Cảm nhận về vùng đất Cà Mau qua bài Sông nước Cà Mau

Xuất bản: 09/01/2020 - Tác giả:

Cùng xem văn mẫu cảm nhận về vùng đất Cà Mau qua tác phẩm Sông nước Cà Mau của Đoàn Giỏi để hiểu rõ hơn về vùng đất hoang sơ này bạn nhé.

Đề bài: Viết một bài văn trình bày cảm nhận của em về vùng đất Cà Mau qua đoạn văn "Sông nước Cà Mau".

Lập dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu nhà văn Đoàn Giỏi và tác phẩm “Sông nước cà Mau”. Trích đoạn “Sông nước cà Mau” trong nằm trong tác phẩm này đã đưa người đọc trở về với những cảm nhận phong phú, bất ngờ và sâu lắng, đầy thi vị về cả thiên nhiên và con người của vùng đất cực nam Tổ quốc.

- Dẫn dắt vô đề bài: Chuyến đi dài của nhân vật đã mở ra trước mắt chúng ta những vẻ đẹp của vùng đất Cà Mau khiến người khác khó quên.

2. Thân bài

- Vẻ đẹp không gian vùng sông nước Cà Mau: Kênh rạch và sông ngòi là nét đặc trưng của vùng đất phương Nam nhưng để xét về độ “đậm đặc” thì phải kể đến nơi đây. Với một hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như mạng nhện , liên thông với nhau, không có điểm khởi đầu và nơi kết thúc.

- Sự sống động của vùng sông nước Cà Mau: Con sông khác hẳn về độ mênh mông, “nước đổ ầm ầm ra biển ngày đêm như thác”, nó là con sông hùng vĩ, trung tâm của vùng sông nước. Một bên là sông, một bên là rừng “ôm lấy dòng sông” giống như một đôi tri kỉ. Rừng đước ở đây “dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận”, bồi đắp cho vẻ đẹp của sự chung thủy và non tơ.

- Đặc sản của vùng sông nước Cà Mau: Đến với đặc sản của vùng sông nước chính là chợ nổi Năm Căn, đó là một khu chợ tấp nập, nhộn nhịp nhất của vùng đất này, sự trù phú của nó lồ lộ ra với cái “những” mà tác giả liệt kê như: những bến vận hà, những lò than hầm gỗ, những ngôi nhà bè,… những người con gái Hoa Kiều, những người Chà Châu Giang…”

3. Kết bài

Khẳng định vẻ đẹp của vùng đất Cà Mau.

Văn mẫu cảm nhận của em về vùng đất Cà mau qua bài Sông nước cà mau đã học

Bài mẫu 1

Đất rừng phương Nam là một truyện dài viết cho trẻ em của Đoàn Giỏi. Dựa vào bối cảnh thời gian là những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp và cốt truyện là chú bé An lưu lạc đi tìm gia đình, nhà văn đem đến cho người đọc bao nhiêu cảm nhận phong phú, bất ngờ, sâu lắng đầy thi vị về cảnh và người, vể vùng đất cực nam của Tổ quốc thân yêu. Đến với vùng đất ấy, như về với quê hương, một quê hương đôi phần bỡ ngỡ khi nhìn thấy nó đầu tiên, nhưng ngay sau đó là say mê khi được đắm mình vào cái thế giới kì lạ, hấp dẫn lạ lùng. Người, cảnh của một vùng quê như ẩn giấu bao trầm tích đáng yêu, đáng quý cứ mở ra trước mắt chúng ta trong chuyến đi dài ngày của nhân vật. Trích đoạn Sông nước Cà Mau không hề ngắt ngừng dòng chảy của những con sông như sông Bảy Háp, sông Cửa Lớn, sông Năm Căn,... mà nơi nào cũng neo đậu hồn ta như những cái bến hẹn hò với một vùng Đất Mũi.

Cửa ngõ của vùng sông nước Cà Mau xác định điểm bắt đầu của nó là khi con thuyền "thám hiểm" (đối với chú bé An nó có ý nghĩa như thế) vượt qua hai địa danh có cái tên lạ hoắc : Chà Là, Cái Keo, những cái tên bí mật như rừng, không thể phỏng đoán mà chỉ gợi liên tưởng tới những gì ẩn sâu trong lòng nó có lẽ còn rất hoang sơ. Quả thật, cái gì ở nơi này cũng không giống bất kì đâu, từ kênh, rạch, sông ngòi, vẫn biết đó là đặc trưng của vùng đất phương nam, nhưng độ đậm đặc của nó thì phải đến nơi này mới rõ. Đây là một hộ thống "mạng nhện" bủa giăng chi chít những dòng chảy nhằng nhịt, liên thông không có điểm khởi đầu và không biết nơi nào là kết thúc. Nhìn vào cái sa bàn sông nước ấy, ta không khỏi chóng mặt trước một thiên la địa võng. Đúng là một thứ lưới trời. Từ "bủa giăng" gợi sự chủ động của người đánh cá, nhưng chủ thể ấy ở đây lại vô ảnh, vô hình, đồng thời gợi sự bị động của người mắc lưới như con cá cắn câu. Cảm giác này là có thật vì chú bé An trong truyện chưa từng chứng kiến một cảnh quan sông nước nào như thế. Sức hút của sông nước Cà Mau có lực dẫn dây chuyền. Ám ảnh này còn chưa yên thì cái lạ tiếp theo lại ập đến. Ấy là,cái không gian xanh bao bọc, cả trên dưới, cả xung quanh. Đúng là cái điệu xanh điệp trùng đang lặng lẽ cất lên một bản hoà âm về màu sắc. Đôi mắt của người kể mở ra rất rộng như sự ngạc nhiên : "Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá". Câu văn giàu nhạc điệu này đưa con thuyền vào cõi mộng, cõi tiên cảnh Bồng Lai. Cùng với cảm nhận thị giác, một cảm nhận chưa quen như thế, thì cảm nhận thính giác vỗ về như bát ngát một lời ru êm đềm không dứt. Lời ru ngọt ngào và ấm áp bao dung ấy là từ đâu ? Từ "Tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về...". Nghĩa là từ lâu lắm, từ xa xôi. Âm thanh ấy lại là một thứ âm thanh ẩm ướt rất đặc biệt chỉ nơi này mới có, nó mằn mặn (cũng có thể tanh nồng) thổi về "trong hơi gió muối". "Cái tôi" bị choáng ngợp của người kể chuyện khó khăn lắm mới tách được ra khỏi cái khí quyển dày đặc những cuốn hút lạ lùng. Bằng mọi cách chống lại, hay là để cưỡng lại sự đơn điệu, tẻ nhạt của âm thanh, màu sắc nơi đây (thứ âm thanh đơn điệu triền miên cùng với cái quang cảnh chỉ lặng lẽ một màu xanh đơn điệu), và riêng với âm thanh, nó có gì như khó chịu, như thấp thỏm vì nó "làm mòn mỏi và đuối dần đi tác dụng phân biệt của thị giác con người". Những cảm giác đa chiều đó (có khen, có chê) có tác dụng tôn vinh một vùng sông nước, để rồi khi rời xa nó sẽ "hoá tâm hồn" như cách nói của Chế Lan Viên thi sĩ. Sức hấp dẫn của đoạn văn nguyên khối này còn ở chỗ, người viết cứ cho nó hồn nhiên đi vào ý thức, tâm thức rồi đến một lúc nào đó, lắng lại khi sự tích tụ đã trào dâng, câu văn mới cất lên nlrư một lời tự thú : "Từ khi qua Chà Là, Cái Keo,... rồi bỏ con sông Bảy Háp xuôi thuyền trôi theo dòng, thì tôi bắt đầu có cái cảm giác trên đây...".

Còn nhận xét về cách người ta gọi tên đất, tên sông nơi này cũng có "sự tích" hẳn hoi. Chỉ có điểu không phải tên ông hoàng bà chúa, trong sách sử hay truyền miệng dân gian, chỉ đơn giản là tuỳ theo đặc điểm sinh thái cây, con, nghĩa là động, thực vật ven bờ mà giản dị đặt tên cho nó. Rạch Mái Giầm, kênh Bọ Mắt, xã Năm Căn,... không có cái tên dân dã nào nằm ngoài quy luật ấy. Cũng có thể đây là vùng mà cha ông ta đi "mở cõi" mới khai phá chưa có được độ dày của nền văn hiến, về phương diện này, nó còn rất đỗi đơn sơ.

Sự sống động của vùng sông nước Cà Mau chỉ thực sự bắt đầu từ câu: "Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn...". Sự sống động này đối lập với cảnh "tĩnh" ở trên. "Sống động" là phải, bởi cuộc hành trình đang bơi nước rút đến cái dấu chấm xuống dòng là ngôi chợ Năm Căn. Cho nên cũng vẫn là một vùng sông nước, nhưng sông khác, nước khác và cây rừng cũng khác. Nói cho thật đúng, con sông đến đây mới thực sự định hình. Con sông Bảy Háp ở đoạn trên có lẽ chỉ là một con sông nhỏ, trong cảm giác của người lữ hành, nó rất dễ bị bỏ quên. Tới con sông Năm Căn này thì khác hẳn. Khác hẳn ở độ rộng "mênh mông", vì mênh mông mà "nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác", không giống như con sông Bảy Háp lặng lẽ trôi xuôi, có chăng tiếng rì rào thì đó là âm thanh từ biển Đông và vịnh Thái Lan vọng tới. Đây là một con sông hùng vĩ, trung tâm của sông nước nơi này. Tư thế đầy chất tráng ca của nó được khẳng định trong những mối tương quan hoặc đối xứng hoặc đối lập rất nên thơ. về tương quan đối xứng, giông như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình trong thơ cổ (ở đây thay cho núi là rừng cây), cảnh ở đây là một bên sông, một bên rừng "ôm lấy dòng sông" như một đôi tri kỉ. Cả hai rất tương xứng vể tầm vóc. Nếu con sông Năm Cãn "rộng hơn ngàn thước" thì rừng đước "dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận". Hơn thế nữa, hình như để chữ con sông đường bệ kia vừa ý, rừng đước còn bồi đắp cho vẻ đẹp của mình sự chung thuỷ và non tơ. Vì sao ở đoạn trước cũng có màu xanh, nhưng màu xanh không rõ nét, còn bây giờ sự mơn mởn đã hồi sinh. Vẫn là những cây đước nhưng bển bỉ "mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ". Rừng đước ở đây như một bản tình ca mượt mà sóng đôi với cái âm hưởng sục sôi của tiếng sóng đổ ra biển của sông Năm Căn "ngày đêm như thác", về tương quan đối lập giữa cái lớn với cái nhỏ, có thể kể ra mối liên hệ giữa dòng sông mênh mông với hàng đàn cá nước đen trũi "nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng". Sóng trắng là sóng lớn, gió to, còn đàn cá như bầy trẻ đang nô đùa thoả thích trong ngày hội lớn của bản năng loài cá hoang sơ. Bức tranh vừa rất hiện thực vừa mơ màng như một tứ thơ của Thôi Hiệu thời xưa với sự ẩn hiện của đường nét loà nhoà "trong sương mù và khói sóng ban mai".

Tính chất đặc sản của cả vùng sông nước kết tinh ở phiên chợ Năm Căn mà hai cảnh trên đây là hai thứ thực đơn khai vị. Những nét nổi bật của nó chưa phải phút chốc đã vội vã hiện ra. Cái duyên của chợ Năm Căn là cái duyên thầm. Cảm giác "vẫn là" gợi những gì quen thuộc quá, cái quen thuộc của những xóm chợ vùng rừng cận biển của tỉnh Bạc Liêu. Vẫn những kiến trúc nửa quê nửa tỉnh của dân ruộng và dân chợ với "những túp lều lá thô sơ kiểu cổ xưa nằm bên cạnh những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng", những sản phẩm của rừng (những đống gỗ cao như núi) và dụng cụ của nghề chài lưới bên sông (cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới). Nhưng nếu chỉ thế thì chợ Năm Căn đâu còn có gương mặt riêng ? Nó sẽ mất đi cùng những xoáy nước, những thác nước của sông mà đổ ra biển như chưa hề có mặt bao giờ, còn đâu cái ""bề thế của một trấn "anh chị rừng xanh" đứng kiêu hãnh phô phang sự trù phú của nó trên vùng đất cuối cùng của Tổ quốc"" ? Câu hỏi ấý, sự chờ đợi ấy phải đến lúc này, mới có hồi âm. Hồi âm ấy đầy ắp sự giàu có và sang trọng, tấp nập đông vui mà tiện lợi, một cảnh quan ngắm nhìn không chán mắt cho tất cả những mê mải kiếm tìm. Nếu trích ra một từ ví như từ "phô phang" làm thừa số chẳng hạn thì nghĩa đầu tiên của tính cách cái chợ này là sự bộc trực. Ấy là sự trù phú cứ lồ lộ như cái bánh bóc trần không giấu giếm, như cái mỏ lộ thiên với bao nhiêu là "những" : những bến vận hà, những lò than hầm gỗ, những ngôi nhà bè ban đêm,... những người con gái Hoa Kiều, những người Chà Châu Giang, những bà cụ người Miên,... nghĩa là không thể nào kể xiết. Lấy sự trù phú làm nền, bao nhiêu nét đẹp khác cứ lấp lánh, cứ lung linh từng tầng, từng vỉa, hết lớp này đến lớp khác. Vẻ sang trọng của những ngôi nhà bè chỉ rực rỡ về đêm như "những khu phố nổi" khi ánh đèn măng sông chiếu rực rỡ trên mặt nước như thực như mơ. Còn sự tiện lợi đến bất ngờ là ở đây đi thuyền chẳng khác nào đi bộ. Còn gì ung dung hơn cho dân nhậu khi cần một món xào, món nấu Trung Quốc, một đĩa thịt rừng, thậm chí vài cút rượu nữa thì lúc đó, chỉ việc "cập thuyền lại" là xong. Còn đàn bà con gái may mặc, thêu thùa thì từ cây kim cuộn chỉ, một bộ quần áo may sẵn, một món nữ trang đắt tiền,... đều không phải bước khỏi thuyền một bước. Riêng với khách lãng du muốn đi tìm cảm hứng tinh thần sẽ bất ngờ gặp gỡ sự đa dạng của sắc màu và tiếng nói, thôi thì "đủ các giọng nói líu lô, đủ kiểu ăn vận sặc sỡ" của trăm miền tụ họp về đây, về cái xóm chợ Năm Căn nhỏ bé. Chợ Năm Căn, trong mạch kể, nó như một điểm dừng vừa đạt đến cao trào vừa có độ lắng sâu của cảm nghĩ. Người viết đã hoàn tất vai trò một hướng dẫn viên du lịch, đã gieo được ấn tượng vào tâm trí người đọc, người nghe.

Về nghệ thuật của bức tranh kí hoạ sông nước Cà Mau này (thật ra là bức tranh liên hoàn tạo thành một hệ thống), ta nhận ra độ đậm nhạt và những nốt nhấn của người hoạ sĩ ngôn từ. Nếu cảnh một là một bức tranh khái quát, nhìn xa thì cảnh hai lại là một cái nhìn cận cảnh với những đường nét đã được cụ thể hoá. Trong thế liên hoàn ấy, xóm chợ Năm Căn là một nốt nhấn. Nó giống như một bông hoa rực rỡ, đỏ tươi làm ấm lại và náo nức hẳn lên đối với người du ngoạn. Còn vè phong cách, căn cứ vào các yếu tố câu văn miêu tả như quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét thì Đoàn Giỏi có nhiều ưu thế về quan sát, nhận xét để từ đó ghi lại những bức tranh phong cảnh khác nhau. Không có nhiều tưởng tượng, so sánh, tác phẩm không phải vì thế mà mất đi cảm hứng lãng mạn. Bởi tuy sử dụng bút pháp tả thực, nhưng do người viết đã vừa kể, vừa tả, nghĩa là đã gửi gắm tâm hồn mình trong cảnh, những trang vẽ đẹp về thiên nhiên ấy tự nó như bài thơ hay, đầy ý vị, ý ở ngoài lời cứ ngân mãi nơỉ chúng ta trong tâm tưởng.

Xem thêm: Phát biểu cảm nghĩ về đoạn trích Sông nước Cà Mau

Bài mẫu 2

“Đất rừng phương Nam” là một tác phẩm truyện dài của nhà văn Đoàn Giỏi viết dành cho trẻ em. Trích đoạn “Sông nước cà Mau” trong nằm trong tác phẩm này đã đưa người đọc trở về với những cảm nhận phong phú, bất ngờ và sâu lắng, đầy thi vị về cả thiên nhiên và con người của vùng đất cực nam Tổ quốc. Chuyến đi dài của nhân vật đã mở ra trước mắt chúng ta những vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ và con người nơi đây.

Bắt đầu vào chuyến thám hiểm của cậu bé An, chúng ta bắt gặp ngay hai địa danh lạ là Chà Là và Cái Keo, những cái tên không thể phỏng đoán mà chỉ cho ta những liên tưởng tới những thứ còn hoang sơ. Kênh rạch và sông ngòi là nét đặc trưng của vùng đất phương Nam nhưng để xét về độ “đậm đặc” thì phải kể đến nơi đây. Với một hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như mạng nhện , liên thông với nhau, không có điểm khởi đầu và nơi kết thúc. Đó quả là một thứ thiên la địa võng.

Rơi vào lưới trời bủa vây chưa bằng sự bủa vây của một không gian ngập tràn màu xanh bao la, cả trên trời, dưới nước và xung quanh toàn một màu xanh. Một màu xanh trùng điệp lặng lẽ vang lên bải hòa âm về màu sắc, khiến cho đôi mắt của con người phải ngạc nhiên: “Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá”. Cùng với cảm nhận của thị giác, cảm nhận của thính giác lại mang về một giai điệu rì rào vỗ về như một tiếng ru êm đềm không dứt. Đó chính là “Tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về…” nó mang vị mặn mòi của biển cả theo hơi gió muối. Tên của địa danh, của những con sông và kênh rạch nơi đây mang một vẻ dân giã, chỉ đơn giản theo đặc điểm của động thực vật ven bờ mà đặt tên cho nó.

Sự sống động của sông nước Cà Mau được hiện lên rất rõ qua con sông Năm Căn và khu chợ nổi Năm Căn. Con sông khác hẳn về độ mênh mông, “nước đổ ầm ầm ra biển ngày đêm như thác”, nó là con sông hùng vĩ, trung tâm của vùng sông nước. Một bên là sông, một bên là rừng “ôm lấy dòng sông” giống như một đôi tri kỉ. Rừng đước ở đây “dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận”, bồi đắp cho vẻ đẹp của sự chung thủy và non tơ.

Đến với đặc sản của vùng sông nước chính là chợ nổi Năm Căn, đó là một khu chợ tấp nập, nhộn nhịp nhất của vùng đất này, sự trù phú của nó lồ lộ ra với cái “những” mà tác giả liệt kê như: những bến vận hà, những lò than hầm gỗ, những ngôi nhà bè,… những người con gái Hoa Kiều, những người Chà Châu Giang…”. Bên cạnh đó ta còn bắt gặp sự đa dạng, phong phú về hàng hóa, của sắc màu trang phục, tiếng nói của các dân tộc khác nhau, tạo nên nét riêng biệt của chợ này với các chợ khác trong vùng.

Tuy bài văn không có nhiều hình ảnh tưởng tượng và so sánh nhưng bức tranh về vùng đất Cà Mau không mất đi những cảm hứng lãng mạn. Bởi tác giả đã rất khéo léo sử dụng bút pháp tả thực, vừa kể, vừa tả, gửi gắm tâm hồn mình trong từng khung cảnh.

Xem thêm: Tóm tắt tác phẩm Sông nước Cà Mau

Bài mẫu 3

Em rất thích xem bộ phim Đất rừng phương Nam chiếu trên màn ảnh nhỏ. Đây là bộ phim được dàn dựng từ tác phẩm nổi tiếng của Đoàn Giỏi – một nhà văn chuyên viết về đề tài thiên nhiên và con người vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ thời kì chống Pháp xâm lược.

Tác phẩm Đất rừng phương Nam được sáng tác vào năm 1957, sau khi nhà văn Đoàn Giỏi tập kết ra Bắc. Tác giả đã đem đến cho người đọc những hiểu biết mới mẻ và phong phú, từ đó thêm yêu mến thiên nhiên và con người ở mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Đoạn văn Sông nước Cà Mau trích từ chương XVIII của tác phẩm nói trên. Qua đoạn văn này, em nhận thấy rằng đất mũi Cà Mau có vẻ đẹp rộng lớn, hùng vĩ và đầy sức sống hoang dã. Chợ Năm Căn là hình ảnh tiêu biểu cho cuộc sống tấp nập, trù phú, độc đáo ở vùng đất tận cùng phía Nam Tổ quốc.

Đọc đoạn văn này, em có cảm tưởng như được cùng với chú bé An (nhân vật chính của truyện) ngồi trên con thuyền len lỏi qua các kênh rạch chằng chịt như mạng nhện của rừng u Minh để rồi đổ ra sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Cả một không gian rộng lớn được bao phủ bởi một màu xanh bất tận: trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá. Âm thanh đặc trưng của xứ sở này là tiếng rì rào bất tận của những khu rừng đước bạt ngàn, cùng tiếng sóng ì ầm từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối…

Tên đất, tên sông ở đây thật mộc mạc, giản dị: gọi là rạch Mái Giầm vì hai bên bờ rạch mọc toàn những cây mái giầm cọng tròn xốp nhẹ, trên chỉ xòa ra độc một cái lá xanh hình chiếc bơi chèo nhỏ; gọi là kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng, chúng cứ bay theo thuyền từng bầy như những đám mây nhỏ… Gọi là kênh Ba Khía vì ở đó hai bên bờ tập trung toàn những con ba khía, chúng bám đặc sệt quanh các gốc cây… Còn như xã Năm Căn thì nghe nói ngày xưa trên bờ sông chỉ độc có một cái lán năm gian của những người tới đốn củi hầm than dựng nên, cũng như Cà Mau là nói trại đi theo chữ “tức khơ mâu” tiếng Miên, nghĩa là “nước đen”

Hình ảnh gây ấn tượng rất mạnh cho em là hình ảnh của dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá bơi hàng đàn đen trũi, nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ… lòa nhòa ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai.

Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui, tấp nập – nơi tập trung đặc điểm của những chợ nổi họp trên mặt sông của vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ. Vẫn là cái quang cảnh quen thuộc của một xóm chợ vùng rừng cận biển thuộc tỉnh Bạc Liêu, với những túp lều lá thô sơ kiểu cổ xưa nằm bên cạnh những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng, những đống gỗ cao như núi chất dựa bờ, những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sóng…

Ngoài những thứ đó, chợ Năm Căn còn có một nét rất riêng mà các chợ khác không có được. Đó là cái bề thế của một trấn “anh chị rừng xanh” đứng kiêu hãnh phô phang sự trù phú của nó trên vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Chợ Năm Căn phong phú về hàng hóa, về các món ăn chứng tỏ Cà Mau là nơi đất lành chim đậu. Các dân tộc Việt, Hoa, Miên, Chà Châu Giang… chung sống thành một cộng đồng đoàn kết với đủ mọi giọng nói líu lo, đủ kiểu ăn vận sặc sỡ, đã điểm tô cho Năm Căn một màu sắc độc đáo, hơn tất cả các xóm chợ vùng rừng Cà Mau.

Đất mũi Cà Mau đẹp như một bức tranh. Mảnh đất này đã đi vào thơ ca, nhạc họa và nổi tiếng anh dũng kiên cường trong những cuộc kháng chiến chống xâm lăng, bảo vệ Tổ quốc. Cảm ơn nhà văn Đoàn Giỏi đã cho em một chuyến du lịch đầy bất ngờ và thú vị qua những trang sách tuyệt vời của ông. Mong rằng có một dịp nào đó, em sẽ được đặt chân đến nơi mà Xuân Diệu đã hết lời ca ngợi qua những vần thơ:

Mũi Cà Mau: mầm đất tươi non
Mấy trăm đời lấn luôn ra biển…

Và so sánh:

Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền xé sóng – mũi Cà Mau.

------

NGUỒN: Sưu tầm

Trên đây là tuyển chọn những bài văn mẫu cảm nhận về vùng đất Cà Mau qua đoạn trích Sông nước Cà Mau do doctailieu.com tổng hợp và biên soạn. Để tìm hiểu thêm về những bài văn phân tích hay về tác phẩm này, mời các em tham khảo văn mẫu lớp 6 hay nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM