Phân tích vẻ đẹp của người nghĩa sĩ Cần Giuộc

Xuất bản: 19/04/2019 - Cập nhật: 23/09/2020 - Tác giả:

Tuyển chọn các bài phân tích vẻ đẹp của người nghĩa sĩ Cần Giuộc hay nhất đã được biên soạn giúp các bạn viết được một bài văn đạt điểm cao.

Bạn cần tìm bài văn mẫu phân tích vẻ đẹp người nghĩa sĩ Cần Giuộc trong bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của Nguyễn Đình Chiểu?

Thật tuyệt! Bạn đã tìm đúng. Ở bài viết này chúng tôi sẽ lần lượt gửi đến các bạn tuyển chọn những bài phân tích vẻ đẹp của người nghĩa sĩ Cần Giuộc hay nhất đã được sưu tầm và biên soạn lại kỹ lưỡng. Qua đó bạn không chỉ tham khảo được cách làm mà có thể bổ sung thêm rất nhiều vốn từ ngữ để bài văn của mình hay hơn.

Cùng tham khảo nhé!

Bài văn phân tích vẻ đẹp người nghĩa sĩ Cần Giuộc mẫu

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là đỉnh cao sáng tác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và cũng là biểu tượng rõ ràng nhất, sâu sắc nhất tư tưởng yêu nước thương dân của ông. Với lòng cảm thương, khâm phục chân thành, nhà thơ đã xây dựng nên một “tượng đài nghệ thuật” bất hủ về người anh hùng nghĩa sĩ nông dân trong lịch sử chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Có thể nói bài văn tế là khúc bi tráng về người nghĩa sĩ nông dân xả thân vì sự sống còn của đất nước. Người nông dân nghèo khổ chân chất “côi cút làm ăn toan lo nghèo khổ" đã tự nguyện đứng lên gánh vác việc nước lớn lao và cực kì gian khổ: đánh giặc. Trước tội ác tày trời của giặc Pháp, trước thái độ nhu nhược đến hèn nhát của triều đình, họ không thể bưng tai bịt mắt làm ngơ. Trách nhiệm công dân thúc đẩy họ cầm vũ khí chiến đấu:

“Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình;

Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”.

Họ không phải là lính chính quy của triều đình mà chỉ là “dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ”. Đó là cái nghĩa vì nước quên mình, dám đánh giặc, dám hi sinh. Điều này hoàn toàn đối lập với lũ quan quân triều đình tham sống sợ chết. Vì lẽ đó mà hình ảnh người nghĩa sĩ nông dân càng thêm thương, thêm quý.

Không cần lệnh quan trên, không cần chờ trang bị, cũng chẳng đợi tập rèn, họ lao vào cuộc chiến đấu sống chết với kẻ thù bằng một tinh thần dũng cảm hiếm có: “Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà, ma ní hồn kinh. Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ”. Tinh thần ấy khiến cho các vũ khí thô sơ trong tay họ trở lên hữu hiệu:

”Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia – Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rơi đầu quan hai nọ”.

Cái dũng cảm trong chiến đấu đã khắc phục cái yếu kém trong trang bị. Giữa bức tranh hoành tráng của cuộc chiến đấu, nổi bật hình bóng lồng lộng, hiên ngang của người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc.

Trong văn thơ ngày xưa của ta có không nhiều những trang miêu tả một trận chiến đấu mà thường là lược tả một vài nét. Ở bài văn tế này, nhà thơ đã tả bằng những chi tiết rất chân thực, sống động cho nên không khí hào hùng gần gũi, quen thuộc với cuộc sống, với mọi người. Sức mạnh của nghệ thuật đã biến những hình ảnh tầm thường thành những hình ảnh tượng trưng cho người nghĩa quân nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, vậy mà khi lòng nghĩa cháy lên, họ đã biến thành người chiến sĩ cứu nước anh hùng. Hình bóng họ làm chủ chiến trường, nổi lên trên nền trời, che lấp cả không gian, lồng lộng như một tượng đài kì vĩ.

Cảm xúc chủ đạo của bài văn là cảm xúc bi tráng, lời văn rắn rỏi, mãnh liệt, toàn là những hành động được thể hiện bằng những động từ mạnh mẽ, âm điệu sôi sục, dồn dập. Nghệ thuật đối đã phát huy được hiệu quả cao nhất của nó… Tất cả hợp thành một âm điệu chiến trận hào hùng, phấn khích. Thật là một thiên anh hùng ca tuyệt diệu. Ngòi bút tác giả hoàn toàn xứng đáng với hành động cao cả của người nghĩa sĩ nông dân; với tư tưởng cực kì lớn lao mà tác giả đã phát hiện ra trong hành động giết giặc cứu nước của họ.

Gần ba chục nghĩa sĩ nông dân bỏ mình trong cuộc chiến đấu ác liệt và không cân sức. Cái chết bi tráng của họ khiến con người, cây cỏ trên một miền quê bao la này đều thương tiếc: “Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng – Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng luỵ nhỏ”. Người chết vì nước non, vì đồng bào, làm sao không xúc động đến đồng bào, non nước ? “Tượng đài nghệ thuật” về người nghĩa sĩ nông dân mang tính chất bi tráng. Nó được dựng lên trong khói lửa chiến trận, trong tiếng thét xung phong, và cả trong nước mắt, trong tiếng khóc thống thiết của nhà thơ và của nhân dân. Đây là thành công nghệ thuật xuất sắc của nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Bài văn tế như một cái bia, cái mốc, một lâu đài vinh dự cho người nông dân, cho nhân dân lao động Nam Bộ muôn thuở sáng ngời.

// Bạn hãy tham khảo thêm bài phân tích hình tượng người nghĩa sĩ Cần Giuộc để bổ sung thêm nhiều câu văn hay để đưa vào bài làm của mình nữa nhé

Tham khảo thêm:

Vẻ đẹp của hình tượng người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Nguyễn Đình Chiểu được đánh giá là một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Một trong số đó là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Ở đó, hình tượng người nông dân nghĩa sĩ được xây dựng rất thành công với tất cả phẩm chất tốt đẹp.

Vì sao lại có hình tượng người nông dân nghĩa sĩ. Bởi họ vốn chẳng phải quân cơ quân vệ theo dòng ở lính diễn binh mà chẳng qua là dân ấp dân lân mến nghĩa làm quân chiêu mộ. Đó vốn là những người nông dân hiền lành chất phát quanh năm chỉ biết ruộng trâu ở trong làng bộ. Cuộc sống của họ vốn bình yên giản dị. Nhưng khi đất nước bị giặc pháp xâm lược, chút bình yên cuối cùng trong cuộc sống của họ cũng bị đạp đổ thì người nông dân đã đứng lên đâu tranh đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ đất nước, bảo vệ bình yên trên mỗi nếp nhà của chính họ và trở thành những người nông dân nghĩa sĩ.

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên một bức tượng đài bất hủ và hoàn thiện nhất về người nông dân nghĩa sĩ. Trước khi có chiến sự, họ là những người nông dân cần cù chất phác với cuộc sống chỉ có việc cày, việc cấy, việc cuốc, việc bừa, tay vốn quên làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó. Con người và cuộc sống của họ thật sự hết sức hiền lành và giản dị. Nhưng khi có thực dân Pháp tràn vào nước ta thì mọi thứ lại có sự xáo trộn. Trong tư tưởng, thái độ, tình cảm của người nông dân nghĩa sĩ đã xuất hiện những nét mới. Họ ngày ngày lo lắng trông chờ tin tức của triều đình trông tin quan như trời hạn trông mưa. Trong lòng họ dấy lên nỗi căm phẫn, căm thù giặc cao độ: "bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan, ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ". Với tinh thần đó, họ đã có ý thức tự nguyện ra trận đánh giặc, bảo vệ đất nước. Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình, chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ. Từ những người nông dân hiền lành chất phác quanh năm  cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó, họ trở thành người nghĩa sĩ đánh giặc dũng cảm: mười tám ban võ nghệ nào đợi tập rèn, chín chục trận binh thư không chờ bày bố, ngoài cật mang một manh áo vải nào đợi mạng bao tấu, bầu ngoi, trong tay cầm một ngọn tầm vông chi nài sắm sao tu ngón gõ. Chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn như thế nhưng họ chẳng bao giờ nhụt chí, luôn quyết tâm đánh đuổi kẻ thù, coi giặc cũng như không, nào sợ thằng tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có. Và cuối cùng dù hi sinh nhưng cái chết của những người nông dân nghĩa sĩ thật cao thượng và đáng tự hào một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất nhưng tiếng vang như mõ.

Hình tượng người nông dân nghĩa sĩ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã truyền lại cho thế hệ trẻ tiếp sau tinh thần và ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ đất nước vững bền. Hình tượng đó cũng được các nhà văn thế hệ tiếp nối như Ngô Tất Tố, Nam Cao tiếp tục thể hiện, phát triển, hoàn thiện trong suốt tiến trình lịch sử văn học nước nhà.

Có thể nói nếu như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là một trong nững tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và nền văn học giai đoạn cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX nói chung, thì hình tượng nhân vật người nghĩa sĩ chính là cốt lõi làm nên sự thành công đó.

➜  Xem tiếp các bài văn phân tích bức tượng đài người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc hay nhất.

// Ở nội dung trên, chúng tôi đã gửi đến các bạn một số bài văn phân tích vẻ đẹp của người nghĩa sĩ Cần Giuộc hay nhất với mong muốn giúp các bạn cùng tham khảo cách làm và bổ sung thêm nhiều từ ngữ mới để bài văn của bạn đầy đủ và hay hơn. Đừng quên tham khảo thêm những bài văn mẫu lớp 11 để học tốt hơn môn này.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM