Cùng Đọc tài liệu đi vào chuẩn bị trước nội dung Giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Gió vườn trang 65, 66 để có thể chuẩn bị sẵn sàng trước khi tới lớp các em nhé!
Bài học gồm các nội dung cần chuẩn bị trước như sau:
Nội dung Gió vườn: Ngọn gió trong vườn đảm đương biết bao việc nhỏ nhặt, làm vui lòng biết bao người thân yêu. Nhờ kinh nghiệm và sự trưởng thành qua mỗi công việc, gió vườn vươn tới những chân trời mới, những thành công mới khắp bốn phương trời.
Khởi động
Câu 1: Giải câu đố:
a. Sinh ra từ mặt trời hồng
Cho cây xanh lá, cho bừng sắc hoa.
Là gì?
b. Mênh mông không sắc, không hình
Gợn trên sóng nước, rung rinh lúa vàng.
Là gì?
Trả lời:
a. Là ánh nắng mặt trời
b. Là gió
Câu 2: Nói về một hiện tượng em tìm được ở bài tập 1.
Trả lời:
Em tìm hiểu về hiện tượng gió: Thi thoảng, ta lại cảm nhận được luồng khí mát của vào người; nhìn thấy những tán cây rung rinh; những đám bụi, lá cây rụng, túi giấy bay cuốn lên không trung – dó là khi có sự xuất hiện của gió.
Khám phá và luyện tập
Đọc bài thơ: Gió vườn
Gió vườn không mải chơi xa
Nhắc chị cửa sổ mở ra suốt ngày,
Gió đi lắc lắc cành cây
Giục bác cổ thụ kể ngày xa xưa.
Tìm hoa làn gió nhẹ đưa
Hương thơm tặng bướm ong vừa
Gió vẽ lên mái tranh nhà
Một làn khói bếp giúp bà nấu cơm,
Gió thức từ sớm tinh sương
Gió đem mưa đến tưới vườn cho ông,
Gió yêu nhất buổi rạng đông
Con chim dậy hót. Nắng hồng. Trời xanh.
Gió vườn chăm chỉ hiền lành
Làm bao việc nhỏ để thành lớn khôn.
Gió đi từ một góc vườn
Thổi ra trời rộng bốn phương bạn bè.
(Lê Thị Mây)
Câu hỏi và bài tập
Câu 1: Gió thân thiết với mỗi sự vật dưới đây như thế nào?
Trả lời:
+ Với cửa sổ: cửa sổ là chị của gió, nhắc chị cửa sổ mở ra mỗi ngày.
+ Với cổ thụ: cổ thụ là bác của gió, gió thường lắc cành cây của bác, nghe bác kể chuyện xa xưa.
+ Với ong bướm: gió đi tìm hoa để tặng ong bướm mỗi lần bay qua chúng.
Câu 2: Những việc làm nào cho thấy gió rất chăm chỉ?
Trả lời:
Những việc làm cho thấy gió rất chăm chỉ: nhắc chị cửa sổ suốt ngày; tìm hoa; vẽ lên mái nhà; thức từ sớm tinh sương; đem mưa đến tưới vườn.
Câu 3: Gió yêu nhất buổi nào trong ngày? Vì sao?
Trả lời:
Gió yêu nhất buổi sáng bình minh (rạng đông) trong ngày.
Vì vào sáng sớm bình minh, có tiếng chim hót, có ánh nắng hồng, có bầu trời xanh. Gió thích những điều này.
Câu 4: Theo em, vì sao nói gió "Làm bao việc nhỏ để thành lớn khôn."?
Trả lời:
Nói gió "Làm bao việc nhỏ để thành lớn khôn." vì cần phải có sự thông thạo, quen thuộc từ những công việc nhỏ nhất, thì mới có thể làm được những việc lớn hơn thế. Khi ấy bản thân sẽ trưởng thành hơn rất nhiều!
Câu 5: Hai dòng thơ cuối bài muốn nói lên điều gì?
Trả lời:
Hai dòng cuối bài thơ muốn nói: bản thân gió, hay là chính chúng ta, xuất thân và đến từ những góc nhỏ của cuộc sống nhưng hoàn toàn có thể vươn tới những khoảng trời rộng, những vùng đất mới, tìm kiếm những thành công mới.
Học thuộc lòng 10 dòng thơ em thích.
Đọc mở rộng:
Sinh hoạt câu lạc bộ đọc sách
Chủ điểm Mảnh ghép yêu thương
(a) Tìm đọc một bài văn viết về:
Tình cảm với người thân
Tình cảm với bạn bè, trường học
Tình cảm với quê hương, đất nước
(b) Ghi chép những từ ngữ hay, hình ảnh đẹp vào Nhật kí đọc sách.
c. Cùng bạn chia sẻ:
– Bài văn đã đọc.
– Nhật kí đọc sách.
– Tình cảm, suy nghĩ của bản thân sau khi đọc bài văn.
Trả lời:
a.
Văn bản: Rừng cọ quê tôi
Chẳng có nơi nào như sông Thao quê tôi, rừng cọ chập chùng.
Thân cọ vút thẳng trời hai ba chục mét cao, gió bão không thể quật ngã. Búp cọ vuốt dài như thanh kiếm sắc vung lên. Cây non vừa trồi, lá đã xòa sát mặt đất. Lá cọ tròn xòe ra nhiều phiến nhọn dài, trông xa như một rừng tay vẫy, trưa hè lấp lóa nắng như rừng mặt trời mới mọc. Mùa xuân, chim chóc kéo về từng đàn. Chỉ nghe tiếng hót líu lo mà không thấy bóng chim đâu.
Căn nhà tôi núp dưới rừng cọ. Ngôi trường tôi học cũng khuất trong rừng cọ. Ngày ngày đến lớp, tôi đi trong rừng cọ. Không đếm được có bao nhiêu tàu lá cọ xòe ô lợp kín trên đầu. Ngày nắng, bóng râm mát rượi. Ngày mưa, cũng chẳng ướt đầu.
Cuộc sống quê tôi gắn bó với cây cọ. Cha làm cho tôi chiếc chổi cọ để quét nhà, quét sân. Mẹ đựng hạt giống đầy móm lá cọ, treo lên gác bếp để gieo cấy mùa sau. Chị tôi đan nón lá cọ, lại biết đan cả mành cọ và làn cọ xuất khẩu. Chiều chiều chăn trâu, chúng tôi rủ nhau đi nhặt những trái cọ rơi đầy quanh gốc về om, ăn vừa béo vừa bùi.
Quê tôi có câu hát:
Dù ai đi ngược về xuôi
Cơm nắm lá cọ là người sông Thao.
Người sông Thao đi đâu rồi cũng nhớ về rừng cọ quê mình.
(Nguyễn Thái Vận)
b. Em ghi chép từ ngữ hay, hình ảnh đẹp:
+ Rừng cọ chập chùng
+ Búp cọ vuốt dài như thanh kiếm sắc vung lên.
Dù ai đi ngược về xuôi
Cơm nắm lá cọ là người sông Thao.
c. Em chia sẻ với bạn bài văn trên, nhật kí đọc sách và tình cảm, suy nghĩ của bản thân khi đọc bài văn:
Em yêu và trân trọng những giá trị đẹp, những gì gắn bó thân thuộc với bản thân nhất. Em hạnh phúc vì được sống trong thế giới hiện tại, không viển vông nghĩ tới những thứ xa vời, trừu tượng nào khác.
-/-
Trên đây là toàn bộ nội dung Soạn Gió vườn trang 65, 66 Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Chân trời sáng tạo mà các em cần chuẩn bị trước tại nhà. Chúc các em học tốt!
Đừng quên còn trọn bộ tài liệu Giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 đang đợi các em khám phá đấy!