Trang chủ

Soạn bài Khởi ngữ

Xuất bản: 12/02/2020 - Cập nhật: 07/05/2020 - Tác giả:

Soạn bài Khởi ngữ chi tiết nhất được biên soạn giúp bạn nắm vững kiến thức và trả lời câu hỏi trang 7, 8 SGK Ngữ văn 9 tập 2

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Khởi ngữ gồm 2 phần ôn tập và gợi ý trả lời câu hỏi sách giáo khoa sẽ giúp các bạn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học.

Cùng tham khảo...

Kiến thức cơ bản

a) Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ và nêu lên đề tài liên quan được nói đến trong câu.

Trước từ ngữ làm khởi ngữ, có thể có sẵn hoặc dùng các quan hệ từ như về, đối với và có thể thêm “thì" sau khởi ngữ.

- Yếu tố ở khởi ngữ có thể được lặp lại bằng một từ thay thế: Quyển sách này tôi đọc nó rồi.

- Yếu tố ở khởi ngữ có thể tỉnh lược, tại vị trí tỉnh lược, có thể đặt yếu tố tương đương (ví dụ trên).

b) Khởi ngữ có quan hệ gián tiếp với phần câu còn lại:

Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được.

(Nguyễn Đình Thi)

Hướng dẫn soạn bài Khởi ngữ

Hướng dẫn trả lời các câu hỏi trang 7 và trang 8 sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 2:

Đặc điểm và công dụng của khởi ngữ

1 - Trang 7 SGK

Phân biệt các từ ngữ in đậm với chủ ngữ trong những câu sau về vị trí trong câu và quan hệ với vị ngữ

(a) Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

(b) Giàu, tôi cũng giàu rồi.

(Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng)

(c) Về các thể văn trong lĩnh vực văn nghệ, chúng ta có thể tin ở tiếng ta, không sợ nó thiếu giàu và đẹp […]

(Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)

Trả lời

Các thành phần in đậm đứng trước chủ ngữ.

- Chủ ngữ của câu (a) là từ anh thứ 2 (Còn anh, anh không ghìm nỗi xúc động.)

- Chủ ngữ của câu (b) là từ tôi.

- Chủ ngữ của câu (c) là từ chúng ta.

Nhận xét:

- Các từ in đậm đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu.

- Quan hệ với vị ngữ: các từ ngữ in đậm không phải là chủ ngữ trong câu, không có quan hệ với thành phần vị ngữ.

2 - Trang 8 SGK

Trước các từ ngữ in đậm nói trên, có (hoặc có thể thêm) những quan hệ từ nào?

Trả lời

Trước các từ in đậm ta có thể thêm các từ: còn, đối với, về.

Luyện tập

1 - Trang 8 SGK - Soạn bài Khởi ngữ phần Luyện tập

Tìm các khởi ngữ trong các đoạn trích sau đây:

a) Ông cứ đứng vờ vờ xem tranh ảnh chờ người khác đọc rồi nghe lỏm. Điều này ông khổ tâm hết sức.

(Kim Lân, Làng)

b) - Vâng! Ông giáo dạy phải! Đối với chúng mình thì thế là sung sướng.

(Nam Cao, Lão Hạc)

c) Một mình thì anh bạn trên trạm đỉnh Phan - xi - păng ba nghìn một trăm bốn mươi hai mét kia  mới một mình hơn cháu.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

d) Làm khí tượng, ở được cao thế mới là lí tưởng chứ.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

e) Đối với cháu, thật là đột ngột [...].

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

Gợi ý: Tìm khởi ngữ bằng cách tìm các từ đứng trước chủ ngữ, có tác dụng nêu lên đề tài của cậu, làm cho người nghe chú ý theo dõi nội dung tiếp theo.

Trả lời:

a) Điều này,

b) Đối với chúng mình;

c) Một mình;

d) Làm khí tượng

e) Đối với cháu

2 - Trang 8 SGK- Soạn bài Khởi ngữ phần Luyện tập

Hãy viết lại các câu sau đây bằng cách chuyển phần được in đậm thành khởi ngữ (có thể thêm trợ từ thì):

a) Anh ấy làm bài cẩn thận lắm.

b) Tôi hiểu rồi nhưng tôi chưa giải được.

Trả lời

Bài tập này yêu cầu các em viết lại các câu dẫn ở SGK trang 8 bằng cách chuyển phần được in đậm thành khởi ngữ (có thể thêm từ thì).

a) ➜ Làm bài thì anh ấy cẩn thận lắm.

b) ➜ Hiểu thì tôi hiểu rồi nhưng giải thì tôi chưa giải được.

Tổng kết

Những kiến thức cần ghi nhớ:

Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu.

• Trước khởi ngữ, thường có thể thêm các quan hệ từ: về, đối với,...

// Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 9 bài Khởi ngữ này sẽ giúp các bạn ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc bạn luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Khởi ngữ một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM