Nghị luận xã hội về sự nổi tiếng

Xuất bản: 11/05/2019 - Tác giả:

[Văn nghị luận 12] Tuyển tập những bài văn mẫu hay nghị luận bàn về sự nổi tiếng, vấn đề nổi tiếng bằng mọi giá và căn bệnh thèm khát sự nổi tiếng của giới trẻ hiện nay.

Nghị luận về sự nổi tiếng - Sưu tầm, tổng hợp top 6+ bài nghị luận hay bàn về sự nổi tiếng, thèm khát nổi tiếng bằng mọi giá của giới trẻ hiện nay.

Suy nghĩ về ý kiến: Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích

Bài nghị luận số 1:

   “Như người đứng gác đêm thầm lặng mà đẹp lắm đất nước ơi”.

Lời bài hát “Đi qua vùng cỏ non” chợt vang lên trong tâm trí tôi khi tôi nghĩ về ý kiến “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích”. Nổi tiếng là ước mơ của nhiều người, nhất là các bạn trẻ đang ở ngưỡng cửa cuộc đời khao khát được khẳng định giá trị bản thân. Khát vọng đó rất chính đáng tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm được. Thế nhưng để trở thành một người có ích cho gia đình và xã hội thì mọi bạn trẻ đều có khả năng. Từ đó ta thấy hai mệnh đề “nổi tiếng” và “có ích” có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và cần được xem xét từ nhiều phía để có được cách hiểu thấu đáo.

Người nổi tiếng là người được khâm phục, được nhiều người biết đến về tài năng và sự thành công ở một lĩnh vực nào đó; người có ích là người đem lại lợi ích, giá trị tốt đẹp cho xã hội bằng những việc làm cụ thể của mình. Về thực chất, ý kiến này khẳng định giá trị đích thực của mỗi cá nhân thông qua những đóng góp của họ đối với gia đình và xã hội.

Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu mệnh đề “cố gắng để trở thành người nổi tiếng”. Khát vọng trở thành người nổi tiếng là một khát vọng chính đáng vì phạm có tài năng trong một lĩnh vực nào đó thì ai cũng mong mỏi mình đạt được thành tựu, trở thành mục tiêu ngưỡng mộ của người khác. Đó là một động lực mạnh mẽ để họ khổ công rèn luyện. Thế nhưng con đường trở thành người nổi tiếng là con đường chông gai nhiều hơn hoa hồng và không phải bất kỳ ai trong chúng ta cũng đủ năng lực, tố chất và điều kiện để tỏa sáng. Từ đó tất yếu dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ bất chấp thủ đoạn để trở nên nổi tiếng hoặc vì quá mù quáng, ảo tưởng vào bản thân mà tự làm hại mình hoặc gây tác hại cho xã hội. Có lẽ nhiều người không lạ các hotgirl, hotboy tự xưng trên các mạng xã hội. “Cống hiến” lớn nhất của họ cho cộng đồng có lẽ là những tấm ảnh khoe thân hay giọng hát hư “Lệ Rơi” hoặc scandal yêu đương để đánh bóng tên tuổi. Họ có thể có tiếng đấy, nhưng đó là tai tiếng, không phải nổi tiếng. Giá trị đích thực của một con người không thể được xây dựng trên nền tảng ảo tưởng và rẻ rúng như thế. Nổi tiếng chỉ có thể có được từ mồ hôi, nước mắt của sự khổ luyện; tài năng thiên bẩm và điều kiện thuận lợi để phát tiết mà thôi.

Vậy thì, tại sao các bạn trẻ không nghiêm túc suy ngẫm mệnh đề thứ hai của ý kiến “hãy là người có ích”. Mỗi cá nhân, bằng những suy nghĩ, việc làm bình thường, hoàn toàn có thể khẳng định được giá trị của bản thân, đóng góp cho cộng đồng, trở thành người có ích. Chẳng hạn như xung quanh chúng ta có biết bao người từ thầy cô giáo, đến chị lao công, cô bán hàng, chú xe ôm,… tuy không nổi tiếng nhưng họ là những con người có ích, lặng thầm cống hiến sức lực của mình để xây đắp cuộc đời như “bầy ong trong đêm sâu”. Sống có ích cũng là một điều kiện để trở thành người nổi tiếng, vì thế trước khi trở thành người nổi tiếng, hãy là một người có ích. Ai cũng biết Giáo sư Ngô Bảo Châu là người được Giải Fields về toán học danh giá, thế nhưng trước đó thì ông cũng chỉ là một giáo sư đại học bình thường. Sống có ích là thái độ sống giản dị, không cần khoa trương để cầu sự nổi tiếng, tuy nhiên cần phân biệt nó với thái độ bằng lòng, an phận với những gì mình đã có, thiếu ý chí và khát vọng thì cuộc sống sẽ mất dần ý nghĩa và sẽ không còn hi vọng trở thành người nổi tiếng.

Từ sự phân tích trên, chúng ta thấy ý kiến trên hoàn toàn xác đáng. Mỗi bạn trẻ cần xác định rõ mục đích sống, ý thức được điều quan trọng trong cuộc đời là sự khẳng định giá trị của bản thân bằng những đóng góp tích cực cho xã hội. Cần không ngừng nuôi dưỡng khát vọng vươn lên trong cuộc sống, không phải chỉ để nổi tiếng mà là để trở thành một con người có ích.

Nói tóm lại, “nổi tiếng” và “có ích” không phải là hai khái niệm mâu thuẫn nhau mà chúng có mối quan hệ qua lại chặt chẽ. Sống có ích là điều kiện để trở nên nổi tiếng, nổi tiếng là cơ hội để có thể làm được nhiều việc có ích hơn. Nếu bạn không thể nổi tiếng thì sao không cố gắng là người đóng góp nhiều lợi ích nhất trong lĩnh vực của mình?

Bài nghị luận số 2:

Phải sống như thế nào cho hợp lòng người, cho đúng đạo lí, để trở thành người nổi tiếng hay người có ích? Đây là một ý kiến khá xác đáng, từng được nhiều người nhắc đến để làm phương châm ứng xử, hành động trong suốt cuộc đời: "Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích".

Vậy, thế nào là người nổi tiếng? là người có ích? Người nổi tiếng là người có tiếng đồn xa, được rất nhiều người nhắc đến, biết đến. Đồng nghĩa với nổi tiếng là nổi danh, lừng danh, nức danh, nức tiếng. Người nổi tiếng có thể là người được cộng đồng tôn vinh về tài đức, cũng có thể là người ''cộm cán", bị tai tiếng.

Ví dụ, thầy giáo Nguyền Ngọc Kí bị tàn tật bẩm sinh mà dùng đôi chân để viết, vẽ ... nổi tiếng gần xa, được hàng triệu học sinh tiểu học yêu quý. Trần Đăng Khoa là nhà thơ thần đồng nổi tiếng từ năm lên 9 - 10 tuổi. Trái lại, tướng cướp Năm Cam "nổi tiếng" đâm chém, giết người cướp của một thời! Nhân vật Sở Khanh cũng là người "nổi tiếng":

"Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,

Một tay chôn biết mấy cành phù dung".

(Truyện Kiều)

Còn người có ích là người đem lại điều có lợi, đem lại hiệu quả tốt cho gia đình hoặc xã hội trên tinh thần phục vụ và cống hiến. Nhân dân lao động là những người có ích, được xã hội ghi nhớ công ơn: "Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?". Đồng nghĩa với người có ích là người hữu ích, trái nghĩa với người có ích là kẻ vô dụng, vô tích sự.

Câu nói trên đây nhắc nhở mỗi chúng ta phải sống thiết thực, phải tùy theo tài, đức của mình để phấn đấu: "trước hết là người có ích"', coi việc hiến dâng, phục vụ gia đình, đất nước là nghĩa vụ, là niềm vui hạnh phúc trong suốt cuộc đời.

Muốn trở thành người nổi tiếng thì phải có đức trọng tài cao, làm nên công danh sự nghiệp. Nếu chỉ là người bình thường, "một phó thường dân" thì làm sao mà thành người nổi tiếng được? "Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng" vì chỉ là mơ hồ, hão huyền. Câu tục ngữ: "Liệu cơm gắp mắm" nhắc nhở mọi người phải có đầu óc thực tế, phải sống thiết thực! Thành ngữ “hữu danh vô thực" châm biếm, mỉa mai những kẻ “có danh" mà vô tích sự đầy rẫy trong xã hội, nhan nhản trong đời!

Vị thế xã hội của mỗi người có thể khác nhau, người lãnh đạo/ thường dân; giàu sang phú quý/ nghèo khổ; trí thức/ lao động chân tay; trẻ con/ người lớn, ... ai cũng cần học tập, lao động, tu dưỡng thành người có ích. Người có ích là người cao quý, là người vẻ vang vì đã làm nên bao thành quả ích nước, lợi nhà. Đúng vậy, "người hoàn thiện nhất là người hữu ích nhất cho xã hội" (Kinh Coran).

Thiếu niên, nhi đồng "tuổi nhỏ làm việc nhỏ...", chăm ngoan, học giỏi. Các cụ già: "Sống khỏe, sống vui, sống có ích". Công nhân, nông dân ra sức sản xuất vì dân giàu, nước mạnh. Thầy cô giáo, kĩ sư, bác sĩ... đem tài năng hiến dâng cho sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Anh bộ đội nắm chắc tay súng, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ, giữ vững hòa bình của đất nước.

Sống phải có ước mơ, luôn luôn có ý thức vươn lên xây dựng cho bản thân một sự nghiệp. Không được mơ mộng hão huyền, nhưng cũng không nên an phận thủ thường.

Câu khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” luôn luôn nhắc nhở tuổi trẻ chúng ta biết sống đẹp, phấn đấu trở thành người có ích, có ích cho gia đình, có ích cho Tổ quốc.

Bài nghị luận số 3:

Trở thành một ca sĩ nhạc pop nổi tiếng như Michael Jackson? Trở thành một cầu thủ bóng đá huyền thoại như Maradona hay giàu có như Bill Gates? Nếu có ai đặt ra câu hỏi đó cho chúng ta, tôi dám chắc ít ai không mơ ước mình được nổi tiếng như vậy. Trong cuộc sống có rất nhiều quan niệm sống và cũng có rất nhiều mơ ước khác nhau. Có người mơ ước mình trở thành nhà khoa học nổi tiếng. Có người mơ ước mình trở thành một doanh nhân. Tôi cũng không ngoại lệ, tôi cũng từng mơ ước mình trở thành một nhà văn nổi tiếng. Và chỉ khi đọc được câu nói “Đừng cố gắng để trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích” tôi mới thấy cần phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.

Vậy người nổi tiếng là gì mà ai cũng mong muốn trở thành người nổi tiếng? Người nổi tiếng là những người có công danh sự nghiệp, là người thành công trong cuộc sống, trong công việc hay một lĩnh vực nào đó được nhiều người biết đến, yêu mến, kính trọng. Trên thế giới ai cũng biết Bill Gates là một doanh nhân người Mỹ, nhà từ thiện, tác giả và chủ tịch tập đoàn Microsoft, hãng phần mềm khổng lồ mà ông cùng với Paul Allen đã sáng lập ra. Ông luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất trên thế giới. Hay như giáo sư toán học Ngô Bảo Châu - người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Fields toán học - một giải thưởng danh giá trên thế giới mà không phải nhà toán học nào cũng có thể đạt được. Giáo sư Ngô Bảo Châu không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực toán học mà còn là một trong những giảng viên danh tiếng ở các trường Đại học nổi tiếng của Mĩ và thế giới. Giáo sư Ngô Bảo Châu chính là niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam trên thế giới. Và nữa, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn - một tài năng xuất chúng về âm nhạc. Những buổi biểu diễn của Đặng Thái Sơn là sự chờ đợi của biết bao người yêu nhạc ở Việt Nam và trên thế giới. Những khán phòng chật cứng, những nhà hát đông nghịt. Hàng triệu con tim như đang rung lên theo từng âm thanh của vũ điệu bàn tay tài hoa trên phím đàn. Đặng Thái Sơn chẳng phải là một thiên tài âm nhạc đó sao…

Trở thành người nổi tiếng là một mơ ước mà ai cũng mong muốn đạt được. Nhưng nếu như không thể trở thành người nổi tiếng bạn cũng đừng buồn bởi chúng ta vẫn có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa. Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng như một số bạn trẻ bằng cách bắt chước người này, người khác cách ăn mặc, đầu tóc kì dị hay có những hành động đặc biệt gây sự chú ý để nổi tiếng. Cái giá mà bạn phải trả cho sự nổi tiếng đôi khi là quá đắt. Có những bạn trẻ muốn được nổi tiếng trong mắt bạn bè, người yêu đã thể hiện mình là một tay đua trên xa lộ bằng những trận quyết đấu với tử thần để rồi có thể sẽ nổi tiếng những đó là sự nổi tiếng mà những người thân yêu của họ sẽ mãi mãi đau đớn khôn nguôi.

Câu nói trên thực sự đã làm tôi suy nghĩ lại giấc mơ trở thành người nổi tiếng của mình. Mỗi chúng ta đều có thể trở thành những người nổi tiếng nếu như có tài năng thật sự nhưng trước hết chúng ta hãy sống thật tốt để làm một con người có ích. Xã hội rất cần những người nổi tiếng nhưng còn cần hơn những người có ích. Hãy làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn bởi những việc làm có ích, bởi những con người có ích.

Câu nói “Đừng cố gắng…” quả thực đã để lại cho mỗi chúng ta một bài học nhận thức về ý nghĩa cuộc sống và quan niệm sống. Tôi nhớ một câu nói của một văn hào nổi tiếng: “Có thể trong cuộc đời này không ai biết đến tên tuổi bạn, nhưng những việc bạn làm lại không thể thiếu được với cuộc đời họ”. Tất nhiên, bạn hãy cứ mơ ước mình sẽ trở thành một người nổi tiếng. Biết đâu, bằng những cố gắng và tài năng của mình, một ngày không xa bạn sẽ nổi tiếng trong một lĩnh vực nào đó. Nhưng phải chăng, câu nói trên cũng là một lời khuyên hữu ích cho mỗi chúng ta khi bước vào cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm: Nghị luận xã hội quan niệm về thần tượng của giới trẻ hiện nay

Suy nghĩ về vấn đề Nổi tiếng bằng mọi giá

Trong cuộc đời của mỗi con người, không ai là không có những mục tiêu, hoài bão, những định hướng cho hiện tại và tương lai của mình. Đó có thể là ước mơ về một gia đình hạnh phúc, ước mơ chạm đến đỉnh vinh quang, đạt được niềm đam mê của mình, ước mơ về một cuộc sống đầy đủ, ấm no, không phải lo lắng, hoặc đơn giản, với lớp trẻ ngày nay, đó là một ước mơ về danh vọng, sự nghiệp và về sự nổi tiếng. “Không có tài năng nổi trội nhưng lại chẳng chấp nhận thân phận người thường, một bộ phận bạn trẻ hiện đang tìm đến những hành vi lập dị, thậm chí trái với thuần phong mỹ tục để ít nhiều thu hút sự chú ý của dư luận dù thừa biết bản thân sẽ bị “ném đá”. Chính cái ước mơ quá đỗi to lớn ấy, khát vọng, hay nói đúng hơn là ảo vọng ấy đã đẩy đưa nhiều bạn trẻ đến những tình huống, những kết quả thật trớ trêu.

Giới trẻ ngày nay không ít người vẫn lấy sự nổi tiếng làm mục đích sống của mình. Nổi tiếng chính là làm nổi bật danh tiếng, tài năng thực sự của mình, làm cho tiếng tăm, hình ảnh hay những điều tốt đẹp của mình được truyền bá trên diện rộng, được ngưỡng mộ, được nhiều người biết đến. Thế nhưng, đối với một số người nhận thức sai lệch về người tài và sự nổi tiếng thì “nổi tiếng” đơn giản là đánh bóng tên tuổi của mình, bất kể hành vi, bất chấp hậu quả và không quan tâm đến những phản ứng của mọi người, dù là trái chiều, dù là chê trách, phê phán. Chính cái mục đích của họ – để tên tuổi mình, không phân biệt là xấu hay tốt, được nhiều người biết đến – họ đã dần lún sâu vào những tai tiếng chứ không còn dừng lại ở một cuộc sống bình thường hay xa hơn là sự nổi tiếng nữa. Một người đã từng biểu diễn rất nhiều trên sân khấu, chẳng nhất thiết phải lên sân khấu để gào lên rằng vẫn giữ được đẳng cấp, được phong độ và là người nổi tiếng. Một người nổi tiếng có thể cả đời họ chỉ lên sân khấu một lần, nhưng vấn đề là họ đã làm được gì trên sân khấu trong lần duy nhất đó. Nổi tiếng không phải là sự xuất hiện trên càng nhiều mặt báo chí, trên truyền hình thì càng tốt, càng không phải bằng cách đưa những phát ngôn gây sốc, gây scandal ở các lĩnh vực khác không liên quan đến nghề nghiệp, không phù hợp với khả năng của mình. Và rồi, hậu quả của việc quá ảo tưởng đến sự nổi tiếng đã khiến không ít người, nhất là giới trẻ, chưa thực sự phát triển được toàn bộ tài năng, chưa nhận thức được sâu sắc vấn đề bị “ném đá”. Những viên đá ta dùng để ném nhau trên thế giới mạng không phải là những viên đá vật chất cụ thể có thể cầm nắm và quăng ném vào nhau, chúng chỉ là những viên đá “ảo” nhưng hậu quả mà chúng gây ra cho nạn nhân thì lại “thật” và đau đến không ngờ: không chỉ dừng lại ở cộng đồng mạng mà cũng có thể tác động không nhỏ đến cuộc sống, công việc, các mối quan hệ… ngoài đời thực, và thật rõ ràng, với những phản ứng trái chiều của dư luận thì chắc chắn ràng đây không phải là sự nổi tiếng.

Xã hội ngày nay không thể không nhắc đến những người nổi tiếng thực sự bằng tài năng, sức lực và mồ hôi nước măt của mình. Đó là Walt Disney – người được mệnh danh là “Cha đẻ của chú chuột Mickey” đã góp phần không nhỏ cho làng giải trí thế giới, là Marie Curie – người đầu tiên vinh dự nhận được hai Giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau vật lý và hóa học, người đã khám phá ra hai nguyên tố hóa học radium (nguyên tố mang tính phóng xạ) và polonium giúp cho ngành hoá học và các ứng dụng quan trọng trong tìm tòi, nghiên cứu. Tất cả đã trở thành những hình ảnh không bao giờ mờ phai, những tấm gương đáng để mọi người học tập. Ấy vậy mà, đáng buồn thay trong cuộc sống ngày nay vẫn còn không ít những hình ảnh tự bán danh dự, lương tâm mình để được cái “tai tiếng” bị ngộ nhận là “nổi tiếng”. Rất nhiều bạn trẻ đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ khi thản nhiên tự ghi lại và phổ biến những hình ảnh bản thân đang bất kính với các giá trị nhân văn, văn hóa dân tộc. Cụ thể, một thanh niên đã đứng và ngồi lên đầu rùa ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (tháng 7-2012), một nữ sinh vô tư ngồi trên mộ liệt sĩ (tháng 1-2013), một bạn trai cười tươi rói khi cầm trên tay hai cánh tay khỉ đã bị chặt và cạo sạch lông (tháng 2-2013). Và chỉ trong tháng 3-2013, liên tiếp những bức ảnh phản cảm như: nam thanh niên ngồi lên phần mộ tổ, nam thanh niên ngồi lên tượng Phật, nam thanh niên ngồi lên tượng đài vua Lý Thái Tổ… xuất hiện nhan nhản trên các trang Facebook.

Sự nổi tiếng được so sánh như một con dao hai lưỡi, một ma lực thực sự hấp dẫn khiến nhiều người có thể vì nó, mù quáng mà đánh đổi tất cả, từ nhân phẩm đến cả bản thân mình nếu không có nhận thức và hiểu biết rõ ràng. Nó đem lại cho ta danh vọng, quyền lực, sự ngưỡng mộ, trầm trồ của người khác thậm chí nó còn có thể thay đổi cuộc đời của một con người.

Theo kết quả một cuộc nghiên cứu của LSC (Leaming and skills Council), hơn 10% thanh niên ở Anh sẽ bỏ học nếu có cơ hội nổi tiếng qua truyền hình. Khi hỏi tại sao lại muốn trở nên nổi tiếng, hơn một nửa nói rằng sự nổi tiếng sẽ mang lại cho họ nhiều tiền. Một số người có tài năng thực sự, nhưng vì họ trở nên nổi tiếng khi còn quá trẻ nên chưa đủ kinh nghiệm, chưa có sự từng trải, cũng có thể chưa phát huy được hoàn toàn tài năng của mình hoặc chưa có những định hướng rõ ràng cho tương lai. Vì vậy, sự nổi tiếng đến với họ lúc này cũng như họ đang mặc một chiếc áo không vừa vặn. Một số người đã thành công, đã nổi tiếng nhưng lại không biết duy trì năng lực của mình, không biết học hỏi, rèn luyện và phát huy tài năng thì sự nổi tiếng dần trở thành con số 0 tròn trĩnh. Cuối cùng, đối với những người không có tài năng, hoặc có thể là tài năng của họ chưa được phát hiện mà đã mơ ước đến sự nổi tiếng – một thứ xa vời, bất chấp tất cả để có được nó thì chẳng khác nào đang thử một liều thuốc độc cho tương lai mình. Có thể họ sẽ được lên các mặt báo thật, nhưng là trước ánh mắt dèm pha của mọi người, có thể tên của họ khi nhắc đến mọi người đều biết, nhưng biết chỉ vì cái tai tiếng đáng khinh thường mà thôi! Rồi sẽ đến một lúc, họ cảm thấy sợ hãi, cảm thấy hối hận vì mình phải trả một cái giá quá đắt để đổi lấy một sự “nổi tiếng bị ngộ nhận” và mất đi tương lai. Đằng sau sự nổi tiếng, đằng sau ánh hào quang chói lọi, có thể là niềm vui, hạnh phúc, tự hào, cũng có thể chỉ là sự thất vọng, nước mắt và nỗi đau.

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao giới trẻ lại mù quáng và ngộ nhận sự nổi tiếng như vậy. Nguyên nhân có thể phần lớn là chủ quan, do nhận thức của bản thân, nhưng không thể phủ nhận sự “góp mặt” của những nguyên nhân khách quan. Vì vậy, để tránh những lầm tưởng sai lệch này, bản thân mỗi người phải biết mình đang làm làm gì, biết định hướng cho tương lai, xác định những mục tiêu đúng đắn và cố gắng hết mình cho những dự định, ước mơ tốt đẹp. Về phía gia đình, các bậc cha mẹ cũng không nên đặt mục tiêu quá lớn, ngoài khả năng hay hình tượng hoá những đứa trẻ, để rồi hình thành trong đầu óc chúng những nhận thức sai lệch. Và xã hội, thử hỏi mà xem, nếu những bài báo, những trang báo mạng không lấy việc đăng các phát ngôn gây sốc, những scandal làm trào lưu, mọi người không nhiệt tình đón đọc thậm chí là ủng hộ thì sự nổi tiếng chẳng phải trở nên ngày càng đẹp đẽ hơn?

Thanh thiếu niên, học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ luôn phấn đấu học tập thật tốt, vươn lên và toả sáng bằng chính khả năng, sức lực của mình. Hãy sống thật lành mạnh, sống để rèn luyện, nỗ lực hết mình để cống hiến những gì đẹp đẽ nhất và không nhất thiết phải đòi hỏi sự trả công, đền đáp hay sự nổi tiếng trong mắt mọi người – chỉ cần sống đẹp với lương tâm mình. Tôi và các bạn, hãy tuyên truyền, phê phán lối sống thực dụng, làm rõ những nhận thức sai lệch để rồi không một ai phải hối hận khi đánh đổi tất cả vì những danh vọng hão huyền.

Ước mơ và khát vọng là điều không thể thiếu, nổi tiếng cũng không phải là xấu, thế nhưng, hãy biết dùng chính năng lực, tài năng của mình, đồng thời không ngừng rèn luyện vả trau dồi bản thân để toả sáng trong mắt mọi người. Đó mới là sự nổi tiếng thực sự – một sự nổi tiếng đáng trân trọng.

Xem thêm: Nghị luận về ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống

Thế hệ trẻ và căn bệnh thèm khát sự nổi tiếng

Nổi tiếng, hay ít nhất là nổi bật, trở thành khát khao ngày càng lớn với mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay – nhất là khi internet ngày càng phát triển, đỉnh cao là mạng xã hội. Tuy nhiên, rõ ràng không phải ai cũng có thể trở thành một ca sĩ hay một diễn viên điện ảnh. Phần đông chúng ta có một diện mạo bình thường, và sống cuộc đời bình thường. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta không muốn chấp nhận cuộc đời bình thường ấy, điều đó cũng rất hợp lý.

Mạng xã hội Việt Nam mới bùng nổ hơn 6 năm và đã ghi nhận không ít cá nhân “thành danh” với việc tự tô vẽ bản thân. Một thiếu gia K. sang chảnh, diêm dúa mở miệng ra là nói đến “quý tộc”, “hoàng gia”, “tiêu tiền như nước”. Một “Bà Tưng” đóng vai cô giáo sexy, nói bất tận về sự giải phóng phụ nữ và phản đối các quan điểm cổ hủ về tình dục. Một ca sĩ “bà tám” úp mở người tình đồng giới mua tặng hết xe sang tiền tỉ đến biệt thự triệu đô. Để rồi, phần lớn sau đó họ hoặc bị vạch mặt, hoặc tự mình thú nhận, tất cả chỉ là chiêu trò để tạo scandal, để nổi tiếng.

Trên mảnh đất màu mỡ thị phi nhưng lại cạn kiệt ý tưởng đó, trào lưu “Tuyên bố và thực hiện” nổi lên, và nhanh chóng thành công một cách tất yếu. Bởi lẽ, công chúng đã quá chán ngán với những lời quảng cáo quá lố, rồi sau đó chẳng có gì. Bất kỳ ai, chỉ cần tuyên bố, và sau đó thực hiện, ngay lập tức sẽ được tung hô.

Tháng 6/2015, ca sĩ T. H tuyên bố trên Facebook nếu đội tuyển bóng đá Việt Nam thua Thái Lan anh sẽ cạo đầu. Sau đó chàng ca sĩ này làm thật. Cũng liên quan đến đầu tóc, tháng 4/2015, một chàng trai tên T. Đ tại Hà Nội hùng hồn nếu được 2.000 like, sẽ cắt và nhuộm tóc hình… quả dứa. Cư dân mạng nhanh chóng đưa con số like lên hơn 2.000, và T. Đ đã ra hiệu làm đầu biến mái tóc thành một quả dứa xanh đỏ có một không hai.

Nhưng định danh trào lưu thành cái tên “Việt Nam nói là làm”, là N. T, một thanh niên mới lớn sống tại TP.HCM. Tuyên bố “nếu được 40.000 like trên Facebook sẽ tự thiêu và nhảy xuống kênh Tân Hóa” của T gây ra một cuộc náo loạn thực sự, khi hàng nghìn người đổ đến địa điểm trên xem. Anh chàng sau đó không xuất hiện nhưng vẫn tự thiêu và nhảy sông, ở một khu vực vắng người. Khi người ta, nhất là thế hệ trẻ hiện nay, đã chọn sự điên cuồng để nổi tiếng, thì chỉ có một cách để duy trì sự chú ý là hành động sau phải điên cuồng hơn hành động trước. Quả thật, sau đó ít ngày, chàng trai “Việt Nam nói là làm” N. T đi xăm hình ngay vào giữa trán, và kế đó là tự lấy dao đâm vào cánh tay.

Tinh thần “Việt Nam nói là làm” xuất hiện ở thế hệ trẻ không phải đến bây giờ mới có, và đương nhiên không có xuất phát điểm méo mó như vậy. Quang Trung Hoàng đế cưỡi voi hiệu triệu ba quân đại phá quân Thanh. “Ðánh cho nó chích luân bất phản. Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” là những gì đã diễn ra năm 1789. Chủ tịch Hồ Chí Minh cương quyết: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, và dãy Trường Sơn sừng sững đã phải cúi đầu trước bước chân của những đoàn quân Nam tiến. Đó chính là “Việt Nam nói là làm”.

Đặt ra một mục tiêu và cương quyết thực hiện, điều đó chính là ý chí. Sự khác biệt giữa hai trạng thái tích cực, hay tiêu cực, chỉ là tính đúng đắn của mục tiêu đó mà thôi. Suy cho cùng, những người có tuyên bố lớn lao nhiều khi lại không thể thực hiện những lời hứa nhỏ bé, chẳng hạn như tự kiểm soát thời gian lướt Facebook mỗi ngày một nhiều hơn của chính mình.

Có phù phiếm không, khi ta nuôi khát vọng trở thành người nổi tiếng

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc

Nợ tang bồng vay giả, giả vay

Chí làm trai nam bắc đông tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể

(Chí anh hùng - Nguyễn Công Trứ)

Tuổi trẻ là tuổi có nhiều ước mơ và khát vọng. Ngay từ xa xưa, Nguyễn Công Trứ đã thể hiện ước mơ của một đấng nam nhi. Theo quan niệm người xưa, người con trai sinh ra ở đời, đầu đội trời, chân đạp đất đã mang trong mình gánh nợ tang bồng. Nguyễn Công Trứ mang trong mình một khát khao mãnh liệt rằng một ngày sẽ đem tài năng tranh đua với trời đất để trả nợ tang bồng. Có thể thấy, trong thơ ca dù xưa hay nay luôn cỗ vũ tinh thần dám ước mơ, dám thực hiện đối với những thanh niên tuổi trẻ yêu đời. Do đó, mọi ước mơ cho dù có to lớn đến đâu cũng không ai có thể cấm cản ta thực hiện. Có ý kiến cho rằng: “Có phù phiếm không khi ta khát vọng trở thành người nổi tiếng?” Theo những lời tôi đã dẫn dắt ban đầu, ý kiến tôi cho rằng điều đó không hề phù phiếm chút nào cả.

Ai cũng có quyền được khao khát, được ước mơ. Nhưng đó là ước mơ do chính mình đặt ra. Nếu bạn không tự xây ước mơ của mình thì sẽ có người khác thuê bạn xây ước mơ của họ. Điều đặc biệt là ước mơ không ai đánh thuế vậy tội gì ta không định ra cho mình những ao ước. Khát vọng trở thành người nổi tiếng cũng vậy. Đó là mục đích của cuộc sống là động lực cho ta xây dựng tương lai. Người nổi tiếng là những người có công danh sự nghiệp - là người thành công trong cuộc sống, trong công việc hay một lĩnh vực nào đó được nhiều người biết đến, yêu mến, kính trọng hay đôi khi bị ghét. Có người cho rằng trở thành người nổi tiếng là giấc mơ hão huyền, một điều khó có thể trở thành hiện thực. Không điều gì là không thể cả. Nhưng bạn có biết rằng những phát minh vĩ đại tồn tại đến ngày hôm nay và một phát triển có nguồn gốc từ những giấc mơ hay không. Khi nhìn lên bầy trời thấy có cánh chim bay, anh em nhà Rai người Mỹ đã tự hỏi tại sao con người không có cánh? Lấy những cánh chim làm động lực, anh em nhà Rai đã ước mơ sẽ tạo ra một đôi cánh riêng cho con người. Xuất phát từ những giấc mơ khó tin nhưng cuối cùng họ đã trở thành người đầu tiên sáng chế ra máy bay. Chiếc máy ảnh thông dụng ngày nay được lấy ý tưởng từ đôi mắt nhiệm màu của những chú ruồi .... Gắn liền với lịch sử dân tộc của chúng ta là khát khao dành được độc lập đất nước, thống nhất hai miền Bắc Nam. Nhân dân Việt Nam đã không biết bao lần đứng dậy đấu tranh để đánh đuổi quân xâm lược tàn bạo. Biết bao cảnh người sống trong đói khổ, cùng cực, biết bao con người đổ máu hy sinh… thế nhưng, đồng bào ta không bao giờ đánh mất đi niềm tin rằng một ngày ta chiến thắng và giành lai được chủ quyền non sông. Với sự hùng mạnh cả về kinh tế, quân đội lẫn chính trị của các nước Pháp, Nhật, Mỹ, một nước nhỏ bé ăn không đủ, học thức lại kém cỏi như nước ta tưởng chừng sẽ bại trận và không ngóc đầu lên nổi. Nhưng không! Dân tộc ta đã làm lên điều vĩ đại khiến cả thế giới khâm phục một đất nước bé nhỏ mà anh hùng này. Tất cả là nhờ có ước mơ. Vậy so với những ước mơ mang tầm vóc dân tộc, thế giới thì đam mê trở thành người nổi tiếng không là vấn đề gì quá to tát cả.

Ước mơ là không giới hạn, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh. Nhờ có ước mơ mà con người có niềm tin dai dẳng vào cuộc sống. Một khi con người ta đã đặt ra mục tiêu của đời mình thì một con đường tương lai đã được vạch sẵn và chỉ chờ đôi chân ta chạm lên nhũng bước đầu của vạch xuất phát. Khát khao nổi tiếng cũng vậy, bất cứ ai cũng có quyền nuôi trong mình một đam mê và tin tưởng rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành người nổi tiếng. Thật sự không hề phù phiếm nếu ta nuôi khát vọng trở thành người nổi tiếng. Đó thậm chí còn là biểu hiện của sự dũng cảm, dám ước mơ những điều không tưởng. Nhưng còn thiếu một yếu tố được xem là công cụ hỗ trợ đắc lực cho niềm mơ ước đó chính la sự quyết tâm. Nếu bạn ước mơ trở thành ca sĩ nổi tiếng, cần có quyết tâm là động lực để bạn thỏa sức nâng cao trình độ âm nhạc của mình. Nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo giỏi có tiếng bạn cần giữ vững mơ ước đó và không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức tư tưởng nhân đạo chính trị. Nếu bạn yêu công việc một nhà tạo mẫu tóc hàng đầu thế giới, đừng lo vì ý chí sẽ thúc đẩy bạn gắn bó với nghề, yêu nghề và phát triển năng khiếu của mình… Đặc biệt, một khi thất bại đừng nghĩ rằng thế là hết. Thất bại chính là một bước tiến gần hơn với thành công, với sự nổi tiếng ao ước của ta. Nhưng nếu ta bỏ cuộc thì mọi cố gắng nổ lực của chúng ta lại trở về con số 0. “Thất bại là mẹ thành công” do đó, dù cho có bất cứ thất bại nào, bạn cũng phải luôn giữ gìn ước khát vọng nổi tiếng của mình. Những ngày tháng thất bại thậm chí là không làm được việc gì, thất nghiệp…. càng buộc bạn phải nghiêm túc với chính mình hơn, quyết tâm đạt được ước mơ nổi tiếng. Barack Obama trước khi trở thành tổng thống Mỹ ông đã phải chật vật kiếm sống bằng nghề bán bánh mì để nuôi khát vọng trở thành tổng thống. Ngay từ khi còn là một anh thợ cắt tóc, Đàm Vĩnh Hưng đã mơ ước một ngày nào đó mình sẽ trở thành một ngôi sao trong showbiz Việt. Steve Job - cha đẻ của tập đoàn Apple đã từng chịu thiệt thòi khi làm phận con nuôi và bị ngưng học. Ông kiếm sống bằng cách thu lượm vỏ lon soda vứt đi, ngủ ở sàn phòng của bạn và đi bộ 7 dặm mỗi ngày để có được bữa ăn miễn phí tại chùa… Đây là một trong những tấm gương mà dù trải qua khó khăn những vẫn luôn khao khát trở thành người nổi tiếng.

Tuy nhiên, không hẳn ước mơ nào cũng được tôn vinh, được ủng hộ. Chỉ những ước mơ chính đáng, có ích cho bản thân và cộng đồng mới đáng thực hiện. Những khát vọng mang tính chất ích kỉ, xấu xa, tiêu cực không đáng để con người mơ ước khi sống trong một thế giới văn minh, hòa bình. Trên thế giới, rất nhiều khủng bố mang trong mình giấc mơ bá chủ thế giới, điển hình như tổ chức hồi giáo tự xưng IS. Hiện nay, nhiều thanh niên vì muốn nổi tiếng mà bất chấp mọi thủ đoạn như làm xấu bản thân, khoe của, khoe thân, phát ngôn gây sốc… những hành động đó là không đúng, làm mất giá trị bản thân. Cần giữ cho mình phẩm chất, cốt cách trong sạch nếu muốn trở thành người nổi tiếng.

Tóm lại, nuôi khát vọng trở thành người nổi tiếng không hề phù phiếm chút nào vì con người có quyền ước mơ kể cả những ước mơ viễn vọng nhất. Tuy nhiên, những khát vọng đó phải đúng đắn, không làm tổn hại đến ai và phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Có như vậy, những ước mơ ấy mới dễ dàng trở thành hiện thực, mang thành công không chỉ cho cá nhân mà cho cả dân tộc.

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu lớp 12 hay nhất / Đọc Tài Liệu

Nghị luận xã hội về sự nổi tiếng

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM