Hiện tượng cá nhân tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang

Xuất bản: 21/08/2018 - Cập nhật: 01/10/2019 - Tác giả:

Những bài văn hay nêu suy nghĩ về hiện tượng cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang về mái ấm tình thương để nuôi dạy.

Đề bài: Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp. Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó.

Dàn ý
nghị luận về hiện tượng cá nhân tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang

I. Mở bài

- Đặt vấn đề: Chăm sóc và bảo vệ trẻ em lang thang cỡ nhỡ là trách nhiệm của toàn xã hội.

II. Thân bài:

* Thực trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ

- Theo số liệu của Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, năm 2003 cả nước có trên 21.000 trẻ em lang thang cơ nhỡ, đông nhất là ở TP.HCM với 8.500 em. Năm 2008, mặc dù đã được các cá nhân, tổ chức thu nhận về những mái ấm tình thương để nuôi dạy nhưng hiện vẫn còn trên 10.000 trẻ em không nơi nương tựa. Con số này không ngừng gia tăng.

- Trẻ em đường phố đối diện với nguy cơ thất học cao và rơi vào tệ nạn xã hội.

- Trẻ em đường phố đang có nguy cơ phạm tội ngày càng tăng; nạn xin ăn tràn lan ảnh hưởng tới văn minh đô thị.

- Trẻ em đang bị bóc lột sức lao động và nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao.

* Nguyên nhân

- Do đói nghèo: Trẻ đường phố thường xuất thân từ các gia đình nông dân nghèo hoặc gia đình mà bố mẹ không có việc làm, khó khăn về kinh tế và đông con (77% trẻ bỏ nhà ra đi vì gia đình nghèo khổ)

- Do tổn thương tình cảm như: bị gia đình ruồng bỏ, từ chối hoặc đánh đập (23%)

- Còn lại là do mồ côi hoặc các trường hợp bố mẹ li hôn.

* Hiện nay, những "mái ấm tình thương" đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta, nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.

* Ý nghĩa của việc thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang về mái ấm tình thương

- Chăm sóc và bảo vệ trẻ em lang thang cơ nhỡ là trách nhiệm không chỉ của cá nhân mà còn là của toàn xã hội. Điều này không chỉ có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là giúp cho các em hướng thiện, đưa các em đi đúng với quỹ đạo phát triển tích cực của xã hội. Đây là tình cảm tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách... biểu hiện của truyền thống nhân đạo ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

* Các tổ chức cá nhân tiêu biểu:

- Tổ chức: Làng trẻ em SOS; Làng trẻ em Hòa Bình ( Từ Dũ); Cô nhi viện Thánh An ( Giáo phận Bùi Chu, Xuân Trường, Nam Định); Chùa Kì Quang II ( Gò Vấp); Chùa Bồ Đề (Huế)...

- Cá nhân: Mẹ Phạm Ngọc Oanh ( Hà Nội) với 800 đứa con tình thương; Anh Phạm Việt Tuấn với mái ấm KOTO ( Hà Nội); Thầy Koyama với mái ấm tình thương 37, Nguyễn Trãi, Huế...

* Quan điểm và biện pháp nhân rộng

- Quan điểm: Có cái nhìn đúng đắn về hiện tượng trẻ em lang thang cơ nhỡ từ đó nâng cao tình cảm và trách nhiệm đối với hiện tượng ấy. Lên án và kịp thời phát hiện, tố cáo những kẻ bóc lột sức lao động và xâm hại trẻ em.

- Biện pháp nhân rộng:

+ Dùng biện pháp tuyên truyền.
+ Kêu gọi các cá nhân, tổ chức.
+ Quyên góp tiền cho các hoạt động từ thiện.
+ Thành lập đội thanh niên tình nguyện

Một số bài văn hay suy nghĩ về hiện tượng thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang hiện nay

Bài số 1:

Có lẽ khi đi trên những con phố phồn hoa đô thị nhưng ta vẫn thấy có những đứa trẻ mồ côi cơ nhỡ, ăn mặc rách rưới phải đi ăn xin hay làm thuê trước tuổi. Nhìn những con người đó thật đáng thương khiến nhiều người phải động lòng thương. Vì thế “có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em mồ côi cơ nhỡ, lang thang, kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp đỡ các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp”.

Nhìn cảnh những đứa trẻ mồ côi không cha, không mẹ, không một người thân chăm sóc ăn mặc rách rưới lang thang nay sống chỗ này, mai sống chỗ kia không có một ngôi nhà thể gửi tấm thân bé nhỏ. Hàng ngày phải đi lao động để kiếm miếng cơm manh áo để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Đáng lẽ ra cùng trang lứa đó các em phải được cắp sách đến trường sống trong tình yêu thương của gia đình, thầy cô, bạn bè nhưng ngược lại cuộc sống của các em không có một thứ gì cả.

Đây là những đứa trẻ bất hạnh nhất trong xã hội vốn dĩ là trẻ thơ mà không có một tuổi thơ tốt đẹp. Làm cho các em thêm ghét cuộc sống của mình hơn và trở lại ngại ngần khi nhìn thấy người khác. Và chính cái cuộc sống bất hạnh nay đây mai đó làm cho các em càng thêm khốn khổ tột cùng khiến các em phải bất chấp làm mọi điều như ăn trộm, ăn cắp…  Bởi các em đâu được đi học nên các em không hiểu được thế nào là đúng, thế nào là sai và cần sống như thế nào để có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho phù hợp với cuộc sống nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng là những việc xấu có thể gây ra vi phạm pháp luật. Làm cho xã hội có thêm nhiều tệ nạn hơn. Và những tệ nạn ấy dần ăn sâu vào xã hội khiến xã hội bị bị tụt hậu không thể phát triển được. Như vậy tình trạng ấy càng diễn ra phổ biến hơn.

Bên cạnh đó có những cá nhân, gia đình, tổ chức đã ra sức giúp đỡ nhận nuôi các em, cho các em có một cuộc sống tốt hơn và cho các em được biết chữ biết được những điều tốt đẹp của cuộc sống để các em có một tương lai sáng lạng hơn và trở thành những con người có ích cho xã hội. Đó là hành động để thể hiện phẩm chất đạo đức quý báu của con người.

Như sư thầy Đàm Thích Lan ở chùa Bồ Đề (Hà Nội) đã nhận nuôi năm mươi trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa. Sư thầy còn cho các em học chữ, học văn hóa, dạy những điều thiện theo giáo lí của Phật, cho các em lao động những công việc nhẹ nhàng trong chùa để các em biết lao động.

Hay mái ấm Diệu Giác (thành phố Hồ chí Minh) chăm lo cho một trăm hai mươi đứa trẻ mồ côi để các em có được một cuộc sống, một tuổi thơ đẹp giúp các em hiểu biết được nhiều điều trong cuộc sống và mong các em có một tương lai tốt đẹp như các em từng mong ước.

Ngoài ra còn nhiều cá nhân, gia đình nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi về làm con và mong ước chúng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Để chúng có một tuổi thơ đẹp như bao đứa trẻ khác.

Những hành động đẹp đó khiến biết bao con người cảm thấy khâm phục và kính mến vì có một lương tâm cao cả biết giúp đỡ người khác. Cũng là con người sống cùng nhau trên một đất nước thì chúng ta hãy mở rộng vòng tay của mình để hòa nhập với những con người đáng thương trong xã hội từ đó tạo động lực sống tốt cho họ. Người xưa có câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Như vậy ta thấy được dù cuộc sống có tốt đẹp đến đâu thì trong xã hội vẫn có những mảnh đời lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa, có một tuổi thơ đầy những tăm tối cuộc sống làm cho các em mất dần vào niềm tin của cuộc sống. Khiến cuộc sống không chỉ của riêng các em mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống toàn xã hội. Nếu tình trạng này càng nhiều thì xã hội lại càng có thêm nhiều tệ nạn không ngờ trước được hậu quả. Vì vậy chúng ta cần lên tiếng và vận động những tấm lòng hảo tâm để cho các em có một tương lai tốt đẹp hơn, làm cho xã hội ngày càng văn minh giàu đẹp hơn đẩy lùi được những tệ nạn xấu trong xã hội.

Khi các em được nhận nuôi và được sống trong một mái ấm có nơi gửi tấm thân nhỏ thì các em sẽ hiểu được nhiều điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống và tự dưng các em sẽ thấy thêm yêu cuộc sống hơn. Cố gắng làm cho cuộc sống không chỉ của mình mà của những người xung quanh có ý nghĩa hơn. Bởi vậy trẻ em là mầm non tương lai của đất nước. Muốn cho đất nước phát triển đi lên thì chúng ta cần phải mở rộng tấm lòng giúp đỡ nhau thì cuộc sống mới tràn đầy tiếng cười và có nhiều ý nghĩa.

Bài số 2:

Theo tạo hóa, mỗi đứa trẻ vừa chào đời là được ban tặng một tình cảm thiêng liêng từ cha mẹ của chúng. Nhưng không phải ai cũng may mắn được đón nhận tình cảm đó và những mảnh đời bất hạnh đã hiện diện trong xã hội ngày nay, những đứa trẻ phải đi lang thang để kiếm sống không người thân, không gia đình. Nhưng xã hội đã không ruồng bỏ những người như vậy. Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.

Mỗi chúng ta, ai cũng có một hoàn cảnh, một bất hạnh riêng nhưng đau khổ nhất là mất mát tình cảm gia đình. Đối với những em bé vừa ra đời thì các em luôn muốn được âu yếm trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, nhưng không phải ai cũng may mắn nhận được. Hiện nay, hiện tượng trẻ em lang thang ngày càng nhiều, các em mang trong mình nỗi bất hạnh, gặp không ít những khó khăn. Điều đó làm cho nhiều người giàu lòng nhân ái, nhiều cá nhân, tổ chức đã mở lòng đón nhận hàng nghìn trẻ cơ nhỡ, lang thang để nuôi dạy, giúp đỡ cho họ vươn lên trong cuộc sống. Chẳng hạn như làng nuôi dạy trẻ SOS ở Hà Nội, chứng kiến quang cảnh sinh hoạt gia đình chị Đỗ, nếu không được giới thiệu thì bất cứ ai cũng tưởng chị là mẹ đẻ của 11 trẻ em mồ côi từ 1 đến 17 tuổi. Vốn là giáo viên, chị Đỗ đã được tuyển chọn làm mẹ của 11 trẻ em mồ côi và là một trong 16 bà mẹ ở làng SOS Hà Nội. Một trong những người khác cũng có lòng cao thượng, cùng cảnh ngộ với những đứa trẻ mồ côi, lang thang, đó là chị Huỳnh Tiểu Hương. Từ một đứa trẻ không nơi nương tựa trở thành một doanh nhân thành đạt và bây giờ là mẹ của 150 đứa trẻ và chị đã mở trung tâm nhân đạo Quê hương để nuôi dạy trẻ em khuyết tật, bị bỏ rơi,...

Bên cạnh những con người có tấm lòng bác ái thì cũng còn có không ít người lợi dụng lòng bác ái để mưu cầu lợi riêng cho mình. Họ cũng nuôi nấng những đứa trẻ đó nhưng lại bắt các em đi ăn xin hay bán vé số mang tiền về cho họ. Thật tàn nhẫn khi chính mắt tôi nhìn thấy những con người tàn ác đó ngược đãi những đứa trẻ tội nghiệp. Một đứa trẻ quần áo tả tơi, mặt mũi lem luốc cầm cái nón đi xin tiền. Bên đường là một phụ nữ mặt mũi dữ tợn, tay cầm roi quan sát đứa trẻ. Tôi cho rằng bà ta là người nuôi chúng và bắt chúng phải đi xin. Tàn ác hơn, có một số người đã nhặt những đứa bé chưa đầy một tháng tuổi, họ đã tổn thương một phần cơ thể chúng, làm cho chúng trở thành tàn tật để khi lớn chúng đi xin mang tiền về nhiều hơn. Đó là một cảnh tượng khủng khiếp. Nguyên nhân sâu xa của sự việc trên là do họ đã mất tính người, nhẫn tâm làm hại những đứa trẻ ngây thơ, tội nghiệp, cướp đi một hi vọng nhỏ nhoi là được hưởng tình yêu và lòng quan tâm của mỗi người dành cho các em. Đồng tiền đã làm mờ mắt họ, bất chấp thủ đoạn đế mưu cầu hạnh phúc riêng.

Mỗi chúng ta cần quan tâm giúp đỡ nhiều hơn đối với các em nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh. Vì thiếu sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ thì các em sẽ dễ đi vào những con đường sai trái, vướng vào lối sống không lành mạnh. Chỉ có như thế mới giúp đỡ các em cơ nhỡ vượt lên hoàn cảnh và các em có thể học, vui chơi, rèn luyện, tự vạch ra cho mình một tương lai tươi sáng và các em sẽ trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Mỗi chúng ta cần lên án những hành vi ngược đãi trẻ em cơ nhỡ, lang thang, nghiêm khắc trừng trị những người vi phạm và tuyên truyền cho nhiều người hiểu thêm về hoàn cảnh của các em, nên giải thích nỗi bất hạnh đó để mọi người cùng thấu hiểu, cùng mở lòng đón nhận và giúp đỡ. Mong rằng xã hội chúng ta sẽ không còn những thảm họa đó và càng nhiều trẻ em có mái ấm tình thương, nhận được sự quan tâm của gia đình và mọi người.

-/-

» Xem thêm:

Hiện tượng cá nhân tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM