Cùng Đọc tài liệu đi vào chuẩn bị trước các câu hỏi trong nội dung Giải bài tập bài 23 Kết nối tri thức để có thể chuẩn bị sẵn sàng trước khi tới lớp các em nhé!
Soạn Địa Lí 11 Bài 23 Kết nối tri thức
Mở đầu trang 114: Nhật Bản là quốc gia nằm ở khu vực Đông Á, có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên không thuận lợi như nhiều nước khác nhưng dân cư và xã hội có nhiều nét nổi bật, đặc sắc. Những điều kiện đó đã ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?
Trả lời:
- Tác động từ vị trí địa lí:
+ Nhật Bản nằm trong khu vực phát triển kinh tế năng động châu Á - Thái Bình Dương, thuận lợi cho giao thương quốc tế và phát triển kinh tế. Có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng các hải cảng, phát triển tổng hợp kinh tế biển.
+ Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương nên chịu tác động của nhiều thiên tai ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.
- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên không thuận lợi cho phát triển kinh tế, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân.
- Tác động từ đặc điểm dân cư – xã hội:
+ Số dân đông tạo cho Nhật Bản một thị trường tiêu thụ nội địa mạnh. Tuy nhiên dân số già gây ra sự thiếu hụt về lực lượng lao động, tạo ra sức ép lên hệ thống phúc lợi xã hội và giảm khả năng cạnh tranh kinh tế của Nhật Bản.
+ Tỉ lệ dân thành thị cao, dân cư tập trung mật độ cao ở các vùng đô thị nảy sinh các vấn đề về nhà ở, việc làm,…
+ Các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử đã góp phần phát triển ngành du lịch.
+ Người dân Nhật Bản chăm chỉ, ý chí vươn lên đã giúp quốc gia này khắc phục được những khó khăn về điều kiện tự nhiên và cho phép Nhật Bản duy trì sự thịnh vượng của mình.
+ Chú trọng đầu tư cho giáo dục, đề cao thái độ và giá trị đạo đức tạo nên những thế hệ công dân có kiến thức, chuyên môn cao, có trách nhiệm trong cuộc sống và công việc.
I. Vị trí địa lí
Câu hỏi trang 114: Dựa vào thông tin mục I và hình 23.1, hãy: Xác định vị trí địa lí của Nhật Bản.
Trả lời:
- Nhật Bản là một quốc gia quần đảo, nằm ở phía đông bắc của châu Á, có diện tích khoảng 378 nghìn km2. Lãnh thổ gồm hàng nghìn đảo, trong đó bốn đảo lớn nhất là Hô-cai-đô, Hôn-su, Xi-cô-cư, Kiu-xiu.
- Nhật Bản nằm trong khoảng vĩ độ từ 20°B đến 45°B và trong khoảng kinh độ từ 123°Đ đến 154°Đ.
- Phía đông và phía nam giáp Thái Bình Dương; phía tây giáp biển Nhật Bản; phía bắc giáp biển Ô-khốt. Nhật Bản gần các nước trong lục địa là Liên bang Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Câu hỏi trang 114: Dựa vào thông tin mục I và hình 23.1, hãy: Phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí đến phát triển kinh tế - xã hội Nhật Bản.
Trả lời:
- Thuận lợi:
+ Có nhiều điều kiện xây dựng các hải cảng, phát triển tổng hợp kinh tế biển.
+ Nằm trong khu vực phát triển kinh tế năng động châu Á - Thái Bình Dương, thuận lợi cho giao thương quốc tế và phát triển kinh tế.
- Khó khăn: Nhật Bản nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương nên chịu tác động của nhiều thiên tai, nhất là động đất và sóng thần, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất
II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
Câu hỏi trang 117: Dựa vào thông tin mục II và hình 23.1, hãy: Trình bày đặc điểm điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Nhật Bản.
Trả lời:
- Địa hình và đất: Nhật Bản là một đất nước nhiều đồi núi, địa hình bị cắt xẻ phức tạp.
+ Khu vực đồi núi: chiếm khoảng 4/5 diện tích, phần lớn là núi trẻ, độ cao trung bình từ 1500 - 2000 m; có nhiều núi lửa, chiếm khoảng 10% núi lửa đang hoạt động trên thế giới. Đất đai chủ yếu là đất: pốt dôn, đất nâu...
+ Đồng bằng nhỏ hẹp và phân bố ven biển.
- Khí hậu: Nhật Bản nằm trong đới khí hậu ôn đới, mang tính chất gió mùa; phần lớn lãnh thổ có lượng mưa trên 1000 mm/năm. Khí hậu Nhật Bản phân hóa rõ rệt:
+ Theo chiều bắc - nam: Phía bắc có khí hậu ôn đới, mùa đông kéo dài, lạnh, thường xảy ra bão tuyết. Phía nam có khí hậu cận nhiệt, mùa đông ít lạnh, mùa hạ nóng, thường có mưa to và bão.
+ Theo chiều đông - tây: sự phân hóa thể hiện rõ ở đảo Hôn-su, phía đông đảo ấm, mưa nhiều vào mùa hạ, lạnh và khô ráo vào mùa đông; phía tây đảo có mùa đông lạnh hơn, nhiều tuyết.
+ Ở những khu vực địa hình núi cao, khí hậu có sự phân hóa theo độ cao.
- Sông, hồ
+ Mạng lưới sông ngòi khá dày, đa số các sông đều ngắn, dốc và có tốc độ chảy lớn. Sông dài nhất là sông Si-na-nô.
+ Có nhiều hồ, lớn nhất là hồ Bi-oa trên đảo Hôn-su. Đặc biệt, Nhật Bản có nhiều hồ núi lửa, như hồ Ku-sa-ra, Si-cốt-sư trên đảo Hô-cai-đô,…
- Sinh vật: khá phong phú, có các kiểu rừng: rừng lá kim, rừng lá rộng, rừng nhiệt đới.
+ Rừng lá kim phân bố chủ yếu ở đảo Hô-cai-đô;
+ Rừng lá rộng có ở đảo Hôn-su và Kiu-xiu.
- Khoáng sản
+ Nghèo tài nguyên khoáng sản. Các khoáng sản có trữ lượng lớn nhất là than đá và đồng, các khoáng sản khác (vàng, chì - kẽm, dầu mỏ, khí tự nhiên,...) có trữ lượng không đáng kể.
+ Nhật Bản có nhiều suối khoáng nóng tự nhiên.
- Biển:
+ Đường bờ biển dài 29000 km với vùng biển rộng không đóng băng, bờ biển nhiều vũng vịnh.
+ Vùng biển có tính đa dạng sinh học cao, có nhiều ngư trường lớn.
Câu hỏi trang 117: Dựa vào thông tin mục II và hình 23.1, hãy: Phân tích ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế - xã hội Nhật Bản.
Trả lời:
- Ảnh hưởng của địa hình và đất đai:
+ Nhiều đồi núi, địa hình cắt xẻ phức tạp nên khó khăn trong giao thông vận tải, cư trú.
+ Diện tích đồng bằng và đất thấp rất ít nên hạn chế trong phát triển nông nghiệp, canh tác.
- Ảnh hưởng của khí hậu:
+ Khí hậu ôn đới mang tính chất gió mùa thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
+ Sự phân hóa khí hậu ảnh hưởng đến sự đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ, loại hình du lịch.
- Ảnh hưởng của sông, hồ:
+ Các sông có giá trị về thủy điện nhưng hạn chế về mặt giao thông.
+ Các hồ cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, có cảnh quan đẹp phục vụ khai thác du lịch.
- Ảnh hưởng của tài nguyên sinh vật: Tài nguyên rừng với thành phần loài đa dạng là cơ sở để phát triển ngành lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ.
- Ảnh hưởng của tài nguyên khoáng sản:
+ Nghèo khoáng sản nên Nhật Bản phải nhập khẩu phần lớn khoáng sản để phục vụ cho ngành công nghiệp.
+ Nhiều suối khoáng nóng tự nhiên phát triển du lịch, chữa bệnh.
- Ảnh hưởng của biển:
+ Đường bờ biển dài, nhiều vũng vịnh thuận lợi xây dựng các cảng biển.
+ Vùng biển đa dạng sinh học cao, nhiều ngư trường lớn là điều kiện để phát triển ngành khai thác thủy sản.
III. Dân cư và xã hội
Câu hỏi trang 119: Dựa vào thông tin mục 1 và hình 23.3, hãy: Nêu đặc điểm nổi bật về dân cư Nhật Bản.
Trả lời:
- Quy mô dân số: là nước đông dân. Năm 2020 số dân Nhật Bản là 126,2 triệu người, đứng thứ 11 thế giới.
- Tỉ lệ tăng dân số Nhật Bản rất thấp, dưới 0% từ năm 2008 và năm 2020 là -0,3%.
- Thành phần dân tộc của Nhật Bản về cơ bản khá đồng nhất.
- Cơ cấu dân số:
+ Nhật Bản có số nam ít hơn số nữ.
+ Nhật Bản là quốc gia có cơ cấu dân số già, tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.
- Mật độ dân số:
+ Mật độ dân số cao (khoảng 338 người/km2, năm 2020);
+ Dân cư phân bố không đồng đều giữa các đảo và giữa các khu vực trên cùng một đảo. Khoảng 60% dân cư sống trên 3% diện tích đất nước, chủ yếu ở các đồng bằng ven biển, đặc biệt là dải đồng bằng ven Thái Bình Dương trên đảo Hôn-su.
- Tỉ lệ dân thành thị cao (91,8% năm 2020); Tô-ky-ô là vùng đô thị lớn nhất thế giới (năm 2020), các thành phố lớn khác là Ô-xa-ca, Na gôi-a... Mức sống của người dân đô thị cao, cơ sở hạ tầng hiện đại, các đô thị đồng thời là các trung tâm kinh tế, văn hóa.
Câu hỏi trang 119:
Dựa vào thông tin mục 1 và hình 23.3, hãy: Phân tích ảnh hưởng của đặc điểm dân cư đến phát triển kinh tế - xã hội Nhật Bản.Trả lời:
- Số dân đông tạo cho Nhật Bản có một thị trường tiêu thụ nội địa mạnh.
- Cơ cấu dân số già gây ra sự thiếu hụt về lực lượng lao động trong tương lai, tạo ra sức ép lên hệ thống phúc lợi xã hội và giảm khả năng cạnh tranh kinh tế của Nhật Bản.
- Dân cư tập trung với mật độ cao ở các vùng đô thị cũng nảy sinh các vấn đề về nhà ở, việc làm..
Câu hỏi trang 120: Dựa vào thông tin mục 2, hãy phân tích tác động của các đặc điểm xã hội tới phát triển kinh tế - xã hội Nhật Bản.
Trả lời:
- Tác động của các đặc điểm xã hội tới phát triển kinh tế - xã hội Nhật Bản:
+ Phong tục tập quán độc đáo và các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử đã góp phần phát triển ngành du lịch của Nhật Bản.
+ Người dân Nhật Bản chăm chỉ, tính kỉ luật và tinh thần trách nhiệm cao đã giúp cho nước này là một trong những quốc gia dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ.
+ Ý chí vươn lên của người Nhật đã giúp quốc gia này khắc phục được những khó khăn về điều kiện tự nhiên và cho phép Nhật Bản duy trì sự thịnh vượng của mình.
+ Chú trọng đầu tư cho giáo dục, đề cao thái độ và giá trị đạo đức tạo nên những thế hệ công dân có kiến thức, chuyên môn cao, có trách nhiệm trong cuộc sống và công việc.
Luyện tập 1 trang 120: Tại sao nói điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Nhật Bản không thực sự thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội?
Trả lời:
- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Nhật Bản không thực sự thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội vì:
+ Địa hình và đất: nhiều đồi núi, địa hình cắt xẻ phức tạp nên khó khăn trong giao thông vận tải, cư trú; diện tích đồng bằng và đất thấp rất ít nên hạn chế trong phát triển nông nghiệp, canh tác.
+ Khí hậu: thường có mưa to và bão, phân hóa khí hậu rõ rệt ảnh hưởng đến cơ cấu cây trồng vật nuôi, mùa vụ. Mùa đông thường lạnh, nhiều tuyết có hại cho sản xuất nông nghiệp. Một số loại hình du lịch bị hạn chế do thời tiết xấu.
+ Sông, hồ: sông ngắn và dốc hạn chế về giao thông vận tải đường thủy.
+ Sinh vật: sinh vật nghèo nàn, chủ yếu là rừng
+ Khoáng sản: nghèo tài nguyên khoáng sản, chỉ có than đá và đồng, các khoáng sản khác trữ lượng không đáng kể.
+ Biển: chịu ảnh hưởng nhiều thiên tai như bão, sóng thần, một số vùng biển bị đóng băng.
Luyện tập 2 trang 120: Dựa vào bảng 23.1, hãy nhận xét sự thay đổi trong cơ cấu dân số theo tuổi của Nhật Bản giai đoạn 1950 - 2020.
Trả lời:
- Nhận xét: Cơ cấu dân số theo tuổi của Nhật Bản giai đoạn 1950 - 2020 thay đổi theo hướng giảm số dân dưới 15 tuổi và từ 15 tuổi đến 64 tuổi, tăng nhanh số dân nhóm từ 65 tuổi trở lên. Cụ thể:
+ Số dân dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 35,4 triệu người năm 1950 xuống chỉ còn 12,4 triệu người năm 2020, giảm 23 triệu người.
+ Số dân nhóm tuổi từ 15 đến 64 tuổi giảm nhẹ, từ 59,6 triệu người năm 1950 xuống 59,2% năm 2020.
+ Số dân từ 64 tuổi trở lên tăng mạnh, từ 5 triệu người năm 1950 lên 28,4 triệu người năm 2020.
Vận dụng trang 120: Tìm kiếm thông tin, trình bày thực trạng và ảnh hưởng của già hóa dân số đến phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản.
Trả lời:
(*) Tham khảo: Sức ép dân số già ở Nhật Bản
- Số người cao tuổi gia tăng đang tạo sức ép lớn cho Nhật Bản trong việc giải quyết bài toán già hóa dân số vốn là “cơn đau đầu” của quốc gia Đông Bắc Á này trong những năm qua.
- Tính đến tháng 9/2020, số người từ 65 tuổi trở lên ở xứ sở mặt trời mọc đạt mức cao kỷ lục, 36,17 triệu, tăng 300.000 người so với cùng thời điểm năm 2019. Người cao tuổi hiện chiếm 28,7% tổng dân số nước này, tăng 0,3% so với năm ngoái. Trong số người trên 65 tuổi, có 15,73 triệu người là nam giới và 20,44 triệu người là nữ giới. Tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số của Nhật Bản đang ở mức cao nhất thế giới. Viện nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội quốc gia Nhật Bản dự báo, đến năm 2040, số người cao tuổi ở nước này có thể chiếm tới 35,3% tổng dân số cả nước.
- Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số ngày càng trầm trọng do tuổi thọ trung bình của người dân tăng cao cùng tỷ lệ sinh suy giảm.
- Sự chênh lệch giữa tuổi thọ cao và tỷ lệ sinh thấp khiến cho cơ cấu dân số ở Nhật Bản mất cân bằng. Tốc độ già hóa nhanh chóng khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Trên thực tế, nỗ lực ứng phó với tình trạng già hóa dân số của Nhật Bản đang gặp rào cản lớn do diễn biến của đại dịch Covid-19. Việc khả năng tài chính bị hạn chế do mất việc làm sẽ khiến gia tăng số lượng người trẻ tuổi tránh kết hôn và sinh con trong thời gian tới.
-/-
Trên đây là hướng dẫn giải bài tập Địa lí 11 Kết nối tri thức Bài 23: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Nhật Bản. Các em có thể xem thêm các câu hỏi trong các bài học trong phần Soạn Địa 11 sách Kết nối tri thức với cuộc sống nữa nhé!