Đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn văn 2021 trường THCS Minh Hoà

Xuất bản: 16/06/2021 - Tác giả:

Đề thi thử vào lớp 10 môn văn 2021 THCS Minh Hoà, Hải Dương (có đáp án) với một số dạng bài cơ bản thường xuyên ra để em thử sức thi thử ngay tại nhà.

Cùng Đọc tài liệu thử sức với đề thi thử vào lớp 10 môn văn năm 2020-2021 của trường THCS Minh Hoà, Hải Dương để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi vào 10 sắp tới.

Đề thi thử vào 10 môn văn 2021 trường THCS Minh Hoà

I.ĐỌC – HIỂU ( 3,0 điểm)

Cho đoạn thơ sau:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

(Theo Ngữ văn 9, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam)

a. Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào? Nêu tên tác giả? Nêu hoàn cảnh sáng tác?

b. Đoạn thơ là dòng hồi tưởng của nhân vật nào? Về ai?

c. Cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ được khơi nguồn từ hình ảnh nào? Đó là cảm xúc gì?

II. TẬP LÀM VĂN ( 7.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về tính tự lập.

Câu 2 (5,0 điểm)

Truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.

(Theo Ngữ văn 9, tập 1, trang 202, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2013)

Hãy phân tích đoạn trích đã học trong truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng để làm rõ ý kiến trên.

Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn 2021 trường Minh Hoà, Hải Dương

I.ĐỌC – HIỂU 

Câu a: Đoạn thơ trích trong bài thơ “Bếp lửa”của tác giả Bằng Việt.

Hoàn cảnh sáng tác: Đất nước đang trong thời kì kháng chiến chống Mỹ

Tác giả lúc bấy giờ  đang là sinh viên học ngành luật của Liên Xô

Câu b:Đoạn thơ là dòng hồi tưởng của nhân vật người cháu về người bà kính yêu của mình.

Câu c:Cảm xúc của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ được khơi nguồn từ hình ảnh bếp lửa.

Đó là nỗi niềm hoài niệm về tuổi thơ; tình yêu thương với bà.

II. TẬP LÀM VĂN

Câu 1

1. Giới thiệu được vấn đề nghị luận: tính tự lập

2. Giải thích

- Tự lập là khả năng tự đứng vững, tự định hướng tương lai cho bản thân, không lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác.

- Biểu hiện của tính tự lập: xác định rõ mục đích, lí tưởng của đời mình, chủ động giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, không ỷ lại hoặc trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. (Dẫn chứng minh họa)

3. Phân tích, bàn luận, mở rộng vấn đề

- Tự lập là một phẩm chất quan trọng giúp chúng ta thành công trong cuộc sống. Bởi:

+ Khi có tính tự lập, ta sẽ sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội; vững vàng khi đối mặt với khó khăn thử thách; phát huy được năng lực, phẩm chất của bản thân, từ đó có thể đạt được thành công. (Dẫn chứng minh họa)

+ Khi thiếu tính tự lập, con người sẽ sống thiếu trách nhiệm, dễ gục ngã trước những trở ngại, khó có thể thành công; cản trở sự phát triển của xã hội. (Dẫn chứng minh họa)

- Cần phê phán những người thiếu tính tự lập, sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác… (Dẫn chứng minh họa)

- Tuy nhiên, tự lập không đồng nghĩa với việc khước từ mọi sự giúp đỡ chân thành, đúng đắn của mọi người xung quanh.

4. Liên hệ bản thân

- Nhận thức được tầm quan trọng của tính tự lập đối với mỗi người.

- Có ý thức và hành động cụ thể rèn luyện tính tự lập trong học tập, cuộc sống.

Tham khảo văn mẫu: Top 5 bài văn nghị luận về tính tự lập

Câu 2

1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, nêu ý kiến

2. Phân tích để làm sáng tỏ ý kiến

- Hoàn cảnh éo le bộc lộ tình cảm cha con giữa ông Sáu và bé Thu:

+ Ông Sáu đi kháng chiến, xa nhà nhiều năm. Ông chưa được biết mặt đứa con gái của mình – bé Thu.

+ Tám năm sau, một lần về thăm nhà trước khi đi nhận công tác mới, ông được gặp con. Nhưng, bé Thu nhất định không chịu nhận ông là cha. Đến lúc em nhận ra cha và và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải ra đi.

- Tình cảm của bé Thu dành cho ông Sáu:

+ Thoạt đầu, khi thấy ông Sáu vui mừng, vồ vập nhận bé Thu là con, Thu tỏ ra ngờ vực, lảng tránh, lạnh nhạt, thậm chí ngang ngạnh, bướng bỉnh với ông Sáu.

+ Khi nhận ra ông Sáu chính là cha mình, bé Thu muốn nhận ba nhưng không dám vì trót làm ba giận. Trước khi ông Sáu lên đường, cô bé cất tiếng gọi “Ba…a…a…ba!” như xé ruột và thể hiện tình cảm yêu quý mãnh liệt với ba.

- Tình cảm ông Sáu dành cho con:

+ Gặp lại con sau bao năm xa cách, ông Sáu hết sức vui mừng.

+ Trước thái độ lạnh nhạt của con, ông rất đau khổ, cảm thấy bất lực, ân hận vì đã đánh con.

+ Khi con đã nhận mình, ông vô cùng xúc động, vui sướng, hạnh phúc.

+ Điều cảm động nhất là việc ông tự tay làm chiếc lược ngà và gửi lại cho con trước lúc hi sinh. Chiếc lược ngà đã kết tinh trong nó tình phụ tử mộc mạc mà đằm thắm, sâu xa.

- Nghệ thuật thể hiện: xây dựng tình huống éo le, kịch tính; miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế; lựa chọn hình ảnh, chi tiết tiêu biểu; ngôn ngữ giàu sức biểu cảm.

3. Đánh giá

- Tình cha con sâu nặng đó làm bừng sáng vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật, khiến người đọc cảm động và thấm thía một sự thật: những tình cảm cao đẹp, thiêng liêng của con người sẽ mãi bất tử trước sự tàn khốc của chiến tranh.

Văn mẫu Phân tích tình cảm cha con trong truyện Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng

-/-

Trên đây là chi tiết đề thi thử vào 10 môn văn năm 2021 của trường THCS Minh Hoà, Hải Dương mong rằng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập. Đừng quên còn rất nhiều tài liêu đề thi thử vào 10 môn văn 2021 khác của các tỉnh thành trên cả nước nhé.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM