Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,
Nhằm hỗ trợ các em trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi tiếp tục cung cấp một bài thi thử môn Ngữ văn cho kỳ thi THPT Quốc gia 2024. Đây chắc chắn là một tài liệu mới nhất mà chúng tôi đã cập nhật, nhằm giúp các em tự tin và thành công trong kỳ thi sắp tới.
Dưới đây là đề thi thử môn văn 2024 mẫu đề số 11.
Đề văn thi thử THPT quốc gia 2024 mẫu số 11
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi:
(1) Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái. Hãy nhớ rằng con cái chúng ta luôn luôn “được voi, đòi tiên”, bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái... Trẻ em càng được nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút, mà đó là điều tối kỵ. Trước hết, chúng phải biết ơn cha mẹ mình, biết rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn cha mẹ đã vất vả như thế nào để nuôi con ăn học. Sự biết ơn đó chính là một động lực để thúc đẩy các con ra sức học hành. Đối với con cái, nếu “yêu cho roi cho vọt” là quan điểm sai lầm thì “yêu cho ngọt cho bùi” cũng sai lầm không kém.
(2) Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đắng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội.
Đối với những người như vậy một sự chia sẻ về vật chất và tinh thần, một lời động viên, một cử chỉ đồng cảm... chính là thể hiện lòng nhân ái đối với họ. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kị, sự vô cảm, sự thù hận... và làm cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp và cao thượng hẳn lên.
(3) Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh mình, đang diễn ra hàng ngày..., để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng.
Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự... nhiều hơn với người thân trong gia đình chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng. Trong tình hình hiện nay các mạng xã hội trên Internet mang lại nhiều nguy hiểm cho con trẻ chúng ta... Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thế giới ảo (…)”
(Văn Như Cương, Thư gửi các bậc cha mẹ học sinh trường THPT Lương Thế Vinh, dẫn theo tuoitre.vn)
Câu 1: (0.5 điểm) Chỉ ra phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản.
Câu 2: (0.5 điểm) Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong phần (3) của văn bản?
Câu 3: (1.0 điểm) Trong phần (1) và (2), theo tác giả, các bậc cha mẹ cần dạy cho con cái mình những đức tính nào? Vì sao những đức tính đó lại cần thiết với đứa trẻ?
Câu 4: (1.0 điểm) Theo anh/chị, quan điểm: “Trẻ em càng được nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút”có đúng không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Hãy viết đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ bàn luận về tác động của mạng xã hội đối với giới trẻ được gợi ra từ phần (3) của văn bản trong phần đọc hiểu.
Câu 2 (5,0 điểm) Trần Đăng Xuyền có nhận định: “Bài thơ Tây Tiến có hai đặc điểm nổi bật: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng” (Giảng văn văn học Việt Nam - NXB Giáo dục).
Anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên bằng việc phân tích đoạn thơ sau:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
(Quang Dũng)
------ Hết ------
Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.
-/-
Mới nhất: Đáp án đề thi Văn thpt quốc gia năm nay và các năm trước đã thi với barem điểm được cập nhật sớm nhất sau kì thi chính thức diễn ra.
Chi tiết đáp án như sau:
Đáp án đề văn thi thử THPT quốc gia 2024 mẫu số 11
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản: Phong cách sinh hoạt
Câu 2: Những biện pháp tu từ được sử dụng trong phần (3) của văn bản: - Phép điệp: Hãy, để chúng, thế giới ảo.
- Liệt kê: nói chuyện, trao đổi, tâm sự
- Tương phản- đối lập: thế giới có thật- thế giới ảo
Câu 3:
- Theo tác giả, cha mẹ cần dạy cho con cái mình hai đức tính quan trọng: lòng biết ơn và lòng nhân ái (lòng thương người, tính đôn hậu).
- Vì lòng biết ơn cha mẹ là động lực cho đứa trẻ học hành, tu dưỡng. Còn lòng nhân ái giúp đứa trẻ biết sẻ chia, trở nên tốt đẹp và cao thượng hơn. Hai đức tính này giúp đứa trẻ tích cực trau dồi tri thức và rèn luyện nhân cách.
Câu 4:
- Quan điểm của tác giả: “Trẻ em càng được nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút” có phần chính xác. Bởi vì, khi đứa trẻ muốn điều gì đều được đáp ứng ngay chúng sẽ coi đó là điều tất yếu, xứng đáng được hưởng, không cần phải cố gắng và biết ơn.
- Nhưng cũng có trường hợp những đứa trẻ nhận được điều gì từ cha mẹ dù nhiều hay ít, vẫn luôn thấu hiểu tình yêu thương và sự cố gắng mà cha mẹ dành cho chúng.
- Vậy nên, trẻ có lòng biết ơn hay không, chủ yếu phụ thuộc vào cách giáo dục của cha mẹ khi đáp ứng những yêu cầu của con cái.
II. LÀM VĂN
Câu 1
a.Yêu cầu về kĩ năng: Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn 200 chữ, diễn đạt mạch lạc.
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Bàn luận về tác động của mạng xã hội đối với giới trẻ được gợi ra từ phần (3).
c. Yêu cầu về kiến thức:
Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
Có thể theo hướng sau:
-Giải thích:
+ Mạng xã hội được hiểu là những trang thông tin giải trí sử dụng mạng Internet để kết nối mọi người.
+ Mạng xã hội ngày một phát triển, tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ.
-Bàn luận:
+ Mạng xã hội thực sự là một phát minh hữu ích của nhân loại, nối liền những khoảng cách không gian.
+ Tuy nhiên làm sao để mạng xã hội hạn chế được những mặt trái thì còn là vấn đề cần sự chung tay của cả cộng đồng.
- Phê phán những người chạy theo thế giới ảo trên Internet.
- Liên hệ rút ra bài học nhận thức và hành động.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp lãng mạn và tinh thần bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận; đảm bảo các yêu cầu sau:
Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề nghị luận (dẫn nhận định).
Thân bài:
* Giải thích:
- Cảm hứng lãng mạn trong văn học là cảm hứng khẳng định cái tôi tràn đầy cảm xúc, hướng về lí tưởng. Nó đi tìm cái đẹp trong những cái khác lạ, phi thường độc đáo, vượt lên những cái tầm thường, quen thuộc của đời sống hàng ngày, nó đề cao nguyên tắc chủ quan, phát huy cao độ sức mạnh của trí tưởng tượng liên tưởng.
-> Vẻ đẹp lãng mạn thể hiện ở cảm hứng hướng tới cái cao cả, sẵn sàng hi sinh cho lí tưởng chung của dân tộc, thể hiện ở vẻ đẹp tâm hồn hào hoa, thơ mộng.
- Tinh thần bi tráng: Bi: Gian khổ, hi sinh; Tráng: Hào hùng, tráng lệ.
-> Sự gian khổ, hi sinh được thể hiện qua màu sắc hào hùng, tráng lệ, bi mà không lụy.
* Biểu hiện vẻ đẹp lãng mạn của hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ:
- Đó là cách nhìn người lính có vẻ tiều tụy trong hình hài nhưng lại chói ngời vẻ đẹp lí tưởng, mang dáng dấp của những tráng sĩ thời xưa. Thực tế gian khổ thiếu thốn đã làm cho người lính da dẻ xanh xao, sốt rét làm họ trụi cả tóc. Quang Dũng không hề che giấu những sự thực tàn khốc đó. Song, cái nhìn lãng mạn của ông đã thấy họ ốm mà không yếu và ngòi bút lãng mạn của ông đã biến họ thành những bức chân dung lẫm liệt, oai hùng. Cái vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính, qua cái nhìn của ông, vẫn toát lên cái oai phong của những con hổ nơi rừng thiêng.
- Cái nhìn nhiều chiều của Quang Dũng đã giúp ông nhìn thấy xuyên qua cái vẻ oai hùng, dữ dằn bề ngoài của những người lính Tây Tiến là những tâm hồn còn rất trẻ, những trái tim rạo rực, khao khát yêu đương (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm).
-> Như vậy, nhà thơ Quang Dũng đã tạc lên bức tượng đài tập thể những người lính Tây Tiến không chỉ bằng những đường nét khắc họa dáng vẻ bề ngoài mà con thể hiện được cả thế giới tâm hồn bên trong đầy mộng mơ của họ.
* Biểu hiện tinh thần bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ:
- Nhà thơ không hề che dấu sự gian khổ, khó khăn, những căn bệnh hiểm nghèo và cả những hi sinh, mất mát của người lính.
- Người lính Tây Tiến không chỉ tự nguyện chấp nhận mà còn vượt lên cái chết, sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho tổ quốc. Đó là dũng khí, tinh thần và hành động cao đẹp. Tư thế ra trận, lí tưởng lên đường hào hùng mà bi tráng.
- Khi miêu tả những người lính Tây Tiến, ngòi bút của Quang Dũng không hề nhấn chìm người đọc vào cái bi thương, bi lụy. Bài thơ viết về sự hi sinh của người lính một cách thấm thía bằng cảm hứng bi tráng. Cái chết của người lính gợi lên sự bi thương nhưng họ đã “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, đó là cái chết thiêng liêng, bất tử.
-> Cảm hứng của ông mỗi khi chìm vào cái bi thương lại được nâng đỡ bằng đôi cánh của lí tưởng, của tinh thần lãng mạn.
* Đánh giá chung:
- Bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa cái nhìn hiện thực và cảm hứng lãng mạn. Thể thơ 7 chữ chắc khỏe mang giọng điệu hào hùng như một khúc quân hành. Thủ pháp đối lập tương phản đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn được sử dụng triệt để, phát huy cao độ trí tưởng tượng, sử dụng yếu tố cường điệu để tô đậm vẻ khác thường, phi thường của người lính...
- Nhà thơ Quang Dũng đã dựng lên bức tượng đài người lính vừa mang vẻ đẹp lãng mạn, vừa đậm chất bi tráng, vừa chân thực, vừa có sức khái quát, tiêu biểu cho vẻ đẹp, sức mạnh của dân tộc ta trong thời kì đầu chống thực dân Pháp.
Kết bài: Khẳng định lại sự đúng đắn của lời nhận định và giá trị bài thơ, đoạn thơ.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận
Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.
Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử thpt quốc gia môn văn 2024 của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!