Phân tích sự giống và khác nhau giữa nhân vật Việt và Chiến

Xuất bản: 01/09/2018 - Cập nhật: 21/07/2020 - Tác giả:

Phân tích sự giống và khác nhau giữa hai nhân vật Việt và Chiến trong truyện Những đứa con trong gia đình, tổng hợp một số bài văn phân tích hay tuyển chọn.

Đề bài: Phân tích những điểm giống nhau và khác nhau của hai nhân vật Việt và Chiến trong truyện ngắn "Những đứa con trong gia đình" của Nguyễn Thi.

Top 3 bài văn hay phân tích so sánh hai nhân vật Việt và Chiến

So sánh nhân vật Việt và Chiến bài số 1:

Nếu như Nguyễn Trung Thành tìm đến khám phá cuộc đời và phẩm chất của những con người Tây Nguyên thì Nguyễn Thi lại tìm đến với mảnh đất Nam Bộ để khám phá phẩm chất của những con người nơi đây. Qua tác phẩm Những đứa con trong gia đình ta như hiểu được phẩm chất và tính cách của con người Miền Nam. Đặc biệt trong tác phẩm ấy ta thấy nổi bật lên hai nhân vật là Chiến và Việt. Đó là những thể hệ thanh niên miền Nam hăng hái đánh giặc giải phóng đất nước báo thù cho cha mẹ.

Chiến và Việt đều sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và đánh giặc bất khuất kiên trung. Chính vì truyền thống ấy mà cả gia đình có hẳn một quyển sổ, quyển sổ ấy không để ghi lại gia phả mà lại là ghi lại những chiến công cũng như những mất mát mà gia đình phải trải qua để lại tới đời sau. Cha của hai chị em làm bộ đội du kích. Và chính vì thế mà khi ông bị phát hiện đã bị bọn chúng tra tấn và chặt đầu. Sự kiện ấy cũng được ghi vào cuốn sổ gia đình để từ đó thế hệ con cháu có nhiệm vụ trả thù cho cha mẹ. Còn ông bà của hai chị em đều bị bọn quan lại đánh đập. Mẹ của Chiến và Việt thì là một người phụ nữ không chỉ hay làm hay làm, đôi chân tìm đường đôi mắt tìm việc mà bà còn giúp đỡ cho những anh chiến sĩ cộng sản. Ngày ba Việt bị chặt đầu mẹ Việt vác bụng bầu đến nhận xác chồng. Hành động ấy phần nào thể hiện sự căm thù bọn giặc và không sợ chúng của mẹ Việt. Và thế rồi một lần má Việt đi thăm dò tình hình cho du kịch đã bị trúng pháo của địch mà chết. Còn cả thím Năm nữa, chính bom đạn đã làm cho thím bể xuồng… Tất cả những đau thương và chiến tích ấy đều được chú Năm ghi lại trong cuốn sổ gia đình. Còn chị em Chiến và Việt thừa hưởng trong mình truyền thống tốt đẹp ấy đã làm nên những thắng lợi cho cách mạng ta.

Không những thế cả hai chị em đều có nhưng phẩm chất tính cách đáng quý. Đó là yêu thương ba mẹ và căm thù giặc, gan góc, dũng cảm. Ngay từ hồi còn bé điều đó đã được thể hiện. Hai chị em theo du kích đánh địch trên sông Định Thủy và cả hai chị em đã bắn chúng một tên địch. Chiến công ấy đã được chú Năm ghi vào cuốn sổ gia đình. Nếu như không dũng cảm thì thử hỏi làm sao hai chị em có thể lam như vậy. Không những thế Việt khi còn rất bé đã dám đá vào thằng đã giết chết ba của Việt. Chính vì yêu thương ba má cho nên khi chứng kiến cảnh tượng ba má bị hành hạ mà chết hai chị em đều quyết tâm lớn lên đi bộ đội để trả thù.

Bao nhiêu đau thương thì càng làm cho hai chị em Chiến Việt quyết tâm đi lính bấy nhiêu. Cả hai chị em dành nhau đi lính. Chiến lớn nên không muốn em mình đi trước cho nên tranh giành với em. Việt cũng không nghe chị mà nóng lòng muốn vào chiến trận để giết chết những thằng làm cho ba mẹ của anh phải chết. Có thể nói hai chị em đã đi từ tình yêu thương gia đình đến tình yêu quê hương đất nước. Chỉ cần vây thôi họ đã ý thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình và đất nước. Đặc biệt là giây phút hai chị em lo toan việc nhà xong xuôi cùng khiêng bàn thờ sang gửi chú Năm. Đó là sự thể hiện tình cảm thiêng liêng trong việc thờ cúng tổ tiên của nhân dân ta. Chính những lo toan vẹn toàn ấy mà chú năm cũng phải bất ngờ và khen ngợi: “Việc nhà nó lo được gọn thì việc nước nó se mở được rộng, gọn bề gia thất, đặng bề nước non”.

Hai chị em vào chiến trường đều lập được chiến công. Chị Chiến giữ nguyên lời thề “tao chỉ có một câu chừng nào mà…vậy à”. Chiến trở thành đội trưởng của bộ đội nữ địa phương còn Việt thì vươn xa hơn. Anh tham gia vào bộ đội chủ lực. Trong trận đánh địch ở rừng cao su Việt đã tiêu diệt được một xe bọc thép của địch. Và cả khi bị thương anh vẫn nắm chắc súng trong tay đồng đội của anh đến mà không nói trước có khi đã ăn đạn của cậu Tư rồi.

Có thể nói hai chị em đã kế tục xuất sắc những truyền thống gia đình. Và trong khúc sông gia đình ấy hai chị em là khúc sông chảy được xa nhất. Dòng máu chảy trong huyết quản của họ là dòng máu của tình yêu thương gia đình và quê hương.

Tuy nhiên hai chị em cũng có những nét riêng biệt khác nhau mà trước tiên ta nói đến là nhân vật chị Chiến. Về ngoại hình thì Chiến giống má y đúc chú Năm và Việt cũng nhận ra điều đó. Chiến giống mẹ ở ngoại hình chắc khỏe , hai cánh tay dám nắng, hai bắp chân chắc nịch.

Tính cách của Chiến cũng là một điều rất cần chú ý đó là sự tháo vát trong công việc gia đình. Trước khi đi lính thì Chiến đã thu dọn việc nhà đâu ra đây khiến cho Việt cứ ngỡ rằng đó là má dặn chị từ trước. Chiến thể hiện một người chị trong gia đình đứng lên lo toan mọi chuyện một cách chu đáo trong khi chị mới có mười chín tuổi. Không những thế dù hai chị em gần kề tuổi nhau nhưng Chiến rất hay nhường em thương em chính vì thế mà chị không muốn để cho Việt đi bộ đội qua sớm. Thế nên chị nhất định không muốn cho Việt đi tòng quân. Từ khi còn nhỏ Chiến đã luôn nhường nhịn em. Tất cả những chiến công của hai chị em Chiến đều nhường công cho em.

Chiến giống má tính kiên trì gan góc giống má thế nhưng lại đi xa hơn má. Đó là chị được trực tiếp cầm súng để đánh giặc. Cô vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà. Cô trở thành một người bộ đội nữ lập được nhiều chiến công. Tuy thế nhưng cô không đánh mất đi vẻ nữ tính của mình, khi vào chiến trường đầy gian nan ấy cô vẫn mang theo cái lược và chiếc gương.

Còn Việt thì sao? Anh là một chàng trai mới lớn kém chị một tuổi vô tư hồn nhiên nhiều khi trở nên vô tâm với chị. Việt là em nên luôn tranh phần hơn với chị từ việc đi bắt ếch đến việc bắn trúng tên địch Việt đều tranh công. Việt vô tư phó thách tất cả những công việc nhà cho chị. Việt chỉ chăm chăm đi lính không quan tâm công việc nhà chị bảo sao thì làm vậy. Chính vì thế mà nghe chị Chiến nói về việc nhà Vietj vô tư nghĩ rằng đó là mẹ dặn từ trước. Rồi nói một câu “Chị tính sao thì tùy”. Và vô tư đến mức chộp lấy đom đóm trong tay và ngủ quên lúc nào không hay. Không những thế vào chiến trường nhưng anh vẫn mang theo cái ná thun, vẫn sơ con ma cụt đầu và dâu chị như dấu của riêng. Phải chăng đó là cách yêu chị rất hồn nhiên của Việt?.

Vào chiến trường Việt đại diện cho sức trẻ tiến công. Dù tuổi còn trẻ nhưng anh có sự gan góc dũng cảm. anh tham gia bộ đội chủ lực trong đợt phân công đánh địch đầu tiên Việt đã dành được nhiều chiến công. Không những thế trong trận chiến đấu bị thương nằm lại rừng một mình Việt không hề sợ kẻ thù. Anh tỏ ra khinh bỉ chúng rằng “trên trời có mày dưới đất cũng có mày, cả khu rừng này có mày, nếu mày bắn tao thì tao cũng bắn được mày, nghe tiếng súng nổ của tao các anh tao sẽ đến đâm mày, mày chỉ giỏi giết gia đình tao”. Thế là cậu cứ nằm đó nhưng tay vẫn nắm chắc cây súng và đồng đội anh em suýt chút nữa ăn đạn của cậu Tư.

Qua đây ta thấy được sức trẻ tiến công của thanh niên Miền Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hai chị em trong gia đình ấy là khúc sông vươn xa nhất mang lại nhiều chiến công nhất. Chiến tranh gian khổ nhưng họ vẫn giữ trong mình nét trẻ trung vốn có.

>>> Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong Những đứa con trong gia đình

So sánh nhân vật Việt và Chiến bài số 2:

Tác giả Nguyễn Thi là một nhà văn người Nam Bộ, có tính kiên định, gan góc giàu tình cảm. Trong mỗi tác phẩm của ông đều chứa đựng tinh thần yêu nước, gắn liền với tình cảm gia đình thiêng liêng sâu sắc.

Tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” là một tác phẩm đặc sắc, mang đậm màu sắc của những người con Nam Bộ. Tác phẩm này nhà văn đã xây dựng tinh tế xuất sắc hai nhân vật Việt và Chiến là hai chị em trong một gia đình cùng có lòng yêu nước căm thù giặc sâu sắc.

Thông qua gia đình Việt tác giả muốn tố cáo tội ác của giặc, đồng thời ca ngợi tinh thần yêu nước của những người con Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tác giả Nguyễn Thi đã hòa quyện giữa truyền thống yêu nước với truyền thống gia đình tạo nên một sức mạnh phi thường, lớn lao để toàn quân, toàn dân ta chiến thắng kẻ thù lớn mạnh.

Chiến và Việt là hai chị em trong một gia đình có truyền thống yêu nước, nên cả hai đều được thừa hưởng tinh thần anh dũng, kiên cường, lòng căm thù giặc sâu sắc, quyết không đội trời chung với giặc.

Vì lòng căm thù đó, mà cả hai chị em Chiến và Việt đã lên đường tham gia quân ngũ để trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù. Hai chị em có cùng chung một lý tưởng, chung một ước mơ, một kẻ thù chính vì vậy mà cả hai vô cùng thương yêu quan tâm tới nhau.

Cả hai cùng lập nhiều chiến công anh dũng ghi dấu tên mình trong sự nghiệp chiến đấu vẻ vang. Trong mọi cuộc chiến hai chị em đều là những chiến sĩ dũng cảm, kiên cường, bất khuất. Cả hai đều xứng đáng được gọi là anh hùng, là những tấm gương cho thế hệ sau này noi theo.

Tuy có nhiều điểm giống nhau nhưng hai chị em Chiến và Việt cũng có những điểm khác nhau. Chiến thì có tính giống má mình, kiên nhẫn, cần mẫn làm việc gì thì phải làm bằng được khi nào xong mới thôi. Chiến cũng vô cùng nhanh nhẹn tháo vát. Nhưng là con gái nên cô có những nét đáng yêu riêng của mình, thích làm duyên thường xuyên soi gương.

Nếu như chiến già dặn khôn ngoan thì Việt lại là một cậu bé ngây thơ, tinh nghịch mới lớn. Việt hiếu thắng, tinh nghịch ít khi nhường nhịn chị mình do bản tính của con trai. Nhiều khi Việt hay trêu đùa chọc ghẹo chị hai của mình. Việt đi chiến đấu, với lòng căm thù giặc sâu sắc, cậu không sợ chết, không sợ giặc nhưng lại sợ ma, do bản tính hiền lành nhút nhát, và do ở nhà thường được chị chở che bao bọc.

Nguyễn Thi đã vô cùng tinh tế, độc đáo khi thông qua ngòi bút của mình phác họa lên hai nhân vật vừa anh hùng, vừa kiên cường, giàu tính cách mạng. Nhưng vẫn giữ cho nhân vật của mình những nét đời thường giản dị, chân thật vốn có cuộc sống. Chiến là con gái thích làm duyên là chuyện rất bình thường đáng yêu của một cô gái tuổi đôi mươi, chưa lần hò hẹn.

Còn Việt cậu nhóc ngây thơ quen được chị bao bọc thì sợ ma, mà làm gì cũng nghĩ tới chị mình là điều vô cùng chân thực, giản dị. Nhưng cậu có những thứ mà những người trẻ khác không có được đó chính là sự quả cảm, gan góc trong mỗi cuộc chiến.

Hai chị em là những người anh hùng trẻ tuổi nối tiếp truyền thống cha ông dựng nước và giữ nước, viết tiếp những trang sử vàng vẻ vang của dân tộc. Họ chính là sự kết tinh của một gia đình có truyền thống yêu nước bất khuất, kiên cường, dòng giống cách mạng truyền thống.

So sánh nhân vật Việt và Chiến bài số 3:

Hy sinh với tư cách người chiến sĩ trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, nhà văn Nguyễn Thi để lại một số lượng tác phẩm không nhiều. Tuy vậy, đó là những tác phẩm có giá trị, đặc biệt ở chỗ chúng ta góp phần khắc họa nên bức chân dung lớn của người nông dân Nam Bộ trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước vừa qua. Những nhân vật của Nguyễn Thi đều chân thật và gây nhiều ấn tượng, như trường hợp hai nhân vật chị em Chiến và Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình.

Việt và Chiến sinh ra trong một gia đình mang khá nhiều nét tiêu biểu của một gia đình Nam Bộ trong chiến tranh. Cuốn sổ gia đình do người chú ghi lại mà Chiến dùng để đánh vần tập đọc, thực ra là một cuốn gia phả đặc biệt, rất vắn tắt, ở đó mỗi dòng, thậm chí mỗi chữ, đều có máu và nước mắt. Đó là gia đình từ mấy thế hệ đã phải chịu nhiều mất mát, đau thương. Ngay ở thế hệ đã phải chịu nhiều mất mát, đau thương. Ngay ở thế hệ của chị em Chiến, chỉ trong khoảng mấy năm, lúc hai chị em vẫn còn là những đứa trẻ, họ đã phải liên tiếp mất cha rồi lại mất mẹ. Đường đời của hai chị em Chiến như đã được vạch sẵn chỉ có chiến đấu, giết giặc, để báo thù cho cha, cho mẹ, cũng là để tự bảo vệ chính cuộc đời của mình. Đó là truyền thống gia đình, đó cũng là khát vọng mãnh liệt nhất của hai chị em Chiến và Việt. Mang một mối thù sâu nặng với giặc và một khát vọng chiến đấu mãnh liệt như vậy, họ sẽ chiến đấu dũng cảm và sẽ chiến thắng, điều đó như một cái gì đã trở thành tất yếu.

Thật ra, để nói đến con đường tất yếu từ căm thù giặc đến thắng giặc đó. Nguyễn Thi có thể chỉ cần nói về Chiến mà không nói về Việt, hoặc ngược lại. Nhưng Nguyễn Thi đã miêu tả cả hai nhân vật ấy với nhiều nét rất riêng, rất đáng yêu, gây cho người đọc nhiều thú vị.

Việt là một chàng trai, rồi là một người lính dũng cảm, nhưng dẫu sao Việt cũng chỉ là một chàng trai mới lớn, và trong gia đình, thì Việt thực sự chỉ là một cậu bé. Cái trẻ con ở Việt không chỉ bộc lộ trong những nét hiếu động, suốt ngày thích bắt ếch, câu cá, bắn chim, lúc nào cũng có cái ná thun trong người mà cả trong cái nét hiếu thắng, luôn luôn ưa tranh giành với người chị, không biết nhường nhịn chị vì Việt là em trai của Chiến mà! Thật ra thì không phải Việt không yêu thương chị mình, trái lại nữa là khác, nhưng có được một người chị như Chiến, làm sao Việt có thể khác được?

Cho đến khi lên đường tòng quân, chuẩn bị thành người lính hay đã trở thành người lính rồi, Việt vẫn trẻ con như thế, trẻ con và vô tư. Nghe chị bàn bạc chuyện nhà, Việt chỉ ừ ào cho qua chuyện “chụp một con đóm đóm trong lòng bàn tay... rồi ngủ quên lúc nào không biết”. Vào đơn vị, Việt vẫn không quên cây ná thun. Đặc biệt trẻ con, Việt không dám hé cho ai biết rằng mình có một người chị, bởi cái lẽ giản đơn “sợ mất chị”. Đánh giặc rất dũng cảm, bắn cháy xe tăng Mỹ, Việt không hề sợ hãi, nhưng lạc trên chiến trường một mình sau trận đánh, Việt lại sợ ma. Sau những cố gắng phi thường, Việt gặp lại đồng đội của mình. Việt vừa khóc vừa cười, hệt một đứa trẻ “khóc đó rồi cười đó”.

Xây dựng hình ảnh nhân vật Việt hồn nhiên và trẻ thơ như thế, phải chăng Nguyễn Thi muốn nói với người đọc về một thế hệ trẻ Việt Nam đã bước vào cuộc chiến đấu rất sớm, như thẳng từ tuổi thơ mà đến. Ý đồ nghệ thuật của Nguyễn Thi hình như còn ở chỗ này nữa: thế hệ ấy có thể rất hồn nhiên, trẻ con, rất vô tư, vô tâm trong nhiều mối quan hệ gia đình và xã hội, nhưng lại cực kì nghiêm túc trong những suy nghĩ về kẻ thù, về cuộc chiến đấu chống quân xâm lược. Vì sao vậy? Vì bản chất chính nghĩa của cuộc chiến đấu ấy. Đó là một chiến đấu vì sự sống, cũng là một cuộc chiến đấu đầy chất tươi trẻ và lạc quan.

Chiến thì khác hẳn với Việt. Có thể Chiến cũng đã như Việt nếu Chiến có một người chị. Nhưng Chiến là chị cả của những đứa em không còn cha mẹ. Là con gái, Chiến có cái kiên nhẫn đến gan dạ của người phụ nữ đã từng trải cực khổ. Chính là Chiến, chứ không phải Việt, ngồi đánh vần từng chữ, đọc cho được, đọc cho hết, cuốn sổ ghi chép của gia đình đầy máu và nước mắt để nuôi dưỡng cho mình một khát vọng khôn nguôi chiến đấu và trả thù. Là người chị, Chiến trở thành người phụ nữ đảm đang, hy sinh, tận tụy, Chiến không kịp nghĩ gì cho mình trước khi nghĩ đến em. Lúc nào Chiến cũng nhường nhịn em, từ việc lớn đến việc nhỏ. Trong cả truyện ngắn, duy nhất chỉ có một lần Chiến không nhường em. Ấy là lần cả hai chị em cùng xin đi bộ đội, Chiến đã nói với anh cán bộ tuyển quân: Đến tết này nó mới được mười tám anh à !”

Người đọc dễ dàng chấp nhận hành động (tranh hơn) này của Chiến, không thấy nó mâu thuẫn gì với bản tính của cô, bởi vì, ngoài khát vọng chiến đấu, hành động của Chiến còn thể hiện một ý muốn cảm động của cô: Chiến chưa muốn em mình sớm phải bước vào cuộc chiến đấu gian khổ.

Chiến như lớn hơn tuổi của mình, chín chắn, sâu sắc hơn. Trong cái đêm hôm trước ngày lên đường nhập ngũ, Chiến đã lo lắng, lo liệu đến từng chi tiết công việc gia đình, từ việc gửi đứa em út ở với chú, việc giao nhà, giao đất cho ai quản lí, đến việc gửi bàn thờ má, việc cúng giỗ ba má... việc nào Chiến cũng tính toán cẩn thận chu đáo. Trong cảm nghĩ của Việt, Chiến thật giống hệt như má từ lời nói đến việc làm. Chiến thật đúng là hình ảnh một cô gái Việt Nam mà truyền thống và thời đại đã sản sinh ra.

Tạo ra hai hình ảnh khác nhau như Chiến và Việt, Nguyễn Thi thật ra đã xây dựng được những nét bổ sung để khắc họa nên hình ảnh thế hệ trẻ Nam Bộ trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Được nuôi dưỡng bởi cùng một truyền thống gia đình, cùng chịu chung những cảnh ngộ, lại là chị em ruột, Chiến và Việt rất giống nhau với những cách thức biểu hiện khác nhau, hai chị em rất thương yêu nhau. Cùng rất thương má, hai chị em cùng nuôi khát vọng lớn lao: được chiến đấu, được trả thù cho má. Hai chị em cùng may mắn được nhập ngũ một ngày. Dù ở hai đơn vị khác nhau, hai chị em lúc nào cũng nghĩ đến nhau, cùng lấy việc dũng cảm trong chiến đấu và chiến công làm thước đo để đo lòng thương đối với má.

-/-

Các em vừa tham khảo một số mẫu bài văn phân tích sự giống và khác nhau giữa nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho em những nội dung kiến thức hữu ích để có thể tự viết được một bài văn phân tích hay và đầy đủ ý. Chúc các em học tốt môn Văn khi tham khảo Văn mẫu 12 tại Doctailieu.com !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM