Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2021 Quảng Xương 1 lần 2 (có đáp án)

Xuất bản: 23/03/2021 - Cập nhật: 29/03/2021 - Tác giả:

Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2021 Quảng Xương 1 lần 2 (có đáp án) vừa diễn ra với chủ đề Sự trưởng thành là nhiệm vụ cá nhân.

Cùng Đọc tài liệu tham khảo mẫu đề thi thử tốt nghiệp THPT môn Văn năm học 2020 - 2021 lần thi thứ nhất của trường THPT Quảng Xương tại đây.

Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn Quảng Xương 1 lần 2

Cùng Đọc tài liệu tham khảo và thử sức với đề thi thử tốt nghiệp THPT 2021 này trong 120 phút rồi đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.

TRƯỜNG THPT QUẢNG XƯƠNG 1

GIAO LƯU KIẾN THỨC THI THPT QUỐC GIA

LẦN 2- NĂM HỌC 2020 - 2021

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Sự trưởng thành là nhiệm vụ cá nhân và tạo ra môi trường cho mọi người trở nên trưởng thành là nhiệm vụ của gia đình, trường học, xã hội. Trưởng thành là một quá trình thay đổi về tư duy lẫn nhận thức, nó không liên quan tới tuổi tác hay môi trường sống cũng không liên quan tới ngoại hình hay vật chất bên ngoài. Có người trưởng thành rất sớm nhưng có người chỉ lớn xác mà không bao giờ chịu trưởng thành.

Mục tiêu đầu tiên của đàn ông nên là trở thành người trưởng thành thay vì thành đạt hay quyền lực. Các cô gái cũng vậy, muốn lấy được tấm chồng tốt cũng nên đặt tiêu chí tìm người trưởng thành làm gốc. Cha mẹ nên mong và tạo điều kiện cho con cái trưởng thành thay vì để chúng là những đứa con lớn xác biết nghe lời. Bởi vì vâng lời hay ngoan hiền không có nghĩa là trưởng thành.

Dù trọng tâm cuộc sống của bạn đã và đang đặt ở đâu: vật chất, danh vọng, quyền lực, gia đình, người yêu… hãy tạm gác lại và ưu tiên vào bản thân mình trước. Hãy biến mình trở thành người trưởng thành, một cây cao có tán lá sum sê và bộ rễ vững chãi, có vậy mới không có cơn bão nào quật ngã, chim muông sẽ đến dưới tán lá trú ngụ và bạn sẽ không còn cảm thấy chông chênh…

(Trích sách Sống như ngày mai sẽ chết - Phi Tuyết - Nxb Thế Giới, 2017)

Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên? (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, trưởng thành là gì? (0,75 điểm)

Câu 3. Anh/chị hiểu câu “vâng lời hay ngoan hiền không có nghĩa là trưởng thành” như thế nào? (0,75 điểm)

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm Có người trưởng thành rất sớm nhưng có người chỉ lớn xác mà không bao giờ chịu trưởng thành hay không? Vì sao? (1,0 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về ý nghĩa sự trưởng thành của con người trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)

Trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", nhà văn Tô Hoài viết:

"Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt  trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ ... Mị phảng phất nghĩ như vậy.

Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ…

Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại…Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng "Đi ngay…", rồi Mị nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:

- A Phủ cho tôi đi

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:

- Ở đây thì chết mất".

(Trích Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, Nxb GD,2008, tr.13,14)

Cảm nhận của anh/chị về diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đoạn trích trên.

-------Hết-------

Thí sinh không sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp 2021 môn Văn Quảng Xương 1 lần 2

Phần I. Đọc hiểu

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính : Nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, trưởng thành là một quá trình thay đổi về tư duy lẫn nhận thức, nó không liên quan tới tuổi tác hay môi trường sống cũng không liên quan tới ngoại hình hay vật chất bên ngoài. Nó giúp chúng ta có cái nhìn tích cực hơn là tiêu cực, nó là những suy nghĩ không còn trẻ con, bướng bỉnh. Và sự trưởng thành ấy có sự ảnh hưởng của gia đình, trường học và xã hội.

Câu 3. Hiểu câu “vâng lời hay ngoan hiền không có nghĩa là trưởng thành”:

- Một đứa trẻ vâng lời vì muốn hài lòng bố mẹ mà làm mọi thứ cha mẹ chúng dạy bảo. Lâu dần, việc vâng lời trở thành thói quen khiến chúng chôn giấu cảm xúc và suy nghĩ thật của mình.

- "Ngoan hiền" là một trong cách ứng xử có văn hoá, nhưng để có một cuộc sống tốt đẹp thực sự, những đứa trẻ đôi khi sẽ cần có thêm cá tính mạnh mẽ.

-> Một đứa trẻ vâng lời hay ngoan hiền không chứng minh đó là sự trưởng thành.

- Trưởng thành đúng nghĩa là khi ta lớn lên cả tư duy lẫn nhận thức, dám sống, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước mọi vấn đề của bản thân và hướng đến những điều tốt đẹp để sống, chứ không phải lúc nào cũng nghe lời bố mẹ một cách thụ động mà bỏ qua suy nghĩ thật của mình.

Câu 4.

* Thí sinh có thể trả lời đồng tình, hoặc không đồng tình miễn là có lí giải hợp lí.

* Đề xuất phương án trả lời:

- Đồng tình với ý kiến: Có người trưởng thành rất sớm nhưng có người chỉ lớn xác mà không bao giờ chịu trưởng thành

- Bởi vì: không có giới hạn nào cho độ tuổi trưởng thành cả. Con người sẽ trưởng thành từ rất sớm nếu có được những trải nghiệm hay cọ xát, va đập với thực tế cuộc sống. “Người lớn” chưa trưởng thành, tức là lớn về mặt sinh học, nhưng không đủ kỹ năng để tự sống hay lo cho bản thân, thiếu chín chắn về nhận thức, biến mình thành một nỗi lo cho phụ huynh và xã hội. Chính vì vậy, mỗi chúng ta hãy học cách đương đầu với những thử thách cuộc sống, tự nâng cao nhận thức để "biến mình trở thành người trưởng thành", mạnh mẽ hơn, dày dặn kinh nghiệm hơn.

- Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận nhỏ các bạn trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa của sự trưởng thành, họ thụ động, trông chờ, ỷ lại…Những người như họ cần phải thay đổi và điều chỉnh…

* Thí sinh có thể trả lời phương án khác miễn là lí giải hợp lí.

II LÀM VĂN

Câu 1. Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về ý kiến được nêu trong đề.

1.1. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, qui nạp, móc xích, song hành hoặc tổng - phân - hợp.

1.2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Bàn về ý nghĩa sự trưởng thành của con người trong cuộc sống.

1.3. Triển khai vấn đề nghị luận thành đoạn văn hoàn chỉnh; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

* Giải thích

Trưởng thành là sự "lớn lên", chín chắn về mặt nhận thức, suy nghĩ, tình cảm, không đơn thuần là lớn lên về thể xác bên ngoài.

* Bàn luận

Ý nghĩa sự trưởng thành của con người trong cuộc sống:

+ Để trưởng thành, con người phải trải qua những nghịch cảnh, những khó khăn trong cuộc sống. Từ đó, trưởng thành giúp con người tự tin, tự lập, sống có ý nghĩa, sống có ích.

+ Quá trình trưởng thành giúp con người trở nên rắn rỏi hơn, nhận ra được những lỗi lầm của mình, đối diện với những khó khăn, thất bại, cố gắng sửa chữa và hoàn thiện bản thân từng ngày một.

+ Sự trưởng thành giúp mỗi người mở mang thêm tri thức và kinh nghiệm.

+ Sự trưởng thành giúp ta cảm nhận tình yêu thương của người thân yêu trong gia đình, sự chia sẻ khó khăn với những người khác, làm ta biết gắn bó với mọi người xung quanh.

(HS lấy dẫn chứng để làm rõ ý nghĩa của sự trưởng thành)

* Bài học nhận thức và hành động 0,25

+ Về nhận thức: phải hiểu giá trị của trưởng thành để có niềm tin vào cuộc sống.

+ Về hành động: bản thân độc lập trong suy nghĩ và hành động, biết trải nghiệm cuộc sống, rèn bản lĩnh, sống đồng cảm và sẻ chia…

1.4. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

1.5. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ và sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đoạn trích trên.

2.1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận vấn đề.

2.2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cảm nhận của anh/chị về diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị.

2.3 Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

a. Tác giả, tác phẩm, đoạn trích

- Là nhà văn nặng tình với Hà Nội nhưng Tô Hoài (1920-2014) rất có  duyên với miền núi phía Bắc, văn ông thể hiện vốn sống, vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán địa phương và thiên về diễn tả sự thật đời thường. Ông có lối kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, sinh động, cách miêu tả giàu chất tạo hình, vốn ngôn ngữ phong phú…

- Truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" được sáng tác năm 1952, sau chuyến đi 8 tháng cùng bộ đội vào giải phóng miền Tây Bắc, in trong tập "Truyện Tây Bắc" (1953). Tác phẩm phản ánh chân thực và sinh động con đường đi theo Cách mạng của người dân miền núi cao Tây Bắc.

- Đoạn văn ngắn miêu tả sự trỗi dậy của sức sống tiềm tàng ở nhân vật Mị trong đêm đông cắt dây trói cứu A Phủ và tự giải thoát cuộc đời mình của Mị. Qua đó, tác giả đã thể hiện rất rõ tư tưởng, chủ đề của tác phẩmniềm tin vào sức sống bất diệt ở những người lao động bị vùi dập tàn nhẫn bởi cường quyền và thần quyền.

b. Khái quát về nhân vật Mị 0,5

- Mị đã để lại ấn tượng trong lòng người đọc qua một thân phận đặc biệt: vừa là con nợ, vừa là con dâu. Dưới sự đày ải của cường quyền và thần quyền, Mị bị “vật hóa” , kiếp người là kiếp vật, chấp nhận sự tồn tại “chết ngay từ khi còn sống”…

- Chính lòng tin yêu sâu sắc vào con người đã giúp Tô Hoài khám phá và miêu tả chân thực quá trình hồi sinh sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong lòng người đàn bà bất hạnh qua những diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm đông cắt dây trói cứu A Phủ.

c. Cảm nhận tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đoạn trích.

* Khái quát ngắn gọn hoàn cảnh xuất hiện của nhân vật trong đêm đông cắt dây cởi trói cho A Phủ: Sau đêm tình mùa xuân năm ấy, Mị lại quay về với con người cũ: nhẫn nhục, vô cảm. Nhưng sức sống mãnh liệt lại trở về với cô trong một đêm đông lạnh lẽo ở Hồng Ngài.

* Diễn biến tâm trạng:

- Lúc đầu Mị rất vô cảm khi thấy A Phủ bị trói: "A Phủ có là xác chết đứng đấy cũng thế thôi" …

- Thương mình, đồng cảm, thương cho người: nhìn thấy "dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại" của A Phủ, Mị sực nhớ ra chính mình cũng đã từng bị trói đứng như thế…

- Sự thức tỉnh ý thức:

. Mị phẫn uất, căm hờn: "Chúng nó thật độc ác"

. Nhận ra dấu hiệu về cái chết, phán đoán "chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết…", Mị nghĩ đến sự vô lí trong cái chết của A Phủ "người kia việc gì phải chết"…

. Nghĩ tới việc A Phủ trốn thoát, Mị chết thay, Mị cũng không sợ.

=> Tình thương vượt lên trên sự sợ hãi, lấn át cả nỗi thương thân, khiến Mị có hành động bất ngờ cắt dây cởi trói cứu A Phủ.

+ Hành động bột phát của Mị- cắt dây trói cứu A Phủ: "Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây…"

+ Ý thức thực sự trở về: Mị "đột nhiên hốt hoảng"

+ Mị giải thoát cho chính mình:“Mị đứng lặng trong bóng tối”-> nhìn A Phủ khuỵu xuống, rồi bật dậy, vùng chạy lao đi tìm sự sống, Mị hiểu điều mình cần làm ngay lúc này- giải thoát cho chính mình.

+ Hành động của Mị: "Mị băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc", "Mị nói, thở"-> Mị hành động bất ngờ nhưng là tất yếu bởi Mị thương người mà cứu được người, tại sao Mị lại không thể cứu được mình khi đã biết thương mình?

+ Tiếng nói xin được giải thoát: "A Phủ cho tôi đi", "Ở đây thì chết mất".

=> Ở đêm tình mùa xuân: Sự tác động của ngoại cảnh, khung cảnh mùa xuân, hơi men và tiếng sáo đã làm Mị trỗi dậy sức sống mãnh liệt nhưng vẫn chưa đủ mạnh để Mị hóa giải thân phận nô lệ của chính mình. Sức sống của Mị chỉ được trỗi dậy trong chốc lát mùa xuân, rồi cô lại trở về trạng thái lầm lũi, nhẫn nhục như "con rùa nuôi nơi xó cửa".

=> Ở đêm đông: Khát vọng sống mãnh liệt đã thức tỉnh hoàn toàn trở thành những hành động quyết liệt, triệt để giúp Mị chống lại vòng cương tỏa độc ác của cha con Pá Tra giải thoát cho chính mình.

d. Đánh giá, nâng cao

- Tâm trạng và hành động của Mị từ trước đến sau khi cắt dây trói cứu A Phủ thoạt nhìn không thống nhất nhưng lối rẽ táo bạo bất ngờ ấy là kết quả tất yếu của một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt. Nhờ sức sống ấy Mị tự thức tỉnh, nhanh chóng giác ngộ trở thành con người làm chủ vận mệnh sau này. Miêu tả sự trỗi dậy mạnh mẽ ở nhân vật Mị, Tô Hoài đem đến cho tác phẩm giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ, vươn xa so với chủ nghĩa nhân đạo trong văn học truyền thống.

- Đoạn văn bộc lộ tài năng của Tô Hoài trong việc xây dựng, khắc họa nhân vật, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm trạng, hành động nhân vật Mị một cách tinh tế, tài hoa.

-> Tư tưởng và tài năng ấy đã góp phần đưa Tô Hoài trở thành cây bút lớn của Văn học Việt Nam hiện đại. Quả thật, "Văn chương Tô Hoài sẽ còn mãi, xanh biếc theo thời gian. Vì nó lưu giữ cho chúng ta đời sống. Vì nó phả lại nhịp đập của lịch sử. Vì nó nói lên câu chuyện muôn đời của kiếp nhân sinh" (PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân)

Nguồn: GVBM trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa)

-/-

Kết thúc đề thi thử  tốt nghiệp THPT 2021 môn Văn lần 1 của Quảng Xương 1 ( Thanh Hóa) theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây. Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2021 của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BackToTop