Trang chủ

Giải KHTN 7 Bài 17 Chân trời sáng tạo : Ảnh của vật tạo bởi gương phẳng

Xuất bản: 07/10/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn giải KHTN 7 bài 17 Chân trời sáng tạo : Ảnh của vật tạo bởi gương phẳng, gợi ý trả lời các câu hỏi trong nội dung bài học trang 86 - 89 SGK Khoa học Tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi bài tập giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 17: Ảnh của vật tạo bởi gương phẳng, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi đến lớp cho nội dung bài học tìm hiểu về tính chất ảnh của vật qua gương phẳng, cách dựng ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng.

Giải KHTN 7 bài 17 Chân trời sáng tạo

Nội dung chi tiết tài liệu tham khảo giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 bài 17 Chân trời sáng tạo:

Câu hỏi mở đầu trang 86 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Vì sao ở xe cứu thương và xe cứu hỏa thường có các dòng chữ viết ngược?

Trả lời:

Ở xe cứu thương và xe cứu hỏa thường có các dòng chữ viết ngược như hình bên vì khi các xe đi trước nhìn qua gương chiếu hậu sẽ nhìn thấy dòng chữ xuôi trên xe cứu thương và xe cứu hỏa và từ đó, nhường đường cho hai xe này đi trước.

1. Tính chất ảnh tạo bởi gương phẳng

Câu 1 trang 86 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Từ thí nghiệm 1, em hãy cho biết ảnh của nến tạo bởi gương phẳng có hứng được trên màn chắn không. Điều đó cho thấy ảnh của vật tạo bởi gương phẳng có tính chất gì?

Trả lời:

Qua thí nghiệm 1 ta thấy ảnh của nến tạo bởi gương phẳng không hứng được trên màn chắn. Điều đó chứng tỏ ảnh của vật tạo bởi gương phẳng có tính chất là ảnh ảo.

Câu 2 trang 87 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Trong thí nghiệm 2, vì sao cần thay gương phẳng bằng tấm kính trong suốt.

Trả lời:

Trong thí nghiệm 2 cần thay gương phẳng bằng tấm kính trong suốt vì tấm kính vừa tạo ra ảnh của ngọn nến thứ nhất, vừa cho ta nhìn thấy các vật ở phía bên kia của tấm kính. Do đó, giúp ta có thể dễ dàng đo và so sánh được khoảng cách từ ảnh đến gương phẳng với khoảng cách từ vật đến gương.

Câu 3 trang 87 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Sau khi thắp sáng nến 1, nhìn vào gương, em có thấy dường như nến 2 cũng "sáng lên"? Giải thích.

Trả lời:

Sau khi nến 1 được thắp sáng, nhìn vào gương, em thấy dường như nến 2 cũng "sáng lên" vì: độ lớn của nến 2 bằng với ảnh của nến 1 nên khi thắp sáng nến 1, ảnh của nó xuất hiện đúng vị trí của nến 2 khiến nó dường như cũng sáng lên.

Câu 4 trang 87 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Từ thí nghiệm 2, hãy nêu nhận xét về:

a) khoảng cách từ ảnh đến gương phẳng so với khoảng cách từ vật đến gương.

b) độ lớn của ảnh tạo bởi gương phẳng so với độ lớn của vật.

Trả lời:

a) Khoảng cách từ ảnh đến gương phẳng bằng khoảng cách từ vật đến gương.

b) Độ lớn của ảnh tạo bởi gương phẳng bằng độ lớn của vật.

2. Dựng ảnh của một vật tạo bởi gương phẳng

Câu hỏi củng cố trang 88 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Một miếng bìa hình tam giác vuông đặt trước một gương phẳng như hình dưới. Hãy dựng ảnh của miếng bìa tạo bởi gương phẳng (G)

Trả lời:

Các bước dựng ảnh của miếng bìa tạo bởi gương phẳng (G):

- Bước 1. Dựng điểm A' đối xứng với A; điểm B' đối xứng với B và điểm C' đối xứng với C qua gương.

+ Kẻ CH vuông góc với mặt gương, cắt gương tại điểm H, A nằm trên đoạn CH. Kéo dài AH lấy điểm A' sao cho: A'H = AH; lấy điểm C' sao cho C'H = CH. Ta được điểm A', C' lần lượt là ảnh của điểm A và C qua gương.

+ Kẻ BK vuông góc với mặt gương, kéo dài BK lấy điểm B' sao cho: B'K = BK. Ta được B' là ảnh của B qua gương.

- Bước 2. Nối A'; B' và C' ta được ảnh A'B'C' của miếng bìa ABC qua gương (G).

Câu hỏi vận dụng trang 88 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

- Hãy đoán xem dòng chữ đã viết trên tờ giấy ở hình bên là gì? Giải thích?

- Giải thích câu hỏi ở phần Mở đầu của bài học này.

Trả lời:

- Dòng chữ đã viết trên tờ giấy là chữ MẮT vì ảnh của vật qua gương phẳng có chiều ngược với chiều của vật.

- Ở xe cứu thương và xe cứu hoả thường có các dòng chữ viết ngược để những phương tiện đi trước, thông qua gương chiếu hậu, có thể nhìn thấy đúng chiều của nó và nhường đường cho các loại xe ưu tiên này đi qua.

Giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 17 phần Bài tập

Câu 1 trang 89 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Cho một điểm sáng S đặt trước gương phẳng, cách gương 4cm. Hãy dựng ảnh S' của S tạo bởi gương theo 2 cách:

a) Áp dụng tính chất ảnh của vật tạo bởi gương phẳng.

b) Áp dụng định luật phản xạ ánh sáng.

Trả lời:

a) Ảnh S' của S áp dụng tính chất ảnh của vật tạo bởi gương phẳng:

- Dựng điểm S’ đối xứng với điểm S qua gương.

- Ta thực hiện vẽ như sau: Từ S hạ SH vuông góc với gương tại H, kéo dài SH lấy điểm S’ sao cho S’H = SH = 4 cm. S’ là ảnh của S qua gương phẳng.


b) Ảnh S' của S áp dụng định luật phản xạ ánh sáng:

Các bước vẽ ảnh S' như sau:

- Từ S vẽ một chùm sáng được giới hạn bởi hai tia sáng SI1 và SI2 tới gương.

- Áp dụng định luật phản xạ ánh sáng, vẽ chùm tia sáng phản xạ được giới hạn bởi các tia sáng phản xạ I1R1 và I2R2 tương ứng.

- Tìm giao điểm S' của chùm phản xạ bằng cách kéo dài các tia sáng phản xạ (biểu diễn bằng nét đứt). Các đường này cắt nhau tại S’. S’ là ảnh ảo của S.

Câu 2 trang 89 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Hình dưới biểu diễn một học sinh đứng cách gương phẳng 2 m. Có một bức tường ở phía sau cách học sinh 1m. Ảnh của bức tường tạo bởi gương phẳng cách nơi học sinh đứng bao nhiêu mét?

Trả lời:

Gọi khoảng cách từ bức tường đến học sinh là AB = 1m.

khoảng cách từ học sinh đến gương là BC = 2m.

=> Khoảng cách từ bức tường đến gương là AC = AB + BC = 1 + 2 = 3 (m).

Gọi khoảng cách từ ảnh của bức tường đến gương là CA' ta có: CA' = AC = 3 (m).

Vậy khoảng cách từ ảnh của bức tường tạo bởi gương phẳng đến nơi học sinh đứng là:

BA' = BC + CA' = 2 + 3 = 5 (m).

-/-

Các bạn vừa tham khảo toàn bộ nội dung soạn KHTN 7 bài 17 Chân trời sáng tạo: Ảnh của vật tạo bởi gương phẳng do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM