Đáp án đề thi Văn vào lớp 10 tỉnh Bắc Giang 2018

Xuất bản: 05/06/2018 - Cập nhật: 26/07/2021 - Tác giả:

Cập nhật đề thi và đáp án tham khảo môn Văn vào lớp 10 tỉnh Bắc Giang năm 2018. Thang điểm chuẩn đề Văn vào 10 Bắc Giang ngày hôm nay.

NEW: Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2021 Bắc Giang

Đề thi môn Văn vào lớp 10 tỉnh Bắc Giang năm 2018

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BẮC GIANG
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
NĂM HỌC 2018-2019
MÔN THI: NGỮ VĂN
ĐỀ THI CHÍNH THỨCNgày thi: 05/6/2018
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)

Câu 1 (2,0 điểm).

Đọc bài thơ sau và trả lời những câu hỏi ở dưới:

Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi.
Nhà em vẫn tiếng ạ ời
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru.
Lời ru có gió mùa thu
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về.
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.

(Mẹ, Trần Quốc Minh, Theo Thơ chọn với lời bình,
NXB Giáo dục, 2002, tr. 28 - 29)

a. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
b. Trong bài thơ, những âm thanh nào được tác giả nhắc đến?
c. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau:

Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.

Câu 2 (3,0 điểm).

Em hãy viết một bài văn (khoảng 300 chữ) bàn về lòng hiếu thảo.

Câu 3 (5,0 điểm).

Cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong đoạn trích sau:

Cổ ông lão nghẹn ắng hằn lại, da mặt tê rần rần. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi:

- Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại ...
[...] Ông lão vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác, rồi đi thẳng [...]
Ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi. Ông thoáng nghĩ đến mụ chủ nhà.
Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lét đưa nhau ra đầu nhà chơi sặm chơi sụi với nhau.
Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu... Ông lão nắm chặt hai tay lại mà rít lên:
- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.

Ông lão bỗng ngừng lại, ngơ ngơ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy!...

Nhưng sao lại nẩy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích thị là người làng không sai rồi. Không có lửa thì sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước… Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?…

(Trích Làng, Kim Lân, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo Dục, 2014, tr 165 - 166)

------------------------------------- HẾT -------------------------------------

Đáp án tham khảo môn Văn vào lớp 10 tỉnh Bắc Giang năm học 2018

Câu 1: 

a) Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát (0,5 điểm)

b) Trong bài thơ, những âm thanh được tác giả nhắc đến là: tiếng ve, tiếng ạ ời, tiếng võng kêu, tiếng mẹ hát ru.  (0,5 điểm)

c) Biện pháp tu từ: So sánh (0.5 điểm)

Tác dụng:

+ Mẹ chính là nơi mát lành, bình yên suốt cuộc đời của con.  (0.25 điểm)

+ Phép tu từ So sánh trong đoạn thơ đã thể hiện được tấm lòng yêu thương, hi sinh thầm lặng của mẹ đối với con và lòng biết ơn sâu sắc của người con đối với mẹ.  (0.25 điểm)

Câu 2:

a - Nêu được vấn đề nghị luận : Lòng hiếu thảo (0.25 điểm)

b - Giải thích được vấn đề

+ Hiếu thảo : là sự biết ơn người sinh thành dưỡng dục mình, biết kính trọng bề trên, Thảo là mở tấm lòng mình, biết chia ngọt sẻ bùi với người thân nói riêng, với mọi người nói chung. Tóm lại lòng hiểu thảo là sự biết ơn, lòng kính trọng, biết đền đáp của bản thân với những ai đã có công ơn to lớn với chúng ta.

- Biểu hiện: 

+ Tại sao chúng ta cần có lòng hiếu thảo ?

* Cha mẹ là người đã có công rất lớn trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Họ sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ ta nên người. Cha mẹ hết lòng | yêu thương, chăm sóc những đứa con của họ một cách vô điều kiện, luôn bên cạnh, chia sẻ, quan tâm trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn, gian khổ hay lúc thành công hạnh phúc,

* Lòng hiếu thảo của chúng ta không phải chỉ đối với cha mẹ mà | còn được thể hiện với mọi người xung quanh: ông bà, thầy cô, những chiến sĩ cách mạng,...

(Dẫn chứng)

+ Hiểu thảo bằng cách nào ?

* Lúc nhỏ : ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, học tập tốt, giúp đỡ cha mẹ công việc nhà. (0.25 điểm)

* Trưởng thành : phụng dưỡng, chăm sóc cho cha mẹ, ông bà (lúc ốm đau, bệnh tật), quan tâm đến tình cảm cha mẹ. (0.25 điểm)

* Ghi nhớ, biết ơn, tri ân đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô...  (0.25 điểm)

+ Mở rộng vấn đề :

- Phê phán những người không có lòng hiếu thảo. Họ thản nhiên vô phép, đối xử bạc đãi với gia đình, với thầy cô, đặc biệt là cha mẹ (dẫn chứng). (0.5 điểm)

- Bài học:

+ Thế hệ trẻ cần phải biết tôn trọng, gin giữ và phát huy những đạo đức tốt đẹp đối với con người, đặc biệt là lòng hiếu thảo, cần nghiêm khắc lên án, cảnh cáo với những hành vi trái ngược với lương tâm, đạo đức của mỗi người.

- Khẳng định vấn đề : Lòng hiếu thảo là một đức tính tốt đẹp củacon người Việt Nam.

- Liên hệ bản thân : giữ gìn, thực hiện tốt lòng hiếu thảo và luôn ghi nhớ: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”.

Câu 3: 

Ý chính và thang điểm:

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm. (0.25 điểm)

- Giới thiệu được vẻ đẹp chung chủa nhân vật ông Hai trong đoạn trích: tình yêu làng sâu sắc hòa quyện với tinh thần kháng chiến.(0.25 điểm)

- Giới thiệu chung: Ông Hai là nhân vật chính trong tác phẩm, là một lão nông quê ở làng Chợ Dầu đi tản cư theo kháng chiến. Ông là người yêu làng, yêu nước. Ở vùng tản cư, ông nhở làng da diết và luôn tự hào, tìm cách “khoe” tinh thần kháng chiến của làng. (0.5 điểm)

- Tình yêu làng sâu sắc của ông Hai qua tình huống nghe tin làng theo giặc :

+ Ban đầu ông cảm thấy choáng váng, đau xót, bẽ bàng, tủi hổ,... vì không thể ngờ vùng quê mà ông hằng yêu dấu lại trở thành “làng Việt gian". (0.25 điểm)

+ Tin làng theo giặc tác động lên cả thể xác lẫn tinh thần ông Hai: (0.5 điểm)

* Cổ nghẹn ắng lại, da mặt tê rần rần, lặng người đi, tưởng không thở được... Mặt cúi gằn xuống mà đi... Tâm trạng xấu hổ, bẽ bàng.

* Về nhà, nằm vật ra giường, chán nản, mệt mỏi. Nhìn lũ con tủi thân, khóc.

+ Một loạt các câu hỏi hiện ra cho thấy tâm trạng phân vân, hoài | nghi của ông trước sự việc làng theo giặc.  (0.5 điểm)

+ Từ xấu hổ, nhục nhã, ông chuyển sang, xót xa, lo lắng cho những ngày còn lại phải đối mặt với mọi người, với dư luận...  (0.5 điểm)

- Tình yêu nước hòa quyện với tình yêu làng của ông Hai:

+ Tình yêu làng chính là cơ sở cho tình yêu nước của nhân vật ông Hai. (0.5 điểm)

+ Trước sự việc "làng theo giặc", ông thể hiện nỗi căm giận những người ở lại làng đi làm Việt gian bán nước. (0.5 điểm)

=> Miêu tả diễn biến tâm trạng ông Hai sau khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, Kim Lân đã phản ánh những nét đẹp trong tâm hồn người nông dân sau cách mạng : yêu làng, yêu nước sâu sắc. (0.25 điểm)

- Nghệ thuật:

+ Miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật tài tình. Ngôn ngữ độc thoại, độc thoại nội tâm. (0.5 điểm)

Dàn ý tham khảo:

I) Mở bài: Giới thiệu tác giả tác phẩm

- Kim Lân là nhà văn chuyên viết về cuộc sống nông thôn

- Một trong những tác phẩm của ông là truyện ngắn Làng với nhân vật chính là ông Hai – một người phải rời làng của mình để đến nơi tản cư.

- Tình yêu làng của ông càng được bộc lộ một cách sâu sắc và cảm động trong hoàn cảnh thử thách.

II) Thân bài: Đoạn trích nói về nhân vật ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu đi theo giặc:

Kim Lân đã đặt nhân vật vào tình huống gay gắt để bộc lộ chiều sâu tình cảm của nhân vật.

- Cái tin bất ngờ ấy vừa lọt vào tai đã khiến ông bàng hoàng, đau đớn: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rần rần ,ông lão lặng đi tưởng như đến không thở được, một lúc lâu ông mới rặn è è nuốt một cái gì vướng ở cổ.

- Ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi "- Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại ...” nhằm hy vọng điều vừa nghe không phải là sự thật.

- Và trước lời khẳng định chắc chắn của những người tản cư,ông tìm cách lảng về. Tiếng chửi văng vẳng của người đàn bà cho con bú khiến ông tê tái: “cha mẹ tiên sư nhà chúng nó, đói khổ ăn cắp ăn trộm bắt được người ta còn thương, cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát”.

=> Thể hiện nỗi đau và tâm trạng ông Hai bị ám ảnh, day dứt với mặc cảm là kẻ "bán nước".

- " Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường”, nhìn đàn con nước mắt ông cứ giàn ra và suy nghĩ “chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?”.

- Ông căm thù những kẻ theo Tây, phản bội làng, ông nắm chặt hai tay lại mà rít lên: “chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này ”.

- Tiếp đó: Ông kiểm điểm lại từng người trong óc, thấy họ đều có tinh thần cả “có đời nào lại cam tâm làm cái điều nhục nhã ấy ”. Ông đau xót nghĩ đến cảnh “người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước”.

=> Niềm tin, nỗi ngờ giằng xé trong ông. Tủi thân, ông Hai thương con, thương dân làng chợ Dầu, thương thân mình phải mang tiếng là dân làng Việt gian.

III) Kết bài:

Người đọc sẽ không thể quên được một ông Hai quá yêu cái làng của mình như thế. Và hơn hết, nhà văn Kim Lân đã xây dựng thành công trong lòng độc giả một chân dung sống động, chân thực về một tấm lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha cảm động của người nông dân Việt Nam chất phác, thật thà.

Tham khảo bài văn mẫu: Cảm nhận của em về tình yêu làng của ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân

Nếu không tự động cập nhật được đáp án, các em xem tại đây:

https://doctailieu.com/dap-an-de-thi-van-vao-lop-10-bac-giang-2018

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BackToTop