Phân tích khổ thơ thứ 3 bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Xuất bản: 04/04/2019 - Cập nhật: 08/04/2019 - Tác giả:

Phân tích khổ 3 bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy được sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của nhà thơ, cùng tham khảo những bài văn mẫu 11 hay với đề tài phân tích khổ thơ cuối bài Từ ấy

Để phân tích được khổ thơ cuối cùng của bài Từ ấy các em cần lưu ý những điểm chính sau:

Điểm chính cần phân tích trong khổ cuối Từ ấy

- Nhà thơ tự tin khẳng định “Tôi đã là con của vạn nhà”. Cách xưng hô vô cùng đặt biệt:

+ “con” được sử dụng trong quan hệ ruột thịt.

+ “tôi” là thành viên của “vạn nhà”, tôi và quần chúng nhân dân là bà con ruột thịt, cùng trải qua lao khổ.

- Việc lặp lại nhiều lần từ "là" thể hiện thái độ dứt khoát, quyết tâm kiên định, vững vàng của Tố Hữu.

- "Vạn nhà" là chỉ số lượng niều, chỉ đại gia đình của giai cấp cần lao. "Vạn kiếp phôi pha" để chỉ những người đau khổ, bất hạnh trong cuộc đời. Nó thể hiện thái độ căm phẫn đối với sự bất công của xã hội, thương xót những người nghèo khổ.

- Hình ảnh "vạn đàn em nhỏ" chỉ số lượng nhiều những em bé mồ côi, lang thang vất vưởng.

- "Không áo cơm, cù bất cừ bơ" là câu thành nhữ dân gian chỉ những em bé lang thang, vất vưởng, không nơi nương tựa, đói rét trong xã hội.

-> Nó thể hiện thái độ căm phẫn bằng một giọng điệu cứng rắn, chân tình cũng như hình ảnh có tính chất ước lệ.

=> Đây chính là sự chuyển biến đặc biệt sâu sắc trong nội tâm, tình cảm của nhà thơ.

- Dấu chấm lửng cuối bài thơ nghĩa là chưa chấm dứt mà đây chỉ là khởi đầu cho viễn cảnh về sau.

Sau đây các em cùng tham khảo một bài văn mẫu Phân tích Từ ấy: Khổ thơ thứ 3 nhé:

Văn mẫu phân tích khổ 3 Từ ấy

Nhắc đến văn chương Cách Mạng nếu không nói tới cây bút tài năng Tố Hữu quả là thiếu sót lớn. Một người chiến sĩ cách mạng tài giỏi, một người nghệ sĩ tài hoa. Trong chính trị cũng như trong Cách Mạng, ông luôn là một người xuất sắc. Với tài năng đó, ông viết nên những vần thơ trữ tình lãng mạn, tiêu biểu “ Từ ấy”. Bài thơ trích trong tập cùng tên sáng tác năm 1938 diễn tả những cảm xúc dạt dào của ông về Đảng. Khổ thơ cuối như khúc hát khép lại bài ca tình cảm mãnh liệt ấy.

"Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ"

Mở đầu khổ thơ là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất : “Tôi”. Không còn là “ta” như thơ ca xưa. Thơ ca cách mạng nói chung và thơ ca Tố Hữu nói riêng đã mang trong mình tiếng nói tình cảm cá nhân. Cái tôi đã được khẳng định. Cảm xúc cá nhân đã được thăng hoa.

Tố Hữu nhận mình là “ con của vạn nhà”. “ Vạn nhà” ở đây không chỉ là xứ Huế mộng mơ, đằm thắm mà là mọi mảnh đất trên dải đất hình chữ S thân yêu. Hình ảnh người dân trong lòng tác giả thật gắn bó, đoàn kết. Tố Hữu cũng nói mình “ Là em của vạn kiếp phôi pha”. Nhắc đến “ kiếp phôi pha” là nhắc tới quá khứ cha ông hào hùng lịch sử. Nhận làm “em” là tác giả muốn nói mình tiếp bước cha ông, tiếp đón hào khí tinh thần chiến đấu đoàn kết của họ. Và Tố Hữu còn nhận mình là “ anh của vạn đầu em nhỏ” Làm anh bởi ông muốn che chở, yêu thương những số phận nghèo đói, bị chiến tranh, bị thực dân đàn áp, làm cho đói khổ.

Khổ thơ ngắn gồm bốn câu, Tố Hữu sử dụng điệp cấu trúc lặp lại ba lần “ Đã là…” để khẳng định rõ ràng vị thế của mình trong một khối đại đoàn kết lớn. Từ đó cũng khẳng định được ý thức tự giác, chắc chắn, vững vàng của tác giả. Tố Hữu hòa mình cùng với nhân dân. Tác giả như ngầm khẳng định khối đoàn kết của anh em mọi nhà, của tình cảm nhân dân gắn bó. Tác giả nguyện cùng họ đấu tranh, cùng họ chiến đấu.

Nhà thơ tự nguyện làm “con của vạn nhà, em của vạn kiếp phôi pha, anh của vạn đầu em nhỏ”, nguyện mang cả cuộc đời mình để đem lại hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh, những kiếp sống mòi mỏi trong tuyệt vọng, những đứa bé tội nghiệp vì chiến tranh phi nghĩa vì thực dân đàn áp mà sống khổ cực. Hình ảnh những người dân Việt Nam những năm 1938 hiện lên xót thương trong lời thơ dạt dào cảm xúc thương xót của tác giả. Tác giả như ngầm lên án chế độ thực dân đàn áp và đồng thời khơi lên niềm tin mãnh liệt vào Cách Mạng vào Đảng sẽ mang lại cho đất nước một cuộc sống mới tươi đẹp, hạnh phúc, không khổ đau.

“Từ ấy” là tiếng reo vui không chỉ của nhà thơ, mà còn là của cả một thế hệ thanh niên khi tìm thấy lí tưởng của Đảng, nguyện chiến đấu hết mình vì lí tưởng, vì nhân dân, vì đất nước. Họ là những người chiến sĩ trẻ, mang trong mình nhiệt huyết, mang trong mình lí tưởng, và lòng yêu thương đồng bào, yêu thương đất nước. Khổ thơ cuối bao trọn những cảm xúc ấy. Tình yêu với cách mạng, niềm tin với Đảng và lòng thương yêu đồng bào hoà làm một thành ý chí chiến đấu cho những người dân Việt Nam.

Tố Hữu quả thực là nhà thơ của nhân dân Việt Nam. Những vần thơ vừa có chất trữ tình vừa có chất thép cách mạng. Khổ thơ cuối bài thơ “ Từ ấy” đã khái quát lại tình cảm, tình yêu, lòng yêu thương và niềm tin Cách Mạng Đảng tuyệt đối của chàng thanh niên nhiệt huyết.

-/-

Trên đây là một số điểm chính và một bài văn mẫu phân tích khổ ba bài thơ Từ ấy. Mong rằng với nội dung này các em sẽ nẵm rõ được cảm nhận về sự chuyển biến của nhà thơ sau khi tiếp nhận lí tưởng mới. Cùng Đọc tham khảo thêm những bài văn mẫu 11 hay khác để ôn tập và luyện văn em nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM