Đáp án đề thi chọn HSG Văn 12 của tỉnh Bắc Ninh 2020

Xuất bản: 08/04/2021 - Tác giả:

Đáp án đề thi chọn HSG Văn 12 của tỉnh Bắc Ninh năm học 2020/2021 và hướng dẫn chấm chính thức với câu chuyện Người tiều phu và học giả

Mục lục nội dung

Tham khảo mẫu đề thi chọn HSG Văn 12 của tỉnh Bắc Ninh 2020/2021. Đây cũng có thể coi là một trong những mẫu giúp em ôn luyện kỹ năng làm bài. Đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.

Đề thi  chọn HSG Văn 12 của tỉnh Bắc Ninh 2020

Câu 1 (8,0 điểm)

Suy nghĩ của anh (chị) về bài học được rút ra từ câu chuyện sau đây:

NGƯỜI TIỀU PHU VÀ HỌC GIẢ

Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng. Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người.

Đầu tiên, tiều phu ra câu đố:

- "Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?".

Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.

- "Tôi cũng không biết!", tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm:

- "Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi." Học giả vô cùng sửng sốt.

Câu 2 (12,0 điểm)

Cổ nhân từng nói: “Thi trung hữu họa”, “Thi trung hữu nhạc”.

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của mình về bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) và trích đoạn Việt Bắc (Tố Hữu), hãy làm sáng tỏ.

Hết

Đừng bỏ lỡ hệ thống đề thi thử thpt quốc gia 2021 đang đợi các em thử sức!

Đáp án đề thi chọn HSG Văn 12 của tỉnh Bắc Ninh 2020

Đừng xem đáp án vội, hãy đặt bút và làm ngay mẫu đề thi này trong 150 phút, sau đó thử đánh giá và đối chiếu bằng thang điểm chính thức dưới đây:

Câu 1

A. Yêu cầu về kỹ năng:

Biết cách làm bài nghị luận xã hội, bố cục mạch lạc, rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, sinh động, văn giàu cảm xúc, không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, diễn đạt.

B. Yêu cầu về kiến thức:

- Hiểu và đánh giá, bàn luận thuyết phục vấn đề mà đề bài nêu ra.

- Học sinh có thể có những kiến giải, đánh giá theo quan điểm riêng của mình song cần logic, hợp lí và đảm bảo những ý sau :

1. Giải thích (1, 5 điểm)

- Vị học giả tự cho rằng mình là người hiểu biết sâu rộng, thông tường tri thức, xem thường người tiều phu, kết quả bị rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”. Người tiều phu bình tĩnh, khiêm nhường, không khoa trương nhưng lại rất thông minh.

=> Bài học rút ra trong cuộc sống: Không nên tự cao tự đại, quá đề cao bản thân, cần rèn luyện cho mình đức tính khiêm tốn.

- Khiêm tốn không chỉ là lối sống tích cực mà còn là nghệ thuật sống, là nền tảng giúp mỗi người trong vấn đề gây dựng sự nghiệp. Người sống khiêm tốn thường không tự kiêu, họ luôn biết vị trí của mình ở đâu và không ngừng học hỏi; họ biết cách kiểm soát bản thân, vì vậy thường có lời nói, hành động rất chuẩn mực và luôn được mọi người yêu mến.

2. Bàn luận (5,0 điểm)

- Trong cuộc sống, nhiều người hay tỏ ra mình là người thông minh tài giỏi, luôn coi thường người khác, không suy xét cẩn thận, thấu đáo, nhìn nhận mọi việc chỉ qua vẻ bề ngoài; và cũng có những người thực chất không thông minh tài giỏi nhưng luôn muốn chứng tỏ, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để chứng minh rằng họ tài giỏi hơn người, dẫn đến chủ quan, có những quyết định sai lầm, trở thành trò cười trong mắt người khác.

- Ngược lại, người khiêm tốn sẽ luôn biết cách cư xử, nói năng hành động đúng lúc, đúng nơi, không khoa trương, khoác lác; không so sánh thiệt hơn, không đề cao mình và hạ thấp giá trị của người khác. Họ có thể nhìn nhận đúng khả năng của mình, ý thức được bản thân còn khiếm khuyết điều gì và không bao giờ tự mãn với những gì mình đạt được. Họ luôn có ý chí vươn xa, có khả năng tự chủ cao, chiến thắng được cái tôi của bản thân, không kiêu ngạo khi chiến thắng.

- Người sống khiêm tốn sẽ luôn được mọi người kính trọng, yêu thương, sẵn lòng giúp đỡ, nhờ vậy sẽ dễ dàng thành công. Khiêm tốn còn giúp con người có được sức mạnh, sự tự tin, lạc quan, đồng thời làm phong phú thêm kiến thức, kinh nghiệm sống cho bản thân. Sống khiêm tốn, biết tôn trọng người khác, được mọi người yêu quý, coi trọng, đó cũng là cách tự nâng cao giá trị của bản thân.

- Cần phân biệt giữa đức tính khiêm tốn, khiêm nhường với sự tự ti, mặc cảm, thiếu tự tin,  đánh giá thấp năng lực của cá nhân, không tạo được động cơ phấn đấu và không khẳng định được giá trị của bản thân, dễ trở thành người giả tạo, thiếu trung thực. (Trong quá trình lập luận, nêu lí lẽ, HS đưa dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề).

3. Bài học nhận thức và hành động (1,5 điểm)

- Câu chuyện Người tiều phu và học giả đã đem đến cho người đọc một triết lí nhân sinh sâu sắc và sự cần thiết phải rèn luyện đức tính khiêm tốn. Một câu chuyện nhỏ - một bài học lớn về cách ứng xử và thái độ sống tích cực.

- Vốn hiểu biết của mỗi người là hữu hạn giữa kho kiến thức vô hạn của nhân loại, xung quanh ta có biết bao điều mới lạ về cuộc sống mà bản thân ta chưa thể khám phá hết. Vì vậy, chúng ta phải biết khiêm tốn, không ngừng học hỏi để có thể tiếp thu được những tri thức bổ ích mà con người đã tích lũy được qua bao thế hệ. Hãy rèn luyện tính khiêm tốn từ những điều nhỏ nhất, đó là nhân tố thiết yếu giúp mỗi người thành công trong cuộc sống bởi “kiến thức của con người chỉ là một giọt nước trong biển cả mênh mông”, “Sông càng sâu càng tĩnh, người càng hiểu biết càng khiêm nhường”.

C. Biểu điểm:

- Điểm 7-8: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, có thể còn một vài sai sót không đáng kể.

- Điểm 5-6: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu trên, còn một vài sai sót nhỏ.

- Điểm 3- 4: Hiểu vấn đề, đáp ứng khoảng ½ yêu cầu; mắc một số lỗi dùng từ, chính tả, ngữ pháp.

- Điểm 1- 2: Chưa hiểu vấn đề, bài làm sơ sài, hời hợt, mắc quá nhiều lỗi.

- Điểm 0: Không làm bài hoặc sai lạc hoàn toàn về kĩ năng và kiến thức.

Câu 2

A. Về kĩ năng:

- Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.

- Biết cách phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

- Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

B. Về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

1. Giải thích (0,5 điểm)

- Thi: thơ. Thơ là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua tổ

chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm.

- Thi trung hữu họa: Trong thơ có hoạ (có tranh, có cảnh).

- Thi trung hữu nhạc: Trong thơ có nhạc.

=> Ý kiến trên của người xưa bàn đến đặc trưng của thơ trữ tình là giàu hình ảnh và nhạc điệu. Đây là một ý kiến hoàn toàn đúng đắn và xác đáng.

2. Lí giải ý kiến (2,0 điểm)

- Thơ - nhạc - hoạ đều là các loại hình nghệ thuật, song có sự khác biệt, đặc biệt là về chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật để phản ánh cuộc sống. Nếu hội hoạ dùng đường nét, màu sắc, âm nhạc dùng giai điệu, âm thanh thì thơ cũng như các tác phẩm văn chương lại sử dụng ngôn từ làm chất liệu. Ngôn từ có đặc điểm riêng: đó là chất liệu phi vật thể, vì vậy, tác động nhận thức không trực tiếp bằng các loại hình nghệ thuật khác song sức gợi mở của nó lại hết sức dồi dào, mạnh mẽ. Nó tác động vào liên tưởng của con người và khơi dậy những cảm nhận cụ thể về màu sắc, đường nét, hình khối, âm thanh, giai điệu.

+ Thi trung hữu họa bởi vì: Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống, thơ ca cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thơ ca phản ánh cuộc sống qua hệ thống ngôn từ giàu hình ảnh. Không ở thể loại văn học nào ta bắt gặp nhiều hình ảnh, biểu tượng (hình ảnh có ngụ ý), hình tượng (hình ảnh có ngụ ý xuyên suốt tác phẩm) nổi bật như thơ ca. Hình ảnh trong thơ là sự khách thể hóa những rung cảm nội tâm bởi thế giới tinh thần vốn vô hình nên nhất thiết phải dựa vào những điểm tựa tạo hình cụ thể để hữu hình hóa. Hình ảnh trong thơ nổi bật vì còn mang màu sắc của cảm xúc mãnh liệt và trí tưởng tượng phong phú.

+ Thi trung hữu nhạc bởi vì: Thơ ca là sự biểu hiện trực tiếp cảm xúc, tình cảm của con người.

Cảm xúc biểu lộ mạnh mẽ ở thanh điệu, nhịp điệu của lời nói (ngôn từ). Tính nhạc là đặc thù cơ bản của việc phô diễn tình cảm của thơ ca. Âm thanh và nhịp điệu làm tăng hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều từ ngữ không thể nói hết. Nhạc điệu trong thơ thể hiện nhịp vận động của đời sống, của nhịp đập trái tim, bước đi của tình cảm con người.

=> Thơ là họa, bởi vậy đi vào thế giới thơ ca cũng là đặt chân vào thế giới tràn đầy đường nét, rực rỡ sắc màu, đẹp và sinh động như chính cuộc đời thực tại. Nhưng làm nên thơ văn không chỉ có họa mà còn là nhạc. Âm nhạc với những thanh âm, giai điệu, tiết tấu… luôn có khả năng cuốn hút, gợi dậy những cảm xúc trong lòng người. Đọc thơ ta luôn cảm nhận được sự réo rắt gợi lên từ câu chữ, âm vần. Thế giới âm thanh cũng là sự biểu đạt rõ nét thế giới tâm hồn và nhịp cảm xúc của chính người nghệ sĩ, Thơ ca là nhạc của tâm hồn (Vôn te). Hội họa và âm nhạc đã góp phần tạo nên linh hồn của tác phẩm thơ ca làm thỏa mãn con mắt và tâm hồn của người thưởng thức.

3. Chứng minh qua hai văn bản: bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng), trích đoạn Việt Bắc(Tố Hữu) (8,0 điểm)

a. Khái quát ngắn gọn về hai tác giả, hai tác phẩm (0,5 điểm)

b. Thi trung hữu họa: ( 4,0 điểm)

- Với trí tưởng tượng bay bổng, phong phú, kết hợp bút pháp miêu tả khái quát và cận cảnh, thủ pháp đối lập tương phản..., bài thơ Tây Tiến đã vẽ lên trước mắt người đọc:

+ Bức tranh chân thực về khung cảnh núi rừng miền Tây hiểm trở, hùng vĩ trữ tình thơ mộng. Bức tranh thiên nhiên miền Tây được gợi lên từ ba nét vẽ: một nét tả thung sâu, một nét tả núi cao, một nét tả thác chiều. Ba nét vẽ tạo thành ba mảng, mảng nào cũng dữ dằn, gân guốc, vừa hùng vĩ, hiểm trở, vừa duyên dáng thơ mộng, trữ tình. Ở đây có cái nhìn lên cao vời vợi, cái nhìn xuống sâu thăm thẳm, cái nhìn ngang rộng đến mênh mang, có cái bảng lảng của chiều sương Châu Mộc, cái dữ dội của nước lũ cuộn trôi, cái duyên dáng của dáng thuyền độc mộc, cái mộng mơ của những sắc hoa rừng…

+ Bức chân dung về người lính Tây Tiến hào hùng nhưng cũng rất đỗi hào hoa: ngoại hình mang dấu ấn của hiện thực khốc liệt, gian khổ của chiến tranh dữ dằn và cân quắc, họ ốm mà không yếu, tiều tụy trong hình hài nhưng luôn chói ngời sức mạnh lí tưởng bên trong, ý chí của họ mạnh mẽ nhưng tâm hồn mơ mộng đắm say, khát vọng sống cao đẹp, sự hi sinh cao cả, bi tráng…

- Bằng lối nói giàu hình ảnh, các cách chuyển nghĩa truyền thống (so sánh, ẩn dụ, tượng trưng, ước lệ…) được sử dụng thích hợp..., bài thơ Việt Bắc đã tái hiện thành công:

+ Bức tranh thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc: thiên nhiên Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp vừa hiện thực, vừa thơ mộng, thi vị, gợi rõ những nét riêng biệt, độc đáo. Đó là vẻ đẹp của ánh nắng ban chiều, ánh trăng buổi tối, những bản làng mờ trong sương sớm, những bếp lửa hồng trong đêm khuya, những núi rừng sông suối mang những cái tên thân thuộc. Vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Bắc được thể hiện tập trung trong đoạn bức tranh tứ bình – nỗi nhớ Việt Bắc gắn liền với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mỗi bức tranh có vẻ đẹp riêng hòa kết bên nhau tạo ra vẻ đẹp chung. Đó là sự hài hòa giữa âm thanh và màu sắc: tiếng ve của mùa hè, tiếng hát của đêm thu, màu xanh của rừng già, sắc đỏ của hoa chuối rừng, sắc trắng tinh khôi của rừng mơ, sắc vàng lộng lẫy của rừng phách…

+ Bức tranh về cuộc sống con người trong kháng chiến, bức tranh Việt Bắc ra quân hào hùng:

Con người Việt Bắc bình dị, khéo léo, cần mẫn luôn gắn bó với lao động, giàu tình nặng nghĩa, chia ngọt sẻ bùi, thủy chung với cách mạng và kháng chiến. Đồng thời bài thơ cũng dẫn người đọc vào khung cảnh Việt Bắc chiến đấu với những hoạt động tấp nập, những hình ảnh hào hùng, những âm thanh sổi nổi, dồn dập, náo nức. Bức tranh Việt Bắc ra trận là bức tranh về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện gợi tả khí thế vô cùng mạnh mẽ của cả một dân tộc đứng lên chiến đấu vì tổ quốc độc lập tự do. Đó là hình ảnh đoàn quân ra trận trong khí thế hào hùng làm rung chuyển cả đất trời – những cuộc hành quân long trời chuyển đất (rầm rập đất rung), là vẻ đẹp của người chiến sĩ với ánh sao lấp lánh giữa trời đêm vừa hiện thực vừa lãng mạn, nâng tầm vóc của người chiến sĩ lên ngang tầm vũ trụ, là hình ảnh từng đoàn dân công với bước chân nát đá vừa làm sống dậy sức mạnh to lớn của dân tộc vừa thần thoại hóa sức mạnh của con người…

c. Thi trung hữu nhạc (4,0 điểm)

- Xuân Diệu nhận xét: Đọc bài thơ Tây Tiến như ngậm âm nhạc trong miệng. Tính nhạc trong Tây Tiến thể hiện ở:

+ Thể thơ thất ngôn mang âm hưởng trầm hùng phù hợp với việc biểu đạt nội dung.

+ Phối hợp nhịp nhàng giữa các thanh bằng trắc, sự hiệp vần: ơi, biện pháp điệp từ: nhớ, ngàn thước…

+ Sử dụng thành công hệ thống từ láy.

+ Nhạc điệu của bài thơ còn được tạo nên từ nỗi nhớ tha thiết, tình yêu sâu đậm của nhà thơ với mảnh đất Tây Bắc, với binh đoàn Tây Tiến, với quê hương, đất nước. Đó là nhạc điệu tâm hồn của thi nhân.

- Tính nhạc trong Việt Bắc thể hiện ở:

+ Thể thơ lục bát: Nhịp nhàng, tha thiết, ngọt ngào, sâu lắng như ru vỗ con người vào nhịp nhớ đều đặn của những kỉ niệm.

+ Sử dụng cặp đại từ: mình- ta kết hợp với nghệ thuật đối: tạo ra sự cân xứng về cấu trúc vẻ đẹp nhịp nhàng của ngôn từ. Tất cả tạo nên nhạc điệu đầy quyến luyến, trầm bổng, ngân nga. Việt Bắc ru người trong nhạc.

+ Biện pháp điệp: điệp từ: nhớ, có nhớ; điệp cấu trúc: mình đi-mình về; câu hỏi tu từ… tạo nên nhịp ru cho bài thơ, diễn tả thành công nỗi lòng kẻ đi - người ở.

+ Cách gieo vần và sử dụng từ láy cũng góp phần tạo nên nhạc điệu cho bài thơ.

+ Việt Bắc có giọng điệu tâm tình, tự nhiên, đằm thắm, là tiếng nói của tình thương mến ngọt ngào, là khúc tình ca và bản hùng ca về kháng chiến và con người kháng chiến... Thơ Tố Hữu phong phú nhạc điệu, một thứ nhạc giàu có tự bên trong của tâm hồn hoà với nhạc điệu lôi cuốn của đời sống.

4. Đánh giá, nâng cao vấn đề (1,0 điểm)

- Khẳng định câu nói của cổ nhân là hoàn toàn đúng với thơ ca và được minh chứng rõ qua hai bài thơ Tây Tiến và đoạn trích Việt Bắc.

+ Câu nói trên khẳng định và làm nổi bật đặc trưng của thơ ca và mối quan hệ giữa thơ ca, hội họa và âm nhạc. Thơ là nhạc, là họa chạm khắc theo một cách riêng, thơ còn là thơ nữa. Việc tiếp cận thế giới tràn đầy âm thanh, khuông nhạc trong mỗi tác phẩm văn chương cũng là một cách tiếp cận, nắm bắt những cảm xúc mà nhà thơ, nhà văn mang lại. Mặt khác muốn tác động trực quan đến người đọc, nhà thơ giống như người nghệ sĩ tài ba phải đem những đường nét và gam màu tinh tế vẽ nên những tuyệt tác bằng ngôn từ.

+ Hai bài thơ giàu chất nhạc, chất họa, thể hiện tài năng, sự độc đáo trong phong cách của hai nhà thơ trong việc sử dụng ngôn từ nghệ thuật.

- Bài học cho người nghệ sĩ và người tiếp nhận.

C. Biểu điểm:

- Điểm 11 – 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có thể còn mắc một vài lỗi nhỏ không đáng kể. Khuyến khích những bài viết sắc sảo, sáng tạo, thuyết phục, tạo ấn tượng riêng.

- Điểm 9- 10: Đáp ứng được khá tốt các yêu cầu, có thể còn mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt và chính tả.

- Điểm 7- 8: Đáp ứng khoảng 2/3 các yêu cầu, còn mắc một số lỗi về diễn đạt và chính tả.

- Điểm 5-6: Đáp ứng khoảng ½ các yêu cầu, lập luận chưa chạt chẽ, thuyết phục, mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả.

- Điểm 3- 4: Chưa hiểu rõ nội dung yêu cầu cảu đề, thiếu nhiều ý, phân tích chứng minh còn chung chung không đúng trọng tâm, mắc nhiều lỗi về diễn đạt và chính tả.

- Điểm 1- 2: Không hiểu đề, trình bày quá sơ sài, diễn đạt lủng củng, tối nghĩa, mắc quá nhiều lỗi.

- Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.

Lưu ý: Giám khảo linh hoạt vận dụng biểu điểm, có thể thưởng điểm cho những bài viết có sáng tạo khi tổng điểm toàn bài chưa đạt tối đa. Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25

-/-

Kết thúc đề thi chọn HSG Văn 12 của tỉnh Bắc Ninh năm 2020/2021. Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử thpt quốc gia 2021 môn văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM