Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,
Nhằm hỗ trợ các em hoàn thiện hơn trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi đã bổ sung thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn văn năm học 2023 - 2024 mới.
Dưới đây là đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn có đáp án với: Cho đoạn thơ: “Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói ... (Đất Nước (Mặt đường khát vọng), Nguyễn Khoa Điềm).
Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:
Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024 THPT Buôn Ma Thuột
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Tiếng Việt mình sâu sắc. Nhân là con người. Nhân cũng là hạt. Nhân cũng là lòng yêu thương người khác. Nhìn những anh chị bại liệt cũng trở thành hiệp sĩ công nghệ thông tin giúp đời. Biết những người khiếm thị cũng làm được nghề sửa chữa điện tử, để có ích và giúp người. Lòng tự hứa không thể là hạt lép. Chẳng có lý do gì để không là hạt giống tốt cho mùa sau.
Từ đó ta có bài học về nết tốt của hạt: Kiên trì, nhẫn nại, và lòng dũng cảm. Cũng như ta học về việc sống hết mình của hạt thóc: sớm cho mùa vàng, dám chịu xay giã giần sàng. Gạo nuôi người, cám bã nuôi heo, rơm tặng người bạn trâu. Và đến cọng rơm thừa cũng bện thành con cúi giữ lửa suốt đêm trường. Và sưởi ấm cánh đồng mùa đông gió bấc.
Mỗi khi ta cằn cỗi, hãy nhớ ta là hạt. Ta lại nghĩ về khoảng xanh ngoài ban công, cũng như bạn thấy những mầm cây đội lên từ khối bê tông đường nhựa. Để không cho những khiếm khuyết tự bào mòn hay những nỗi buồn tự hủy.
(Đoàn Công Lê Huy, Gửi em mây trắng, NXB Kim Đồng, 2016)
Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 4
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản.
Câu 2: Dựa vào bài viết, hãy cho biết hạt thóc đã sống hết mình như thế nào?
Câu 3: Nêu nội dung của văn bản.
Câu 4: Từ văn bản trên, anh chị rút ra được bài học gì cho bản thân?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ văn bản trên, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những việc cần làm “để không cho những khiếm khuyết tự bào mòn hay những nỗi buồn tự hủy”.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cho đoạn thơ:
“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu”
(Trích Đất Nước (Mặt đường khát vọng), Nguyễn Khoa Điềm, SGK Ngữ văn 12, tập một, NXB GDVN 2015, trang 121, 122).
Anh/ Chị hãy phân tích hình tượng Đất Nước qua đoạn thơ trên. Từ đó, làm rõ tư tưởng mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước.
Hết
Đáp án đề thi thử tốt nghiệp 2024 môn văn THPT Buôn Ma Thuột
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2: Theo bài viết, hạt thóc đã sống hết mình với những việc sau: sớm cho mùa vàng, dám chịu xay giã giần sàng. Gạo nuôi người, cám bã nuôi heo, rơm tặng người bạn trâu. Và đến cọng rơm thừa cũng bện thành con cúi giữ lửa suốt đêm trường. Và sưởi ấm cánh đồng mùa đông gió bấc.
Câu 3:
Nội dung của văn bản:- Qua văn bản, tác giả trình bày quan điểm về nết tốt của hạt và việc sống hết mình của hạt thóc như là những bài học sâu sắc về tính kiên trì, nhẫn nại, dũng cảm và giàu lòng yêu thương mà con người nên học hỏi.
- Từ đó tác giả nhắn nhủ: Mỗi khi thất vọng hay đau buồn, hãy nhớ ta cũng có sức sống mãnh liệt như hạt không ngừng vươn lên, hoàn thiện bản thân.
Câu 4: Học sinh có thể tự do nêu quan điểm, miễn hợp lí, thuyết phục.
- Hãy sống kiên trì, nhẫn nại và dũng cảm như hạt để không bao giờ gục ngã, tuyệt vọng.
- Hãy sống hết mình, giàu lòng yêu thương, biết hi sinh để hữu ích cho đời.
…..
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Viết đoạn văn về những việc cần làm “để không cho những khiếm khuyết tự bào mòn hay những nỗi buồn tự hủy”.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn
Học sinh có thể trình bảy đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân- hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Những việc cần làm “để không cho những khiếm khuyết tự bào mòn hay những nỗi buồn tự hủy”.
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận
- Học sinh cần chăm chỉ học tập và rèn luyện để dần hoàn thiện những khiếm khuyết của bản thân, thay vì tự tin, mặc cảm và oán trách.
- Mỗi khi chán nản hay u buồn, hãy nghĩ đến sự kiên trì, dũng cảm và sức sống mãnh liệt của hạt mầm mà tự mình vượt thoát, chuyển hóa nỗi buồn thành năng lượng tích cực.
- Cuộc sống vốn tồn tại song song những điều khó khăn và thuận lợi. Khi gặp thuận lợi, ta không kiêu căng và ngủ quên trên chiến thắng; khi gặp khó khăn, ta kiên trì, nhẫn nại, im lặng để từng bước vượt qua thử thách, để có thể sống mạnh mẽ và giàu lòng yêu thương.
….
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận.
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Hình tượng Đất Nước qua đoạn thơ trên. Từ đó, làm rõ tư tưởng mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước.
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh có thể trình bày cảm nhận theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; cần đảm bảo những ý sau:
*Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích
*Tư tưởng Đất nước qua đoạn thơ.
- Về nội dung: Trong sự nghiệp dựng nước, nhân dân là người kiến tạo và bảo tồn những giá trị văn hoá tinh thần, truyền thống của dân tộc:
+ Cách dùng từ “họ”: đại từ xưng hô số nhiều chỉ nhân dân –> những con người bé nhỏ, bình thường thuộc đám đông trong xã hội, chứ không phải là các cá nhân anh hùng
+ Hệ thống các từ: giữ, truyền, gánh, đắp, be, dạy… được sử dụng đan cài trong đoạn thơ ghi nhận sự đóng góp lớn lao của nhân dân đối với sự nghiệp kiến quốc.
+ Các hình ảnh gắn với chuỗi động từ này: hạt lúa, lửa, giọng nói, tên xã, tên làng, đập, bờ… khẳng định nhân dân chính là lực lượng đông đảo vừa kiến tạo bảo tồn, lưu giữ truyền thống giàu tình nghĩa, giàu tình yêu thương, cần cù lao động
Đất Nước của Nhân dân, Nhân dân cũng chính là người góp phần mở mang bờ cõi Đất Nước, khai sông, lấn biển qua mỗi chuyến di dân đầy gian khổ.
–> Đoạn thơ có sự đan dệt của những ca dao, tục ngữ, truyện cổ và vô vàn những tập quán, phong tục một cách sáng tạo. Người viết có khi chỉ trích nguyên văn một câu ca dao: “yêu em từ thuở trong nôi“, song phần lớn chỉ sử dụng ý, hình ảnh ca dao: “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội; biết trồng tre đợi ngày thành gậy/ Đi trả thù mà không sợ dài lâu”.
- Về nghệ thuật: Thể thơ tự do, vận dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn, sáng tạo chất liệu văn hoá, văn học dân gian, giọng điệu thơ có sự kết hợp giữa chính luận và trữ tình, suy tưởng và cảm xúc
Tư tưởng mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước:
- Đất nước của Nhân dân, của ca dao thần thoại, của đời thường: Nhân dân chính là người đã sáng tạo ra dòng chảy văn hóa cho cả một dân tộc, nhiều giá trị vật chất và tinh thần đã được nhân dân giữ lại và truyền đạt cho đời sau, để con cháu phát huy và kế thừa những truyền thống tốt đẹp của cha ông xây dựng bao đời.
- Điểm mới trong sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm đều xuất phát từ tư tưởng tiến bộ trong thời kỳ Cách mạng ấy là tư tưởng Đất Nước của dân, do dân và vì dân.
Qua đó, tác giả thể hiện tình yêu, niềm tự hào về Đất Nước, Nhân dân, thức tỉnh mọi người ý thức trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Đất Nước.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu.
e. Sáng tạo: có cách diễn đạt độc đáo; suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề cần nghị luận.
Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.
Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!