Phân tích Sang thu của Hữu Thỉnh

Xuất bản: 18/09/2020 - Cập nhật: 31/05/2024 - Tác giả:

Phân tích Sang thu của Hữu Thỉnh, hướng dẫn chi tiết cách làm và tham khảo bài văn mẫu phân tích bài thơ Sang thu hay nhất trước khi làm bài

Phân tích Sang thu của Hữu Thỉnh là đề văn thường gặp trong chương trình Ngữ Văn lớp 9. Ở bài viết này, Đọc tài liệu sẽ hướng dẫn các em cách phân tích bài Sang thu

đầy đủ và chi tiết cũng như giới thiệu bài văn mẫu hay cho các em cùng tham khảo.

Phan tich bai tho Sang thu cua Huu Thinh

Giới thiệu về tác giả Hữu Thỉnh và bài Sang thu

1. Tác giả Hữu Thỉnh

a) Tiểu sử cuộc đời

- Hữu Thỉnh (1942) tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học ở Phú Vinh, Duy Phiên, Tam Đảo (Tam Dương), Vĩnh Phúc.

- Ông trải qua một tuổi thơ không mấy dễ dàng: 6 năm ở cùng bác ruột, đến năm 10 tuổi phải đi phu, làm đủ mọi thứ lao dịch cho các đồn binh Pháp.

- Năm 1954, khi hòa bình lập lại ông mới được đến trường.

- Hữu Thỉnh tốt nghiệp phổ thông và nhập ngũ năm 1963, sau đó tham gia các hoạt động tại trung đoàn 202 như viết báo và làm cán bộ tuyên huấn.

- Ông là một trong số những học sinh khóa đầu tiên của trường Viết văn Nguyễn Du.

- Từ 1982 đến nay, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tuần báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam.

b) Sự nghiệp văn học

- Phong cách thơ: Hữu Thỉnh là người viết nhiều, viết hay về con người và cuộc sống ở nông thôn với những lời thơ giản dị nhưng vô cùng tinh tế và sâu sắc.

- Các giải thưởng văn học mà ông đã nhận được trong sự nghiệp:

+ Giải A, cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1975 - 1976 bài Chuyến đò đêm giáp ranh, Trường ca Sức bền của đất.

+ Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 với Trường ca Đường tới thành phố.

+ Giải thưởng Bộ Đại học, trung học chuyên nghiệp và Trung ương Đoàn (1991)

+ Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995 với tập thơ Thư mùa đông

+ Giải xuất sắc Bộ Quốc phòng năm 1994 với Trường ca biển

+ Giải thưởng Văn học ASEAN, 1999.

+ Giải thưởng Nhà nước về Văn học đợt I, 2001.

+ Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học Nghệ thuật năm 2012

c) Tác phẩm tiêu biểu

- Những tác phẩm thơ: Sang thu, Âm vang chiến hào (in chung), Đường tới thành phố (trường ca, 1979), Tiếng hát trong rừng, Từ chiến hào đến thành phố (trường ca, thơ ngắn), Khi bé Hoa ra đời (thơ thiếu nhi, in chung), Thư mùa đông (1994), Trường ca biển (1994), Thương lượng với thời gian (2005), Trăng Tân Trào (2019)...

- Những tác phẩm văn xuôi: Đường lửa mùa xuân (tập truyện ký, 1987), Mưa xuân trên tháp pháo (truyện ký, 2009), Lý do của hi vọng (truyện ký, 2010), Bến văn và những vòng sóng (tiểu luận, phê bình, 2020)

2. Tác phẩm Sang thu

- Hoàn cảnh sáng tác và xuất xứ: Năm 1977, khi đất nước vừa mới thống nhất hòa bình, Hữu Thỉnh đã sáng tác bài thơ Sang thu vào khoảng gần cuối năm và cho in trong tập “Từ chiến hào đến thành phố”.

- Nội dung chính: Miêu tả những chuyển biến nhẹ nhàng của đất trời từ hạ sang thu, không chỉ có hình ảnh thiên nhiên mà còn có bóng dáng con người trước mùa thu của cuộc đời.

- Ý nghĩa nhan đề " Sang thu":

+ “Sang thu” trước hết thể hiện nội dung tư tưởng của bài thơ đó là những tín hiệu đặc trưng của mùa thu ở đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, những suy ngẫm về đời người lúc sang thu.

+ “Sang thu” mang nghĩa ẩn dụ cho một giai đoạn mới của cuộc đời con người - giai đoạn tuổi trung niên.

3. Một số nhận định về Hữu Thỉnh và bài thơ Sang thu

“Bài thơ không chỉ báo cho người đọc biết thu đã trở trong cảnh sắc thiên nhiên mà còn ngay trong cuộc sống của con người, trong tâm hồn tôi và chắc với rất nhiều người yêu thu...”.

(Hữu Thỉnh)

“Chỉ mười hai câu thơ năm chữ mà anh đã vẽ lên một bức tranh “sang thu” vừa đúng, vừa đẹp, lại có tình, có chiều sâu suy nghĩ”.

(Nguyễn Xuân Lạc, Báo Giáo dục và Thời đại, số 1114 ngày 22/9/2005).

“Thiên nhiên và con người đều chung một nhịp sang thu. Nhan đề “Sang thu” vừa bao trùm lại vừa thấm vào từng từ ngữ, cảnh vật. Hương quả sang thu. Ngọn gió sang thu. Màn sương sang thu. Dòng sông, bầy chim, đám mây, bầu trời sang thu. Nắng sang thu. Mưa sang thu. Sấm chớp, giông bão, cây cối sang thu. Nhưng trong từng cảnh sang thu của thiên nhiên, đất trời, tạo vật là lồng lộn hồn người sang thu”.

(Vũ Nho, Thơ chọn và lời bình, NXB văn học, H. 1993)

- “Bài thơ khép lại với hình ảnh “sấm” và “hàng cây” vừa có tính tả thực vừa mang ý nghĩa ẩn dụ, gợi ra những suy tư thâm trầm. Cuối hạ - đầu thu, khi đã không còn những cơn mưa xối xả thì sấm cũng bớt bất ngờ và dữ dội. Hàng cây đứng tuổi là hàng cây đã qua bao cuộc chuyển mùa? Không biết chính xác là bao nhưng chắc cũng đủ để điềm nhiên trước những biến động. Tựa như con người lịch lãm, từng trải có thể bình tâm trước những vang chấn của ngoại cảnh.”

(Nguyễn Trọng Hoàn, Đọc và hiểu văn bản Ngữ văn 9, NXB Giáo dục, 2005)

Trong một bài phỏng vấn, Hữu Thỉnh đã giải thích “Sấm là những khó khăn thử thách mà dân tộc Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt chống Pháp và Mỹ. Còn hàng cây là hình ảnh của đất nước, dân tộc ta vững vàng vượt qua thử thách. Trải qua bao nhiêu thử thách, bom đạn ác liệt, chúng ta không còn sợ bất cứ thế lực nào, vững vàng vượt lên phía trước trong công cuộc xây dựng đất nước”.

Phân tích nội dung bài thơ Sang thu chi tiết

1. Bức tranh cảnh sắc thiên nhiên mùa thu

a) Tín hiệu ban đầu khi giao mùa sang thu

- Hương ổi bỗng phả vào gió se thơm ngào ngạt, nồng nàn đánh thức những cảm xúc trong lòng người.

+ "bỗng": chợt giật mình, không có sự chuẩn bị từ trước, cảm giác sững sờ, ngạc nhiên.

+ “hương ổi”: hương thơm bình dị đặc trưng của làng quê Bắc Bộ, báo hiệu mùa thu đã về.

+ “gió se”: gió heo may, khiến làn da cảm nhận được hơi lạnh và khô

+ “phả”: động từ chỉ hành động mạnh mẽ mang nghĩa tỏa vào, trộn lẫn, gợi sự sánh, hòa quyện, huơng thu hòa trong làn gió trải đều khắp các ngõ ngách làng quê.

- Màn sương chùng chình qua ngõ, một chút ngỡ ngàng, bâng khuâng trong tâm hồn nhà thơ và sung sướng thầm thốt lên “Hình như thu đã về”.

+ "chùng chình": tính từ chỉ sự cố ý chậm lại, dềnh dàng, tạo cảm giác chậm chạp, lững thững.

+ Hình ảnh nhân hóa “sương chùng chình”: tả làn sương mỏng nhẹ bắt đầu xuất hiện như cố chậm lại có lẽ để đợi chờ ai.

=> Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên chớm thu được tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan tinh tế: khứu giác, xúc giác, thị giác và bằng tâm hồn, từ đó giúp người đọc hình dung rõ nét hơn, đẹp đẽ hơn những đặc trưng của mùa thu và bức tranh mùa thu nơi quê nhà thanh bình.

b) Chuyển biến của đất trời lúc thu sang

"Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu"

- Không gian đất trời vào thu được gợi lên bằng những dấu hiệu và hình ảnh:

+ Dòng sông "dềnh dàng": dòng sông quê hương thướt tha mềm mại, hiền hòa trôi một cách nhàn hạ, thanh thản chứ không còn mang dòng chảy vội vã, hối hả. Dòng sông trôi chậm lại như để cảm nhận, tận hưởng vẻ đẹp yên bình của mùa thu.

+ Chim "vội vã": Những cánh chim chiều bắt đầu vội vã, hối hả bay về phương Nam tránh rét trong buổi hoàng hôn hay cũng có thể nó chỉ đang vội vã quay về tổ trước lúc những ánh mặt trời cuối cùng vỡ tan vào trong màn đêm. -> đối lập với vẻ lững thững, dềnh dàng của dòng sông.

+ Đám mây "vắt nửa mình: qua sự liên tưởng độc đáo bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả, những đám mây được miêu tả đang trôi lững lờ, bảng lảng như một dải lụa nửa nghiêng về mùa hạ nửa ngả về mùa thu.

=> Con người vừa muốn níu kéo cái rực rỡ của mùa hè vừa muốn vội vã làm việc gì chưa xong khi mùa thu chưa ngả chiều.

"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi."

+ Những dư âm của mùa hạ như ánh nắng, những cơn mưa, tiếng sấm vẫn còn nhưng đã trở nên dịu dàng, hiền hòa hơn, không còn bất ngờ và gắt gỏng.

=> Tín hiệu mùa hạ vẫn còn nhưng đã nhạt dần.

+ Hình tượng "sấm" với lớp nghĩa ẩn dụ chỉ những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời.

+ Hình ảnh "hàng cây đứng tuổi" chỉ những con người từng trải.

=> Con người từng trải, từng vượt qua khó khăn, thăng trầm của cuộc đời sẽ càng vững vàng hơn trước mọi sóng gió, biến động của cuộc đời.

2. Cảm xúc của nhà thơ khi thu sang

- Ngỡ ngàng, bối rối: Một loạt các từ “bỗng, phả, hình như” đã được tác giả sử dụng kết hợp thể hiện tâm trạng bối rối, ngỡ ngàng, bâng khuâng khi thu chợt đến:

+ "Bỗng nhận ra": trạng thái chưa được chuẩn bị trước, như là vô tình, sửng sốt

+ "Hình như thu đã về": Nhà thơ giật mình, ngỡ ngàng, bối rối, thì thầm tự hỏi khi nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của mùa thu, hình như còn có chút gì chưa thật rõ ràng trong cảm nhận, chưa dám tin rằng mùa thu đã thực sự đến.

=> Tâm hồn thi sĩ biến chuyển nhịp nhàng với phút giao mùa của cảnh vật: "Chùng chình, bịn rịn, lưu luyến, bâng khuâng…". Từ hương nhận ra gió, từ gió nhận ra sương, trong sương có gió, có hương, có tình, từ không gian hẹp (vườn, ngõ) với những gì vô hình (hương, gió) chuyển sang không gian rộng lớn với nhiều tầng bậc cụ thể hơn.

- Bâng khuâng, xao xuyến, lưu luyến, mong chờ: Cảnh vật sang thu gợi lên những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến trong lòng nhà thơ. Dòng sông, đàn chim, những đám mây,... tất cả đều mang một vẻ đẹp mơ hồ, giao thoa giữa hai mùa, khiến lòng người cũng trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng.

- Yêu thương, gắn bó với thiên nhiên: Nhà thơ cảm nhận sâu sắc sự thay đổi của thiên nhiên qua từng chi tiết nhỏ: hương ổi, gió se, sương chùng chình, sông dềnh dàng, chim vội vã... bằng sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ.

- Chiêm nghiệm về cuộc đời và con người: Những con người từng trải đã từng vượt qua những khó khăn, thăng trầm của cuộc đời sẽ càng trở nên vững vàng hơn.

+  Hình ảnh ẩn dụ: “Sấm cũng bớt bất ngờ. / Trên hàng cây đứng tuổi”.

  • Ý nghĩa tả thực: Sấm là hiện tượng thiên nhiên thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ (sấm cuối mùa, sấm cuối hạ cũng bớt đi, ít đi lúc sang thu).
  • Ý nghĩa ẩn dụ: Những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” gợi tả những con người từng trải đã từng vượt qua những khó khăn, những thăng trầm của cuộc đời. Qua đó, con người càng trở nên vững vàng hơn.

=> Cảm xúc tiếc nuối.

Phân tích Sang thu theo từng khổ thơ

1. Cảm nhận ban đầu khi bắt gặp tín hiệu giao mùa (khổ 1)

a) Bức tranh thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình

- Mùi hương quen thuộc của ổi chín, một hương vị đặc trưng của mùa thu phả trong gió se (se lạnh và hơi khô).

+ “Hương ổi” là làn hương đặc biệt của mùa thu miền Bắc được cảm nhận từ mùi ổi chín rộ.

+ Từ "phả" diễn tả sự lan tỏa mạnh mẽ của hương ổi, hòa quyện vào làn gió heo may se lạnh, báo hiệu sự chuyển mùa rõ rệt. -> gợi mùi hương ổi ở độ đậm nhất, thơm nồng quyến rũ, hòa vào trong gió heo may của mùa thu, lan tỏa khắp không gian tạo ra một mùi thơm ngọt mát - hương thơm nồng nàn hấp dẫn của những vườn cây sum sê trái ngọt ở nông thôn Việt Nam.

- Sương mù mỏng nhẹ nhàng trôi, mang đến cảm giác mơ hồ, huyền ảo của buổi sáng mùa thu. Những hạt sương nhỏ li ti đang “cố ý” chuyển động chậm lại thong thả, nhẹ nhàng. Hạt sương sớm mai cũng như có tâm hồn.

- Câu thơ "Hình như thu đã về" như một lời thì thầm tự hỏi, thể hiện sự ngỡ ngàng, bối rối khi nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của mùa thu.

b) Cảm xúc của nhà thơ

- Kết hợp một loạt các từ: “Bỗng, phả, hình như” thể hiện tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng trước thoáng đi bất chợt của mùa thu.

- Nhà thơ giật mình, hơi bối rối, hình như còn có chút gì chưa thật rõ ràng trong cảm nhận. Vì đó là những cảm nhận nhẹ nhàng, thoáng qua hay là vì quá đột ngột mà tác giả chưa nhận ra?

- Tâm hồn thi sĩ biến chuyển nhịp nhàng với phút giao mùa của cảnh vật. Từng cảnh sang thu thấp thoáng hồn người: Chùng chình, bịn rịn, lưu luyến, bâng khuâng…

2. Những chuyển biến tinh tế của đất trời lúc thu sang (khổ 2)

- Hình ảnh thiên nhiên sang thu được nhà thơ phát hiện bằng những hình ảnh quen thuộc làm nên một bức tranh mùa thu đẹp đẽ và trong sáng:

+ Dòng sông đã trôi chậm lại, không còn vội vã, hối hả nữa để cảm nhận, tận hưởng vẻ đẹp của mùa thu yên bình.

+ Đối lập với hình ảnh trên là những cánh chim chiều bắt đầu vội vã, hối hả đi tìm thức ăn và sửa soạn lại tổ ấm có lẽ để chuẩn bị cho cuộc hành trình di cư tránh rét.

+ Mây được miêu tả qua sự liên tưởng độc đáo bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết: mây mỏng, nhẹ, kéo dài của mùa hạ còn sót lại như lưu luyến. Đám mây mới chỉ “vắt nửa mình sang thu” vì vẫn còn lưu luyến mùa hè rộn rã.

=> Không phải vẻ đẹp của mùa hạ cũng chưa hẳn là vẻ đẹp của mùa thu mà đó là vẻ đẹp của thời khắc giao mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế và nhạy cảm đang say thời khắc giao mùa này.

3. Những tâm tư, suy ngẫm về cuộc đời (khổ 3)

- Thiên nhiên sang thu còn được gợi ra qua hình ảnh cụ thể: nắng - mưa

+ "Nắng": nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng đã nhạt dần, không còn chói chang, dữ dội, gay gắt.

+ "Mưa": mưa cũng đã ít đi, hết dần những cơn mưa rào ào ạt, bất ngờ. Từ “vơi” có giá trị gợi tả, diễn tả cái thưa dần, ít dần, hết dần.

- Sấm khi sang thu đã thưa thớt hơn, không còn dữ dội làm lay động hàng cây nữa:

Sấm cũng bớt bất ngờ.

Trên hàng cây đứng tuổi”

+ "Sấm": là những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời.

+ “Hàng cây đứng tuổi”: gợi liên tưởng như một đời người trưởng thành rồi già cỗi đi.

-> Mùa thu khép lại những ngày tháng sôi nổi, bồng bột của tuổi trẻ để mở ra một mùa mới, một không gian mới điềm đạm hơn.

=> Những con người từng trải, đã nếm được hết mùi vị ngọt ngào, cay đắng, mặn mà hay chua chát của cuộc sống, đã trải qua những khó khăn của cuộc đời, thì giờ đây sẽ không phải rơi vào tình thế xao động hay lung lay trước những biến cố của vòng xoáy cuộc đời nữa.

Tham khảo thêmDàn ý phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

4. Phân tích các biện pháp tu từ trong bài Sang thu

- Biện pháp đảo ngữ:

"Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se"

+ Vị trí thông thường của câu sẽ là "Hương ổi bỗng phả vào trong gió se".

=> Sự đảo ngữ này nhấn mạnh vào từ "bỗng", thể hiện sự bất ngờ, ngỡ ngàng khi nhận ra dấu hiệu của mùa thu.

- Nghệ thuật nhân hóa:

+ sương “chùng chình”: gợi lên dáng vẻ lãng đãng như đợi chờ, cố ý chậm lại đầy lưu luyến của màn sương.

+ mây “vắt nửa mình”: gợi hình dung mây mỏng như dải lụa treo trên bầu trời, nửa nghiêng về mùa hạ, nửa nghiêng về mùa thu, thể hiện sự quyến luyến.

+ chim bay "vội vã": những đàn chim dường như cũng vội vã hơn bởi chúng cũng đã cảm nhận được hơi se lạnh của mùa thu.

+ "hàng cây đứng tuổi": hàng cây đã trải qua bao mùa mưa nắng giống như những con người có tuổi đã trải qua bao khó khăn, gian nan trong cuộc đời.

- Nghệ thuật đối:

+ “dềnh dàng” với “vội vã”: diễn tả hai động thái trái ngược của thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa

+ “vẫn còn” với “vơi dần”; “nắng” với “mưa”: tái hiện sự vận động trái chiều của hai hiện tượng thiên nhiên.

=> Nghệ thuật nhân hóa và đối có tác dụng giúp cho hình ảnh tự nhiên trở nên gần gũi, thân thuộc với con người, có sức truyền cảm tới người đọc cũng như gợi lên những liên tưởng thú vị.

- Nghệ thuật ẩn dụ:

+ "Sấm" ẩn dụ cho những vang động bất thường của ngoại cảnh, cuộc đời

+ "Hàng cây đứng tuổi" ẩn dụ cho một con người đã từng trải.

Sơ đồ tư duy phân tích Sang thu

Phan tich bai tho Sang thu cua Huu Thinh bang so do tu duy

Hướng dẫn phân tích Sang thu theo sơ đồ tư duy

Bài văn mẫu đặc sắc phân tích Sang thu của Hữu Thỉnh

Mùa thu luôn là đề tài khiến thi nhân phải động lòng thương yêu bởi đó là mùa của những gì nhẹ nhàng và dịu êm nhất, mùa của sự tĩnh lặng và những rung động sâu sắc nhất. Mùa thu đi vào thơ Nguyễn Khuyến bình dị, gần gũi; đi vào thơ Nguyễn Đình Thi là tiếng vọng từ đất nước ngàn đời. Còn mùa thu của Hữu Thỉnh qua bài thơ “Sang thu” thật đẹp, thật nên thơ và trữ tình, và tấm lòng của nhà thơ cũng thật duyên. Bài thơ đã phác họa thành công sự chuyển mùa kỳ diệu của đất trời và của lòng người.

Sang thu” là một bài thơ tái hiện lại một cách nhẹ nhàng sự chuyển mùa tinh tế, trời đất lúc sang thu có chút gì đó bối rối, có chút gì đó ngập ngừng và hơn hết là sự ngỡ ngàng, bồi hồi của nhà thơ khi nhận ra sự thay đổi của trời đất. Mùa thu về, mùa thu mang lại cho con người ta những giai điệu dịu êm nhất.

Dấu hiệu của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh thực sự rất bình dị và gần gũi, không phải là hương cốm mùa thu, không phải mặt hồ tĩnh lặng, cũng không phải những mùa lá rụng. Mùa thu trong thơ ông chính là “hương ổi”, là thứ hương đặc trưng của vùng quê Việt Nam mỗi khi thu về:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Phải thật tinh tế, thật khéo léo tác giả mới có thể nhận ra được thứ hương rất đỗi nhẹ nhàng và có thể bị gió cuốn đi lúc nào. Cụm từ “bỗng nhận ra” giống như một phát hiện mới, một sự ngạc nhiên rất thú vị như khi khám phá ra điều gì đó đẹp đẽ. Đây là cụm từ diễn ra trạng thái ngỡ ngàng của tác giả khi nhận ra mùa thu đã chạm ngõ chỉ với “hương ổi”, mùi hương đồng nội thân quen khiến những người con xa quê khó quên được. Mùi hương ổi ấy đã “phả” vào trong “gió se” đầu mùa thu dịu nhẹ, se sắt. Động từ “phả” đã làm toát lên thần thái của mùa thu, của hương ổi. Nó diễn tả sự quyện chặt vào, sự gắn kết giữa hương ổi và làn gió đầu mùa.

Chỉ qua hai câu thơ đầu, Hữu Thỉnh đã mang đến cho người đọc một cảm nhận mới về mùa thu, về sự chuyển mùa tinh tế nhất, về nhưng điều bình dị ở xung quanh chúng ta.

Sương chùng chỉnh qua ngõ

Hình như thu đã về

Hai câu thơ rất duyên, rất tinh tế nhưng rất sâu sắc, gợi lên sự mơ hồ của giây phút chuyển mùa. Hình ảnh “sương chùng chình qua ngõ” khiến người đọc tưởng tượng ra khung cảnh sương đang ngập ngừng giăng mắc ở đầu ngõ. Từ láy “chùng chình” dùng rất đắt, đã làm toát lên thần thái của mùa thu, không vội vàng, hồ hởi mà luôn tạo nên sự mơ hồ và mông lung nhất. Tác giả phải thốt lên “hình như”, là chưa chắc chắn, không chắn chắn nhưng thực ra là tác giả tự khẳng định rằng mùa thu về thật rồi.

Có lẽ mùa thu đã sang, là mùa thu của đất trời và mùa thu của lòng người mênh mang, nhiều tâm trạng. Đến khổ thơ thứ hai thì dường như mùa thu đã hiện rõ ra từng đường nét hình khối trong cảm nhận của tác giả:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Nước mùa thu dâng lên theo mùa “dềnh dàng”, những cánh chim trời bắt đầu “vội vã” bay. Thiên nhiên khi mùa thu về có chút gì đó vội vàng, gấp gáp hơn và trĩu nặng hơn nhưng vẫn giữ được thần thái đặc trưng nhất. Đường nét của mùa thu hiện lên rất rõ nét, không còn mơ hồ như ở khổ thơ thứ nhất nữa. Đây cũng là quá trình và là sự chuyển biến trong thiên nhiên và trong nhận thức của tác giả. Sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ của tác giả còn thể hiện ở cách nhìn “đám mây mùa hạ” như “vắt” sang thu. Thật tài hoa, thật khéo léo và dường như ông động lòng với mùa thu, khí thu, vị thu rất nhiều nên mới tưởng tưởng ra viễn cảnh đám mây cao trên trời như đang chuyển mình cùng nhịp đập của mùa thu.

Từ “vắt” dùng rất hay, rất độc đáo đã diễn tả được quá trình chuyển mình của mùa thu rất uyển chuyển, nhịp nhàng. Mùa thu có chút gì đó độc đáo, tinh nghịch và cũng không kém phần duyên dáng qua cảm nhận của Hữu Thỉnh. Mùa thu đã đến thật rồi, mùa thu mang theo những gì tinh khôi, nhẹ nhàng và dịu êm nhất.

Bức tranh chuyển mùa qua lời thơ Hữu Thỉnh thực sự mềm mại, nhẹ nhàng và uyển chuyển biết bao. Đó chính là cái Tài của tác giả, tài dùng chữ vẽ tranh.

Điều bất ngờ nằm ở khổ thơ cuối, mùa thu đã thực sự đến rồi và đất trời đã có nhưng chuyển biến khiến con người có thể nhận ra, nhưng tác giả đã chiêm nghiệm mùa thu bằng cách nhìn nhận của một đời người:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

Mùa thu có nắng, là thứ nắng dịu nhẹ và tinh khôi, thứ nắng có chút se se lạnh của gió đầu mùa. Thiên nhiên mùa thu cũng trở nên tĩnh lặng và trầm ngâm hơn. Tiếng sấm không còn khiến con người giật mình nữa mà nó trở nên lặng lẽ hơn trên hàng cây đứng tuổi. Tác giả đã đúc kết chiêm nghiệm và sự từng trải của một đời người qua sự liên tưởng đến “hàng cây đứng tuổi”. Tiếng sấm và hàng cây ở hai câu thơ cuối dường như là hiện thân của những con người từng trải, đã qua giai đoạn tuổi trẻ bồng bột, nhiều hối hả. Ở giai đoạn con người ta “đứng tuổi” mọi thứ cần chắc chắn và đứng đắn, tĩnh lặng hơn. Tác giả đã mượn hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” để nói lên đời người ở tuổi xế chiều, cũng như mùa thu vậy; có chăng mùa thu là mùa của tuổi con người ta không còn trẻ trung nữa. Nhịp đập của mùa thu, sự chuyển động của mùa thu rất nhẹ nhàng và êm đềm. Có lẽ khi con người ta trải qua tuổi bồng bột, đến một lúc nào đó cần bình thản nhìn lại và nhẹ nhàng cảm nhận chúng. Khổ thơ cuối với giọng điệu trầm lắng khiến người đọc nhận ra rất nhiều điều trong cuộc sống này đáng suy ngẫm.

Hữu Thỉnh với bài thơ “Sang thu” độc đáo và thú vị, cách cảm nhận tinh tế nhẹ nhàng cùng những chiêm nghiệm đáng suy ngẫm đã khiến cho người đọc có cái nhìn khái quát và mới mẻ hơn về mùa thu. Gấp trang sách lại, mùa thu của Hữu Thỉnh vẫn còn quẩn quanh đâu đây trong trí óc của mỗi chúng ta.

Kiến thức mở rộng về bài thơ Sang thu

Dưới đây là một số thông tin kiến thức mở rộng mà các em có thể tham khảo để bổ sung vào nội dung bài phân tích Sang thu của mình cho hợp lý để bài văn có chiều sâu, hay và hấp dẫn người đọc hơn.

1. Giải thích nghĩa một số từ

- Chùng chình: cố ý chậm lại

- Dềnh dàng: chậm chạp, thong thả.

2. Tư liệu liên hệ, mở rộng cho bài phân tích Sang thu

- Liên hệ khổ 1 Sang thu với bài Đây mùa thu tới (Xuân Diệu)

“Đây mùa thu tới, mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng”

hay trong Truyện Kiều:

“Lá vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ

Phảng phất bên song bóng nhạn thưa”

- Liên hệ hình ảnh gió se trong bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến:

“Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

- Liên hệ sự biến chuyển của thiên nhiên đất trời khi sang thu trong bài Chiều sông Thương của Hữu Thỉnh:

“nắng thu đang trải đầy

đã trăng non múi bưởi

bên cầu con nghé đợi

cả chiều thu sang sông”

- Liên hệ khổ 2 Sang thu với bài Tràng giang của Huy Cận

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”

- ...

3. Gợi ý một số dạng đề viết đoạn văn phân tích về bài Sang thu

a) Đoạn văn ngắn phân tích sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ về biến chuyển trong không gian lúc sang thu ở khổ thơ đầu.

Gợi ý:

- Nêu những chuyển biến của không gian lúc sang thu (hương vị, hình ảnh)

+ Hương vị:

  • mùi ổi chín lan tỏa gợi nhớ về tuổi thơ êm đềm, về làng quê rợp bóng tre xanh, ăn sâu vào tiềm thức bao người.

+ Hình ảnh:

  • Cơn gió se lướt trong không gian nhẹ nhàng.
  • Sương thu như làn khói mỏng giăng mắc trước cổng nhà.
  • Dòng sông không còn cuồn cuộn như trước mà êm đềm buông mình chậm rãi
  • Đàn chim vội vã bay đi tránh rét.
  • Trên trời, mây lững lờ trôi từng đám
  • Nắng đã nhạt hơn và mưa cũng vơi dần.
  • Tiếng sấm thưa dần và dường như cũng nhẹ nhàng hơn.

=> Các từ “phả vào”,”dềnh dàng”, “chùng chình” để diễn tả cảm giác trạng thái thể hiện sự thay đổi của khung cảnh thiên nhiên một cách tinh tế trong thời điểm giao mùa; thể hiện tâm trạng bâng khuâng ngỡ ngàng của tác giả lúc thu sang.

Đoạn văn mẫu:

Mở đầu “Sang thu” là những cảm nhận tinh tế, bất ngờ của nhà thơ Hữu Thỉnh trước không gian nơi đồng quê êm đềm, dịu dàng mà thơ mộng:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

Đặt từ “bỗng” ở đầu khổ thơ, tác giả cho thấy, mùa thu đến khá bất ngờ và đột ngột, dường như không hẹn trước. Bắt đầu mùa thu không phải là nét đặc trưng của trời mây hay sắc vàng hoa cúc như trong thơ cổ mà là “hương ổi” nơi vườn quê. Cái hương thơm nồng nàn ấy, thân thuộc ấy đang “phả vào trong gió se” - thứ gió heo may, khô lạnh, dịu dàng chỉ xuất hiện độ giao mùa ở miền Bắc. Dùng từ “phả” tác giả gợi hương thơm ngan ngát của ổi chín như lắng đọng, sánh lại, lan tỏa trong không gian, thấm vào tâm tưởng, đánh thức những kỉ niệm tuổi thơ. Từ láy gợi hình cùng nghệ thuật nhân hóa - “sương chùng chình qua ngõ” gợi hình ảnh làn sương duyên dáng, yểu điệu như đang đợi chờ, đang lưu luyến nửa ở, nửa đi. Bằng tất cả các giác quan: khứu giác, xúc giác, và thị giác, tác giả cảm nhận những nét đặc trưng của mùa thu đều hiện diện. Phút giây giao mùa của thiên nhiên, cảm thấy rồi, nhìn thấy rồi, vậy mà thi nhân vẫn sững sờ, khó tin: “Hình như thu đã về”.

b) Đoạn văn ngắn nêu cảm nhận về vẻ đẹp của hình ảnh "đám mây mùa hạ" trong khổ thơ thứ 2

Những chuyển biến nhẹ nhàng mà tinh tế của đất trời lúc hạ sang thu được nhà thơ Hữu Thỉnh cảm nhận sâu sắc qua bài thơ “Sang thu”. Ở đó có hương ổi nồng nàn, có gió thu se lạnh, có làn sương chùng chình, có dòng sông dềnh dàng, có cánh chim trời vội vã và: “Có đám mây mùa hạ - Vắt nửa mình sang thu”. Người đọc cảm nhận: hình như trong đám mây kia vẫn còn lại một vài tia nắng ấm của mùa hạ nên mới “Vắt nửa mình sang thu”. Ngôn ngữ thơ thật giàu chất tạo hình! Trong khoảnh khắc giao mùa, đám mây như kéo dài ra, nhẹ trôi như tấm lụa mềm treo lơ lửng giữa bầu trời trong xanh, cao rộng. Nó vắt lên cái ranh giới lỏng lẻo, mỏng manh giữa hai mùa hạ - thu để rồi một thoáng qua đi cả đất trời đã nhuốm màu sắc thu. Có thể nói, bằng sự liên tưởng tinh tế, độc đáo, Hữu Thỉnh đã sáng tạo ra một hình ảnh đầy chất thơ thật quyến rũ, thật xốn xang lòng người!

(Nguồn fanpage: Học văn lớp 9)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%AFu_Th%E1%BB%89nh

- Văn bản Sang thu, trang 70 SGK Ngữ văn 9 tập 2

-/-

Trên đây là gợi ý chi tiết cách làm bài văn mẫu lớp 9 hay phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh, các em có thể tham khảo để hoàn chỉnh bài phân tích của mình theo đúng hướng và yêu cầu đề bài. Chúc các em học tốt!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM