Giải Lịch sử 8 Kết nối Bài 9: Tình hình kinh tế, văn hoá, tôn giáo

Xuất bản: 18/03/2024 - Cập nhật: 04/05/2024 - Tác giả:

Giải Lịch sử 8 Kết nối Bài 9: Tình hình kinh tế, văn hoá, tôn giáo trong các thế kỉ XVI - XVIII trả lời câu hỏi trong bài giúp học sinh nắm vững kiến thức.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi bài tập trong Bài 9 Chương 3: Việt Nam từ đầu thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII Lịch sử 8 giúp học sinh nắm vững kiến thức bài học, chuẩn bị tốt trước khi tới lớp.

Mở đầu trang 40:

Ở các thế kỉ XVI - XVIII, trong dân gian phổ biến những câu sau:

Ước gì anh lấy được nàng,

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây;

Thứ nhất Kinh Kì

Thứ nhì Phố Hiến.

Những câu trên nhắc đến các địa danh nào và phản ánh nội dung gì? Từ đó, hãy chia sẻ thêm những hiểu biết của em về tình hình kinh tế, văn hoá Đại Việt trong các thế kỉ XVI - XVIII.

Lời giải chi tiết

- Các địa danh được nhắc đến trong 2 câu thơ trên là: làng gốm Bát Tràng (Hà Nội); Kinh Kì (Thăng Long - Hà Nội); Phố Hiến (Hưng Yên)….

- 2 câu thơ trên phản ánh về sự phát triển của lĩnh vực thủ công nghiệp và thương nghiệp của Đại Việt trong các thế kỉ XVI - XVIII.

- Chia sẻ hiểu biết: trong các thế kỉ XVI - XVIII, đất nước diễn ra nhiều biến động chính trị lớn, tuy nhiên, nhân dân Đại Việt vẫn đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và tôn giáo.

Tình hình kinh tế trong các thế kỉ XVI - XVI

Câu hỏi trang 40: Hãy giới thiệu nét chính về tình hình nông nghiệp ở Đàng Ngoài và Đàng Trong trong các thế kỉ XVI - XVIII.

Lời giải chi tiết

- Tình hình nông nghiệp ở Đàng Ngoài:

+ Sản xuất nông nghiệp bị sa sút nghiêm trọng do những cuộc xung đột kéo dài.

+ Tình trạng biến ruộng công thành ruộng tư ngày càng phổ biến.

+ Đời sống nông dân khổ cực, bị bần cùng hóa do: bị mất ruộng đất; phải chịu nghĩa vụ tô thuế và lao dịch nặng nề cho nhà nước phong kiến; tình trạng thiên tai, mất mùa, đói kém,... liên tiếp diễn ra.

- Tình hình nông nghiệp ở Đàng Trong:

+ Do khai hoang và điều kiện tự nhiên thuận lợi nên, sản xuất nông nghiệp phát triển rõ rệt nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

+ Sự phát triển của nông nghiệp dẫn đưa đến sự hình thành tầng lớp địa chủ lớn.

+ Đất khai hoang vẫn còn nhiều, tình trạng nông dân thiếu ruộng không trầm trọng.

Câu hỏi trang 41: Nêu dẫn chứng thể hiện sự phát triển của thủ công nghiệp Đại Việt trong các thế kỉ XVI - XVIII

Lời giải chi tiết

- Dẫn chứng thể hiện sự phát triển của thủ công nghiệp Đại Việt:

+ Ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, các chính quyền vẫn duy trì hoạt động của các quan xưởng để sản xuất vũ khí cho quân đội, may trang phục, làm đồ trang sức cho quan lại và đúc tiền,....

+ Các nghề thủ công trong nhân dân phát triển mạnh mẽ hơn, như: dệt vải lụa, đồ gốm, rèn sắt, đúc đồng, làm giấy,… Nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng như: làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang), Bát Tràng (Hà Nội); làng dệt La Khê (Hà Nội); các làng rèn sắt ở Nho Lâm (Nghệ An), Hiền Lương, Phú Bài (Huế); làng làm đường mía ở Quảng Nam;...

Câu hỏi trang 42: Khai thác tư liệu 1, 2 và thông tin trong mục, hãy nêu những nét chính về tình hình thương nghiệp của Đại Việt trong các thế kỉ XVI-XVIII.

Lời giải chi tiết

- Nội thương:

+ Hoạt động buôn bán trong dân đã trở nên phổ biến.

+ Mạng lưới chợ được hình thành ở cả vùng đồng bằng và ven biển.

- Ngoại thương phát triển mạnh:

+ Chính quyền Đàng Trong và Đàng Ngoài có quan hệ giao thương với thương nhân nhiều nước trên thế giới, như: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Nhật Bản,…

+ Trong quá trình giao thương: người Việt bán các sản phẩm: tơ lụa, đường trắng, đồ gốm, lâm sản,... và mua về các mặt hàng như: len dạ, bạc, đồng, vũ khí...

+ Thương nhân nhiều nước đã xin lập phố xá, thương điếm để buôn bán lâu dài.

- Trong các thế kỉ XVII - XVIII, do sự phát triển của thương mại nên nhiều đô thị được hưng khởi:

+ Ở Đàng Ngoài có: Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên),…

+ Ở Đàng Trong có: Thanh Hà (Thừa Thiên Huế), Hội An (Quảng Nam), Bến Nghé - Sài Gòn,…

- Đến nửa sau thế kỉ XVIII, các thành thị dần suy tàn do các chính quyền Đàng Ngoài và Đàng Trong thi hành chính sách hạn chế ngoại thương.

Tình hình văn hoá trong các thế kỉ XVI - XVIII

Câu hỏi 1 trang 43: Trình bày những nét chính về sự chuyển biến văn hoá, tôn giáo ở Đại Việt trong các thế kỉ XVI - XVIII.

Lời giải chi tiết

- Về tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo:

+ Nho giáo vẫn được chính quyền phong kiến đề cao trong học tập, thi cử và tuyển chọn quan lại.

+ Phật giáo và Đạo giáo được phục hồi.

+ Năm 1533, Công giáo được truyền bá vào nước ta và dần gây dựng được ảnh hưởng trong quần chúng.

+ Tại các làng, xã, nhân dân vẫn giữ nếp sinh hoạt truyền thống như: thờ Thành hoàng, thờ cúng tổ tiên, tổ chức lễ hội hằng năm,...

- Về chữ viết: trong quá trình truyền Thiên Chúa giáo, các giáo sĩ phương Tây đã dùng chữ cái La-tinh để ghi âm tiếng Việt, tạo ra chữ Quốc ngữ. Loại chữ này dần dần được sử dụng phổ biến vì rất tiện lợi và khoa học.

- Về văn học:

+ Văn học chữ Hán vẫn chiếm ưu thế.

+ Văn học chữ Nôm đã phát triển mạnh hơn trước.

+ Văn học dân gian tiếp tục phát triển với nhiều thế loại như: truyện tiếu lâm, thể thơ lục bát và song thất lục bát,…

- Về nghệ thuật dân gian:

+ Nghệ thuật điêu khắc rất phát triển với nét chạm khắc mềm mại, tinh tế.

+ Nghệ thuật sân khấu đa dạng với các loại hình như hát chèo, hát ả đào, hát tuồng,... Ngoài ra còn có các điệu múa như: múa trên dây, múa đèn,...

Câu hỏi 2 trang 43: Hãy nêu nhận xét về sự chuyển biến đó trong các thế kỉ XVI - XVIII. Em ấn tượng với thành tựu nào nhất? Vì sao?

Lời giải chi tiết

- Nhận xét:

+ Trong các thế kỉ XVI - XVIII, nhân dân Đại Việt đã đạt được nhiều thành tựu lớn trên các lĩnh vực văn hóa, tôn giáo. Những thành tựu này là minh chứng cho tài năng, tư duy sáng tạo và sự lao động miệt mài của người dân. Nhiều thành tựu văn hóa ở thời kì này vẫn được bảo tồn, gìn giữ và sử dụng cho đến ngày nay.

+ Mặt khác, ở các thế kỉ XVI - XVIII đã diễn ra sự tiếp xúc và giao lưu giữa văn minh Đại Việt với văn minh phương Tây, đưa đến nhiều chuyển biến mới trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Đại Việt.

- Em ấn tượng nhất với thành tựu về chữ Quốc ngữ. Vì:

+ So với các loại chữ viết trước đó (là chữ Hán và chữ Nôm), chữ Quốc ngữ có nhiều ưu điểm nổi bật, như: số lượng chữ cái ít nhưng khả năng ghép chữ linh hoạt; tiện lợi, dễ dàng ghi nhớ và có thể phổ biến trên diện rộng,…

+ Chữ Quốc ngữ vẫn được người dân Việt Nam sử dụng cho đến ngày nay.

Luyện tập - Vận dụng

Luyện tập trang 43: Hãy lập bảng tóm tắt nét chính về tình hình kinh tế, văn hoá, tôn giáo ở Đại Việt trong các thế kỉ XVI - XVIII theo các tiêu chí sau: lĩnh vực, sự chuyển biến.

Lời giải chi tiết

Lĩnh vựcSự chuyển biến
Kinh tếNông nghiệp

- Ở Đàng ngoài: sản xuất sa sút; nông dân bị thiếu ruộng trầm trọng, lâm vào cảnh đói khổ, bần cùng.

- Ở Đàng Trong: sản xuất phát triển; hình thành tầng lớp đại địa chủ; tình trạng nông dân thiếu ruộng không trầm trọng như Đàng Ngoài.

Thủ công nghiệp

- Ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, các chính quyền vẫn duy trì hoạt động của các quan xưởng.

- Thủ công nghiệp trong nhân dân tiếp tục phát triển: đa dạng nhiều ngành, nghề; sản phẩm phong phú, tinh tế; xuất hiện nhiều làng nghề nổi tiếng.

Thương nghiệp

- Hoạt động buôn bán trong dân đã trở nên phổ biến.

- Ngoại thương phát triển mạnh, có quan hệ giao thương với nhiều nước trên thế giới.- Nhiều đô thị được hưng khởi.

Tôn giáo, tư tưởngNho giáo vẫn giữ địa vị thống trị.- Đạo giáo và Phật giáo được phục hồi.- Thiên Chúa giáo du nhập và dần gây được ảnh hưởng trong nhân dân.
Văn hóaVăn học

- Văn học chữ Hán vẫn chiếm ưu thế.

- Văn học chữ Nôm đã phát triển mạnh hơn trước.

- Văn học dân gian phát triển với nhiều thế loại.

Chữ viết- Chữ Quốc ngữ ra đời và dần được sử dụng phổ biến.
Văn nghệ dân gian

- Nghệ thuật điêu khắc rất phát triển với nét chạm khắc mềm mại, tinh tế.

- Nghệ thuật sân khấu đa dạng với các loại hình.

Vận dụng 1 trang 43:

Tìm hiểu thông tin từ sách, báo và internet, em hãy cho biết: Làng thủ công nào ở Việt Nam được hình thành từ các thế kỉ XVI - XVIII và vẫn tồn tại, phát triển đến ngày nay? Hãy đề xuất ít nhất một giải pháp để bảo tồn các làng nghề đó.

Lời giải chi tiết

- Một số làng nghề thủ công ở Việt Nam được hình thành từ các thế kỉ XVI - XVIII:

+ Làng nghề tranh Đông Hồ (Bắc Ninh); tranh Hàng Trống (Hà Nội); làng Sình (Thừa Thiên Huế),…

+ Làng đá mĩ nghệ Non Nước (Đà Nẵng).

+ Làng làm đường mía Bảo An (Quảng Nam).

- Đề xuất biện pháp bảo tồn:

+ Xây dựng quy hoạch tổng thể và vùng nguyên liệu ổn định cho các làng nghề.

+ Tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của các làng nghề truyền thống.

+ Phát triển làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm.

+ Tôn vinh các nghệ nhân; đẩy mạnh các hoạt động học hỏi, truyền nghề cho thế hệ trẻ.

+ ….

Vận dụng 2 trang 43: Em biết những con đường, ngôi trường.... nào mang tên những danh nhân tiêu biểu của Đại Việt trong các thế kỉ XVI - XVIII?

Lời giải chi tiết

- Một số con đường, ngôi trường.... nào mang tên những danh nhân tiêu biểu của Đại Việt trong các thế kỉ XVI - XVIII:

+ Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (tổ 8, Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội).

+ Trường THCS Phùng Khắc Khoan (số 85 Lương Đình Của, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội).

+ Trường THCS Đào Duy Từ (số 101E1, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội).

+ …

-//-

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn trả lời câu hỏi trong nội dung Bài 9: Tình hình kinh tế, văn hoá, tôn giáo trong các thế kỉ XVI - XVIII. Hy vọng nội dung bài viết giúp học sinh học tốt Lịch sử và Địa lí 8.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM