Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn THPT năm 2024 mẫu số 40

Xuất bản: 27/03/2024 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn THPT năm 2024 mẫu số 40 có đáp án với bài đọc hiểu Hồn dân tộc dạy ta làm thi sĩ / Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Nhằm hỗ trợ các em hoàn thiện hơn trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi đã bổ sung thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn năm học 2023 - 2024 mới. Dưới đây là đề thi thử môn văn 2024 mẫu đề số 40.

Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2024 mẫu số 40

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới:

[…] Hồn dân tộc dạy ta làm thi sĩ

Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua

Mọi tai ương khủng khiếp đã qua

Gà đã gáy xôn xao chào buổi sớm

Mai gắn lại những vết thương xé thịt

Dân tộc mình mở tới một trang vui

Hoa gạo hồng lại nở, bà ơi

Cháu đã đi từ lòng bà ấm áp

Để sống hết những vui buồn dân tộc

Những hoa bìm hoa súng nở trên ao

Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu

Bà hiền hậu têm trầu trên chõng nước

Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích

Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông…

(Trích Đất nước đàn bầu, Lưu Quang Vũ, Tinh hoa thơ Việt, NXB Hội Nhà văn, 2007,tr260-261)

Câu 1.(0,75 điểm) Xác định thể thơ của văn bản trên.

Câu 2.(0,75 điểm) Chỉ ra 4 câu thơ có chứa hình ảnh nói lên sự hồi sinh mãnh liệt của dân tộc trong văn bản.

Câu 3.(1,0 điểm) Anh/Chị hiểu như thế nào về hình ảnh của đất nước qua câu thơ: Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua?

Câu 4

.(0,5 điểm) Qua đoạn thơ, anh/chị có nhận xét gì về vẻ đẹp tâm hồn của tác giả?

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Anh/Chị hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách đối với thế hệ trẻ hiện nay. 

Câu 2 (5 ,0 điểm) 

“...Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. A Sử đang sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ, Nó nhìn quanh, thấy Mị rút thêm cái áo. A Sử hỏi:

- Mày muốn đi chơi à ?

Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xoã xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại. 

Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào...”. Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.

Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi.

Cả đêm ấy Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu tỏa. Tiếng sáo. Tiếng chó sủa xa xa. Mị lúc mê, lúc tỉnh. Cho tới khi trời tang tảng rồi không biết sáng từ bao giờ.”

(Trích “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020,tr8)

Anh/Chị hãy phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đoạn trích trên.

Hết

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2024 mẫu số 40

Phần I. Đọc hiểu

Câu 1. Thể thơ: Tự do

Câu 2.

Những câu thơ chứa hình ảnh thể hiện sức hồi sinh mãnh liệt của dân tộc:

“Gà đã gáy xôn xao chào buổi sớm”

“Dân tộc mình mở tới một trang vui”

“Hoa gạo hồng lại nở, bà ơi”

“Những hoa bìm hoa súng nở trên ao”

“Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu”

“Bà hiền hậu têm trầu trên chõng nước”

“Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích”

“Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông”

Câu 3.

- Hình ảnh đất nước qua câu thơ “Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua” là đất nước của:

+ Lịch sử nghìn năm

+ Sức sống thanh xuân, tươi trẻ

Câu 4.

- Vẻ đẹp tâm hồn của tác giả thể hiện qua đoạn thơ:

+ Yêu đất nước, yêu dân tộc, yêu cuộc sống tha thiết.

+ Lạc quan, giàu tin yêu, hi vọng.

Phần II. Làm văn

Câu 1 

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Vai trò của ý chí vươn lên vượt qua thử thách đối với thế hệ trẻ ngày nay

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ vai trò của ý chí vươn lên vượt qua thử thách đối với thế hệ trẻ. Có thể theo hướng sau:

- Hiểu được thế hệ trẻ là những con người giàu ước mơ, dám nghĩ dám làm,căng tràn sức sống,...Trên hành trình dấn thân, trải nghiệm của tuổi trẻ, khó khăn thử thách là điều khó tránh khỏi.

- Bàn luận được vai trò của ý chí vượt qua khó khăn của giới trẻ: có ý chí nghị lực, tuổi trẻ có sức mạnh tinh thần lớn lao, dám đối diện với khó khăn thử thách, chấp nhận thất bại, tin tưởng vào bản thân, kiên trì, nhẫn nại, không lùi bước, vượt qua mọi giới hạn của bản thân...

- Rút ra bài học cho bản thân.

>>>Đừng quên bổ sung nội dung để hoàn thiện đoạn văn của mình với Nghị luận xã hội về ý chí nghị lực

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Diễn biến tâm lý của nhân vật Mị trong đoạn trích

Hướng dẫn chấm: 

- Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

- Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận hoặc chung chung: 0,25 điểm.

- Học sinh không xác định được: 0 điểm

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích

- Giới thiệu tác giả: 0,25 điểm.

- Giới thiệu tác phẩm và đoạn trích: 0,25 điểm.

- Học sinh không giới thiệu được: 0 điểm

* Giới thiệu khái quát nhân vật Mị trước đoạn trích

* Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đoạn trích

- Mị có những hành động và suy nghĩ: đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn 1 miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng; Mị quấn lại tóc, với cái váy hoa vắt ở phía trong vách,… Ý thức được giá trị của bản thân mình. Mị muốn đi chơi và chuẩn bị đi chơi.

-> Mị không còn sợ bóng ma thần quyền; sức sống trong con người Mị trỗi dậy mạnh mẽ.

- Khị bị A sử trói: 

+ Mị quên thực tại đau đớn, say sưa với tiếng sáo (Mị không biết mình bị trói... tiếng sáo đưa  Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi) --> Âm thanh tiếng sáo đã làm bùng cháy khát khao yêu, sống trong con người Mị

+ Trở về thực tại: tay chân đau không cựa được; Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa… Mị ý thức sâu sắc về nỗi bất hạnh, nhận ra bi kịch cuộc đời mình.

- Hai tâm trạng đan xen: quá khứ: tươi đẹp > <  hiện tại: nghiệt ngã

Mị cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết … Ý thức ham sống đã trỗi dậy mạnh mẽ.

=> Cường quyền và thần quyền tàn bạo không dập tắt nổi khát vọng hạnh phúc, tình yêu của Mị.

>>> Để có một bài làm văn xuất sắc thì các em có thể bổ sung vào bài văn của mình với các bài văn mẫu về chủ đề phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của Mị.

 Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1,75 điểm - 2,25 điểm.

- Phân tích chung chung, chưa  rõ: 0,75 điểm - 1,25 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm - 0,5 điểm.

- Học sinh không phân tích được: 0 điểm

Học sinh có thể tách riêng phần nhận xét, nghệ thuật và phân tích diễn biến tâm lý hoặc kết hợp trong khi phân tích.

* Đánh giá

- Nghệ thuật: Trần thuật linh hoạt; ngòi bút miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật tinh tế, sâu sắc; sử dụng chi tiết giàu ý nghĩa.; ngôn ngữ giản dị, đậm chất miền núi.    

- Nội dung: Khắc họa bi kịch bị tước đoạt quyền sống, quyền tự do của con người; tố cáo bọn cường quyền miền núi Tây Bắc đã đẩy người dân vào bước đường cùng; ca ngợi sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của con người; tình yêu thương, sự cảm thông sâu sắc của Tô Hoài .

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trình bày được đầy đủ: 0,5 điểm

- Học sinh trình bày được 1/2 số ý: 0,25 điểm

- Học sinh không trình bày được: 0 điểm

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

- Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc của truyện ngắn Tô Hoài; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

- Đáp ứng được yêu cầu: 0,5 điểm.

- Đáp ứng được 1/2 yêu cầu: 0,25 điểm.

- Không đáp ứng được: 0 điểm.

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM