Nghị luận về cách vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống

Xuất bản: 06/04/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Tuyển tập văn nghị luận hay bàn về cách vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống của con người.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ về cách vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống của con người.

***

Những bài nghị luận hay bàn về cách vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống của con người

Bài số 1:

Bạn đã bao giờ ngồi lại để nghĩ về những thất bại mà bạn từng nếm trải. Còn tôi, tôi đã khóc rất nhiều đấy! Những lần điểm thấp, rồi áp lực từ việc học tập, rồi chuyện bạn bè, chuyện gia đình. Cuộc sống có đủ thứ lý do khiến cho ta mệt mỏi, dù bạn có chạy trốn thật xa, thật xa, thì những đau buồn kia vẫn cứ dai dẳng bám theo. Và tôi gọi tất cả những khó khăn và nỗi đau kia là nghịch cảnh. Nhưng bạn có tin không? Nghịch có giá trị đặc biệt của nó. Có nghịch cảnh thì mới có cải thiện chính mình, mới có thành công.

Cảm xúc! Sau mỗi lần thất bại, trái tim đã rỉ máu chẳng còn muốn bước thêm bước nào nữa, vật lộn với những cảm xúc bộn bề của chính mình, lòng tự tôn trỗi dậy, không dám đương đầu nữa, sợ lại thất bại, sợ lại đau thêm một nỗi đau mới. Nhưng bạn thân mến, chẳng có nỗi đau nào là mãi mãi, chỉ có nỗi đau do bạn cố chấp mà thôi. Bạn than phiền và muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó, muốn có nhà lầu, xe hơi trong nay mai, muốn trở thành một tỷ phú như Jeff Bezos hay Bill Gates. Vâng, thật lòng nhiều lúc tôi cũng giống bạn, muốn thực hiện ước mơ của mình, trở thành một họa sĩ chỉ sau một đêm. Quả thực thế gian này mà có phép màu như thế, liệu bạn có tìm thấy giá trị đích thực của cuộc sống. Bạn chẳng bao giờ phải đối mặt với nghịch cảnh, liệu bạn có thể thấy những khả năng đang tiềm ẩn bên trong con người bạn. Đừng bao giờ hy vọng vào một sự đổi thay nhiệm màu nào khi bạn không chịu thay đổi và vượt qua. “Đừng bao giờ cho rằng bạn thiếu may mắn. Bạn sẽ hạnh phúc hơn nhiều khi biết rằng trên đời này còn có rất nhiều người đau khổ và bất hạnh hơn bạn.”

Nếu bạn không thể có được một điều kỳ diệu hãy biến mình thành điều kỳ diệu. Người cha nọ nghiện rượu nặng và có hai cậu con trai. Khi lớn lên, người anh là phiên bản thứ hai của ông bố, còn người em lại đi đầu trong phong trào tuyên truyền tác hại của bia rượu. Kỳ lạ là khi được hỏi “điều gì khiến anh thành như ngày hôm nay” thì cả hai đều chung một câu trả lời “có một người bố như thế thì tất nhiên tôi phải trở thành thế này rồi”. Bạn thấy đấy, đừng bao giờ lấy hoàn cảnh ra để bào chữa cho sự hèn nhát của bản thân. Chúng ta phải biết vượt lên trên hoàn cảnh vốn có của mình, chiến thắng nó. Đó là một biểu hiện của của con người biết vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống và cũng là một ví dụ cho việc làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của mình. “Tôi chỉ có thể trở thành người do chính tôi tạo ra”. Một Andecxen được sinh ra trong một gia đình nghèo ở thành phố Odense, cuộc sống nghèo khó, không lúc nào có đủ bánh mì để ăn, đi học lại luôn bị bạn bè chê cười vì ngoại hình xấu. Nhưng vượt lên trên tất cả với ước mơ trở thành nghệ sĩ, Andecxen đã lang thang lên thành phố Copenhaghen đóng những vở kịch tầm thường, làm quét dọn. Cuối cùng, với nghị lực và tình yêu nghệ thuật ông đã thành công. Những câu chuyện cổ tích của ông mãi tồn tại trong tâm trí độc giả, mang lại cho trẻ thơ niềm hạnh phúc, thắp lên những ước mơ đẹp. Đến với đất nước mặt trời mọc, bạn sẽ thấy một Kito Aya, mười lăm tuổi, bệnh tật ập đến, một căn bệnh nan y khiến một cô gái vốn hồn nhiên, vui vẻ trở thành một con người mau nước mắt, đắm chìm trong những suy tư về cuộc đời. Cuộc chiến chống chọi với bệnh tật còn khốc liệt hơn khi cô phải chịu ánh mắt kỳ thị của xã hội. Nhưng thay vào việc cứ chìm đắm trong khổ đau, sáu năm ròng chống chọi với căn bệnh quái ác, những chia sẻ của cô ấy trong chính cuốn nhật ký của mình có tựa là “một lít nước mắt” đã truyền cảm hứng về nghị lực sống cho biết bao thế hệ “Chúa đã khiến mình trở nên tàn tật, đó là vì người tin rằng mình có khả năng chịu đựng.” Tôi cũng không nhớ tôi đã khóc bao nhiêu lần khi đọc cuốn nhật ký ấy. Thỉnh thoảng lại lấy ra đọc lại để chiêm nghiệm lại cuộc sống, soi chiếu bản thân.

Bạn cứ hoài nhìn vào những người thành công mà cho rằng họ may mắn, được sinh ra trong một gia đình khá giả, cuộc sống chẳng phải lo nghĩ, bận tâm điều gì. Tôi dám khẳng định bạn đã sai, bởi “người không có rắc rối là người đã bị loại khỏi cuộc chơi”. Cuộc sống giống như một cuộc chơi, bạn không thể đoán trước được điều gì, chưa tới hồi kết, sẽ chưa biết ai mới là người chiến thắng vinh quang. Nếu như bản thân chỉ phụ thuộc vào những yếu tố khách quan mà không biết cố gắng, kết quả chỉ có thể là bạn tự loại mình mà thôi. Sẽ thế nào khi cuộc sống của bạn vốn êm đềm như thế, hạnh phúc như thế, bỗng một mai, tai họa ập đến, bạn có đủ can đảm để vượt qua chứ? Bạn đã chuẩn bị cho mình những hành trang gì? Một người chưa từng nếm mùi đau thương, gục ngã, thất bại thì lấy đâu ra kinh nghiệm để vượt lên những cảnh ngộ khó khăn bất ngờ xảy đến. Hãy nhìn xem, thế giới rộng lớn ngoài kia có biết bao nhiêu con người đã vươn khỏi nghịch cảnh và trở thành “những ngôi sao sáng”. Hẳn hình ảnh một Nick Vujicic với một cơ thể thiếu vắng bốn chi đã trở thành hình ảnh quen thuộc và tiêu biểu cho những tấm gương vượt lên trên số phận, hay J.K Rowling, từ một người phụ nữ bị chồng ly dị, phải ngồi lỳ bên bàn viết để kiếm chút nhuận bút nuôi con nhỏ, nay bà trở thành “nhà văn phù thủy” với kiệt tác Harry Potter đã đưa bà lên đứng đầu danh sách mười cây bút kiếm nhiều tiền nhất được tạp chí Forbes thống kê lần đầu tiên trong gần mười năm qua. Đến với làng giải trí Hàn Quốc, bạn sẽ thấy một nhóm nhạc đi lên từ một công ty giả trí nhỏ không chút tiếng tăm - Bighit Entertainment, lại trở nên nổi tiếng và thành công như bây giờ. BTS đã phải chịu gánh nặng món nợ 2,8 tỷ won từ thất bại của GLAM. BTS phải tổ chức gặp gỡ fan tại công viên hoặc sân sau của trường đại học vì công ty không đủ tiền thuê hội trường hay sân vận động. Để tiết kiệm tiền, họ cũng phải đi mượn trang phục và đạo cụ, thậm chí nhờ cả nhân viên của công ty đóng MV. Ngay cả khi mới bắt đầu nổi tiếng họ cũng không ít lần phải chịu sự dèm pha, điều tiếng từ công chúng. Nhưng sau cùng, BTS đến bây giờ đã trở thành một trong những cái tên đình đám không chỉ ở Hàn Quốc mà nhóm còn có tầm ảnh hưởng quốc tế. Và họ đã trở thành minh chứng cho trường hợp “nhà nghèo vượt khó” kinh điển của làng giải trí xứ kim chi. Chẳng cần nói đi đâu xa, trên đất nước trải dài hình chữ “S” cũng có biết bao nhiêu tấm gương sáng vượt lên trên số phận, đáng ngưỡng mộ, đáng noi theo như: Nguyễn Ngọc Ký, cô gái xương thủy tinh - Nguyễn Phương Anh hay chàng trai chinh phục Phan-xi-păng bằng nạng gỗ - Nguyễn Sơn Lâm,… Hãy nhìn xem, những bất hạnh mà bạn phải chịu so với họ có đáng gì, vậy tạo sao bạn cứ hoài than vãn, cứ hoài cho rằng cuộc sống này quá bất công với bạn. Tôi nghĩ bạn hãy dành đôi phút để suy ngẫm về cuộc sống này, cầu vồng thì chỉ xuất hiện sau cơn mưa, cũng như mặt trời đi lên từ bóng tối, thế nên bạn chớ đổ lỗi cho nghịch cảnh.

Muốn đương đầu mà vượt qua nghịch cảnh, muốn đứng vững trên chặng đường đi tới thành công, tôi nghĩ bạn nên trang bị cho mình một số “vũ khí lợi hại” như: nghị lực, tinh thần lạc quan và quan trọng là phải biết tin tưởng bản thân. Bởi nghị lực sẽ cho bạn thấy “thua không tồi tệ như bạn nghĩ, bởi thua để mà thắng”, tinh thần lạc quan là nguồn năng lượng tinh thần vô giá, có sức mạnh kỳ diệu giúp bạn thoát khỏi bế tắc, khủng hoảng trong cuộc sống. Đặc biệt niềm tin tưởng vào bản thân sẽ giúp có ý chí vươn lên. Những khó khăn và thử thách dồn dập phía trước, chúng ta chỉ có thể vượt qua khi trong ta có điều gì đó có ý nghĩa thúc đẩy và mang đến cho cuộc sống chúng ta điều hạnh phúc và nó tạo dựng trong chúng ta một bàn đạp để ta sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách. Và hãy gọi nó là lý tưởng sống.

Người ta sẽ luôn nói rằng: “khi đứng trước nghịch cảnh, hãy học cách can đảm mà đương đầu”, nhưng bạn thấy đấy, đi từ lời nói tới hành động lại là một chuyện khác. Vậy nên mới có biết bao học sinh, thanh niên, thậm chí là cả người lớn tìm tới cái chết để “phủi bay những muộn phiền của bản thân”. Cậu kia bỏ nhà ra đi chỉ vì bố mẹ nói nặng lời đôi chút, anh kia thi trượt đại học, anh kia nữa làm ăn thua lỗ quá nhiều nên dẫn thân đi tìm cái chết. Tôi tự nhủ lúc đó, họ ra đi, để lại nỗi đau, sự tổn thương tinh thần nặng nề đến nhường nào cho chính gia đình họ, những người thương yêu họ, cảnh tượng “kẻ tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh” mới xót xa làm sao. Cứ hoài than thở về cuộc sống chỉ khiến những người bên cạnh bạn càng thêm mệt mỏi hơn thôi. Và thật đáng xấu hổ cho những ai mới gặp nghịch cảnh đã vội nhụt chí, mới nếm mùi khổ đau bất hạnh đã buông xuôi. Dùng nước mắt và tiếng thở dài chỉ để nhận lòng thương hại từ người khác.

Là một đứa thi trượt cuộc thi học sinh giỏi tỉnh, một đứa từng bị bạn bè trong lớp ghẻ lạnh, từng có những suy nghĩ nông cạn,… chìm đắm trong đau khổ trong một thời gian dài, quở trách số phận, quở trách hoàn cảnh, quở trách cuộc sống bất công. Nhưng cũng nhờ có vậy mà tôi có lẽ đã trưởng thành hơn ít nhiều. Sau tất cả tôi nhận ra, chỉ có lúc đối mặt với nghịch cảnh, ta mới thấy ai là người thật lòng yêu thương ta, ai là những người bạn thực sự và ai chỉ là bè. Và cũng sau tất cả, tôi nhận ra, cuộc sống của tôi hiện tại là kết quả cho những chặng đường đầy chông gai mà tôi đi qua, không có tôi của những ngày đau khổ, thất bại, vấp ngã rồi lại vấp ngã thì sẽ không có tôi bây giờ, sống với niềm tin yêu cuộc sống, với một trái tim biết đồng cảm và sẻ chia yêu thương, trái tim ấy tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám thất bại dám đứng lên, không cho phép mình gục ngã trước nghịch cảnh.

Tôi tin bạn cũng sẽ như tôi, chúng ta đều đang sống trong những năm tháng xanh tươi của một thời tuổi trẻ, mà tuổi trẻ của ai thì cũng chỉ đến một lần trong đời, chúng ta có quyền vấp ngã, có quyền đứng lên, đừng vội nản chí. Vậy nên nghịch cảnh đối với chúng ta mà nói là những bài học quý giá. Đó là đặc ân mà cuộc sống ban tặng cho mỗi chúng ta, hãy bình tĩnh, tự tin, tin vào chính bản thân mình khi đối diện với nghịch cảnh. Sẽ không dễ để vượt qua nhưng hãy nhìn vào quá trình bạn nỗ lực vượt qua, quan trọng là ta học được những gì, bài học kinh nghiệm gì để không còn vấp thêm những sai lầm nữa.

“Khi mọi thứ đang chống lại bạn, hãy nhớ rằng, máy bay cất cánh bằng cách bay ngược chiều gió chứ không phải xuôi chiều gió.”

Tôi cho rằng khá nhiều người sẽ không tìm được định nghĩa nghịch của nghịch cảnh. Hoặc có chẳng cũng chỉ mơ hồ hiểu về nó? Vậy nên nói một cách đơn giản, nghịch cảnh chính là những hoàn cảnh éo le, những khó khăn hay những lần ta thất bại,… những điều tồi tệ mà cho dù bạn có muốn hay không thì nó cũng hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng cũng giống như mấy câu hát mà tôi đã nghe qua đâu đó:“ không ai bước đi trên con đường đầy hoa thơm cỏ lạ, mà chưa từng nếm trải những nỗi đau thói đời. Không ai bước đi trên con đường được trải bằng thảm đỏ, luôn tăng tiến trong sự nghiệp và không ai thành công mà chưa từng đổ mồ hôi, nước mắt…” Cuộc sống đối với bất cứ ai trong mỗi chúng ta cũng đều là điều không dễ dàng gì. Nhưng bạn có biết, con người cứ luôn nhanh chóng gục ngã thì họ sẽ chẳng thể nào tồn tại được. Khi đó ta chỉ là kẻ hèn yếu, nhu mì, bị động, kẻ mà chỉ biết phó mặc cho nghịch cảnh đưa đẩy.

» Tham khảo thêm:

Bài số 2:

Tính cách của con người không phải là yếu tố sẵn có mà dần được định hình và phát triển trong hoàn cảnh và môi trường sống xác định. Nhấn mạnh đến vai trò của hoàn cảnh sống đối với việc hình thành tính cách và bản lĩnh con người, danh ngôn Pháp có câu “Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người”.

“Nghịch cảnh” là hoàn cảnh éo le, trớ trêu mang đến những khó khăn, thách thức cho cuộc sống của con người. “Phép thử” là thử thách cho lòng kiên trì và bản lĩnh của con người trước những hoàn cảnh có vấn đề. Câu nói “Nghịch cảnh không chỉ là một phép thử của tình cảm mà là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người" đã khẳng định vai trò của hoàn cảnh sống đối với sự hình thành nhân cách và bản lĩnh của con người, trong đó những thách thức. Qua nghịch cảnh, con người không chỉ rèn luyện thêm được tính kiên trì mà còn tu rèn cho bản lĩnh và trí tuệ.

Nghịch cảnh là những hoàn cảnh không ai mong muốn nhưng nó vẫn xảy đến như một lẽ tất yếu của cuộc sống. Sống trên đời ai cũng từng trải qua những nghịch cảnh như: ốm đau, bệnh tật, tai nạn, xung đột….Nghịch cảnh thường đến bất ngờ mà không ai có thể tránh, đó là những bất trắc mà con người phải đối diện, đối với người nông dân đó là thiên tai mất mùa, đối với người kinh doanh là thua lỗ, thất bại, với người học sinh là những lúc điểm kém hay những xung đột cùng bạn bè….

Trong những hoàn cảnh khó khăn, không mong muốn của cuộc sống, chúng ta sẽ hiểu hơn về tình cảm của bản thân, nhận thức được về tình cảm chân thành từ những người bạn, người thân. Trải qua những biến cố ta sẽ thêm trân trọng những người thân yêu.

Nghịch cảnh có thể làm cho ta chán nản, đau khổ thậm chí mất đi những cơ hội, những người thương yêu và làm rạn nứt những mối quan hệ. Đó là những kết quả không ai mong muốn và nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, dù cố gắng đến mấy chúng ta vẫn phải chấp nhận và đối đầu với nó.

Tuy nhiên, thông qua những nghịch cảnh ta sẽ hiểu hơn về bản thân với những ưu điểm và cả những hạn chế. Nghịch cảnh cũng chính là điều kiện để chúng ta phát huy những cố gắng, những năng lực và rèn luyện những kĩ năng cần thiết. Vượt qua nghịch cảnh chúng ta sẽ trưởng thành hơn, tính cách và bản lĩnh vì vậy cũng được khẳng định.

Đối diện với những nghịch cảnh, con người sẽ nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống để từ đó ta biết trân trọng hơn những thứ ta đang có và nhận thức được những hạn chế để khắc phục và phát triển trong tương lai. Vì vậy có thể nói nghịch cảnh chính là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh của con người”.

Tuy nhiên, không chỉ trong nghịch cảnh mà ngay cả trong những hoàn cảnh thường, để trưởng thành về tính cách, phát triển về trí tuệ chúng ta cần không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức đồng thời có ý thức phê phán những hành động trốn chạy hoàn cảnh, trở thành con rùa rụt cổ.

Bài số 3: Bài học về cách phản ứng với nghịch cảnh trong cuộc sống

Nghịch cảnh trong cuộc sống này thường làm chúng ta mệt mỏi, khó chịu và chán nản. Dẫu luôn biết rằng, vượt qua những khó khăn ấy sẽ làm chúng ta trở nên tốt đẹp và trưởng thành hơn, nhưng chúng ta cũng thừa nhận một điều: đương đầu với chúng không phải là một thử thách dễ dàng!

Không ngạc nhiên khi rất nhiều người đi làm không giữ được sự bình tĩnh của mình và sẵn sàng quát tháo đồng nghiệp, cấp dưới – chỉ đơn giản là họ sẽ phản ứng trước khi suy nghĩ rằng mình nên phản ứng như thế nào. Nhìn chung, việc khiến não bộ của bạn luôn trong trạng thái căng thẳng cũng tương tự như lên dây cót cho một quả bom hẹn giờ vậy – chỉ chờ đến thời điểm phát nổ. Và tất cả mối quan hệ, hình ảnh mà bạn đã và đang cố gắng xây dựng sẽ đi theo vụ nổ ấy hết.

Có rất nhiều phương pháp và cách thức khác nhau để giúp dân “cổ trắng” đối phó với áp lực, không chỉ đến từ nơi làm việc mà còn trong cuộc sống, nhằm có cách cư xử tốt hơn. Tuy nhiên, bài viết này sẽ chỉ ra cốt lõi của việc nên phản ứng lại những khó khăn, thách thức mà ta đương đầu như thế nào, từ đó bạn đọc có thể có được một hình ảnh trực quan sinh động hơn và tìm được cách thức cho riêng mình.

Bài học từ khoai tây, trứng và cà phê

Một ngày nọ, bếp trưởng David đang chuẩn bị một bữa ăn sáng thịnh soạn cho cô con gái Jennifer của ông trước khi cô đến trường. Ngay khi con gái vừa ngồi vào bàn ăn, ông đã nhận ra có điều gì đó không ổn trên gương mặt cô. Ông và cô bắt đầu trò chuyện với nhau:

– Có chuyện gì thế con yêu?

– Con cảm thấy mệt mỏi quá bố ạ. Ở trường con không kết bạn được với ai hết, việc học thì lại nhiều nữa. Con nghĩ mình không vượt qua khỏi lớp 4 đâu ạ.

Bếp trưởng David chỉ mỉm cười sau khi nghe cô tâm sự và ông liền lấy ra 3 chiếc nồi nhôm chứa đầy nước và bắt đầu đun sôi chúng. Sau khi nước sôi, ông để 1 củ khoai tây đã lột vỏ vào nồi thứ nhất, 1 quả trứng vào nồi thứ 2 và một ít hạt cà phê vào nồi thứ 3. Jennifer thắc mắc và buột miệng hỏi “Bố đang làm gì thế ạ?”. Đáp lại câu hỏi đầy tò mò của con gái, ông chỉ cười “Kiên nhẫn nào con yêu”.

Sau 20 phút, ông lấy củ khoai và quả trứng đặt ra 2 chiếc đĩa riêng, còn cà phê thì ông đổ vào 1 cái cốc. Đến đây, ông quay lại với cô con gái, vẫn còn đang khó hiểu, và hỏi:

– Con thấy đây là những gì vậy, Jennifer?

– Ừm thì chúng là khoai tây, trứng và cà phê chứ gì nữa ạ. – cô tỏ vẻ khá hiển nhiên.

– Nhìn kĩ hơn nào con yêu.

Cô bắt đầu cầm củ khoai tây lên thì nhận ra cái thứ mà cô nghĩ nó rất là cứng trước đó, đã hoàn toàn mềm nhũn và có thể dùng muỗng để nghiền ra. Cô xoay sang quả trứng, thứ vốn mỏng manh và dễ vỡ, thì bây giờ lại cứng cáp hơn rất nhiều. Chỉ có riêng cà phê, từ những hạt màu nâu thô kệch nay đã trở thành một thứ nước thơm ngon.

Bếp trưởng David liền nói: “Con thấy không, những thứ này đều đối mặt với cùng một nghịch cảnh là nước sôi, nhưng chúng lại chọn những cách phản ứng khác nhau. Con người cũng thế, khi gặp phải khó khăn, có người thì lập tức gục ngã và buông xuôi. Có người thì lại chọn cách phản ứng hung hăng và cứng ngắc. Nhưng cũng có người lại chọn cách trở nên hài hòa với nghịch cảnh và trở nên tốt hơn cả bản thân họ trước đây. Vậy con muốn được trở thành khoai tây, trứng hay cà phê nào, con gái?”.

Tâm trạng càng muốn bùng nổ càng phải học cách phản ứng tốt hơn

Năm xưa, khi Abraham Lincoln làm Tổng thống Hoa Kỳ, Bộ trưởng Lục quân đã từng ca thán với ông vì bị một thiếu tướng buông lời vũ nhục, hy vọng Lincoln có thể giúp mình rửa hận. Khi thấy bộ dạng ấy, Tổng thống Lincoln đã nói anh ta hãy viết một lá thư để “đáp lễ” cho kẻ kia, nhưng trước khi gửi hãy đưa cho ông đọc.

Sau khi viết thư xong, ông liền đem đến cho Lincoln và thay vì đọc nó thì ông thẳng tay ném lá thư vào bếp lửa. Bộ trưởng thấy ngạc nhiên và bắt đầu chất vấn Lincoln. “Mỗi khi tức giận, tôi đều làm như vậy, viết hết những điều muốn mắng chửi ra, sau đó cho chúng vào lửa thiêu, sự bực tức cũng tự giác tiêu tán. Viết thư cốt để cho mình hả giận, nếu còn gửi cho đối phương, chẳng phải sẽ tự rước thêm bực tức vào người hay sao? Nếu ngài còn cảm thấy khó chịu thì viết tiếp vài lá nữa cho tới khi thoải mái mới thôi.” – Tổng thống Lincoln cười và giải thích.

Bấy giờ, Bộ trưởng Lục quân như đã hiểu được vấn đề liền tấm tắc: “Đúng vậy! Nếu thư này chuyển tới tay đối phương, kẻ đó tức giận mà viết thư mắng chửi lại mình, không phải càng thêm tức giận hay sao!”

Không có ai từ lúc sinh ra đã có thể kiểm soát được tâm trạng của bản thân, nhưng những người ưu tú không chỉ học được cách quản lý cảm xúc của bản thân đối với người khác mà còn biết cách làm chủ và điều khiển thành thục những cảm xúc ấy, dẫn đến những phản ứng phù hợp nhất. Trong câu chuyện này, tổng thống Lincoln đã biến mình thành “hạt cà phê” dung hòa Bộ trưởng Lục Quân và những bức tức của ông, đồng thời cũng dạy người này cách để tự mình làm “cà phê”.

Câu chuyện trên có lẽ không mới đối với tất cả chúng ta. Thế nhưng, hình ảnh minh họa sống động ấy vẫn luôn nhắc nhở chúng ta rằng: tuy ta không được chọn mình sẽ ở trong hoàn cảnh nào, nhưng ta hoàn toàn có thể chọn cách sẽ phản ứng lại ra sao. Khoai tây và trứng không thể phản ứng khác đi bản chất của chúng, nhưng vì chúng ta là con người, chúng ta được một “đặc quyền” chọn con người mình sẽ trở thành, nếu chẳng may rơi vào trong nghịch cảnh.

Cảm thấy kiệt sức, bực bội và chán nản trong cuộc sống là điều hoàn toàn bình thường. Bởi sau cùng mà nói, con người là một sinh vật mang nhiều cảm xúc cơ mà. Tuy vậy, bất cứ khi nào bạn chuẩn bị “phát nổ”, hãy lùi lại 1 bước và suy nghĩ về việc bạn đang cảm thấy như thế nào và cách bạn sẽ phản ứng. Thứ quan trọng nhất vẫn là quyết định của bạn. Học hỏi, thích nghi và chọn làm điều tốt nhất trong mọi trải nghiệm của bạn.

Hãy là những “hạt cà phê” thơm ngon nhất bạn nhé!

(Nguồn: Huỳnh Phát – Happy Live)

Bài số 4: Câu chuyện hay và ý nghĩa về giá trị của nghịch cảnh

Những nông dân ở miền nam Alabama đã quen trồng chỉ mỗi một thứ là cây bông (dùng để xe chỉ, dệt vải).

Một năm kia những con sâu bọ đáng sợ đã tàn phá cả vùng. Năm sau những người nông dân đem nhà cửa của họ đi cầm cố để có tiền và tiếp tục trồng cây bông, hi vọng vào một kỳ gặt hái tốt đẹp. Thế nhưng khi những cây bông bắt đầu mọc, những con sâu bọ đó lại đến và phá sạch hầu hết các cánh đồng.

Một số ít người “sống sót” qua hai năm đó đã quyết định trồng thử một thứ mà trước đây họ chưa bao giờ trồng – cây đậu phộng. Và kết quả là đậu phộng của họ đã nhanh chóng được thị trường ưa chuộng, đến nỗi lợi tức của năm đó đủ để cho họ trả hết nợ của hai năm trước. Kể từ đó họ trồng đậu phộng và rất phát đạt.

Và rồi bạn biết những người nông dân đó đã làm gì không? Họ trích một phần tài sản to lớn của mình để dựng một đài kỷ niệm ngay giữa trung tâm thành phố ghi công “những con sâu bọ”. Bởi nếu không vì những con sâu đó họ sẽ không bao giờ khám phá ra đậu phộng. Họ sẽ mãi mãi chỉ đủ ăn với nghề trồng cây bông từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Tuyển tập Văn mẫu 12 - Những bài văn nghị luận hay nhất / Đọc Tài Liệu

Nghị luận về cách vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM