Thực hành đọc hiểu: Phân tích bài thơ Việt Bắc trang 146

Xuất bản: 23/08/2024 - Tác giả:

Thực hành đọc hiểu: Phân tích bài thơ Việt Bắc trang 146 được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 Cánh diều giúp học sinh soạn văn 12 dễ dàng hơn.

1. Chuẩn bị

Yêu cầu:

- Xem lại nội dung đọc hiểu ở bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu). Từ những hiểu biết về bài thơ, liên hệ và so sánh với nội dung bài phân tích của Nguyễn Văn Hạnh.

- Đọc trước văn bản Phân tích bài thơ “Việt Bắc”; tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Nguyễn Văn Hạnh

- Tìm đọc một số bài phân tích, nhận xét, đánh giá bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Trả lời:

- Liên hệ và so sánh với nội dung bài phân tích của Nguyễn Văn Hạnh

+ Điểm giống: Đều khai thác giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của bài thơ Việt Bắc

+ Điểm khác: bài Phân tích bài thơ Việt Bắc của Nguyễn Văn Hạnh phân tích vào nghệ thuật đặc sắc: cặp đại từ “ta – mình”; hình tượng của Bác Hồ… Từ đó, thể hiện quan điểm, nhận xét của tác giả về tác phẩm trên và phong cách thơ của Tố Hữu.

- Thông tin về tác giả Nguyễn Văn Hạnh

+ Nguyễn Văn Hạnh (1931 – 2023), quê tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

+ Ông là nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học xuất sắc, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu

- Một số bài phân tích, nhận xét, đánh giá bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Một số bài phân tích, nhận xét, đánh giá bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu: bài nghiên cứu, phân tích của Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Chu Văn Sơn, Trần Đình Sử, Vũ Đức Phúc…

2. Đọc hiểu

Nội dung chính: Văn bản đã phân tích bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu để làm sáng tỏ nội dung, nghệ thuật tiêu biểu cho hồn thơ phong cách Tố Hữu.

Câu 1: Mở đầu tác giả nêu vấn đề gì?

Trả lời:

Mở đầu: giới thiệu khái quát và đưa ra đánh giá, nhận xét về giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Câu 2: Hình thức nào của bài thơ được người viết chú ý phân tích?

Trả lời:

Hình thức bài thơ được người viết chú ý phân tích: hình thức cấu tạo theo lối đối đáp giao duyên

Câu 3: Chú ý những lí lẽ và bằng chứng của tác giả.

Trả lời:

- Lí lẽ:

+ Do sự thâm nhập giữa đối đáp và độc thoại mà trong bài thơ “ta” và “mình” không phải lúc nào cũng tách biệt mà có sự chuyển hóa lẫn nhau.

+ Nhưng đi sâu hơn thì “mình” cũng là “ta”, “ta” cũng là “mình”, “ta” và “mình” hòa làm một

+ Mình là bản thân mình, là ta, nhưng mình cũng là người khác, một người khác thân thiết với mình, người bạn đời của mình, vì vậy có thể xem như chính mình.

- Bằng chứng:

+ Mình về mình có nhớ ta

+ Mình đi, mình có nhớ mình

+ Mình đi, mình lại nhớ mình/ Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu.

Câu 4: Chú ý những nhận xét chủ quan của tác giả bài viết.

Trả lời:

Những nhận xét chủ quan của tác giả:

- Bài thơ có ý vị đậm đà, đặc biệt do nỗi nhớ…

- Trong bài thơ, cái tình đằm thắm vốn là sở trường của hồn thơ và giọng thơ Tố Hữu được kết hợp với một khả năng quan sát tinh tế.

- Người đọc như được sưởi ấm bởi cái tình “Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, “càng thấy thân thiết...

- Những câu thơ viết tự nhiên, thoải mái, như tuôn chảy từ tấm lòng không một chút dụng công…

- Kháng chiến và cách mạng đã xua tan bớt nét hiu hắt âm u của Việt Bắc, làm tăng thêm cảnh mơ mộng của nó…

Câu 5: Sự so sánh ở đây nhằm mục đích gì?

Trả lời:

Mục đích: thể hiện sự thay đổi giọng thơ linh hoạt trong tác phẩm Việt Bắc

Câu 6: Chú ý tính khẳng định trong ý kiến của tác giả

Trả lời:

Tính khẳng định trong ý kiến của tác giả:

- Đoạn thơ viết về Bác ở gần cuối bài là một trong những đoạn hay nhất của bài thơ

- Hình ảnh, phong độ của Bác ở đây rất mực giản dị, ung dung, thanh thoát

- Nghệ thuật đặc tả hình ảnh Bác trong đoạn thơ không chỉ thể hiện chân thực… mà còn rất phù hợp với tâm hồn và phong độ của Bác…

Câu 7: Phần 3 nêu và phân tích nội dung gì?

Trả lời:

Phần 3: đã đưa ra những đánh giá, nhận xét; chỉ ra điểm khác biệt về hình tượng của Bác Hồ trong những bài thơ của Tố Hữu và đưa ra nhận định về tác phẩm.

Trả lời câu hỏi cuối bài

Câu 1: Qua văn bản Phân tích bài thơ “Việt Bắc”, tác giả Nguyễn Văn Hạnh muốn làm sáng tỏ điều gì? Vấn đề ấy được nêu ở phần nào của văn bản?

Trả lời:

- Tác giả Nguyễn Văn Hạnh muốn làm sáng tỏ bài thơ Việt Bắc là bài ca tâm tình tiêu biểu cho hồn thơ, cho phong cách của nhà thơ Tố Hữu.

- Vấn đề này được nêu ở đoạn văn đầu trong phần 2 của văn bản.

Câu 2: Xác định nội dung chính của các phần được đánh số trong văn bản. Từ đó, nêu các luận điểm của bài viết.

Trả lời:

* Nội dung chính:

- Phần 1: Giới thiệu khái quát về bài thơ Việt Bắc

- Phần 2: Phân tích, chứng minh Việt Bắc là bài ca tâm tình, tiêu biểu cho hồn thơ phong cách Tố Hữu

- Phần 3: Phân tích đoạn thơ viết về Bác ở cuối tác phẩm từ đó đưa ra nhận xét, đánh giá tác phẩm

* Hệ thống luận điểm:

- Luận điểm 1: Giới thiệu khái quát về bài thơ Việt Bắc

- Luận điểm 2: Phân tích hình thức của bài thơ

- Luận điểm 3: Phân tích cái tình đậm đà trong bài thơ Việt Bắc

- Luận điểm 4: Phân tích chất hùng tráng trong bài thơ Việt Bắc

- Luận điểm 5: Phân tích hình tượng của Bác trong bài thơ Việt Bắc.

Câu 3: Người viết phân tích và làm sáng tỏ ý kiến: “Việt Bắc ngọt ngào, đằm thắm, là một bài ca tâm tình, rất tiêu biểu cho hồn thơ, cho phong cách của Tố Hữu.” bằng các lí lẽ và dẫn chứng nào trong phần 2 của văn bản?

Trả lời:

* Người viết đưa ra các lí lẽ:

- Ở chiều sâu của suy nghĩ, thơ là tâm trạng thống nhất của những người kháng chiến, của chính bản thân nhà thơ tạo nên sự liền mạch của hơi thở, giọng thơ

- Nhưng đi sâu hơn thì “mình” cũng là “ta”, “ta” cũng là “mình”, “ta” và “mình” hòa làm một

- Những câu thơ như “Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai” hay “Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son” vừa dân dã, cổ điển, cân đối, cô đúc, lại ngân vang…

- Rừng núi tình nghĩa cũng là rừng núi chiến đấu rất kiên cường. Và tâm hồn con người ngọt ngào chung thủy giản dị trong cuộc sống hàng ngày rất hân hoan, rộng mở…

- Nói đến thiên nhiên của Việt Bắc, tấm lòng chân thật, tình nghĩa sắt son của người Việt Bắc, thơ Tố Hữu đằm thắm như ca dao, dân ca. Nhưng khi miêu tả không khí sôi nổi…

- Tố Hữu thường chú ý cách diễn đạt quen thuộc với cảm nghĩ của quần chúng, thích nhịp điệu êm ái, cân đối của câu thơ… cần thể hiện

* Dẫn chứng:

+ Trong câu chuyện với một nhà nghiên cứu văn học người Pháp là Mi-ren Găng-sen (Mireille Gansel), Tố Hữu tâm sự rằng anh "phải lòng" đất nước và nhân dân mình, và đã nói về đất nước, về nhân dân như nói với người đàn bà mình yêu. Cho nên, tình yêu biến thành tình nghĩa, và Việt Bắc trở thành tiếng hát ân tình chung của những người kháng chiến, của cả dân tộc trong một thời điểm rất đáng ghi nhớ.

+ Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ múi, nhìn sông nhớ nguồn?

+ Mình về mình có nhớ ta

+ Mình đi, mình có nhớ mình

+ Mình đi, mình lại nhớ mình

Câu 4: Nét đặc sắc khi tác giả phân tích phần 3 của văn bản là gì?

Trả lời:

Nét đặc sắc khi phân tích phần 3:

- Sử dụng những câu văn thể hiện rõ tính khẳng định trong lập luận.

+ Đoạn thơ viết về Bác ở gần cuối bài là một trong những đoạn hay nhất của bài thơ

+ Hình ảnh, phong độ của Bác ở đây rất mực giản dị, ung dung, thanh thoát

+ Nghệ thuật đặc tả hình ảnh Bác trong đoạn thơ không chỉ thể hiện chân thực… mà còn rất phù hợp với tâm hồn và phong độ của Bác…

+ Trên con đường phát hiện ra sự thật đó, bài thơ Việt Bắc là một cái mốc quan trọng...

+ Bài thơ Việt Bắc thật sự là một trong những bài thơ hay nhất...

- Sử dụng ngôn ngữ biểu cảm: “hay nhất”, “rất”, “thực sự là một trong những bài thơ hay nhất”, “không chỉ… mà còn”.

Câu 5: Văn bản Phân tích bài thơ “Việt Bắc” của Nguyễn Văn Hạnh giúp em hiểu thêm được gì về bài thơ này?

Trả lời:

- Văn bản Phân tích bài thơ Việt Bắc giúp em hiểu thêm

+ Nét đặc sắc trong việc sử dụng cặp đại từ “mình – ta” qua việc phân tích nội dung, ý nghĩa của việc sử dụng cặp đại từ trong từng đoạn thơ của tác phẩm

+ vẻ đẹp son sắt, thủy chung, chân tình của người dân Việt Bắc và tình quân dân thắm thiết trong tác phâm

+ Hình tượng nhân vật Bác trong thơ Tố Hữu.

Câu 6: Dẫn ra một số câu văn thể hiện ý kiến nhận xét; đánh giá chủ quan của người viết khi phân tích bài thơ Việt Bắc.

Trả lời:

Một số câu văn thể hiện ý kiến nhận xét; đánh giá chủ quan của người viết khi phân tích bài thơ Việt Bắc:

- Bài thơ vừa thống nhất, vừa biến hóa, giữ vững tính mẫu mực của thể lục bát trong một bài thơ có dung lượng lớn như vậy mà không rơi vào đơn diệu.

- Việt Bắc ngọt ngào, đằm thắm, là một bài ca tâm tình, rất tiêu biểu cho hồn thơ, cho phong cách của Tố Hữu.

- Cho nên, tình yêu biến thành tình nghĩa, và Việt Bắc trở thành tiếng hát ân tình thủy chung của những người kháng chiến, của cả dân tộc trong một thời điểm rất đáng ghi nhớ

- Nét đặc sắc cao quý của Việt Bắc chính là ở chỗ nghèo cực mà chân tình, rộng mở, mà son sắt, thủy chung với Cách mạng

- Bài thơ có ý vị đậm đà, đặc biệt do nỗi nhớ…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BackToTop