Dàn ý so sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích

Xuất bản: 10/09/2019 - Tác giả:

Dàn ý bài làm văn số 3 lớp 11 đề 1 chi tiết nhất, hướng dẫn lập dàn ý so sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích trang 92 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Mục lục nội dung

Dàn ý bài viết số 3 lớp 11 đề số 1 về đề tài nghị luận văn học: So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều được thể hiện trong đoạn trích sau:

Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân

...........

Êm đềm trước rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Cùng Đọc tài liệu tham khảo nội dung gợi ý về lập dàn ý đề tài số 1 trong viết bài tập làm văn số 3 lớp 11 như sau:

Dàn ý so sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều

Dàn ý 1: 

1. Mở bài

- Giới thiệu đề tài nghị luận: so sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều.

2. Thân bài:

a. Nét giống nhau giữa tài sắc của Thúy vân và Thúy Kiều

- Vẻ đẹp từ bên ngoại

+ Hai ả tố nga

+ Mười phân vẹn mười.

- Lẫn vẻ đẹp từ tâm hồn bên trong

+ Mai cốt cách, tuyết tinh thần.

Êm đềm trướng rủ màn che.

Tường đông ông bướm đi về mặc ai

⇒ Ngợi ca kín đáo của nhà thơ về tâm hồn và phẩm hạnh của hai chị em.

b. Nét khác nhau giữa tài sắc của Thúy vân và Thúy Kiều

- Vẻ đẹp Thúy Vân

+ Vẻ đep thanh tú, miệng nàng cười như hoa nở, mái tóc nàng đen mượt, làn da trắng mịn như tuyết.

+ Dự báo cuộc đời êm ả sau này nàng (mày thua, tuyết nhường)

- Vẻ đẹp Thúy Kiều

+ Người con gái “sắc sảo, mặn mà”

+ Mắt nàng thăm thẳm như làn nước trong veo của mùa thu.

+ Dự báo cuộc đời đau khổ sau này. (hoa ghen, liêu hờn).

- Tài năng Thúy Kiều

+ Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.

+ “Thiên bạc mệnh” à dự báo tấn bi kịch” hồng nhan bạc mệnh.

3. Kết bài

- Đánh giá chung: cảm nhận chung của em khi so sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều.

Một dàn ý chi tiết khác: Dàn ý phân tích vẻ đẹp của Thúy Vân và Thúy Kiều

Dàn ý 2: 

1. Mở bài

- Giới thiệu đoạn trích: nằm ở phần mở đầu Truyện Kiều của Nguyễn Du – nhà thơ nhân đạo xuất sắc cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX.

- Dẫn dắt vào đề tài nghị luận: Tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo to lớn, đồng thời cũng là đỉnh cao nghệ thuật của thơ ca tiếng Việt, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả nhân vật mà đoạn trích này là một ví dụ tiêu biểu: (trích dẫn thơ)

2. Thân bài: Các ý chính:

- So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều, Nguyễn Du đã tả Thúy Vân bằng những câu thơ:

+ Vân xem trang trọng khác vời, .... Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

-> Vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp đoan trang, phúc hậu. Nó là vẻ đẹp của sự hài hòa và dung hòa được với "xung quanh".

- Vân đã đẹp, Kiều còn đẹp hơn:

+ Kiều càng sắc sảo mặn mà, .... Sắc dành đòi một tài đành họa hai.

-> Thúy Kiều chẳng những rất đẹp mà còn tài hoa nữa: Kiều giỏi thơ, giỏi họa, giỏi đàn, … Và tâm hồn đa sầu, đa cảm ấy còn tìm đến những khúc ca ai oán:

Khúc nhà tay lựa nên chương, Một thiên "bạc mệnh" lại càng não nhân.

=> Qua miêu tả tài sắc của Thúy Kiều và Thúy Vân, Nguyễn Du chịu ảnh hưởng bởi quan niệm tạo hóa hay ghen ghét với những người tài sắc (Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen). Qua cách miêu tả này ta có thể thấy, tài sắc của Thúy Kiều như báo trước một cuộc đời dữ dội với đầy gian nan, trắc trở sau này. Đoạn trích thể hiện kín đáo dụng ý nghệ thuật nêu trên của Nguyễn Du.

3. Kết bài: Cảm nhận chung của em về đoạn trích

Qua đoạn trích này, Nguyễn Du đã hết sức trân trọng đề cao vẻ đẹp con người, vẻ đẹp hoàn thiện , hoàn mỹ của hai chị em Kiều. Đây chính là một trong những biểu hiện của cảm hứng nhân đạo, nhân văn trong Truyện Kiều vậy. Tuy "mỗi người một vẻ" nhưng có thể thấy rõ vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp phúc hậu đài các, còn vẻ đẹp Thúy Kiều là vẻ đẹp sắc sảo mặn mà, đa tình. Đây là nét khác biệt cơ bản giữa hai chị em.

Dàn ý 3: 

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận

2. Thân bài

Các em cần nêu được những ý sau:

*Điểm giống nhau

- Cả hai chị em đều là những giai nhân tuyệt sắc, "mười phân vẹn mười".

- Nhan sắc của họ đều như báo hiệu, ẩn chứa trong đó tâm hồn đẹp đẽ, hoặc phúc hậu, hoặc đằm thắm, mặn mà.

*Điểm khác nhau.

- Trong cách miêu tả của Nguyễn Du, vẻ đẹp của Thúy Vân được làm nên từ ngoại hình (khuôn mặt, nét mày, tiếng cười, giọng nói, nước tóc, làn da) trang trọng, đầy đặn, nở nang. Thúy Kiều vẻ đẹp được làm nên từ sự sắc sảo, thắm tươi như tỏa ra từ đời sống nội tâm của người con gái (đặc tả đôi mắt).

- Nhan sắc của hai chị em đều đẹp hơn những vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng với Thúy Vân, thiên nhiên chịu "thua, nhường", còn với Thúy Kiều, thiên nhiên lại "hờn, ghen".

- Nguyễn Du không hề nói đến cái tài của Thúy Vân mà chỉ nói đến cái tài của Thúy Kiều. Và cái tài của nàng được ông miêu tả rất kĩ nhất là tài âm nhạc, thứ nghệ thuật mà có người đã gọi "bản ghi nhanh của tình cảm. Và bản đàn Thúy Kiều tâm đắc nhất là khúc nhạc có tên: bạc mệnh.

* Nhận xét: Nguyễn Du rõ ràng không chỉ so sánh tài sắc hai chị em, mà con muốn người đọc thông qua tài sắc nhìn ra được tính cách, đoán được số phận của mỗi người: nàng Vân nhân hậu hiền lành, cuộc sống bình yên; nàng Kiều sắc sảo, tài tình, cuộc đời gặp nhiều sóng gió.

3. Kết bài: Tổng kết lại vấn đề nghị luận

Văn mẫu tham khảo: Cảm nhận về vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều

Văn mẫu so sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều hay nhất

Truyện Kiều” của Nguyễn Du hơn hai trăm năm qua đã chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Đặc biệt, những nhân vật trong Truyện Kiều còn đi vào đời sống một cách rất tự nhiên, tự bao giờ đã trở nên quen thuộc hiếm thấy. Chắc hẳn chẳng ai có thể quên được hình ảnh của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân tài sắc mà ngay những câu thơ đầu của kiệt tác đã thể hiện rất rõ. Là hai chị em nhưng Thúy Vân và Thúy Kiều có số phận hoàn toàn khác nhau và Nguyễn Du đã ngầm dự báo điều này trong cách miêu tả tài sắc nơi hai chị em. Nếu so sánh tài sắc ở hai nàng, ta sẽ nhận ra những dự đoán hết sức tinh tế này.

Hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân được giới thiệu rất ngắn gọn nhưng đầy đủ:

“Đầu lòng hai ả tố nga,

Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.

Mai cốt cách, tuyết tinh thần.

Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.”

Những dòng đầu ngắn gọn đã gói trọn những thông tin cơ bản về hai nhân vật. Họ là hai chị em, được giới thiệu theo vai vế: “Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân”. Đồng thời, gợi mở về vẻ đẹp và cốt cách của họ. Người xưa coi cái nết là trọng, vì vậy, thông tin về vẻ đẹp tâm hồn của hai chị em được khái quát trước: một cốt cách thanh tao như mai, một tinh thần trong sạch như tuyết, không chỉ thể hiện tâm tư trong sáng của người thiếu nữ mà còn gợi lên vẻ đẹp quý phái. Còn về hương sắc thì “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Hai chị em ai cũng xinh đẹp nết na, tuy mỗi người có vẻ đẹp khác nhau nhưng ai cũng là viên ngọc quý không tì vết.

Để làm rõ hơn những điều đã gợi mở về nhân vật như trên, Nguyễn Du đi vào miêu tả chân dung từng nhân vật một:

“Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang,

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.”

Đối với Thúy Vân, ông dùng từ “trang trọng”, chỉ một từ thôi mà làm cho người đọc thấy quý trọng vẻ đẹp quý phái, mang một hình dáng đường bệ mà không quá uy nghi. Từ này đi cùng từ “khác vời” càng làm tăng thêm vẻ trang nhã đài các của một tiểu thư cao quý. Ở Vân, những nét đẹp đều rất hài hòa, quả xứng danh “trang trọng”. Khuôn mặt đầy đặn sáng trăng tròn sáng lên vẻ đẹp phúc hậu, làn lông mày đậm, rõ nét đi kèm với từ “nở” như là một sự chuyển động linh hoạt của nét ngài, thật sống động. Nụ cười của nàng tươi như hoa, khi cười để lộ những hàm răng trắng muốt như ngọc như ngà, thật thùy mị đoan trang. Đặc biệt nàng có một mái tóc dài mượt mà, bồng bềnh đến mây cũng phải thua, một làn da trắng nõn nà đến tuyết cũng phải nhường. Vẻ đẹp của Thúy Vân được miêu tả vô cùng kĩ càng, mỗi đường nét hiện lên là thấy rõ sự hài hòa phúc hậu của khuôn mặt đầy đặn như trăng rằm, đó là một vẻ đẹp khiến cho thiên nhiên phải cúi mình nhún nhường. Dùng những biện pháp nhân hóa mây, tuyết, Nguyễn Du đã cho thấy rõ thái độ nâng niu, trân trọng, quý mến của thiên nhiên đối với nàng, cuộc đời nàng nhất định cũng được hưởng sự êm đềm quý trọng như chính nhan sắc của nàng!

Trong khi ấy, miêu tả Kiều, Nguyễn Du không đi vào miêu tả chân dung như là miêu tả Thúy Vân mà dường như chỉ là một vài đường gợi, nhưng hình dáng tuyệt sắc của người thiếu nữ vẫn hiện lên giữa thiên nhiên:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc vẫn là phần hơn.

Từ “càng” gợi mức độ tăng tiến đã cho thấy rõ dụng ý nghệ thuật của đại thi hào. Khi giới thiệu gia thế, giới thiệu chị trước em sau đúng như trật tự nhưng đi vào miêu tả lại miêu tả cô em trước. Vốn dĩ, Nguyễn Du miêu tả Thúy Vân chỉ là nền cho Thúy Kiều xuất hiện “càng sắc sảo mặn mà”. Vẻ đẹp của Vân chỉ dừng lại ở vẻ đẹp phúc hậu nên có ở một người thiếu nữ tuổi trăng tròn, vẻ đẹp trong sáng, thanh thoát, nhưng với Thúy Kiều, vẻ đẹp của nàng là một vẻ đẹp mặn mà, vô cùng sắc sảo, khôn ngoan, chữ dùng của đại thi hào đã gợi mở không chỉ một vẻ đẹp khiến cho người ta nghiêng mình mà còn có cả bóng dáng của tài năng sắc sảo, về tài về sắc hơn hẳn Vân

Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai.

Trong bức tranh chân dung người thiếu nữ, chỉ là “làn”, là “nét” nhưng làm cho cả thiên nhiên xáo động. Đó là vẻ đẹp thanh thoát tươi mát của nước mùa thu nhưng lại tràn trề nhựa sống thanh tân của núi mùa xuân. Đó là một vẻ đẹp khiến cho thiên nhiên hùng vĩ cũng phải chịu thua thậm chí giận hờn vì không sánh bằng. Đã không còn là “nhường”, là “thua” như ở Thúy Vân, thiên nhiên thật dữ dội và mang đầy thách thức với “ghen”, với “hờn”. Và đây cũng chính là lời dự báo cho số phận sóng gió phía trước mà Kiều phải đối mặt bởi dung mạo xuất chúng vượt ra khỏi thiên nhiên vũ trụ của Kiều ắt phải chịu đọa đầy trong một xã hội mà lề thói cổ tục nặng nề.

Ở những câu thơ tiếp, hoàn toàn dành về tài của Thúy Kiều mà ở Thúy Vân không hề có;

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.

Cung, thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên "bạc mệnh" lại càng não nhân.

Trong các tài năng của Kiều, Nguyễn Du chọn một tài năng xuất chúng đó là “cầm”. Với xã hội phong kiến, tài đàn của người con gái chỉ đáng được coi là thứ bổ trợ cho đức hạnh chứ không được công nhận là tài năng thậm chí, con gái không nên có nhiều bi lụy mà đàn cầm thì hay bi lụy. Thế nhưng ở đây, Thúy Kiều không chỉ đàn giỏi, cái điều chỉ được coi là “nghề riêng” ấy lại “ăn đứt Hồ cầm một trương” lại có thể tự mình sáng tác như một nghệ sĩ thực thụ, tiếng đàn của nàng làm cho ai nấy đều phải rơi lệ, não lòng. Và đây cũng y như một dự đoán về số phận của người con gái đa sầu đa cảm này, cuộc đời nàng khó tránh kiếp “bạc mệnh”.

Những câu cuối chỉ là cuộc sống êm đềm của hai chị em hiện nay

Phong lưu rất mực hồng quần,

Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê

Êm đềm trướng rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

Êm đềm là thế nhưng liệu rồi điều gì đang chờ các nàng ở phía trước?

Đoạn trích đã cho ta thấy rõ tài năng bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật của Nguyễn Du. Không chỉ miêu tả vẻ đẹp của hai chị em mà qua đó còn bộc lộ cả tính cách, tài năng, số phận của hai nàng. Tuy là hai chị em đều xinh đẹp tuyệt trần nhưng là vẻ đẹp khác nhau và mang trong mình những báo trước về tính cách, số phận khác nhau.

-/-

Văn mẫu: So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều

Trên đây là dàn ý so sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích kèm văn mẫu tham khảo thuộc bài viết số 3 lớp 11 đề 1 mà em có thể tham khảo, mong rằng với nội dung gợi ý này các em sẽ có cho mình một bài văn thật hay.

Xem thêm các bài văn mẫu về đoạn trích Chị em Thúy Kiều để có cho mình những phân tích chính xác!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM