Phân tích bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa

Phân tích bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa

Xuất bản ngày 21/03/2019 - Tác giả:

Hướng dẫn phân tích bài thơ Mưa, phan tich bai tho Mua cua Tran Dang Khoa, lập dàn ý chi tiết và tham khảo một số mẫu bài văn hay và đầy đủ ý phân tích bài Mưa của Trần Đăng Khoa.

Phân tích bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa chính là đi phân tích nội dung và nghệ thuật bài Mưa - một trong những bài thơ tiêu biểu trích từ tập Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa.

   Cùng tham khảo ngay...

Huong dan phan tich bai tho Mua cua Tran Dang Khoa

I. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

1. Tác giả Trần Đăng Khoa

- Trần Đăng Khoa (24-04-1958) là một nhà thơ, nhà báo, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

- Từ nhỏ, ông đã được nhiều người cho là thần đồng thơ văn, được mệnh danh là "Thần đồng thơ trẻ"

- Lên 8 tuổi, ông đã có một số sáng tác được in trên báo.

- Trần Đăng Khoa không có nhiều tác phẩm, những tác phẩm nổi bật có thể kể đến như: Từ góc sân nhà em (1968), Góc sân và khoảng trời (1968), Đi đánh thần Hạn (1970), tuyển tập Thơ Trần Ðăng Khoa tập 1 (1970)...

2. Bài thơ Mưa

- Hoàn cảnh ra đời: Bài thơ được sáng tác năm 1967 và được in trong tập thơ đầu tay “Góc sân và khoảng trời”

- Nội dung và nghệ thuật bài Mưa:

+ Nội dung: Miêu tả cảnh vật thiên nhiên trước và trong cơn mưa rào ở làng quê, qua đó cho thấy tình yêu thiên nhiên, làng quê của tác giả Trần Đăng Khoa.

+ Nghệ thuật: Thể thơ tự do; nhịp thơ ngắn, nhanh; sử dụng phép nhân hóa; tài năng quan sát, miêu tả tinh tế độc đáo của tác giả.

II. Hướng dẫn phân tích bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa

1. Phân tích yêu cầu đề bài

- Yêu cầu về nội dung: Phân tích nội dung, nghệ thuật của bài thơ Mưa

- Phạm vi tư liệu dẫn chứng: các chi tiết, hình ảnh, câu thơ... trong bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa

2. Luận điểm chính bài Mưa

Để phân tích bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa ta có thể bám theo hệ thống luận điểm như sau:

- Luận điểm 1: Khung cảnh thiên nhiên trước cơn mưa

- Luận điểm 2: Khung cảnh thiên nhiên trong cơn mưa

- Luận điểm 3: Hình ảnh con người trong cơn mưa

3. Bố cục bài thơ Mưa

- Phần 1 (từ đầu đến “...nhảy múa”): Khung cảnh lúc trời sắp mưa

- Phần 2 (tiếp đó đến “...cây lá hả hê”): Khung cảnh khi trời mưa

- Phần 3 (còn lại): Hình ảnh con người trong cơn mưa.

III. Lập dàn ý phân tích bài thơ Mưa (Trần Đăng Khoa)

1. Mở bài phân tích Mưa

- Giới thiệu khái quát về tác giả Trần Đăng Khoa

- Giới thiệu về bài thơ Mưa (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật,…)

Ví dụ mẫu:

Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê ở huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương. Năng khiếu thơ của Trần Đăng Khoa nảy nở rất sớm, từ lúc còn là học sinh tiểu học, lúc đó tác giả mới chín tuổi đã là cây bút thiếu nhi nổi tiếng. "Góc sân và khoảng trời", tập thơ đầu tay của tác giả được in 1968. Bài thơ Mưa được rút ra từ tập thơ đó. Qua bài thơ, người đọc đã cảm nhận được một cơn mưa rào ở một làng quê qua những nghệ thuật đặc sắc của bài thơ.

2. Thân bài phân tích Mưa

a) Luận điểm 1: Khung cảnh thiên nhiên trước cơn mưa

- Bài thơ mở đầu bằng tiếng reo mừng hân hoan, rộn rã: "Sắp mưa! Sắp mưa!"

- Các con vật trước cơn mưa:

+ Con mối bay ra: mối già - bay thấp, mối trẻ  bay cao

+ Gà con: rối rít tìm nơi ẩn nấp

+ Kiến: hành quân đầy đường

- Cây cối trước cơn mưa:

+ Mía: lá mía bay trong gió như đang múa gươm

+ Lá khô: Bị cuốn tung bởi gió, hòa với bụi

+ Cỏ gà: rung rinh trong cơn gió như đang nghe ngóng

+ Bụi tre: tần ngần gỡ tóc

+ Hàng bưởi: đung đưa trong gió, bế những quả bưởi con "đầu trọc lốc"

+ Cây dừa: sải tay bơi trong gió

+ Ngọn mùng tơi: nhảy múa

- Bầu trời trước cơn mưa:

+ Ông trời: bao trùm bởi màu đen, như mặc áo giáp trước khi ra trận.

+ Chớp: rạch ngang trời

+ Sấm: cười khanh khách

=> Nghệ thuật nhân hóa, so sánh, trí tưởng tượng phong phú giúp cảnh vật trước cơn mưa được miêu tả chính xác, cụ thể, sống động, vui tươi, rộn rã qua con mắt của một đứa trẻ yêu thiên nhiên.

b) Luận điểm 2: Khung cảnh thiên nhiên trong cơn mưa

- Tiếng reo mừng báo hiệu cơn mưa: "Mưa! Mưa!" => háo hức, vui tươi.

- Âm thanh của mưa: lộp bộp, lộp bộp, ù ù như xay lúa

- Hình ảnh những giọt mưa: "Rơi! Rơi!"

- Đất trời: mù trắng nước, sủi bọt

- Thiên nhiên: vui mừng, hả hê trước cơn mưa: cóc nhảy chồm, chó sủa, cây lá hả hê

=> Cảnh vật lúc mưa được miêu tả sinh động, chân thật, qua cái nhìn hóm hỉnh của nhà thơ. Mưa trở thành niềm vui, sự mong đợi, nguồn gốc của sự sống.

c) Luận điểm 3: Hình ảnh con người trong cơn mưa

- Hình ảnh con người hiện lên ở cuối bài nhưng lại có tầm vóc bao trùm cả bài thơ: Người cha đi cày về, “đội sấm, đội chớp, đội cả trời mưa”

-> Ẩn dụ cho tầm vóc con người giữa thiên nhiên bao la, vừa vững vàng lại hiên ngang (điệp từ "đội")

=> Con người hiện lên trên cái nền thiên nhiên dữ dội, hùng vĩ làm cho hình ảnh con người có tầm vóc lớn lao, tư thế vững vàng, hiên ngang như một vị thần sánh ngang với trời đất.

=> Tình yêu thương, lòng biết ơn của nhà thơ dành cho người cha vất vả của mình.

3. Kết bài phân tích Mưa

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ:

+ Bài thơ thể hiện tài năng quan sát, miêu tả thiên nhiên một cách hồn nhiên, tinh tế, độc đáo của tác giả; và qua đó cho ta thấy tình yêu thiên nhiên, làng quê của Trần Đăng Khoa

+ Bài thơ được viết theo thể đồng dao, nhịp ngắt liên tục; nghệ thuật nhân hóa, so sánh được sử dụng nhuần nhuyễn, thú vị.

- Cảm nhận của em về bài thơ: độc đáo, gần gũi, hấp dẫn,…

IV. Những bài văn mẫu hay phân tích bài thơ Mưa - Trần Đăng Khoa

Dưới đây là một số bài văn phân tích bài thơ Mưa hay do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp giúp các em tham khảo và mở rộng vốn từ ngữ khi làm bài:

1. Bài văn số 1

Phân tích bài thơ Mưa dưới cái nhìn dễ thương và tinh tế của Trần Đăng Khoa

Sinh ra và lớn lên tại một làng quê thuộc huyện Nam Sách, năng khiếu thơ của Trần Đăng Khoa nảy nở rất sớm. Nhiều bài thơ trong tập Góc sân và khoảng trời được tác giả viết khi còn học tiểu học. Bài thơ Mưa được chàng thi sĩ tí hon này viết năm lên 9 tuổi, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta đang diễn ra vô cùng ác liệt. Từ lúc sắp mưa đến khi mưa rơi, cảnh bầu trời mặt đất từ sấm chớp mây mưa, từ cây cỏ đến những con vật như chó, gà con, lũ kiến,... đều được cảm nhận qua tâm hồn tuổi thơ rất hồn nhiên ngộ nghĩnh.

Bài thơ viết theo cách nói lối đồng dao, có 63 câu thơ rất ngắn, có 10 câu chỉ có 1 chữ, có 37 câu thơ 2 chữ. 6 câu thơ 3 chữ, 9 câu thơ 4 chữ, và chỉ có 1 câu thơ 5 chữ. Qua sự khảo sát ấy, ta thấy cách viết của Khoa rất tự nhiên, hồn nhiên, câu thơ nối tiếp xuất hiện theo cảm nhận và cảm xúc từ sắp mưa đến mưa rồi, và sau cùng là hình ảnh người bố của Khoa đi cày về trong cơn mưa dữ dội, tầm tã.

Mở đầu bài thơ như một tiếng reo của trẻ thơ cất lên: Sắp mưa / sắp mưa. Mẫn cảm nhất là loài mối bay ra để đón mưa. Tài thật, sao mà bé Khoa phân loại được, nhận diện được tuổi tác những con mối: Mối trẻ / Bay cao / Mối già / Bay thấp. Tiếp theo là bầy gà con Rối rít tìm nơi / ẩn nấp. Ông trời, cây mía, kiến, lá khô, cỏ gà, bụi tre, hàng bưởi, chớp, sấm, cây dừa, ngọn mùng tơi... được chú bé nói tới, nhắc tới. Tác giả sử dụng nhân hoá khá hay, tạo nên những liên tưởng thú vị, thể hiện sự tưởng tượng phong phú. Mây đen kéo phủ đầy trời, tưởng như Ông trời / mặc áo giáp đen / Ra trận. Lá mía dài, nhọn sắc.

Gió thổi, lá mía xào xạc bay, khác nào Muôn nghìn cây mía / Múa gươm. Kiến chạy mưa, như vỡ tổ, nhà thơ tưởng như Kiến / Hành quân / Đầy đường. Không khí hùng tráng của lịch sử dân tộc thời chống Mĩ đã phản chiếu vào thơ Khoa. Từ ông trời đến nghìn cây mía, đàn kiến, tất cả đều ra trận, đều múa gươm đều hành quân, tất cả đều tham gia vào cuộc diễu binh hùng vĩ (thơ của Tố Hữu). Cả một không gian rộng lớn chuyển động vì sắp mưa: Lá khô / Gió cuốn Bụi bay / Cuồn cuộn, cỏ gà, bụi tre, hàng bưởi, cây dừa, ngọn mùng tơi - thế giới cây cỏ này được nhân hoá.

Cách nhận xét của chú bé 9 tuổi khá tinh tế, hóm hỉnh, cỏ gà rung tai nghe. Bụi tre tần ngần gỡ tóc. Hàng bưởi trĩu quả trong gió như một người mẹ hiền đang đu đưa bế lũ con đầu tròn trọc lốc. Gió thổi mỗi lúc một mạnh. Cây dừa sải tay bế, ngọn mùng tơi nhảy múa. Một không gian nghệ thuật, một thế giới tạo vật cựa quậy, sống động, chuyển động khi trời sắp mưa. Tất cả đều có linh hồn, có cảm giác, có hành động... được thể hiện qua các hình ảnh nhân hoá rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Sắp mưa, sấm chớp rung chuyển, rạch xé trời đất. Chớp rạch trời ngang trời... Sấm như một tên hề "ghé xuống sân - khanh khách - cười". Đó là cảm nhận vũ trụ của tuổi thơ.

Cảnh trời mưa được diễn tả bằng 14 câu thơ. Mưa rơi trong tiếng gió ù ù như xay lúa. Giọt mưa lộp bộp, lộp bộp rơi! Trong màn mưa, đất trời trở nên mù trắng nước. Và mưa chéo mặt sân sủi bọt. Bé Khoa đã dàn dựng một hoạt cảnh mưa có cóc, chó và cây lá thật hóm hỉnh:

Cóc nhảy lồm chồm

Chó sủa

Cây lá hả hê.

Mưa làm mát dịu trời đất mùa hè. Mưa làm cho cây lá xanh tươi, tốt tươi. Cây lá hả hê vui sướng đón cơn mưa nhân hóa thoát sáo và rất gợi cảm. Ở đây mưa là nguồn gốc sự sống, mưa là niềm vui đợi chờ.

Cuối bài thơ mới xuất hiện hình ảnh con người, một hình ảnh rất quen thuộc ở làng quê xưa nay:

Bố em đi cày về

Đội sấm

Đội chớp

Đội cả trời mưa...

Mọi thứ của vũ trụ như sấm chớp, mưa đều đội trên đầu bố em. Chữ đội được điệp lại 3 lần, không chỉ cực tả sự vất vả dãi nắng dầm mưa của bố em, của người dân cày Việt Nam xưa nay mà còn mang hàm nghĩa, người nông dân cày cấy trong bom đạn chiến tranh, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Sau vần thơ là lòng biết ơn, kính yêu của Khoa.

 Mưa là một bài thơ hay. Thế giới thiên nhiên trong cơn mưa rào ở làng quê được cảm nhận và miêu tả tinh tế. Các câu thơ ngắn 1, 2, 3... chữ đan cài vào nhau, kết hợp với vần chân đã tạo nên nhạc điệu thơ, gợi tả tiếng mưa rơi, nghe rất vui. Phép nhân hóa và nghệ thuật sử dụng các từ láy (rối rít, cuồn cuộn, tần ngần, đu đưa, trọc lốc, khô khốc, khanh khách, ù ù, lộp bộp, chồm chồm, hả hê) đã tạo nên những vần thơ, những hình ảnh hồn nhiên, ngộ nghĩnh, thi vị. Mưa là một bài thơ đặc sắc của tuổi thơ và tâm hồn tuổi thơ.

2. Bài văn số 2

Phân tích bài thơ Mưa với những hình ảnh nhân hóa độc đáo của Trần Đăng Khoa

Tác giả Trần Đăng Khoa là một gương mặt nhà thơ tiêu biểu của thế hệ thiếu nhi Việt Nam, các tác phẩm của ông không chỉ gần gũi, quen thuộc với đời sống sinh hoạt hàng ngày mà còn thể hiện được những nét hồn nhiên, trong sáng hiếm có. Bài thơ Mưa là một trong những bài thơ tiêu biểu của Trần Đăng Khoa, cũng là một trong những bài thơ đã vô cùng quen thuộc với thiếu nhi Việt Nam.

Bài thơ Mưa kể về cơn mưa mà tác giả đã chứng kiến tại nơi mà mình sinh sống. Cơn mưa là một hiện tượng rất bình thường trong tự nhiên nhưng khi đi vào trong sáng tác của Trần Đăng Khoa nó lại hiện lên với vẻ mới mẻ, độc đáo đến lạ lùng. Ngay đầu bài thơ tác giả đã giới thiệu về cơm mưa, mang lại cho người đọc cảm giác háo hức, mong chờ:

"Sắp mưa

Sắp mưa

Những con mối

Bay ra

Mối trẻ

Bay cao

Mối già

Bay thấp"

Ấn tượng đầu tiên của người đọc về bài thơ này đó chính là hình thức thơ rất ngắn gọn, tác giả đã sử dụng hình thức câu thơ tự do với những câu thơ ngắn gọn, tạo ra nhịp điệu vui tươi, hối hả cho bài thơ. Tác giả đã điệp ngữ hai lần từ "sắp mưa" vừa như lời nhắc nhở nhưng cũng như lời hô reo đầy hào hứng khi cơn mưa sắp kéo xuống. Khi trời sắp mưa, những con mối trong tổ thường bay ra, đây là một hiện tượng rất phổ biến, đặc biệt là ở những vùng quê. Không chỉ tả về cảnh những con mối bay ra khỏi tổ mà Trần Đăng Khoa còn miêu tả chi tiết, cụ thể đến từng đối tượng "Mối trẻ/ Bay cao"; "mối già/ Bay thấp".

"Gà con

Rối rít tìm nơi

Ẩn nấp

Ông trời

Mặc áo giáp đen

Ra trận"

Không chỉ có sự quan sát tỉ mỉ, chi tiết các hiện tượng xảy ra khi trời mưa mà qua ngòi bút đầy sáng tạo của mình thì những hình ảnh quen thuộc cũng trở nên vô cùng mới lạ, độc đáo. Trời mưa, đàn gà con ríu rít chạy tìm đến nơi an toàn để ẩn nấp, tránh những giọt mưa. Bầu trời khi trời mưa thường có mây đen giăng kín bầu trời. Nhưng trong sự cảm nhận của mình, Trần Đăng Khoa lại thấy sắc đen của bầu trời như một tấm áo giáp kiên cố, an toàn của những người tướng lĩnh mỗi khi ra trận "Ông trời/ Mặc áo giáp đen/ Ra trận". Ta có thể thấy được sự liên tưởng này vô cùng độc đáo, vừa có cái hài hước, vừa có cái mới lạ trong cảm nhận.

"Muôn nghìn cây mía

Múa gươm

Kiến

Hành quân

Đầy đường"

Không chỉ bầu trời mà mọi sự vật diễn ra xung quanh đều được Trần Đăng Khoa miêu tả như chuẩn bị vào một cuộc chiến thực sự. Những cây mía vì bị gió cuốn mà bay nghiêng ngả, trong cái nhìn của nhà văn, những cây mía như đang múa những đường gươm đầy uyển chuyển, điệu nghệ. Những con kiến cũng vội vã về tổ thì được nhà thơ hình dung ra một cuộc hành quân đông đảo, đầy sức mạnh.

"Lá khô

Gió cuốn

Bụi bay

Cuồn cuộn

Cỏ gà rung tai"

Khung cảnh xung quanh vô cùng náo nhiệt bởi những chiếc lá khô bị gió cuốn bay vào trong không gian, những bụi bẩn trên mặt đất cũng bị cuốn lên "cuồn cuộn", cỏ gà thì rung tai đầy thú vị. Không chỉ có những sự vật mà ngay cả những con vật quen thuộc cũng bị náo loạn bởi trời mưa, cóc thì nhảy chồm chồm trên sân, tiếng chó sủa inh ỏi, cây lá hả hê:

"Cóc nhảy chồm chồm

Chó sủa

Cây lá hả hê"

Như vậy, bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa không chỉ miêu tả được khung cảnh khi trời sắp đổ mưa mà thông qua cái nhìn đầy độc đáo nhà thơ đã dựng lên được một cảnh tượng vô cùng độc đáo, náo nhiệt.

3. Bài văn số 3

Phân tích Mưa để cảm nhận cảnh tượng cơn mưa rào ở làng quê cụ thể sinh động

Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê ở huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương. Năng khiếu thơ của Trần Đăng Khoa nảy nở rất sớm, từ lúc còn là học sinh tiểu học, lúc đó tác giả mới chín tuổi đang là cây bút thiếu nhi nổi tiếng. "Góc sân và khoảng trời", tập thơ đầu tay của tác giả được in 1968. Bài Mưa được rút ra từ tập thơ đó. Người đọc đã cảm nhận một cơn mưa rào ở một làng quê qua những nghệ thuật đặc sắc của bài thơ.

Cái thú vị của bài thơ là tác giả không chỉ trực tiếp tả cơn mưa với sấm, chớp, nước mưa... mà chủ yếu là tập trung miêu tả hoạt động và trạng thái của các loài vật, cây cối, con người trước và trong cơn mưa. Chính cách miêu tả này mà người đọc nhận ra được cảnh tượng cụ thể và sinh động của cơn mưa.

Nét nghệ thuật đặc sắc thứ nhất là nhà thơ đã xây dựng hình ảnh sáng tạo, độc đáo và có giá trị phát hiện rất mới lạ nhưng vẫn đảm bảo được độ chính xác:

Cỏ gà rung tai

Nghe

Bụi tre

Tần ngần

Gỡ tóc

Từ hình dáng của cây cỏ gà và động tác rung rinh của nó trong cơn gió mà tác giả hình dung ra như cái tai cỏ gà rung lên để nghe; còn những cành tre và lá tre bị gió thổi mạnh thì được hình dung như mớ tóc của bụi tre đang gỡ rối. Và còn nhiều những hình ảnh khác nữa xuất hiện liên tiếp trong bài thơ gợi lên sự thích thú cho người đọc. Không phải ai cũng hình dung được như vậy mà đó là sự liên tưởng rất phong phú của tâm hồn trẻ thơ mới có được hình ảnh ngộ nghĩnh đến như vậy!

Nét đặc sắc thứ hai được nổi bật trong nghệ thuật miêu tả của bài thơ là phép nhân hoá được sử dụng rộng rãi và chính xác:

Ông trời

Mặc áo giáp đen

Ra trận

Muôn nghìn cây mía

Múa gươm

Kiến

Hành quân đầy đường

Những hình ảnh nhân hoá đã tạo nên cảnh tượng một cuộc ra trận dữ dội với khí thế mạnh mẽ, khẩn trương. "Ông trời - mặc áo giáp đen" là cảnh những đám mây đen che phủ cả bầu trời như một lớp áo giáp của một dũng tướng ra trận. Còn "Muôn nghìn cây mía lá nhọn, sắc" quay cuồng trong cơn gió được hình dung như những lưỡi gươm khua lên trong tay các chiến sĩ của một đội quân đông đảo; kiến đi từng đàn vội vã có hàng lối như một đoàn quân đang hành quân khẩn trương.

Phép nhân hoá ở đây được sử dụng thành công là nhờ sự quan sát tinh nhạy cùng với sức tưởng tượng và khả năng liên tưởng mạnh mẽ của nhà thơ. Tài tình hơn là hình ảnh nhân hóa được “liệt kê” nối tiếp nhau nhưng không nhàm chán mà càng làm cho bức tranh mưa hiện lên sống động như thật. Người đọc có thể thấy và cảm nhận được ngay.

Nét đặc sắc thứ ba là nghệ thuật miêu tả người của tác giả trong bức tranh mưa. Hình ảnh người cha đi cày được xây dựng theo lối ẩn dụ khoa trương. Dưới cái nhìn của Trần Đăng Khoa, người lao động đã hiện lên với dáng vẻ lớn lao, với tư thế vững vàng giữa khung cảnh thiên nhiên dữ dội đầy sấm, đầy chớp của trận mưa như là bất chấp tất cả, vượt lên tất cả để tự tin, chiến thắng.

Đội sấm

Đội chớp

Đội cả trời mưa

Một tư thế thật hào hùng, dũng mãnh. Đúng như ca dao xưa đã ca ngợi:

Trời mưa thì mặc trời mưa

Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi.

Câu thơ của Trần Đăng Khoa hôm nay còn tự tin và mạnh mẽ, hồn nhiên. Nó dựng lên được hình ảnh con người có tầm vóc lớn lao, tư thế hiên ngang và sức mạnh to lớn, con người không bị thiên nhiên vũ trụ che lấp, trái lại, nó trở thành điểm sáng giữa bức tranh thiên nhiên.

Hình ảnh đối lập giữa thiên nhiên và con người đã làm nổi bật vẻ đẹp của người lao động bình thường (đi cày) trước cái dữ dội của cơn mưa rào. Đúng hơn, tác giả đã sử dụng thiên nhiên như là một cái nền để tôn cao tư thế con người. Có phải thiên nhiên là cái nền đã tôn cao vẻ đẹp của con người lên? Hay còn vì cách nhìn sáng tạo, độc đáo và thái độ trân trọng trong cách tả cảnh và tả người tinh tế của tác giả. Chính vì thế mà cả bài thơ có 63 dòng, 59 dòng tả cảnh thiên nhiên, tác giả chỉ dành bốn dòng cuối để tả con người, nhưng con người hiện lên vẫn rất đẹp.

Bài thơ tả cảnh mưa thành công bởi thể thơ và nhịp điệu thơ. Với thể thơ tự do, những câu thơ ngắn, từ một đến năm tiếng, số câu ngắn chiếm rất nhiều. Trong bài chỉ có hai câu thơ năm tiếng: câu 48 và câu 60, phần lớn là câu hai tiếng, và đặc biệt có tới mười dòng thơ một tiếng. Các câu thơ dài ngắn, không đều nhau đã tạo ra nhịp nhanh, mạnh, dồn dập, diễn tả sinh động từng đợt dồn dập, dữ dội của cơn mưa rào mùa hè.

"Mưa" của Trần Đăng Khoa là sự kết tinh của những nét nghệ thuật đặc sắc, thể hiện qua tài năng quan sát và miêu tả tinh tế, năng lực liên tưởng phong phú của tác giả. Cách cảm nhận thiên nhiên ở bài thơ vừa hồn nhiên vừa sâu sắc. Bài thơ đã miêu tả chính xác và sinh động cảnh tượng cơn mưa rào ở làng quê qua những hoạt động và trạng thái của nhiều cảnh vật, loài vật, con người trước và trong cơn mưa.

* Bài thơ Mưa

Sắp mưa
Sắp mưa
Những con mối
Bay ra
Mối trẻ
Bay cao
Mối già
Bay thấp
Gà con
Rối rít tìm nơi
Ẩn nấp
Ông trời
Mặc áo giáp đen
Ra trận
Muôn nghìn cây mía
Múa gươm
Kiến
Hành quân
Đầy đường
Lá khô
Gió cuốn
Bụi bay
Cuồn cuộn
Cỏ gà rung tai
Nghe
Bụi tre
Tần ngần
Gỡ tóc
Hàng bưởi
Đu đưa
Bế lũ con
Đầu tròn
Trọc lốc
Chớp
Rạch ngang trời
Khô khốc
Sấm
Ghé xuống sân
Khanh khách
Cười
Cây dừa
Sải tay
Bơi
Ngọn mùng tơi
Nhảy múa
Mưa
Mưa
Ù ù như xay lúa
Lộp bộp
Lộp bộp...
Rơi
Rơi...
Đất trời
Mù trắng nước
Mưa chéo mặt sân
Sủi bọt
Cóc nhảy chồm chồm
Chó sủa
Cây lá hả hê
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa...

(1967, Góc sân và khoảng trời)

* Hình ảnh so sánh, nhân hóa trong bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa

Bài thơ "Mưa" của Trần Đăng Khoa có nhiều hình ảnh so sánh, hình ảnh nhân hóa rất đặc sắc, các em có thể tìm hiểu chi tiết bên dưới đây để bổ sung vào bài văn phân tích bài thơ Mưa của mình.

* Hình ảnh nhân hoá:

- Cây cỏ được nhân hóa:

  • Cây mía - múa gươm
  • Cỏ gà rung tai - nghe.
  • Bụi tre - tần ngần - gỡ tóc
  • Hàng bưởi - đung đưa - bế lũ con - đầu tròn - trọc lốc.
  • Cây dừa - sải tay - bơi
  • Ngọn mùng tơi - Nhảy múa
  • Cây lá hả hê.

- Loài vật được nhân hoá:

  • Kiến - Hành quân - Đây đường.
  • Gà con - Rối rối rít tìm nơi - Ẩn nấp

- Các hiện tượng thiên nhiên được nhân hoá:

  • Ông trời - Mặc áo giáp đen - Ra trận
  • Chớp - Rạch ngang trời.
  • Sấm - Ghé xuống sân - Khanh khách - Cười.

=> Những hình ảnh nhân hóa đã tạo nên cảnh tượng một cuộc ra trận dữ dội với khí thế mạnh mẽ, khẩn trương.

* Hình ảnh so sánh

- Mưa được so sánh: Mưa - ù ù như xay lúa - lộp bộp - lộp bộp - rơi - rơi...

Với những gợi ý về cách làm bài văn phân tích bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa do Đọc Tài Liệu tổng hợp biên soạn trên đây, hi vọng các em đã có những thông tin kiến thức hữu ích phục vụ việc làm bài. Chúc các em học tốt !

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

X