Phân tích khổ 1 bài Bếp lửa

Xuất bản: 15/05/2019 - Cập nhật: 22/03/2023 - Tác giả: Giangdh

[Văn mẫu 9] Phân tích khổ 1 bài Bếp lửa của tác giả Bằng Việt để làm sáng tỏ lên hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng hồi tưởng cảm xúc về bà, cùng Đọc tài liệu phân tích 3 câu thơ đầu Bếp lửa để làm rõ điều đó nhé.

     Phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa - Bằng Việt để thấy được hình ảnh bếp lửa đã khơi buồn tình cảm và những cảm xúc về người bà như thế nào nhé.

Bài văn mẫu hay phân tích khổ 1 bếp lửa

Bài văn mẫu 1

Tình thương ấp ủ của người cháu dành cho bà qua phân tích ba câu thơ đầu Bếp lửa

Trong cuộc đời, ai cũng có riêng cho mình những kỉ niệm của một thời ấu thơ hồn nhiên, trong sáng. Những kỉ niệm ấy là những điều thiêng liêng, thân thiết nhất, nó có sức mạnh phi thường nâng đỡ con người suốt hành trình dài và rộng của cuộc đời. Bằng Việt cũng có riêng một kỉ niệm, đó chính là những tháng năm sống bên bà, cùng bà nhóm lên cái bếp lửa thân thương. Không chỉ thế, điều in đậm trong tâm trí của Bằng Việt còn là tình cảm sâu đậm của hai bà cháu. Chúng ta có thể cảm nhận điều đó qua bài thơ Bếp lửa của ông.

Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ Bếp lửa được ông sáng tác năm 1963 lúc 19 tuổi và đang đi du học ở Liên Xô. Bài thơ đã gợi lại những kỷ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu với bà, với gia đình, quê hương, đất nước. Tình cảm và những kỉ niệm về bà được khơi gợi từ hình ảnh bếp lửa. Ở nơi đất khách quê người, bắt gặp hình ảnh bếp lửa, tác giả chợt nhớ về người bà:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Hình ảnh chờn vờn gợi lên những mảnh kí ức hiện về trong tác giả một cách chập chờn như khói bếp. Bếp lửa được thắp lên, nó hắt ánh sáng lên mọi vật và tỏa sáng tâm hồn đứa cháu thơ ngây. Bếp lửa được thắp lên đó cũng là bếp lửa của cuộc đời bà đã trải qua biết mấy nắng mưa. Từ đó, hình ảnh người bà hiện lên. Dù đã cách xa nửa vòng trái đất nhưng dường như Bằng Việt vẫn cảm nhận được sự vỗ về, yêu thương, chăm chút từ đôi tay kiên nhẫn và khéo léo của bà. Trong cái khoảnh khắc ấy, trong lòng nhà thơ lại trào dâng một tình yêu thương bà vô hạn. Tình cảm bà cháu thiêng liêng ấy cứ như một dòng sông với con thuyền nhỏ chở đầy ắp những kỉ niệm mà suốt cuộc đời này chắc người cháu không bao giờ quên được và cũng chính từ đó, sức ấm và ánh sáng của tình bà cháu cũng như của bếp lửa lan tỏa toàn bài thơ.

Có thể bạn quan tâm: Phân tích bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Bài văn mẫu 2

Bài văn phân tích khổ 1 Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt hay nhất

Tuổi thơ mỗi con người gắn với muôn vàn kỉ niệm bên người thân, bạn bè, bên cạnh đó là những cảm xúc, những tình cảm dành cho nhau để rồi khi mai sau lớn lên dùng tình cảm kỉ niệm ấy tiếp tục hành trang cuộc đời. Rất nhiều tác phẩm văn học thơ, truyện ngắn được các tác giả lấy cảm hứng từ tình cảm thiêng liêng ấy, tình cảm vợ chồng, tình mẹ con, tình đồng chí, tình yêu quê hương đất nước,...

Tác giả Bằng Việt đã sáng tác bài thơ Bếp Lửa với tình cảm và niềm nhung nhớ dành cho người bà của mình khi đang du học tại Liên Xô vào năm 1963. Hình ảnh đứa cháu cùng người bà đã trải qua cuộc sống khổ cực nhưng tràn ngập tình yêu thương, chăm sóc, quan tâm, chở che trong những ngày bố mẹ đi làm xa và niềm hạnh phúc bên bếp lửa ấm áp tình thương.

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

..........

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa"

Hình ảnh bếp lửa được khắc họa lên từ ba câu thơ đầu qua điệp ngữ "một bếp lửa" và từ láy "chờn vờn" khiến ta có thể hình dung ra được một khung cảnh đơn sơ, giản dị nhưng ấm áp, đầy ấp tình cảm. Ngọn lửa từ bếp ấp ôm bao niềm nhung nhớ về bà, chứa đựng biết bao kỉ niệm của người cháu nhỏ và bà. Người bà ân cần nhóm nhen ngọn lửa tình cảm ấy, cũng giống như đôi tay bà chăm sóc cho cháu nhẹ nhàng quan tâm, hình ảnh người bà như làn khói từ bếp vào mỗi buổi sớm mai, hình ảnh khổ cực chăm nuôi của bà dãi dầu mưa nắng càng thắp lên trong lòng người cháu rõ rệt vết hằn nỗi nhớ. Từ hai câu đầu qua hình ảnh bếp lửa mỗi sáng đã được tác giả khắc họa lên một bếp lửa chan chứa kỉ niệm, một bếp lửa đầy ấp tình yêu, một bếp lửa sáng rực lên hình ảnh bà. Đến câu tiếp theo bao nhiêu nỗi niềm như phút chốc vỡ òa "cháu thương bà biết mấy nắng mưa", tác giả đau lòng, xót xa trước nỗi nhớ về hình ảnh bà dù mưa dù nắng nhưng vẫn lo cho cháu đầy đủ từng cái ăn cái mặc, gian truân cuộc đời bà vì cháu mà trải qua không một lời nói, bà âm thầm vì cháu mà làm mọi việc, đều là những hy sinh thầm lặng từ người bà kính yêu.

Từ đây ta thấy rằng trong trái tim tác giả hình ảnh người bà thiêng liêng biết là bao, có cả một vùng trời thương nhớ về người bà, một câu "cháu thương bà" cũng sẽ đọng lại trong ta một ý nghĩa sâu sắc.

Bài văn mẫu 3

Văn mẫu 9 phân tích khổ 1 Bếp lửa

Bằng Việt bắt đầu làm thơ từ những năm 60 của thế kỉ XX. Ông là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.Thơ ông toát lên vẻ đẹp trong sáng mượt mà "như những bức tranh lụa"; rất đằm thắm và sâu sắc khi viết về những kỉ niệm tuổi ấu thơ, tuổi học trò, tình cảm gia đình... Bài thơ "Bếp lửa" là một trong các bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất cho đặc điểm thơ, phong cách nghệ thuật và sự nghiệp cầm bút của ông. Tác phẩm được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên ngành luật bên Liên Xô, là tập thơ đầu tay của Bằng Việt, sau được đưa vào tuyển tập "Hương cây - Bếp lửa" cùng với Lưu Quang Vũ. Qua bài thơ người đọc cảm nhận được tình cảm bà cháu bình dị, sâu sắc, cảm động và rất đỗi thiêng liêng, rất đáng trân trọng.

Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ hồi tưởng đến hiện tại, từ kỉ niệm đến suy ngẫm. Điều đó được gợi ra qua hình ảnh bếp lửa quê hương và hình ảnh người bà. Từ đó mà người cháu (chính là Bằng Việt) bộc lộ nỗi nhớ về những kỉ niệm thời ấu thơ và được sống trong sự yêu thương, chăm sóc của bà. Đồng thời thể hiện niềm biết ơn, sự kính trọng của người cháu đối với người bà, đối với gia đình, đối với quê hương, đất nước.

Trước hết là hình ảnh "bếp lửa" - nơi khơi nguồn cảm xúc nỗi nhớ, hồi tưởng về người bà kính yêu. Ở phương xa, người cháu luôn hướng về quê nhà, nơi có gia đình, có người thân yêu, có bà và có cả những kỉ niệm ầu ơ khi còn nhỏ. Và dòng cảm xúc hồi tưởng ấy được bắt đầu từ hình ảnh "bếp lửa" yêu thương:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Hình ảnh bếp lửa "chờn vờn sương sớm" giàu tính chất tả thực, gợi lên hình ảnh một bếp lửa ẩn hiện bập bùng cháy trong làn sương khói của buổi sớm mai. Những đốm than hồng đỏ rực nồng đượm sự ấp ủ, được nhóm lên bởi bàn tay dịu dàng, cần mẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của người bà. Đồng thời, cái bếp lửa ấy cũng chờn vờn trong tâm trí, trong nỗi nhớ ám ảnh của nhà thơ, ấp ui, trân trọng và giữ gìn. Từ đó đánh thức dòng hồi tưởng nhớ thương của người cháu về người bà - người nhóm lửa trong mỗi buổi sớm mai:

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Cụm từ "biết mấy nắng mưa" gợi tả sự cần cù, chịu khó, vất vả, giàu đức hi sinh của người bà. "Thương" là tình cảm chân thành, xuất phát từ trái tim giàu tình yêu thương, sự sẻ chia vả bao hàm cả sự kính trọng, niềm biết ơn sâu sắc, cùng nỗi nhớ khôn nguôi của người cháu dành cho bà của mình.

Như vậy, với ba câu thơ mở đầu tác phẩm, Bằng Việt đã thể hiện tình cảm nỗi nhớ da diết của mình về bếp lửa quê hương và người bà thân yêu. Có thể coi đây là khúc dạo đầu viết về nỗi nhớ. Từ đó định hướng cảm xúc cho toàn bài. Bài thơ sẽ là lời tâm tư, nỗi nhớ của người cháu về bếp lửa, về người bà và cả những kỉ niệm buồn vui khi còn bên cạnh bà.

-/-

Trên đây là một số bài văn mẫu phân tích khổ 1 Bếp lửa của Bằng Việt bao gồm những bài hay nhất được Đọc tài liệu sưu tầm. Chúc các em học tốt môn Văn khi tham khảo văn mẫu lớp 9 tại Doctailieu.com.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM