Đề thi thử TNPT 2024 môn văn: Cần một ngày hòa giải để yêu thương

Xuất bản: 28/05/2024 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn với bài đọc hiểu Cần một ngày hòa giải để yêu thương: Có bao giờ chúng ta yêu thế gian này như yêu ngôi nhà có bếp lửa

Mục lục nội dung

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Dưới đây là đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn mẫu với yêu cầu: Cảm nhận vẻ đẹp độc đáo bức tranh tứ bình Việt Bắc: “Ta về, mình có nhớ ta Ta về, ta nhớ những hoa cùng người......"

Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

Đề thi thử tốt nghiệp môn văn 2024

I.ĐỌC HIỂU (3 điểm) 

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Có bao giờ chúng ta yêu thế gian này như yêu ngôi nhà có bếp lửa ấm áp của mình không? Có bao giờ chúng ta yêu nhân loại như yêu một người máu thịt của mình không? Chúng ta từng nói đến việc làm sao trở thành những công dân toàn cầu. Danh từ công dân toàn cầu rất dễ làm cho những ai đó làm tưởng về một siêu nhân trong những khía cạnh nào đấy. Nhưng bản chất duy nhất của một công dân toàn cầu là một người biết yêu thương thế gian này và luôn tìm cách cải biến thế gian. Có thể sẽ có những công dân kêu lên đầy bất lực: Ta chỉ là một sinh linh bé nhỏ làm sao ta có thể yêu thương và che chở cả thế gian rộng lớn nhường kia! Việc yêu thương và che chở cho cả thế gian có phải là một ước mơ hay một nhân cách hão huyền không? Không. Đó là một hiện thực và đó là một nguyên lí. Khi một con người yêu thương chân thực mảnh đất con người đó đang đứng dù chỉ vừa hai bàn chân thì người đó đã yêu cả trái đất này. Khi bạn yêu một cái cây bên cạnh bạn thì bạn yêu mọi cái cây trên thế gian. Khi bạn yêu thương một con người bên cạnh thì bạn yêu cả nhân loại. Và khi tất cả những con người dù bé nhỏ đến đâu yêu thương người bên cạnh thì tình thương yêu ấy sẽ ngập tràn thế gian này.

Tình yêu thương nhân loại sẽ ngay lập tức trở nên hão huyền và mang thói đạo đức giả khi chúng ta nói đến tình thương đó mà không bao giờ chúng ta yêu thương nổi một người bên cạnh. Và thói đạo đức giả đang lan rộng trên thế gian chúng ta đang sống.

Hãy cứu thế gian này khỏi những hận thù, những ích kỉ, những vô cảm và giá lạnh bằng những hành động cụ thể của mỗi con người đang sống trên thế gian này. Đấy là tiếng kêu khẩn thiết, đầy tình thương yêu và trách nhiệm của biết bao con người đang sống trên thế gian này.

(Trích Cần một ngày hòa giải để yêu thương, dẫn theo tuanvietnam.net, ngày 7/9/2010) 

Câu 1. Đặt tên nhan đề cho đoạn trích, đồng thời chỉ ra những phép liên kết được sử dụng?

Câu 2. Tác giả đã định nghĩa như thế nào về khái niệm công dân toàn cầu?

Câu 3. Anh/chị có đồng tình với quan điểm của tác giả: “Tình yêu thương nhân loại sẽ ngay lập tức trở nên hão huyền và mang thói đạo đức giả khi chúng ta nói đến tình yêu thương đó mà không bao giờ chúng ta yêu thương nổi một người bên cạnh?”

Câu 4.

Anh/chị rút ra được thông điệp, bài học gì sau khi đọc hiểu văn bản.

II. LÀM VĂN (7 điểm) 

Câu 1. Viết đoạn văn 200 chữ với nhan đề: Giá trị của tình yêu thương.

Câu 2. Cảm nhận vẻ đẹp độc đáo bức tranh tứ bình Việt Bắc:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Hết

Đáp án đề thi thử môn văn 2024

I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1. 

- Đặt nhan đề cho văn bản, cần chú ý nêu được đề tài hoặc chủ đề của văn bản đó một cách ngắn gọn bằng một từ hoặc cụm từ. Thông thường, nếu là văn bản nghệ thuật, có thể chọn đề tài, nhân vật truyện hoặc cảm hứng thể làm nhan đề. Nếu là văn bản chính luận/báo chí, có thể lấy vấn đề, chủ đề hoặc luận điểm để làm nhan đề.

Gợi ý nhan đề cho văn bản:

+ Làm sao để yêu thương cả thế gian?

+ Tình yêu thương trong cuộc sống.

+ Tình yêu thương không có biên giới lãnh thổ.

+ Cứu thế gian này bằng những yêu thương.

+ Để có một thế giới đây lòng yêu thương.

+ ... - Các phép liên kết đã được sử dụng trong đoạn trích nhằm đảm bảo tính logic và mạch lạc cho văn bản:

+ Phép nối: quan hệ từ “Và...”, “Nhưng...”

+ Phép lặp: lặp lại một số từ ngữ: “công dân toàn cầu”, “chúng ta”, “yêu thương”, “thế gian”

+ Phép thế: dùng đại từ để thay thế cho từ ngữ: “đó”, “đấy”

+ Phép liên tưởng: sử dụng trường từ vựng về thế giới và lòng yêu thương: công dân, nhân loại, trái đất, tình yêu thương,...

Câu 2. 

Theo tác giả, bản chất duy nhất của một công dân toàn cầu là một người biết yêu thương thế gian này và luôn tìm cách cải biến thế gian, và yêu thương cả thế gian này có thể được biểu hiện qua tình yêu thương đối với mảnh đất bạn đang đứng, một cái cây bạn đang ngắm nhìn hay một người đang bên cạnh bạn.

Câu 3. 

Học sinh chủ động đưa ra ý kiến của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Nội dung: trình bày quan điểm cá nhân và bàn luận ngắn gọn về quan điểm đó.

- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8 – 10 dòng, diễn đạt mạch lạc.

Gợi ý:

Tình yêu thương nhân loại sẽ ngay lập tức trở nên hão huyền và mang thói đạo đức giả khi chúng ta nói đến tình yêu thương đó mà không bao giờ chúng ta yêu thương nổi một người bên cạnh là một quan điểm đúng đắn. Bởi lẽ, với bản chất của một con người giàu lòng yêu thương, bạn sẽ tự nhiên thấy gắn bó với những người quanh mình. Và nếu giữa bạn và họ có những khúc mắc, bản chất yêu thương sẽ cho bạn lòng vị tha và khoan dung. Bất kỳ một trái tim lớn nào cũng cần được nuôi dưỡng từ những mạch máu bé nhỏ của tình yêu thương.

Câu 4. 

Học sinh chủ động đưa ra ý kiến của bản thân, đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Nội dung: trình bày được bài học/thông điệp cá nhân rút ra từ văn bản và bàn luận ngắn gọn về thông điệp đó. Bài học/Thông điệp: tình yêu thương sẽ hàn gắn thế giới; hãy biết mở lòng và yêu thương, hãy mở lòng và yêu thương những con người xung quanh mình; yêu thương nhân loại không phải là một ước mơ hão huyền;...

- Hình thức: đoạn văn ngắn, khoảng 8 – 10 dòng, diễn đạt mạch lạc.

II. LÀM VĂN 

Câu 1. 

1.Nêu vấn đề: tình yêu thương

2.Giải thích

Tình yêu thương là tình cảm tự nhiên của con người, được hình thành và bồi đắp qua những cảm xúc, lời nói, suy nghĩ và hành động quan tâm, chăm sóc, muốn sẻ chia đối với vật hay người.

3.Phân tích

- Tình yêu thương có giá trị gì trong cuộc sống?

+ Tình yêu thương nuôi dưỡng những điều tốt đẹp trong cuộc sống (dẫn chứng).

+ Tình yêu thương là sự cho đi, nó mang lại hạnh phúc cho người khác.

+ Tình yêu thương cũng là sự nhận lại, bạn trao yêu thương, bạn nhận lại yêu thương và cũng nhận lại những giá trị cao quý cho mình: cảm giác hạnh phúc, bình an, lòng vị tha,...

+ Tình yêu thương biểu hiện từ những điều nhỏ bé (yêu bản thân, yêu gia đình, yêu một ngôi nhà, một dòng sông,...) đến những tình yêu vĩ đại (yêu dân tộc, yêu nhân loại,...).

- Vì sao cần bồi đắp lòng yêu thương?

+ Vì lòng yêu thương là bản chất của con người, nhưng cần được nuôi dưỡng, bồi đắp thường xuyên như mạch máu nuôi dưỡng trái tim.

+ Vì xã hội này còn đầy rẫy những ghẻ lạnh, ganh ghét,... mang lại những trạng thái và trải nghiệm tồi tệ. Tình yêu thương sẽ chữa lành những điều đó, mang lại một thế giới tốt lành hơn.

4.Phản biện

- Tình yêu thương có thể khiến bạn yếu đuối?

+ Nếu bạn có một trái tim giàu yêu thương, tức là bạn có một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế. Bạn có thể có những cảm xúc buồn khổ khi nhận thấy những điều chưa tốt đẹp trong cuộc sống.

+Yêu thương là cảm xúc, cuộc sống còn cần cả lý trí.

- Yêu thương và lý trí vốn không mâu thuẫn mà nó hỗ trợ nhau, chỉ cho bạn con đường giúp thế gian này tốt đẹp hơn.

5.Liên hệ

- Bài học/Liên hệ + Từ khóa.

>>>Có thể tham khảo đề tài nghị luận xã hội về ý nghĩa của tình yêu thương trong cuộc sống.

Câu 2.

1.Giới thiệu về tác giả - tác phẩm

- Tố Hữu được xem là “lá cờ đầu” trong phong trào thơ Cách mạng Việt Nam với những tác phẩm lưu mãi với thời gian. Thơ  ông viết về chính trị nhưng không khô khan, mà ngược lại, dễ đi sâu vào lòng người bởi tình cảm và giọng văn trữ tình truyền cảm.

- Việt Bắc được sáng tác trong hoàn cảnh chia ly tiễn biệt giữa quân và dân tại căn cứ địa Việt Bắc sau kháng chiến chống Pháp. Bài thơ được xem như lời tâm tình chan chứa nỗi niềm của Tố Hữu đối với mảnh đất anh hùng này. Đặc biệt người đọc chắc hẳn sẽ không quên bức tranh tứ bình bằng thơ tuyệt đẹp trong Việt Bắc.

2.Cảm nhận

- Bức tranh mùa đông - Sự ngạc nhiên ngỡ ngàng về sức sống và không khí nơi non cao Việt Bắc:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

+ Người đọc ngẩn ngơ trước mùa đông nơi vùng cao Tây Bắc với vẻ đẹp đặc trưng của nó. Phải nói rằng tuy là mùa đông nhưng qua thơ Tố Hữu, cảnh sắc không buồn, không trầm lắng, mà người lại rất sáng, rất ấm áp qua hình ảnh “hoa chuối đỏ tươi”.

+ Màu đỏ của hoa chuối chính là nét điểm xuyết, là ánh sáng làm bừng lên khung cảnh rừng núi mùa đông Việt Bắc. Đây được xem là nghệ thuật chấm phá rất đắc điệu của Tố Hữu giúp người đọc thấy ấm lòng khi nhớ về Việt Bắc.

+ Ánh nắng hiếm hoi của mùa đông hắt vào con dao mang theo bên người của người dân nơi đây bất chợt giúp người đọc thấu được đời sống sinh hoạt và lao động của họ. Màu đỏ của hoa chuối quyện với màu vàng của năng trên đèo cao đã tạo thành một bức tranh mùa đông rạng rỡ, đầy hi vọng.

- Bức tranh mùa xuân - Sự ấn tượng về vẻ đẹp thanh khiết, khác biệt

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”

+ Đọc hai câu thơ này, người đọc dường như mường tượng ra khung cảnh mùa xuân nơi núi rừng thật hiền hòa, dịu êm, ấm áp. Màu trắng của mơ gợi lên một bức tranh nên thơ trên cái nền dịu nhẹ của màu sắc. Hoa mơ được xem là loài hoa báo hiệu mùa xuân Tây Bắc, cứ vào độ xuân thì, chúng ta sẽ bắt gặp trên những con đường màu sắc ấy.

+ Mùa xuân Tây Bắc, Tố Hữu nhớ đến hình ảnh “người đan nón” với động tác “chuốt từng sợi giang” thật gần gũi. Động từ “chuốt” được dùng rất khéo và tinh tế khi diễn tả về hành động chuốt giang mềm mại, tỉ mỉ của người đan nón. Phải thật sâu sắc và am hiểu thì Tố Hữu mới nhận ra được điều này. Chữ “chuốt” như thổi hồn vào bức tranh mùa xuân ở Việt Bắc, tạo nên sự hòa hợp thiên nhiên và con người.

- Bức tranh mùa hè – Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của những cánh rừng phách – đặc trưng miền non cao Việt Bắc

“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình”

+ Tiếng ve kêu vang giữa “rừng phách” đã làm nên cái động giữa muôn vàn cái tĩnh. Màu vàng của rừng phách là đặc trưng báo hiệu mùa hè về trên xứ sở vùng cao. Tiếng ve như xé tan sự yên tĩnh của núi rừng, đánh thức sự bình yêu nơi đây.

+ Từ “đổ” dùng rất đắc điệu, là động từ mạnh, diễn tả sự chuyển biến quyết liệt, lôi cuốn của màu sắc. Bức tranh mùa hè chợt bừng sáng, đầy sức sống với màu vàng rực của rừng phách. Ở mỗi bức tranh thiên nhiên, người đọc đều thấy thấp thoáng bóng dáng con người. Có thể nói đây chính là sự tài tình của Tố Hữu khi gắn kết mối tâm giao giữa thiên nhiên và con người. Giữa rừng núi bao la, thấp thoáng bóng dáng “cô gái hái măng” tuyệt đẹp đã khiến cho thiên nhiên có sức sống hơn.

- Và cuối cùng chính là bức tranh mùa thu - sự rưng rưng về tấm chân tình

“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

+ Mùa thu về trên Tây Bắc với hình ảnh ánh trăng dịu mát lành. Thiên nhiên dường như rất ưu ái cho mùa thu xứ bắc với sự tròn đầy, viên mãn của ánh trăng. Không phải là ánh trăng bình thường, mà trăng nơi đây là trắng của hòa bình, ánh trăng tri kỉ rọi chiếu những năm tháng chiến tranh gian khổ. Chính ánh trăng ấy đã mang đến vẻ đẹp riêng của mùa thu Việt Bắc. Tố Hữu nhìn trăng, nhớ người, nhớ tiếng hát gợi nhắc ân tình và thủy chung.

3.Bàn luận, đánh giá

- Vẽ lên hình ảnh thiên nhiên - con người Việt Bắc, Tố Hữu đã làm nên một bức tranh lạ mà quen. Cái quen trong bốn mùa thân thuộc ta hay gặp trong thơ ca cổ, nhưng không như thơ cổ, thiên nhiên bốn mùa Việt Bắc hiện lên thật giản dị, đậm đà màu sắc dân tộc. Không những thế, Tố Hữu còn làm nên cái riêng biệt mà chỉ vùng đất Việt Bắc - vùng đất cách mạng mới có. Cùng với thể thơ lục bát, cùng với cách xưng hô “mình” - “ta”, đất nước con người Việt Nam cứ thể hiện lên yêu mến, gần gũi vô cùng trong lòng độc giả.

- Tóm lại, với 10 dòng thơ, Tố Hữu đã hài hòa trong câu lục tả cảnh, câu bát tả người, và sự hài hòa ấy tạo nên một bức tranh tứ bình tuyệt đẹp, đầy màu sắc. Qua đó, Tố Hữu bộc bạch được tình cảm của mình với thiên nhiên núi rừng Việt Bắc và sự thủy chung son sắc với những con người chất phác, hiền hòa nơi đây.

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM