truyền xung phong hoạt động rầm rộ; nhân dân tự nguyện may cờ, đón nhận tài liệu của Việt Minh, sắm sửa vũ khí thô sơ (gậy, giáo, mác, liềm), phân phát truyền đơn, dán áp phích.

Sáng sớm ngày 19/8/1945, cả Hà Nội rực màu cờ đỏ sao vàng.

Nhiều nhà máy không hoạt động, chợ vắng người, hiệu buôn đóng cửa; khắp nơi vang lên những tiếng hô khẩu hiệu: "Đả đảo chính phủ bù nhìn", "Thành lập chính phủ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam", "Anh em binh lính hãy mang súng gia nhập Việt Minh".

Từ các hướng ngoại thành, quần chúng mang theo súng ống, gậy gộc, mã tấu... vào trung tâm thành phố, tập trung ở quảng trường Nhà Hát Lớn.

Lúc 11 giờ, cuộc mít tinh bắt đầu. Trước máy phát thanh, đại diện Việt Minh đọc lời hiệu triệu của Việt Minh; khi lời hiệu triệu vừa dứt, quần chúng hô vang những khẩu hiệu rồi chuyển thành cuộc biểu tình có vũ trang theo những hướng đã định.

Ở Phủ Khâm Sai, đoàn biểu tình đập cửa, hô khẩu hiệu.

Ở Trại Bảo An Binh, bọn chỉ huy ngoan cố không chịu mở cửa cho đoàn biểu tình và trì hoãn việc đầu hàng, giao nộp vũ khí. Các chiến sĩ tự vệ phải dùng áp lực vũ trang chiếm kho vũ khí và các vị trí then chốt trong trại.

Đến 5 giờ chiều, sau khi nghe đại biểu Việt Minh thuyết phục, chúng mới rút đi.

Ở Ty Liêm phóng Bắc Kỳ, khi đoàn biểu tình đến, viên chánh thanh tra chấp nhận bảo vệ hồ sơ để bàn giao cho cách mạng. Ở Tòa thị chính, thị trưởng Trần Văn Lai đã chờ sẵn để trao công sở cho Việt Minh.

Ở các nơi khác như kho bạc, sở bưu điện, sở cảnh sát thành phố, nhà máy A-vi-a, đoàn biểu tình không gặp trở ngại gì, nắm quyền kiểm soát một cách dễ dàng.

Đến chiều tối ngày 19/8/1945, Việt Minh lần lượt giành chính quyền, làm chủ toàn thành phố. Ủy ban Quân sự cách mạng họp bàn việc tổ chức chính quyền cách mạng cấp xứ, cấp thành. Các Ủy ban Nhân dân Cách mạng cấp xã được thành lập.

Dưới sự điều hành của Ủy ban Nhân dân Cách mạng, các tổ chức công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc giữ vai trò nòng cốt của cơ quan chính quyền các cấp. Công việc trước mắt của các cơ quan này là canh gác, bảo vệ, trừ gian, giữ trật tự, an ninh thành phố.

Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hà Nội. Ngày 26/8/1945, một cuộc mít tinh biểu dương lực lượng cách mạng được tổ chức trước đại biểu phái bộ Đồng minh. Ngày 31/8/1945, hai đội Giải phóng quân về đến Hà Nội.

Trong quá trình thực dân Pháp cai trị Đông Dương và sau đó là phát xít Nhật, Hà Nội trở thành trung tâm quyền lực chính trị của chúng mà cụ thể là Phủ Toàn quyền Đông Dương được đặt ở Hà Nội.

Đối với dân tộc ta, Hà Nội là vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, là trung tâm của nền văn minh Đại Việt. Vì thế, cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi ở Hà Nội là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa sâu sắc.

Thắng lợi cách mạng tháng Tám ở Hà Nội còn khẳng định chủ trương và đường lối chiến lược đúng đắn của Mặt trận Việt Minh; đây cũng là nguồn cổ vũ to lớn cho các địa phương khác trong cả nước vùng đứng dậy đấu tranh, giành chính quyền về tay nhân dân.

c) Tại thành phố Huế:

Huế được xem là trung tâm chính trị của mảnh đất Trung Kỳ; cùng với nhân dân Trung Kỳ và nhân dân cả nước, đồng bào Thừa Thiên - Huế luôn có mặt trong trận tuyến đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu là trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh.

Được tin này, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn tỉnh, hội nghị nhất trí chủ trương phát động khởi nghĩa trong toàn tỉnh.

Không thụ động chờ lệnh của Trung ương, Hội nghị đã quyết định cho huyện Phú Lộc giành chính quyền trước nhằm rút kinh nghiệm cho các huyện khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Huế tiến hành khởi nghĩa ngay sau đó.

Do đặc điểm chính trị phức tạp ở Huế, Thường vụ Tỉnh ủy đã có những cố gắng để giảm bớt sự chống phá của địch.

Việt Minh đã cố gắng giải thích chính sách của mặt trận là: "Đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để cứu nước khỏi ách nô lệ... kêu gọi mọi người tham gia cứu nước, trước mắt tránh những việc làm có hại cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc mà Mặt trận Việt Minh đang tiến hành".

Một số cán bộ Việt Minh tỉnh đã trực tiếp gặp, vận động một số yếu nhân ngả về phía cách mạng.

Một số quan chức trong chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim đã hoàn toàn nhất trí đi theo cách mạng và đề nghị cử người cùng đi xuống các đồn lính để vận động họ đi theo Việt Minh.

Riêng đối với vua Bảo Đại, Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe được Mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ vận động thoái vị.

Ngày 17/8/1945, Nội các Trần Trọng Kim họp và ngay hôm đó vua Bảo Đại ban hành dụ số 105 gồm hai điểm chính:

"Điểm thứ nhất, nhà vua sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh là tổ chức đã đấu tranh nhiều nhất cho quyền lợi của nhân dân và mời các lãnh tụ Việt Minh về Huế thành lập Nội các; điểm thứ hai, vấn đề chính thể sẽ do nhân dân quyết định sau, nhà vua cam đoan sẽ làm theo ý chí của nhân dân".

Ngày 20/8/1945, đoàn cán bộ Trung ương gồm các đồng chí Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Duy Trinh đến Huế tham gia chỉ đạo khởi nghĩa.

Các thành viên trong đoàn cán bộ Trung ương hoàn toàn thống nhất với kế hoạch khởi nghĩa.

Ngay trong ngày hôm đó, Ủy ban khởi nghĩa được thành lập gồm đồng chí Tố Hữu (Chủ tịch), đồng chí Hoàng Anh (Phó Chủ tịch).

Tối 21/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa phổ biến kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các huyện, thành phố và từng cán bộ đảm nhiệm việc tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cao trào cách mạng trong cả nước, chính phủ Trần Trọng Kim rất hoang mang, lo sợ.

Ủy ban khởi nghĩa quyết định đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, tích cực làm tốt công tác binh vận, ngụy vận, nhanh chóng làm tê liệt bộ máy chính quyền bù nhìn và sắp xếp kế hoạch huy động quần chúng ở các huyện, các thành phố tham gia mít tinh tuần hành.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh

đã đọc bản Tuyên Ngôn Độc lập (Ảnh: daidoanket.vn).

Các đoàn thể cứu quốc, các đội tự vệ chiến đấu có nhiệm vụ phát động quần chúng chiếm giữ cơ quan, công sở, kho tàng của chính quyền Nhật.

Chiều 22/8/1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trong cơ xưởng hỏa xa, Trường Kỹ nghệ thực hành, Sở Công chánh... tất cả công nhân đồng loạt đứng lên khởi nghĩa làm chủ các nhà máy, xí nghiệp, đập tan ách thống trị của thực dân, phát xít.

Tại các huyện, thực hiện quyết định của Hội nghị cán bộ toàn tỉnh ngày 15/8, từ ngày 18 đến 22, Ủy ban khởi nghĩa các huyện đã phát động quần chúng giành chính quyền thắng lợi.

Ở thành phố Huế, từ ngày 21/8, các đội tự vệ và các đoàn thể cứu quốc có trang bị vũ khí thô sơ đã giương băng cờ, biểu ngữ, biểu tình thị uy qua các đường phố.

Lính Nhật hoảng sợ không dám hành động. Chiều ngày 21/8/1945, đơn vị tự vệ khu phố Phú Bình chiếm được vòng ngoài Mang Cá.

14 giờ cùng ngày, theo lệnh Ủy ban khởi nghĩa, lá cờ quẻ ly bị hạ xuống và kéo cờ đỏ sao vàng lên.

Ngày 22/8, Ủy ban khởi nghĩa huy động quần chúng biểu tình trên các đường phố và kéo đến chiếm lĩnh các lộ, các công sở và doanh trại lính bảo an.

Đêm 22/8, trước áp lực của cuộc khởi nghĩa, Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn buộc phải thoái vị.

Đúng 18 giờ ngày 22/8, trên Đài phát thanh Huế vang lên lời tuyên bố của Bảo Đại:

"Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cũng một lòng hy sinh như Trẫm".

Sáng ngày 23/8, một số công sở của chính quyền bù nhìn trong thành Nội tiếp tục bị chiếm giữ (đồn Hộ Thành, Nội Khố, cơ quan của Thủ tướng và các Bộ của chính phủ Trần Trọng Kim).

Lúc 16 giờ ngày 23/8, tại sân vận động Huế, hàng vạn đồng bào Thừa Thiên - Huế tập trung trong hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ đỏ sao vàng, dự cuộc mít tinh chào mừng khởi nghĩa thắng lợi.

Ủy ban khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội cả một góc trời.

Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ ý nghĩa, tầm vóc của cuộc khởi nghĩa, tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân và giới thiệu thành phần Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh do đồng chí Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch.

Thay mặt Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời, Chủ tịch Tôn Quang Phiệt kêu gọi toàn dân đoàn kết, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân, cả thành phố thật sự sống trong ngày hội của một cuộc cách mạng đổi đời.

Sau bao nhiêu năm sống cảnh một cổ hai tròng, vừa bị phong kiến và thực dân nô dịch, nhân dân Huế đã vùng dậy, giành được chính quyền.

Thắng lợi ở Huế không chỉ đánh đổ được chế độ cai trị phát xít mà nó đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của chính quyền bù nhìn phong kiến nhà Nguyễn bao nhiêu năm tiếp tay cho kẻ thù, nô dịch dân tộc.

Thắng lợi ở Huế tạo động lực to lớn để các tỉnh miền Trung khác tiếp tục khởi nghĩa, tiếp tục đánh đổ phong kiến, phát xít, thực hiện một cuộc đổi đời lớn lao.

d) Tại Sài Gòn - Chợ Lớn:

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940 thất bại, lực lượng Đảng Cộng Sản và cơ sở cách mạng ở Nam Kỳ bị thực dân Pháp đàn áp dã man, tổn thất vô cùng to lớn.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, lực lượng cách mạng ở Nam Kỳ tuy đang phục hồi dần, nhưng lực lượng của đối phương vẫn đông và mạnh hơn nhiều lần.

Nhưng dựa trên sự phân tích tình hình trên thế giới và trong nước, trước sự thất trận của quân Đức ở châu Âu và quân Nhật ở châu Á, Xứ ủy Nam Kỳ nhận định thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước đã chín muồi.

Vì vậy ở Nam Kỳ nói chung và ở Sài Gòn nói riêng, phải khẩn trương làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, gây dựng phong trào quần chúng rộng rãi hướng tới Tổng khởi nghĩa.

Chỉ trong vòng 3 - 4 tháng, hàng triệu người dân cả thành thị và thôn quê được Đảng tuyên truyền và tổ chức, sẵn sàng đứng lên.

Riêng nội thành Sài Gòn lúc này có 324 công đoàn cơ sở với 120 ngàn đoàn viên; Thanh niên Tiền phong có 80 ngàn đoàn viên, hoạt động công khai và hợp pháp.

Ngày 15/8, Xứ ủy Nam Kỳ họp, xác định thời cơ khởi nghĩa tới rồi, Nam Kỳ phải kịp thời hòa vào dòng thác Tổng khởi nghĩa của cả nước. Cần thành lập ngay một Ủy ban khởi nghĩa và bắt tay vào hành động ngay.

Nhưng khi bàn về thời điểm phát lệnh khởi nghĩa, dự kiến là đêm 17 hoặc 18/8, có một số ý kiến tuy thuộc phe thiểu số nhưng rất gay gắt phản bác. Đó là ý kiến sợ "khởi nghĩa non" như 5 năm trước, là ý kiến không cần khởi nghĩa, không cần bạo động mà đấu tranh chính trị cũng có thể đi đến độc lập dân chủ.

Trong vòng bảy ngày, Hội nghị Xứ ủy phải họp tới ba lần (tại chợ Đệm, Trung Quận). Sáng 21/8, đồng chí Trần Văn Giàu, người chủ trì cả ba cuộc Hội nghị trên, đưa ra đề nghị cuối cùng được tất cả đại biểu tán thành: Giao cho Đảng bộ tỉnh Tân An làm khởi nghĩa thí điểm, sáng 23/8 trở lại báo cáo kết quả với Xứ ủy.

Tân An là cửa ngõ quan trọng phía tây nam Sài Gòn, có phong trào quần chúng sôi nổi và được chuẩn bị khá chu đáo. Ngay trong đêm 21/8, Tỉnh ủy khẩn trương họp, ra "Nghị quyết đỏ", tổ chức may cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng, tập trung các đội cận vệ đỏ từ các địa phương về thị xã.

Trong ngày 22/8, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Trọng và Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Lê Minh Xuân trực tiếp chỉ huy lực lượng đến tước vũ khí của lính bảo an tỉnh, thu hơn 140 súng.

Thanh niên Tiền phong thiết lập trật tự chung toàn thị xã; tên tỉnh trưởng Thạch trên đường từ Sài Gòn về bị ta đón lõng và bắt giam.

Tảng sáng ngày23/8, Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh ra mắt đồng bào. Cùng lúc, một xe ô tô chở đoàn cán bộ của tỉnh lên Chợ Đệm báo cáo thắng lợi với Xứ ủy.

Xứ ủy quyết định Sài Gòn, trọng điểm của toàn Nam Kỳ, sẽ khởi nghĩa ngày 25/8.

Từ sẩm tối 24/8 đến 0 giờ ngày 25/8, các đội xung phong công nhân và thanh niên đã hoàn tất việc chiếm tất cả các cơ quan trong nội ô thành phố, không gặp trở ngại gì: từ Nhà đèn chợ Quán, Sở Mật thám, bót cảnh sát, đến Đài phát thanh, dinh Đốc lý...

Khâm sai Nam Kỳ - Nguyễn Văn Sâm và Đổng lý văn phòng Phủ Khâm sai - Hồ Văn Ngà bị giữ tại buồng ngủ của họ tại dinh Khâm sai.

Riêng Ngân hàng Đông Dương do có nhiều quân Nhật nên ta không chiếm được, vì có chủ trương không xung đột với chúng lúc này nên anh em được lệnh rút lui.

Từ nửa đêm đến tờ mờ sáng, công nhân, viên chức, nhân dân nội thành và ngoại ô bắt đầu tập hợp theo đoàn, theo giới, trương cờ, băng khẩu hiệu, trang bị vũ khí thô sơ, tiến dần vào trung tâm thành phố.

Ủy ban khởi nghĩa đứng trước một vấn đề không đơn giản là số người tham gia khởi nghĩa có thể lên tới một triệu và nhiều hơn thế (bà con ở các tỉnh lân cận xa 30 - 40km cũng đi xe đò, xe ngựa đến). Vì vậy phải có kế hoạch giữ trật tự thật chu đáo, không cho địch lợi dụng để phá phách, khiêu khích.

Từ sáng sớm ngày 25/8, cả triệu quần chúng Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lân cận ào ạt kéo vào thành phố, quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền.

Đoàn người hô vang như sấm dậy khẩu hiệu: "Việt Nam hoàn toàn độc lập!", "Tất cả về tay Việt Minh!", "Mặt trận Việt Minh muôn năm!", "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!", "Độc lập hay là chết!".

Cờ đỏ sao vàng tràn ngập đường phố, bay phấp phới hiên ngang trên các công sở.

Quần chúng như một biển người kéo về dự mít tinh, hoan nghênh Ủy ban Nhân dân Nam Kỳ. Đoàn người xếp thành hàng ngũ suốt từ đại lộ No-rô-đôm đến Sở thú, từ sau Nhà thờ Đức Bà đến bót Giếng nước, trung tâm là lễ đài đã được dựng xong từ đêm 24/8.

Lễ đài chỉ trang hoàng bằng các khẩu hiệu cách mạng.

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa báo cáo việc chiếm lĩnh xong các cơ quan chính quyền địch trong đêm vừa qua, nói về ý nghĩa quan trọng của cuộc biểu tình tuần hành vũ trang ngày hôm nay và ý nghĩa của cách mạng đã nổ ra thắng lợi chẳng những ở Sài Gòn mà cả ở Hà Nội, Huế và khắp nước Việt Nam.

Đồng chí cũng không quên nhắc lại những hy sinh to lớn, anh dũng của các thế hệ cha anh đi trước để có được ngày hôm nay.

Sau đó, cuộc biểu tình vũ trang bắt đầu, đi đầu là lá cờ mặt trận và cờ Đảng, đoàn biểu tình đi theo đường Ca-ti-nat (nay là đường Đồng Khởi) về trước dinh Đốc lý.

Tại đây, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tuyên đọc danh sách của Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ.

Đồng chí Nguyễn Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Nam Bộ đọc bản hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh. Đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn đọc lời hiệu triệu của Xứ ủy Nam Bộ, kêu gọi đồng bào hết lòng ủng hộ chính quyền cách mạng, dân chủ của mình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập vừa giành được.

Cuộc biểu tình chấm dứt trong tiếng nhạc Lên đàng và Thanh niên hành khúc.

Cuộc khởi nghĩa đã thành công nhanh chóng, trọn vẹn và không đổ máu.

Báo chí tại Sài Gòn nhất loạt đăng bài tường thuật và bình luận sự kiện lịch sử này với tất cả niềm hân hoan tự hào của một dân tộc đứng lên làm cuộc cách mạng đổi đời. Đây là một cuộc thay đổi hết sức to lớn trong lịch sử của thành phố.

Trong hoàn cảnh chưa liên lạc được với Trung ương, lực lượng địch và các phe phái phản động còn đông, Xứ ủy Nam Kỳ đã có sự nhận định tình hình đúng đắn, nhạy bén, nêu cao tinh thần dám nghĩ và tự quyết đoán, vận dụng sáng tạo nghệ thuật nắm thời cơ cách mạng và tiến hành khởi nghĩa thắng lợi.

Hồ Chủ tịch với cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên

Nhờ vậy, khởi nghĩa ở Sài Gòn và Nam Bộ tháng 8/1945 đã kịp thời hòa vào làn sóng Tổng khởi nghĩa của cả nước.

Nói về tầm quan trọng của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn, tiếp theo các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định:

"Cách mạng tháng Tám là một cuộc Tổng khởi nghĩa kết hợp tài tình đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy đồng loạt ở cả thành thị lẫn nông thôn mà đòn quyết định là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn".

e) Tại các địa phương khác trong cả nước:

Sau khi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở một số trung tâm lớn trong cả nước, cách mạng tháng Tám có những bước nhảy vọt, từ những cuộc khởi nghĩa từng phần chuyển lên Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước.

Bão táp cách mạng cuồn cuộn dâng lên.

Toàn thể Đảng viên Cộng sản, chiến sĩ Việt Minh và nhân dân cả nước tỏ rõ ý chí quyết tâm và tinh thần dũng cảm chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

"Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Khắp các địa phương trong cả nước đều diễn ra các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Tại Quảng Ngãi, ngày14/8, lệnh khởi nghĩa được ban hành, khởi nghĩa từng phần đã thắng lợi ở hầu khắp các địa phương dọc quốc lộ 1 từ Đức Phổ đến Bình Sơn, đảo Lý Sơn và châu Ba Tơ; ngày 16/8, lực lượng cách mạng đã chiếm được dinh Tỉnh trưởng và làm chủ các công sở ở thị xã; ngày 27/8, quân Nhật rút khỏi thị xã, hoàn thành việc giành chính quyền.

Tại Bắc Giang, ngày 1/6, huyện Hiệp Hòa giành được chính quyền; ngày 16/7, chiếm phủ Yên Thế; ngày 19/7, chiếm được phủ Lục Ngạn; ngày 20/7, huyện Yên Dũng giành chính quyền; ngày 18/8, tỉnh lỵ Bắc Giang (Phủ Lạng Thương) giành chính quyền; ngày 19/8, châu Yên Dũng giành chính quyền.

Tại Hải Dương, ngày 17/8, huyện Cẩm Giàng giành chính quyền; ngày 18/8, tỉnh lỵ Hải Dương giành chính quyền; ngày 20/8, tất cả các huyện lỵ đều thuộc quyền kiểm soát của lực lượng cách mạng.

Tại Hà Tĩnh, ngày 17/8, các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc giành được chính quyền; ngày18/8, tỉnh lỵ Hà Tĩnh và các huyện Kỳ Anh, Đức Thọ giành chính quyền; ngày 19/8, các huyện Hương Sơn, Nghi Xuân nổi dậy; ngày 21/8, huyện cuối cùng là Hương Khê, giành được chính quyền.

Tại Quảng Nam, ngày 18/8, giành chính quyền ở thị xã Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Quế Sơn; ngày 22/8, giành chính quyền ở Hòa Vang; ngày 26/8, giành chính quyền ở Đà Nẵng.

Tại Thái Bình, ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Thái Bình và các chuyện Quỳnh Côi, Tiên Hưng, Phụ Dực; ngày 20/8, giành chính quyền ở Duyên Hà, Thụy Anh; ngày 21/8 ở Hưng Nhân, phủ Kiến Xương; ngày 22/8 ở Vũ Tiên và phủ Tiền Hải; ngày 25/8, huyện Thư Trì giành được chính quyền.

Tại Khánh Hòa, ngày 16/8,huyện Vạn Ninh giành được chính quyền sớm nhất; ngày 17/8 là huyện Diên Khánh; ngày 19/8 tại huyện Vĩnh Xương và thị xã Nha Trang; huyện Cam Ranh giành chính quyền muộn nhất tỉnh vào ngày 22/8.

Tại Thanh Hóa, ngày 19/8 các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Cẩm Thủy giành được chính quyền; ngày 20/8 giành chính quyền ở thị xã Thanh Hóa; ngày 21/8 ở huyện Tĩnh Gia, Nông Cống.

Sáu huyện miền núi là Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Như Xuân, Thường Xuân chưa có cơ sở cách mạng nhưng chính quyền địch hoàn toàn tan rã.

Tại Bắc Ninh, ngày 17/8, huyện Tiên Du giành chính quyền thắng lợi; ngày 18/8 huyện Lang Tài, Võ Giàng; ngày 19/8 huyện Yên Phong; ngày 20/8 thị xã Bắc Ninh và huyện Thuận Thành giành chính quyền; ngày 21/8 huyện Văn Giang; ngày 22/8 huyện Quế Dương.

Tại Ninh Bình, ngày 17/8 huyện Gia Viễn giành chính quyền, tiếp đó là thị trấn Nho Quan; ngày 20/8 thị xã Ninh Bình và huyện Gia Viễn giành được chính quyền; ngày 21/8 huyện Yên Mô, Kim Sơn giành chính quyền.

Tại Sơn Tây, ngày 17/8 giành chính quyền ở huyện Quốc Oai, ngày 18/8 ở huyện Thạch Thất (Phúc Thọ); thị xã Sơn Tây giành được chính quyền ngày 20/8. Ngày 21/8 ở Tùng Thiện, ngày 22/8 ở Quảng Oai, ngày 25/8 ở Bất Bạt.

Tại Yên Bái, các cuộc khởi nghĩa từng phần diễn ra từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 8/1945, địch chỉ còn kiểm soát được tỉnh lỵ; ngày 18/8 lực lượng cách mạng tiến vào thị xã; ngày 20/8 giành được chính quyền tỉnh.

Tại Bắc Kạn, đến tháng 8/1945, phần lớn Bắc Kạn đã được giải phóng, quân Nhật chỉ còn chiếm giữ thị xã và một vài thị trấn phủ lỵ; ngày 19/8 Phủ Thông giải phóng; ngày 20/8 quân Nhật rút khỏi thị xã; ngày 21/8 chính quyền về tay nhân dân.

Tại Nam Định, ngày 17/8, giành chính quyền ở huyện Trực Ninh; ngày 18/8 huyện Nam Trực; ngày 20/8 huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Xuân Trường; ngày 21/8 thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc giành được chính quyền.

Tại Nghệ An, ngày 18/8, huyện Quỳnh Lưu giành được chính quyền; ngày 19/8 huyện Hưng Nguyên; ngày 21/8, thị xã Vinh giành chính quyền thắng lợi; ngày 22/8 Nghĩa Đàn; ngày 23/8 Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn; ngày 25/8 Nghi Lộc, Yên Thành; ngày 26/8 các huyện Con Cuông, Vĩnh Hòa, Tương Dương, Quỳ Châu giành được chính quyền.

Tại Ninh Thuận, ngày 21/8, khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Phan Rang và Bảo Tháp, sau đó các huyện, tổng trong tỉnh giành chính quyền.

Tại Phúc Yên, ngày 19/8, thị xã Phúc Yên và các huyện Kim Anh, Đa Phúc... tiến hành khởi nghĩa; ngày 21/8 giành được chính quyền ở tỉnh lỵ.

Tại Hà Nam, ngày 20/8, khởi nghĩa thắng lợi tại các huyện lỵ Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng; ngày 22/8 khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Bình Lục, Lạc Thủy; ngày 24/8 tại thị xã Phủ Lý, ngụy quyền đầu hàng và trao chính quyền cho cách mạng.

Tại Quảng Yên, ngày 24/8, lực lượng cách mạng nhanh chóng làm chủ thị xã và các huyện lỵ bởi vì bộ máy chính quyền địch ở đây đã cơ bản tan rã từ tháng 7 năm 1945.

Tại Đắc Lắc, ngày 17/8, khởi nghĩa nổ ra ở đồn điền Ca-đa rồi nhanh chóng lan rộng ra toàn tỉnh; ngày 20/8 lực lượng cách mạng đã cơ bản làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột nhưng ngày 24/8 mới chính thức phát động khởi nghĩa giành chính quyền.

Tại Phú Yên, ngày 20/8, quần chúng nhân dân ở thị xã Sông Cầu nổi dậy khởi nghĩa; ngày 24/8 khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở tỉnh lỵ; ngày 25/8, các huyện lỵ Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Tại Gò Công, ngày 23/8, trước khí thế cách mạng của quần chúng, tỉnh trưởng Gò Công tự trao chính quyền cho Ủy ban dân tộc giải phóng; ngày 24/8 chính quyền cách mạng được thành lập.

Tại Bình Thuận, trước sức ép của cách mạng, chính quyền địch hoàn toàn tan rã; từ ngày 23 đến 25/8, toàn bộ chính quyền cấp tỉnh thuộc về cách mạng, sau khi thị xã Phan Thiết giành chính quyền thắng lợi, các huyện lỵ Tuy Phong, Hòa Đa, Phan Lý giành chính quyền; ngày 29/8 huyện cuối cùng giành chính quyền là Hàm Tân.

Tại Long Xuyên, ngày 24/8, thị trấn Chợ Mới khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi; ngày 25/8 giành chính quyền tại thị xã Long Xuyên.

Tại Vĩnh Long, ngày 25/8, thị xã Vĩnh Long và quận Tam Bình giành được chính quyền, ngày 26/8 giành chính quyền ở quận Trà Ôn; ngày 27/8 ở chợ Bắc; ngày 28/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh được thành lập.

Âm vang lời kêu gọi bầu cử của Bác

Tại Bà Rịa, ngày 25/8 giành được chính quyền ở tỉnh lỵ, Ủy ban Nhân dân lâm thời tỉnh được thành lập.

Tại Thủ Dầu Một, ngày 24/8, khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra ở thị trấn Bến Cát, Hớn Quảng, Bà Rà, Tân Uyên, Nhà máy xe lửa Dĩ An và một số đồn điền lớn; ngày 25/8 quần chúng làm chủ thị xã Lộc Ninh, chính quyền cách mạng thành lập.

Tại Bến Tre, ngày 25/8, lực lượng cách mạng làm chủ thị xã, ngay đêm đó, các quận trong tỉnh đều nổi dậy giành chính quyền.

Tại Trà Vinh, ngày 25/8, thị xã Trà Vinh và các huyện lỵ Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần lần lượt khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Tại Tây Ninh, đêm 25/8, lực lượng cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã và các quận lỵ khác.

Tại Sa Đéc, sáng 25/8, thị xã Sa Đéc và quận lỵ Cao Lãnh khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Độc lập, tự do - khát vọng ngàn đời của người dân đất Việt

Tại Kon Tum, ngày 25/8, lực lượng vũ trang từ Gia Lai kéo sang phối hợp với quần chúng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã.

Tại Lạng Sơn, đến tháng 8/1945, hầu hết các vùng nông thôn của hai tỉnh và hai châu lỵ, hai huyện đã được giải phóng, ngày 24/8 lực lượng vũ trang tiến vào thị xã, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền vào ngày 25/8.

Tại Phú Thọ, ngày 15/8, huyện Phù Ninh giành chính quyền; ngày 17/8 Cẩm Khê, Thanh Ba, Đoan Hùng; ngày 18/8, Yên Lập, Tam Nông; ngày 20/8, Lâm Thao, Hạc Trì, Việt Trì; ngày 22/8 Thanh Thủy; ngày 25/8 thị xã Phú Thọ giành được chính quyền.

Tại Sơn La, tháng 7/1945 Nghĩa Lộ là châu lỵ đầu tiên được giải phóng; ngày 22/7 Phù Yên; ngày 22/8 các huyện Mường La, Thuận Châu, Mường Thanh giành được chính quyền; ngày 25/8, tỉnh lỵ Sơn La khởi nghĩa giành chính quyền; tháng 10/1945, châu lỵ Mộc Châu mới giành được chính quyền cách mạng.

Tại Cần Thơ, ngày 26/8, 20 vạn nhân dân thị xã và các vùng lân cận họp mít tinh, Ủy ban dân tộc ra mắt nhân dân và tuyên bố chính quyền về tay cách mạng.

Tại Châu Đốc, ngày 22/8, thị trấn Hồng Ngự giành được chính quyền, ngày 24/8 quận Tân Châu, chiều 26/8 nhân dân thị xã Châu Đốc nổi dậy giành chính quyền, ngày 27/8, huyện Tịnh Biên và Tri Tôn khởi nghĩa giành thắng lợi.

Tại Biên Hòa, sau khi tham dự khởi nghĩa giành chính quyền ở thành phố Sài Gòn (25/8), lực lượng cách mạng của Biên Hòa kéo về giành chính quyền tại thị xã đến chiều 26/8 thì giành thắng lợi.

Tại Hòn Gai, ngày 26/8, lực lượng vũ trang kết hợp với các đơn vị vũ trang của chiến khu Trần Hưng Đạo tấn công và làm chủ thị xã, chính quyền cách mạng được thành lập.

Tại Rạch Giá, ngày 27/8, 60.000 quần chúng nhân dân từ các vùng nông thôn và nhân dân thị xã được vũ trang nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, sau đó các quận, huyện trong tỉnh lần lượt giành được chính quyền.

Tại Đồng Nai thượng, ngày 28/8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại thị xã Di Linh.

Tại Hà Tiên, ngày 28/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi tại thị xã.

Như vậy, trong vòng nửa tháng (từ 14 đến 28/8) cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước đã căn bản hoàn thành.

Chỉ còn một số tỉnh lỵ do những điều kiện khách quan nên chưa giành được chính quyền: thị xã Vĩnh Yên bị lực lượng Quốc dân đảng chiếm giữ, các tỉnh lỵ Hà Giang, Lào Cai, Móng Cái bị quân đội Tưởng Giới Thạch chiếm đóng, tỉnh lỵ Lai Châu bị tàn quân Pháp từ Lào quay về chiếm giữ.

* Tài liệu tham khảo:

- Đảng Cộng sản Việt Nam, "Văn kiện Đảng toàn tập" - Tập 7 (1940-1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2000.

- "Năm 1945 - Những sự kiện lịch sử trọng đại", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

Xem thêm: Trắc nghiệm Lịch sử 12 bài 16

Trên đây là gợi ý trả lời câu 3 bài 16 SGK Lịch sử lớp 12: Tìm hiểu về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở địa phương em được Đọc tài liệu tổng hợp và chia sẻ.

Bài tiếp: Câu hỏi thảo luận trang 104 SGK Lịch sử 12

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM