Đáp án đề thi Văn vào lớp 10 tỉnh Long An 2018

Xuất bản: 08/06/2018 - Cập nhật: 20/03/2020 - Tác giả: Giangdh

Đáp án đề thi Văn vào lớp 10 tỉnh Long An năm học 2018 được cập nhật chi tiết gợi ý và lời giải từng câu của đề thi tại đây.

Mục lục nội dung

Xem thêm: Đáp án thi vào 10 môn Văn 2019 Long An

Đề thi Văn vào lớp 10 tỉnh Long An 2018

SỞ GD&ĐT LONG AN

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2018-2019

Môn: Ngữ Văn

Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian giao đề

PHẦN I: ĐỌC- HIỂU (5,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Đọc ngữ liệu và trả lời các câu hỏi sau:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi....

a) Ngữ liệu trên được trích trong văn bản nào? Tác giả là ai? Nêu ý nghĩa văn bản.

b) “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi" được nhắc tới trong ngữ liệu gợi nhớ về thời điểm nào của đất nước?

c) Tác giả dùng cụm từ “đói mòn đói mỏi" có tác dụng gì?

Câu 2: (1,0 điểm)

Thành ngữ “nói ra đầu ra đũa” liên quan đến phương châm hội thoại nào?

Trình bày nội dung của phương châm hội thoại đó.

Câu 3: (2,0 điểm).

Đọc ngữ liệu và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Tôi là con gái Hà Nội(1). Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá (2). Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn (3).Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!" (4).

(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi)

a) Tìm lời dẫn trực tiếp

b) Xác định khởi ngữ.

c) Các câu trong ngữ liệu trên sử dụng phép liên kết gì? Chỉ ra từ ngữ liên kết.

PHẦN II: LÀM VĂN (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

-----HẾT-----

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Đáp án đề văn vào lớp 10 tỉnh Long An năm 2018

Phần I. Đọc Hiểu

Câu 1:

a) Đoạn thơ trên được trích trong tác phẩm Bếp lửa của tác giả Bằng Việt.

Ý nghĩa của văn bản: Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ gợi lại nhưng kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu đồng thời thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu đối vs bà cũng như đối với gia đình, quê hương, đất nước.

b) Câu thơ “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi" được nhắc tới gợi nhớ về thời điểm năm 1945, năm mà đất nước Việt Nam đã phải trải qua một nạn đói lịch sử với gần 2 triệu người chết, tập trung từ Quảng Trị đến Bắc Kì.

c) Tác dụng của việc dùng cụm từ “đói mòn đói mỏi": 

- Về mặt ngữ âm, nó tạo sự nhịp nhàng cho câu thơ

- Về mặt cấu trúc, nó tạo nên sự cân xứng cho từ ngữ;

- Về mặt nội dung ý nghĩa, nó tạo nên sự nhấn mạnh, gây ấn tượng cho người đọc về cảm giác nặng nề, u ám và lê thê của nạn đói đối với nhân vật trữ tình khi hồi tưởng về thời điểm ấy của lịch sử, của kỉ niệm với người bà.

Câu 2: Thành ngữ “nói ra đầu ra đũa” liên quan đến phương châm hội thoại cách thức.

Nội dung của phương châm hội thoại cách thức: Trong hội thoại cần chú ý nói ngắn gọn, rõ ràng, rành mạch, tránh cách nói mơ hồ.

Câu 3:

a) Lời dẫn trực tiếp: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!"

b) Khởi ngữ: Còn mắt tôi

c) Các câu trong ngữ liệu trên sử dụng các phép liên kết:

- Phép nối: còn

- Phép lặp từ ngữ: tôi

- Phép thế: con gái, cô gái

- Phép liên tưởng: bím tóc, cái cổ, mắt tôi

Phần II. Làm văn

1. Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm và nhân vật anh thanh niên.

- Nguyễn Thành Long là nhà văn quê ở Quảng Nam, ông đã có nhiều đóng góp cho nền văn học hiện đại Việt Nam ở thể loại truyện ngắn và kí. Ông thường đi nhiều nơi nên có một vốn sống vô cùng phong phú.

- Lặng lẽ Sa Pa là truyện lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế ở Lào Cai của tác giả và nhân vật anh thanh niên đang làm nhiệm vụ khí tượng chính là hình ảnh trung tâm, ca ngợi những đóng góp thầm lặng của những người lao động trong công cuộc xây dựng đất nước.

2. Thân bài:

Phân tích vấn đề “Truyện đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động bình thường mà cao đẹp”.

=> Nhận xét đã khẳng định vẻ đẹp bình dị, khiêm nhường của anh thanh niên trong cuộc sống cũng như trong lao động.

a. Là con người thiết tha yêu cuộc sống:

- Được thể hiện qua tình cảm gắn bó, quan tâm, gần gũi của anh với những người xung quanh.

+ Thèm người, nhớ người, mong được trò chuyện anh đã dùng khúc gỗ chắn ngang đường.

+ Anh là người có trái tim biết yêu thương, sẻ chia, thân thiện: gửi củ tam thất cho vợ bác lái xe, trò chuyện cởi mở, tặng hoa, tặng quà ăn đường cho người vừa mới gặp lần đầu là ông họa sĩ, cố kĩ sư.

- Anh còn là người có tinh thần lạc quan trong một hoàn cảnh sống nhiều khó khăn, thử thách:

+ Biết tạo ra niềm vui cho cuộc sống của mình trồng hoa trước nhà.

+ Biết tổ chức một cuộc sống gọn gàng, ngăn nắp, tìm cho mình những thú vui lành mạnh: căn nhà anh ở sạch sẽ, đọc sách.

b. Là con người sống có lí tưởng, có niềm say mê và trách nhiệm với công việc.

- Rất say mê công việc đo gió, đo mưa trên đỉnh Yên Sơn:

+ Chấp nhận sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao mấy nghìn mét so với mặt biển, anh dám đối mặt và vượt lên nỗi cô đơn vì tình yêu công việc.

+ Coi công việc như một người bạn “ta với công việc là đôi”.

+ Thấy hạnh phúc khi được làm việc: tin vào ý nghĩa công việc mình làm, dự báo chính xác thời tiết giúp người nông dân sản xuất, giúp không quân bắn rơi máy bay.

- Làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao:

+ Có những đêm trời lạnh giá anh vẫn trở dậy đo gió, đo mưa.

+ Anh đã vượt lên hoàn cảnh và vượt lên chính mình để hoàn thành công việc.

-> Tinh thần trung thực và ý thức trách nhiệm với nghề.

- Tất cả đều bắt nguồn từ lí tưởng sống đẹp của anh thanh niên:

+ Anh muốn góp sức mình vào công cuộc dựng xây và bảo vệ cuộc sống mới (công việc của anh giúp ích cho lao động sản xuất và chiến đấu)

+ Anh không lẻ loi, đơn độc mà tìm thấy những người bạn đồng hành trên con đường mình đã chọn: ông kĩ sư vườn rau Sa Pa, anh cán bộ địa chất lập bản đồ sét -> tất cả đều lặng lẽ và bền bỉ với đời sống, với công việc.

+ Anh tác động lớn tới ông họa sĩ và cố kĩ sư: Ông họa sĩ tìm thấy ở anh lí tưởng sáng tạo của mình. Còn cô kĩ sư cũng tìm thấy ở anh một tấm gương về tình yêu cuộc sống, tình yêu công việc.

=> Anh là hiện thân cho vẻ đẹp của một lớp người đang tích cực góp phần tạo dựng lên cuộc sống mới cho quê hương, đất nước.

c. Nghệ thuật khắc họa nhân vật

- Ngôi kể: ngôi thứ 3, điểm nhìn trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn và ý nghĩ của nhân vật ông hoa sĩ, ngoài ra còn có điểm nhìn của cô kĩ sư và bác lái xe. Khiến cho câu chuyện về nhân vật trở nên khách quan, chân thực, có cái nhìn nhiều chiều về nhân vật. Qua cách nhìn và cảm xúc của các nhân vật, hình ảnh người thanh niên hiện lên rõ nét và đáng mến hơn.

- Tình huống truyện là cuộc gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn, Sa Pa.Tạo tình huống ấy khiến tác giả giới thiệu nhân vật một cách thuận lợi, nhất là đề nhân vật ấy hiện lên qua cái nhìn, ấn tượng của các nhân vật khác. Từ đó làm cho hình tượng của anh thanh niên trở nên khách quan, chân thực.

3. Kết bài

- Nêu cảm nhận của em về hình tượng anh thanh niên.

- Trong truyện Lặng lẽ Sa Pa, tác giả đã ca ngợi những con người như anh thanh niên với nhân cách và tâm hồn, lí tưởng sống rất đẹp, sống cống hiến âm thầm không đòi hỏi tư lợi và đó cũng chính là thành công của tác giả Nguyễn Thành Long khi phác họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường mà cao đẹp.

Tham khảo thêm bài văn mẫu: Phân tích nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa ( Nguyễn Thành Long)

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM