Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Lượm của Tố Hữu - Văn mẫu 6

Xuất bản: 15/03/2019 - Cập nhật: 18/03/2019

Tổng hợp văn mẫu phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Lượm của Tố Hữu, nằm trong chương trình học Văn 6. Tác phẩm thể hiện tình yêu đất nước qua nhân vật Lượm nhỏ tuổi hồn nhiên nhưng dũng cảm

Mục lục nội dung

Đề bài

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ "Lượm" của Tố Hữu

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Lượm của Tố Hữu - Văn mẫu 6 doctailieu.com

Bài làm phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Lượm của Tố Hữu

Bài mẫu 1

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Lượm của Tố Hữu và sự hy sinh anh dũng của Lượm

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thiếu nhi Việt Nam hăng hái làm theo lời dạy của Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tuỳ theo sức của mình. Nhiều bạn đã hi sinh tuổi thơ trong sáng cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của dân tộc. Hình ảnh chú bé liên lạc hồn nhiên, dũng cảm trong bài thơ Lượm của Tố Hữu đã để lại trong em niềm cảm phục sâu sắc.

Lượm theo bộ đội làm liên lạc hồi đầu kháng chiến (cuối năm 1946). Lúc này, Pháp chưa đánh rộng ra, Quân ta đóng ở đồn Mang Cá, một cứ điểm quan trọng của Huế. Trong một trận tấn công vào đồn giặc, Lượm hi sinh. Tác giả biết tin, vô cùng xúc động và đã sáng tác nên bài thơ này (1949).

Bằng cách kết hợp miêu tả với kể chuyện và biểu hiện cảm xúc, nhà thơ đã khắc hoạ sinh động hình ảnh chú bé Lượm hồn nhiên, vui tươi, hăng hái và dũng cảm.

Thể thơ bốn chữ cùng với nhiều từ láy có giá trị gợi hình và giàu âm điệu đã góp phần tạo nên thành công trong nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật.

Mở đầu bài thơ, tác giả dựng lại khung cảnh buổi gặp gỡ đáng nhớ giữa hai chú cháu:

Ngày Huế đổ máu 
Chú Hà Nội về
Tinh cờ chú, cháu
Gặp nhau Hàng Bè.

Cuộc gặp gỡ đáng nhớ bởi nó diễn ra trong thời gian, không gian đặc biệt: Ngày Huế đổ máu. Huế đổ máu, Huế chiến đấu ác liệt để ngăn chặn bàn chân xâm lược của giặc Pháp vì chúng muốn chiếm lại nước ta. Ngày ấy là ngày mọi người không thể nào quên. Hoàn cảnh điển hình đó càng tô đậm thêm tính cách của nhân vật Lượm.

Trang phục của Lượm giống như trang phục của các chiến sĩ Vệ quốc bởi Lượm cũng là một chiến sĩ thực sự. Nhưng Lượm còn rất bé nên cái xắc đeo bên mình cũng chỉ xinh xinh. Chiếc mũ ca lô đội lệchbộc lộ vẻ tinh nghịch và hiếu động.

Lượm được nhà thơ miêu tả với tấm lòng yêu mến chân thành:

Chú bé loắt choắt 
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch 
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...

Dáng Lượm loắt choắt, đã nhỏ lại gầy nhưng nhanh nhẹn và tinh nghịch. Chân thì thoăn thoắt, rất nhanh và rất nhẹ. Đầu nghênh nghênh, lúc nghiêng bên này, lúc nghiêng bên kia. Nhịp thơ nhanh gợi lên hình ảnh chú bé vui tươi, nhí nhảnh, yêu đời.

Đặc điểm bên ngoài phần nào đã thể hiện tính cách bên trong của Lượm. Ca lô không chịu đội thẳng mà đội lệch. Miệng luôn huýt sáo vang. Lượm chẳng khác nào như con chim chích bé nhỏ nhảy trên đường vàng.

Lượm hồn nhiên kể chuyện:

- Cháu đi liên lạc Vui lắm chú à
Ở đồn Mang Cá Thích hơn ở nhà!

Bấy giờ, cái gian khổ của kháng chiến trường kì chưa tới. Mọi người đang sống trong không khí phấn khởi hào hứng của độc lập, tự do sau Cách mạng tháng Tám. Cái vui của Lượm bắt đầu từ niềm vui của đất nước, của dân tộc. Lượm vui trong lòng, vui ngoài nét mặt, dáng điệu, cử chỉ, lời nói. Tưởng chừng cái xắc cũng vui lây, cũng nhún nhảy theo nhịp chân của chú bé. Đeo xắc là dấu hiệu của người làm cán bộ. Lượm thấy oai lắm, ra vẻ lắm nên tỏ ra rất tự hào.

Giống như các bạn cùng lứa tuổi, Lượm rất hiếu động. Đặc điểm này đã được hướng vào những công việc có ích cho kháng chiến. Hình ảnh Lượm lúc chia tay tác giả thật đẹp và đầy sức sống:

Cháu cười híp mí 
Má đỏ bồ quân

Cả câu: Thôi chào đồng chí! cũng mang dấu ấn của niềm vui. Lượm chào chú bằng đồng chí, rất tinh nghịch, dí dỏm, mà cũng rất nghiêm túc, bởi Lượm đã tham gia kháng chiến, cùng chung lí tưởng cách mạng.

Đoạn thơ dùng thể thơ bốn chữ, nhịp nhanh, cùng nhiều từ láy (loắt choắt, thoăn thoắt, nghênh nghênh,... )góp phần thể hiện hình ảnh Lượm - một em bé liên lạc hồn nhiên, vui tươi, say mê tham gia công tác kháng chiến thật đáng mến, đáng yêu.

Câu chuyện của Lượm trong chuyến đi liên lạc cuối cùng được kể qua lời của người kể với những cảm xúc đau xót, tiếc thương, tự hào được biểu hiện trực tiếp và qua cả cách nhìn, cách miêu tả.

Khi nghe tin Lượm hi sinh, tác giả đau đớn thốt lên:

Ra thế Lượm ơi!...

Kỉ niệm về cuộc gặp gỡ với chú bé liên lạc còn tươi nguyên trong lòng nhà thơ thì bỗng dưng có tin chẳng lành. Câu thơ bình thường bỗng nhiên bị ngắt làm đôi. Âm điệu ngập ngừng và dấu chấm than thể hiện tâm trạng ngạc nhiên và xúc động đến bàng hoàng.

Tác giả hình dung ra tình huống hi sinh của Lượm thật cụ thể. Cũng như bao lần đi làm nhiệm vụ, Lượm dũng cảm, nhanh nhẹn, hăng hái và đầy quyết tâm, không nề nguy hiểm:

Một hôm nào đó 
Như bao hôm nào
Chú đồng chí nhỏ
Bỏ thư vào bao

Vụt qua mật trận 
Đạn bay vèo vèo
Thư đề "Thượng khẩn"
Sợ chi hiểm nghèo?

Chiến trường đầy khói lửa nhưng Lượm vẫn xông pha làm nhiệm vụ. Bỗng loè chớp đỏ, Thôi rồi, Lượm ơi! Kể lại, hình dung lại sự việc mà tưởng chừng như tác giả đang tận mắt chứng kiến cái giây phút đau đớn ấy nên không kiềm chế được, tự đáy lòng bật thốt lên tiếng kêu đau đớn. Câu thơ như tiếng nấc nghẹn ngào đầy xót thương và cảm phục của tác giả, của chúng ta trước cái chết bấtngờ của người chiến sĩ nhỏ. Chú bé đã hi sinh anh dũng giữa tuổi thiếu niên hồn nhiên, tươi trẻ đầy hứa hẹn. Nhà thơ không dừng lâu ở nỗi đau xót mà ông cảm nhận rằng sự hi sinh của Lượm rất đỗi thiêng liêng, cao cả. Chú như một thiên thần bé nhỏ yên nghỉ trên cánh đồng quê hương và hoá thân vào đất mẹ:

Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng...

Bao quanh Lượm là sự sống mơn mởn đang lên. Hương lúa thơm như mùi sữa mẹ. Sự hi sinh của Lượm vô cùng nhẹ nhàng, thanh thản. Câu thơ: Hồn bay giữa đồng khẳng định tinh thần bất tử của Lượm. Lượm đã chết cho quê hương xứ sở.

Câu thơ Lượm ơi, còn không? là một câu hỏi tu từ được tách ra thành một khổ thơ riêng có tác dụng nhấn mạnh, đặc tả nỗi đau đớn xót xa và niềm bâng khuâng, nhớ tiếc khôn nguôi của tác giả.

Hai khổ thơ cuối lặp lại như một điệp khúc khắc sâu hình ảnh đẹp đẽ của Lượm trong tâm hồn mọi người:

Chú bé loắt choắt 
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch 
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...

Lượm là bài thơ hay trong số những bài viết về tuổi nhỏ Việt Nam hồn nhiên, dũng cảm. Em thấy Lượm rất xứng đáng với những gương sáng của thanh thiếu niên thế hệ trước như Lí Tự Trọng, Kim Đồng, Lê Văn Tám, Vừ A Dính, xứng đáng là đàn anh của những anh hùng dũng sĩ thiếu niên như Nguyễn Bá Ngọc, Kpa Klơng, Nguyễn Văn Hoà... thời đánh Mĩ.

Bài mẫu 2

Cảm nghĩ của em về bài thơ Lượm - Tố Hữu cảm xúc khâm phục người anh hùng nhỏ tuổi

Đất nước Việt Nam chúng ta có được nền độc lập, hòa bình, thống nhất như hiện nay đã phải trải qua sự gian nan, hi sinh, mồ hôi xương máu của biết bao đồng bào từ đàn ông, đàn bà, người già, thanh niên, trong đó có cả những em bé chỉ ở cái tuổi ăn chơi cũng hướng ứng lời Bác Hồ là tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Các bạn đã giúp cách mạng của Đảng ta với những việc tưởng chừng như là chỉ có những anh hung với sức mạnh to lớn mới có thể làm được. Em ấn tượng nhất có lẽ là với chú bé Lượm trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Tố Hữu.

Bài thơ Lượm được Tố Hữu sáng tác vào năm 1949 và in trong tập thơ Việt Bắc. Lượm là bài thơ tự sự – trữ tình kể về cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy vẻ vang của cậu bé Lượm, một chú bé liên lạc, hồn nhiên, nhí nhảnh, đáng yêu, yêu đời, tuy còn bé nhưng chú đã dũng cảm dùng mạng sống của mình để bảo vệ cho mảnh đất của quê hương mình. Đọc bài thơ chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng hình ảnh của chú bé Lượm luôn luôn xuất hiện trong cả bài thơ.

Hình ảnh Lượm thật đẹp, Lượm còn bé lắm, bé “loắt choắt” nhưng đã tham gia vào cuộc kháng chiến của dân tộc, chú đã rất tự hào vì mình là một người kháng chiến, chân chú bước “thoăn thoắt” còn cái đầu thì “nghênh nghênh” đã được thể hiện rất rõ qua năm khổ thơ đầu với cái nhìn trìu mến, thân thương tác giả đã miêu tả một chú bé rất đáng yêu:

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca nô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Con chim chích
Nhảy trên đường vàng

Có lẽ khi đọc bài thơ này, ấn tượng sâu sắc nhất của mọi người là ở khổ thơ này, nó để lại cho người đọc hình ảnh của chú bé liên lạc nhỏ con, gầy còm nhưng đầy sức sống, yêu đời, nhanh nhẹn hồn nhiên. Với nghệ thuật sử dụng các từ láy như loắt choắt, xinh xinh, nghênh nghênh rất gợi hình, tạo nên cho bài thơ một giai điệu vui tươi, nhí nhảnh, sống động như chính chú bé Lượm vậy, cậu bé yêu đời, tung tăng như con chim chích nhảy trên đường vàng, hình ảnh con chim chính đã thể hiện đầy đủ được sự hồn nhiên trẻ thơ của Lượm mà chắc hẳn là tác giả phải có một tình cảm vô cùng trìu mến, thân thương về cậu mới có thể miêu tả cậu hay đến thế.

Ngoài cái đẹp của sự hồn nhiên, nhí nhảnh thì Lượm còn đem đến cho người đọc một vẻ đẹp khác, đó chính là vẻ đẹp tuyệt vời của người chiến sĩ cách mạng. Đó là khi có lệnh, Lượm đã thể hiện tinh thần của người lính:

Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề: thượng khẩn
Sợ chi hiểm nghèo

Dù cho đạn bay vèo vèo nhưng Lượm vẫn bất chấp lao tới. Bởi thư đề “thượng khẩn” nên Lượm chẳng sợ gì hiểm nguy, là một người liên lạc, Lượm phải thực hiện lệnh của cấp trên, phải nhanh chóng truyền đạt lệnh của cấp trên, bởi vì nếu chậm trễ thì có thể sẽ phải hi sinh các đồng đội của chú. Nên dù là hiểm nguy chú vẫn phải vượt lên cho dù phải hi sinh tính mạng.

Đau xót thay, đạn địch bay vèo vèo mà Lượm không thể thoát được, để rồi Lượm đã ngã xuống. Có lẽ khi đọc đến đây không ai có thể cầm được nước mắt, em cũng vậy, đọc đến đây em nghẹn ngào, thương tiếc thay, một chú bé đáng yêu đến thế cơ mà, dũng cảm như vậy mà đã phải ra đi vĩnh viễn.

Hình ảnh hi sinh của Lượm đau xót biết bao khi mà:

Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng

Cho đến lúc hi sinh, Lượm vẫn mang vẻ đẹp cao cả. Cậu bé nằm giữa đồng, bàn tay vẫn nắm lấy từng bông lúa, như để thể hiện tình yêu quê hương, yêu đất nước vẫn còn mãi. Lượm nằm trên lúa và còn thơm mùi sữa, có lẽ cậu đã ra đi thanh thản.

Từ đầu bài thơ, Lượm đã được phác họa với sự vui tươi, cậu bé thật hãnh diện khi được góp sức của mình vào cuộc cách mạng của đất nước, điều đó đã thể hiện rất rõ khi mà Lượm kể chuyện:

Cháu đi liên lạc
Vui lắm chú à
ở đồn Mang Cá
thích hơn ở nhà.

Vui tươi như vậy đó, đáng yêu như thế mà lại phải:

Hồn bay giữa đồng.

Khi nghe tin Lượm hi sinh tác giả đã phải thốt lên:

Ra thế
Lượm ơi!

Đó là nỗi sửng sốt, bàng hoàng khi mà chú đã ra đi khi đang làm nhiệm vụ thiêng liêng. Nhiệm vụ bảo vệ đất nước.

Lượm đã hi sinh như một chiến sĩ thực thụ, nhà thơ Tố Hữu đã gọi em bằng những lời xưng hô trang trọng là chú đồng chí nhỏ, Lượm xứng đáng được gọi như vậy và phải chăng tác giả gọi như vậy cũng đã thể hiện sự cảm phục của mình đối với một thiếu nhi anh hùng

Lượm chết mà tay vẫn nắm chặt bông lúa, cánh đồng vẫn bao quanh em như đang ôm em trong vòng tay, đón em về với đất mẹ như một thiên thần. Thiên thần ấy đã ra đi mãi mãi, để lại cho mọi người sự thương tiếc, đau xót vô bờ đến nối Tố Hữu đã gọi em lần thứ ba bằng một câu thơ day dứt: Lượm oi, còn không?

Và ở khô thơ cuối tác giả lại cố khắc sâu hình ảnh của Lượm vào tâm khảm của người đọc bằng những câu từ đẹp đẽ:

Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca nô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng

Hình ảnh của Lượm để lại trong em thật nhiều cảm xúc khâm phục, đau xót, thương tiếc và qua bài thơ đã cho em một cảm nghĩ về nghĩa vụ đối với đất nước trong thời kì hòa bình, để xứng đáng với những gì mà các anh hùng đi trước phải hi sinh, để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.

Bài mẫu 3

Cảm nghĩ của em về Lượm trong bài thơ Lượm của Tố Hữu

Trong thời kì kháng chiến đã có biết bao tên tuổi thiếu niên anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Ngày nay mặc dù những hố bom chiến tranh đã lấp kín, không còn tiếng đạn bom, súng nổ, con người đang sống trong thời kì hoà bình. Song trong chúng ta không thể quên được hình ảnh những con người đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh… Trong văn học đã có rất nhiều tác phẩm ghi lại sự hi sinh anh dũng của họ. Bài thơ Lượm của Tố Hữu là một bài như thế.

Bài thơ Lượm in trong tập thơ ” Việt Bắc”. Bài thơ được viết bằng thể thơ bốn chữ, yếu tố tự sự kết hợp với yếu tố trữ tình một cách hài hoà. Tác giả đã làm sống dậy trong tâm hồn tuổi thơ chúng ta hình ảnh một chú đội viên liên lạc nhỏ tuổi trong kháng chiến chống Pháp với hình dáng bé nhỏ, nhanh nhẹn, hồn nhiên và vô cùng dũng cảm trong khói lửa chiến tranh.

Mở đầu bài thơ, Tố Hữu nhắc lại một kỉ niệm trong những ngày đầu kháng chiến thật là đáng nhớ: ” Ngày Huế đổ máu“, ngày mà quê hương Huế đang bị giặc Pháp dày xéo dã man. Phố Hàng Bè là nơi hai chú cháu gặp nhau lần cuối cùng:

“Tình cờ chú cháu
Gặp nhau Hàng Bè”

Khi ấy Lượm đã trở thành một người lính thực sự rất đáng yêu:

“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca- lô đội lệch…”

Cái xắc đựng công văn giấy tờ, cái ca lô là hai thứ quân trang mà Lượm đã có, cũng với hai thứ ấy cho thấy Lượm thật sự là  người lính đang tham gia chiến trường. Tác giả miêu tả đôi chân và cái đầu chú đội viên liên lạc thể hiện một con người nhanh nhẹn, hiếu động, hồn nhiên và tinh nghịch. Người đội viên liên lạc cần phải có “Cái chân thoăn thoắt” ấy. Qua các từ láy tượng hình “loắt choắt”, “xinh xinh”, “nghênh nghênh”. Tố Hữu đã tạo nêm những nét đẹp làm nổi bật cái thần bức chân dung tinh thần của chú Lượm.

Với Lượm được đi chiến đấu là “vui“, là “thích”. Chú là một thiếu niên

“Tuổi nhỏ chí cao”: “Cháu đi liên lạc – Vui lắm chú à – Ở đồn Mang Cá – Thích hơn ở nhà!”. Hầu như ai cũng yêu, cũng quý cái cười của chú bé liên lạc: “Cháu cười híp mí – Má đỏ bồ quân”. Lượm hồn nhiên, yêu đời. Lượm thật đáng yêu. Người đội viên liên lạc thành phố Huế anh hùng khác nào con chim chích nhỏ, hót ríu ran tung bay trong nắng đẹp ; nắng hồng bình minh của bầu trời tự do và cách mạng. Những câu thơ diễn tả sợ hồn nhiên của chú Lượm thật là hay, “Mồm huýt sáo vang” thể hiện tinh thần lạc quan của  Lượm, mặc dù đang trên đường hoạt động cách mạng gian khổ:

“Ca lô đội lệnh
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng”.

Phần hai bài thơ, tác giả nhắc lại chiến công của chú đội viên liên lạc với tất cả tấm lòng yêu thương, quý trọng, tự hào. Lượm xuất hiện trong một tình huống chiến đấu thật ác liệt:

“Chú đồng chí nhỏ
Bỏ thư vào bao
Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo”

Hai chữ “vụt qua” thể hiện quyết tâm chiến đấu, hành động nhanh nhẹn, quả cảm của người chiến sĩ, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Nhiệm vụ chiến đấu là trên hết,  trước hết. Mặt trận lúc này gian nguy lắm, nhưng vì nhiệm vụ chiến đấu nên Lượm không hề chần chừ trước gian nguy:

“Đạn bay vèo vèo
Thư đề thượng khẩn
Sợ chi hiểm nghèo”

Câu thơ “Sợ chi hiểm nghèo” đã nêu bật chí quả cảm của Lượm, của những Kim Đồng, Lê Văn Tám, Phạm Ngọc Đa… mà tuổi thơ chúng ta vô cùng ngưỡng mộ.

Lượm đã hy sinh. Chú ngã xuống giữa chiến trường  trong tư thế người anh hùng tuổi thiếu niên. Trong vần thơ có niềm thương của Tố Hữu:

“Bỗng loè chớp đỏ
Thôi rồi, Lượm ơi
Chú đồng chí nhỏ
Một dòng máu tươi!”

Không những là niềm tiếc thương của tác giả mà tất cả chúng ta khi đọc được những vần thơ này cũng thấy đau đớn, xót xa trước sự hi sinh của người anh hùng nhỏ tuổi ấy.

Các chữ: “nằm”, “nắm chặt”, “bay” vừa gợi tả lý tưởng chiến đấu cao đẹp vừa thể hiện sự hi sinh thanh thản của người anh hùng dám xả thân vì đất nước quê hương. Có đài tưởng niệm nào đẹp hơn vần thơ này:

“Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng”.

Phần cuối bài thơ, tác giả nhắc lại khổ thơ thứ hai và ba, người ta gọi đó là kết cấu “vòng tròn” nhằm khẳng định và ca ngợi anh hùng liệt sĩ Lượm bất tử, mặc dù đã hy sinh nhưng tên tuổi của Lượm vẫn sống mãi, sống theo dòng lịch sử.

“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
…Nhảy trên đường vàng”…

Có một sự thay đổi nhỏ: chữ “cháu” được thay bằng chữ “chú”. Lượm đã trở thành người con yêu quý của đất nước quê hương.

“Lượm” là một bài thơ hay. Hình ảnh chú đội viên liên lạc yêu Tổ quốc quê hương ấy hơn nửa thế kỷ trước vẫn chói ngời trong tâm hồn, trong ký ức của người dân Việt Nam và chắc chắn rằng mãi mãi về sau những thế hệ con em Việt Nam sẽ vẫn còn ghi nhớ mãi.

Ngày nay đất nước ta đã được yên bình, chúng ta được sống trong bầu trời tự do của Tổ quốc, sống trong một thời đại không có khói lửa của chiến tranh nhưng thử hỏi rằng ai đã đem điều ấy cho ta? Chính là sự hi sinh anh dũng của của những con người đã xả thân vì nghĩa lớn, cũng như sự hi sinh anh dũng  của những người như Lượm. Vì thế ta hãy ghi nhớ công lao to lớn của họ. Ta hãy học tập thật tốt, tham gia bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày một tươi đẹp hơn, phồn vinh hơn.

---------------------------------------

Trên đây là tuyển chọn các bài văn mẫu phát biểu cảm nghĩ về về bài thơ Lượm của Tố Hữu do Đọc Tài Liệu biên soạn và tổng hợp, cùng các bài văn mẫu 6 nói chung hy vọng sẽ giúp các em nâng cao kĩ năng làm văn và học tốt hơn môn Ngữ Văn 6.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM