Cảm nhận 12 câu thơ giữa bài Chí khí anh hùng

Xuất bản: 09/05/2019 - Cập nhật: 25/06/2020 - Tác giả: Giangdh

[Văn mẫu 10] Cảm nhận 12 câu giữa bài Chí khí anh hùng để hiểu rõ hình tượng người anh hùng Từ Hải cùng chí hướng dựng nghiệp của mình

Cảm nhận 12 câu thơ giữa bài Chí khí anh hùng - là một trong những nội dung mà Nguyễn Du xây dựng thành công hình ảnh người anh hùng chí khí hơn người - Từ Hải, dù có nữ nhi xinh đẹp cũng không thể nào ngăn được bước đi của người anh hùng ấy.

Có thể bạn quan tâm

đến bài cảm nhận đoạn trích Chí khí anh hùng để nắm được toàn cảnh bài văn qua đó dễ dàng triển khai viết những bài cảm nhận từng đoạn thơ được dễ hơn.

----------

Những bài văn hay chọn lọc cảm nhận 12 câu thơ giữa bài Chí khí anh hùng

Bài văn mẫu 1

Hình ảnh lý trí cao đẹp qua cảm nhận 12 câu thơ giữa bài Chí khí anh hùng

Nguyễn Du không chỉ khắc họa Từ Hải lập nên nhiều kì tích phi thường, ông còn làm nổi bật tính cách anh hùng của Từ Hải khi đặt nhân vật đối mặt và vượt lên cái bình thường. Đoạn trích Chí anh hùng này là thế. Ở đây có những vướng bận gia đình, có “Thói nữ nhi thường tình”. Nên bề ngoài có thể xem cái gian nan thử thách trong lòng mà Từ phải đổi mặt để giải quyết là vấn đề “anh hùng và mĩ nhân” - mĩ nhân cản bước, còn anh hùng thì vượt ải mĩ nhân. Nghĩ thế không sai, nhưng cũng không hẳn.

Như chúng ta thấy được hình ảnh mà Nguyễn Duy muốn thể hiện ở Thuý Kiều là sự đúng mực của người đàn bà nề niếp, trọng bổn phận đạo lí, nhưng cũng không thiếu kiên tâm, thì ở Từ Hải là lối nói sắt đá, quyết đoán của một bậc trượng phu, song cũng không phải vô tình, Kiều viện đạo phu thê, Từ lại viện đạo tri kỉ. Kiều ứng xử theo lẽ bình thường, Từ ứng xử theo lối phi thường. Nàng muốn được theo chân Từ Hải

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đì!”

Kiều viện ra đạo lí phu thê thường tình vừa như một lí lẽ vừa như một thề nguyền để thuyết phục từ Hải. Nàng muốn được kề vai sát cánh chia ngọt sẻ bùi cùng chồng. Còn Từ Hải có chấp nhận cái thường tình không? Chấp thuận cái thường tình thì còn đâu là kẻ phi thường. Đó không thể là cung cách Từ Hải. Nhưng Từ cũng không nỡ gạt đi một cách lạnh lùng, mà cũng viện ra những lí lẽ riêng để thuyết phục Kiều. Chàng xuất phát từ đạo lí khác: đạo lí tri kỉ. Từ Hải xem đạo tri kỉ cao trọng hơn đạo phụ thê. Một khi đã là tri kỉ, hiểu rõ lòng dạ của nhau, thì không nên cậu nệ lẽ phu thê theo thói thường của người đời:

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”

Rồi Từ bộc bạch cái chí phi thường của mình. Đó là chí của một người muốn dựng nghiệp vương bá:

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường,

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Bằng nay bốn bể không nhà,

Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?

Đành lòng chờ đó ít lâu,

Chầy chăng là một năm sau, vội gì!

Từ Hải sẽ xây dựng cơ đồ huy hoàng của một bậc vương bá để xứng đáng với Kiều. Cũng có nghĩa: lúc Từ tạo dựng xong nghiệp vương nghiệp bá cho mình cũng tức là đưa Kiều lên địa vị một mệnh phụ phu nhân. Chỉ khi đạt được điều ây, Từ mới rước nàng về. Vậy nên cái hạnh phúc mà Từ Hải muốn hướng tới đâu chỉ là chút “hương lửa đương nồng” trong một mái ấm của đời thường. Mà chính là một hạnh phúc phi thường: hạnh phúc của bậc anh hùng cái thế. Từ muốn một mình thực hiện điều đó. Từ cũng không muốn một mình thực hiện điều đó. Từ cũng không muôn vì điều đó mà Kiều phải bận lòng và làm vướng bận mình. Điều kinh ngạc là cái việc kinh thiên động địa ấy, Từ hoàn toàn tin rằng minh chỉ thực hiện chóng vánh trong một năm! Nghĩa là cái việc vá trời lấp biển ấy với Từ chả khó khăn gì, chỉ như trở bàn tay.

Ngẫm ra, cái sự nghiệp hướng tới đã là phi thường. Cái thời lượng dành cho việc phi thường ấy lại chẳng lâu la gì. Cái cách đạt được nó xem ra cũng chẳng khó khăn gì. Ngần ấy hội lại chẳng đã đủ làm rõ mặt phi thường của con người Từ Hải hay sao?

Xem thêm:

Bài văn mẫu 2

Bài văn cảm nhận 12 câu thơ giữa bài chí khí anh hùng chọn lọc

Nói đến anh hùng, chúng ta thường liên tưởng đến những nhân vật thần thoại có sức mạnh phi thường, có tài, có đức, có dũng khí và làm nên những kì tích đặc biệt được người đời kính phục. Định nghĩa về người anh hùng được mở rộng hơn qua góc nhìn của Nguyễn Du, là danh nhân văn hóa thế giới, là nhà văn, nhà thơ ở thời kì trung đại. Đó là hình tượng người anh hùng mang tầm vóc vũ trụ, mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ dám làm.. được thể hiện qua đoạn trích "Chí khí anh hùng"

"Chí khí anh hùng" được trích từ truyện Kiều (Nguyễn Du) từ câu 2213-2230 trong phần gia biến và lưu lạc. Sau khi Từ Hải cứu Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, cả hai đã tìm thấy sự hòa hợp về tâm hồn. Ở họ vừa có sự thấu hiểu chân thành vừa có sự đồng cảm sâu sắc cho nhau. Hai khoảng trống về tâm hồn đã được lấp đầy, san sẻ cho nhau bằng tình yêu. Sự tương xứng ấy tạo nên một kết thúc hạnh phúc cho Từ Hải và Thúy Kiều.

Sau nửa năm ngọt ngào cùng với Thúy Kiều, Từ Hải "thoắt đã động lòng bốn phương", mong muốn nhanh chóng lên đường tạo lập công danh. "Bốn phương" ngụ ý chỉ không gian to lớn, thoáng đãng, thỏa chí tan bồng của người quân tử với mục đích nâng tầm vóc của người anh hùng ngang với tầm vóc vũ trụ.

Từ Hải khao khát được tung hoành ngang dọc, vùng vẫy ở bốn phương "trời bể mênh mang" với cái nhìn sáng suốt, rộng lớn. Cùng với "thanh gươm", "yên ngựa", chàng đã vào tư thế hiên ngang, sẵn sàng lên đường "thẳng rong" để theo đuổi khát vọng. Khát vọng ấy là sức mạnh tự nhiên không gì có thể ngăn cản.

Cho dù Thúy Kiều là người sâu sắc và thấu hiểu đến mức nào, thì vẫn không thể thoát khỏi việc quyến luyến trước cảnh chia xa, nàng một mực xin đi theo để làm tròn bổn phận của người vợ:

"Nàng rằng: Phận gái chữ tòng.

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi."​

Từ Hải vẫn quyết tâm một mình ra đi. Chàng đã trách khéo nàng "tâm phúc tương tri" hai người đã hiểu rõ nhau rồi, cần gì phải quan tâm đến chuyện "tam tòng" như "nữ nhi thường tình". Rồi chàng động viên Thúy Kiều phải vượt lên tình cảm thông thường để xứng đáng là vợ anh hùng, ở nhà đợi tin vui:

"Bao giờ mười vạn tinh binh

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường

Làm cho rõ mặt phi thường

Bây giờ ta sẽ rước nàng nghi gia."​

Tiếng gọi của hoài bão, sự nghiệp đã thôi thúc Từ Hải quyết tâm nhanh chóng lên đường, hứa hẹn với Thúy Kiều về một tương lai tươi đẹp và thành công. Những hình ảnh mang tính ước lệ như "mười vạn tinh binh", "Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường" cho thấy được khát vọng lớn lao và đầy tự tin của Từ Hải. Còn bây giờ giữa trời đất bao la bốn bể không nhà, nàng mà đi theo chỉ làm bận tâm thêm, huống chi chưa biết rõ là đi đâu.

"Bằng nay bốn bể không nhà

Theo càng thêm bận biết là đi đâu"​

Vì vậy nàng hãy đành lòng chờ đợi chỉ một hai năm. Từ Hải cũng rất tự tin quả quyết rằng sẽ hoàn thành sự nghiệp bá vương trong vòng một năm. Quá đó mà ta thấy được tính cách "đầu đội trời chân đạp đất", "dám nghĩ dám làm" của người anh hùng Từ Hải:

"Đành lòng chờ đó ít lâu

Chầy chăng là một năm sau vội gì

Lời từ chối của Từ Hải cho thấy lý tưởng lớn lao của chàng cùng với tình yêu sâu sắc của chàng đối với Thúy Kiều. Thoạt tiên, chàng trách nàng “Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”, tuy trách nhưng thực chất là để đề cao. Chính vì coi Kiều là người “tâm phúc”  nên Từ yêu cầu và động viên nàng xây dựng phẩm chất để trở thành nàng Ngu Cơ của mình với những phẩm chất cao cả hơn chứ không phải những thói thường tình. Ai bảo khí phách anh hùng chỉ bộc lộ trong “vòng tên đạn bời bời”? Nguyễn Du đã thành công khi chứng minh chí khí của Từ Hải khi vượt qua được ải mĩ nhân, hay những cám dỗ của tình yêu đôi lứa.

Khi để Từ Hải bộc bạch tâm nguyện “làm cho rõ mặt phi thường” với Kiều Nguyễn Du đã sử dụng một loạt các từ ngữ, hình ảnh thuộc phạm trù không gian gợi nên khát vọng lớn lao, tầm vóc vũ trụ của người anh hùng chí lớn. Chàng tự thấy, hiện tại chưa phải là lúc có thể tiến hành nghi thức thành hôn cho thật xứng đáng với những gì mà chàng cho rằng Kiều đáng được nhận. Chính vì vậy nên chàng quyết lòng ra đi để đi tìm hạnh phúc cho cả hai. Lời hứa trước giờ lên đường có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai. Đó vừa là động lực cho Từ xông pha chiến đấu khi biết nơi quê nhà còn có người đang đợi mình trở về vừa có ý nghĩa tiếp thêm niềm tin cho Thúy Kiều trong khi đợi chờ chồng quay lại.

Chừng như sự nghiệp lớn lao vĩ đại ấy chàng có thể dễ dàng đạt đến không tốn lấy một giọt mồ hôi. Tuy nhiên, Từ Hải đã nói những lời ấy trong hoàn cảnh “bốn bể không nhà” chỉ với “thanh gươm yên ngựa” mà còn chẳng “biết là đi đâu” với một ước hẹn cụ thể “chầy chăng là một năm sau”. Điều đó càng cho thấy ở chàng có một sự tự tin mạnh mẽ cũng như chí hướng rõ ràng cho con đường lập nghiệp của bản thân. Việc làm của Từ có khác nào hành động “Nước lã mà vã nên hồ” từ hai bàn tay không mà lập nên cơ đồ, nhưng chàng đã dám hứa chắc để động viên Kiều trong những ngày tháng sắp tới. Từ đó cho thấy Từ đâu chỉ là người anh hùng có chí khí mà còn là một người đàn ông với tình yêu thương, lo lắng vô bờ đáng để Kiều trao thân gửi phận.

Chỉ qua 12 câu giữa bài chí khí anh hùng Nguyễn Du đã khắc họa nên hình ảnh một bậc đại trượng phu vừa có chí khí phi thường, vừa có lí tưởng cao đẹp.

Tham khảo thêm:

Bài văn mẫu 3

Văn mẫu 10 cảm nhận 12 câu thơ giữa bài Chí khí anh hùng

Bị đẩy vào lầu xanh lần thứ hai, Kiều ở trong tình trạng vô cùng đau đớn, tuyệt vọng:"Biết thân chạy chẳng khỏi trời - Cũng liều một phấn cho rồi ngày xanh". Từ Hải xuất hiện đột ngột ở lầu xanh và tìm đến Kiều – một người tri kỉ. Với "con mắt xanh" tinh tường, Kiều đã mau chóng nhận ra Từ Hải là một anh hùng ngay từ lúc Từ chưa làm nên sự nghiệp. Từ Hải đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh và lấy nàng làm vợ, nhưng tình yêu không thể níu giữ chân Từ Hải. Đang sống êm đềm và hạnh phúc bên người đẹp, Từ Hải đột ngột từ biệt Kiều ra đi lập nghiệp anh hùng.

Đây là đoạn thơ sáng tạo của Nguyễn Du. Đoạn trích thể hiện khí phách anh hùng của Từ Hải qua lời chia tay Thúy Kiều.

Đoạn trích tập trung khắc họa hình ảnh người anh hùng Từ Hải – người anh hùng với chí khí cao đẹp, với quyết tâm thực hiện lí tưởng, khát vọng lớn lao. Đặt Từ Hải trong cảnh chia tay với Kiều trong cảnh" hương lửa đương nồng", Thúy Kiều lại "một lòng xin đi" cho vẹn " chữ lòng", trong hoàng cảnh đó Từ Hải có điều kiện để giãi bày, bộc lộ khát vọng, chí khí của mình. Chí anh hùng chính là vẻ đẹp, là khí phách của Từ Hải nó trở thành cảm hứng bao trùm cả đoạn thơ.

Là người anh hùng với những ước mơ, khát vọng lớn lao nhưng Từ Hải cũng là một con người đa tình. Khi mới gặp Kiều, Từ Hải đã mau chóng nhận ra Kiều là người tri kỉ với mình, còn Thúy Kiều với con mắt xanh nàng cũng nhận ra Từ là người anh hùng "hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa", bởi "trai anh hùng " đã gặp "gái thuyền quyên". Cuộc hôn nhân này đã mang lại cho Kiều và Từ Hải một cuộc sống hạnh phúc, êm ấm. Nhưng người vợ đẹp, thông minh, sắc sảo và hạnh phúc gia đình cũng không thể níu giữ được chân Từ. Chàng thấy"động lòng bốn phương " là thấy trong lòng sôi nổi, náo nức hướng tới trời cao đất rộng, tới cuộc sống tự do chí khí tung hoành bốn phương trời. Những hình ảnh lớn lao kì vĩ "bốn phương", "trời bể mênh mang" xuất hiện liên tiếp trong đoạn thơ đã thể hiện lí tưởng và khát vọng lớn lao của Từ. Con người ấy đã nói là làm, nói đi là đi, đã đi là tới. Đó là tính cách mạnh mẽ, phi thường của người anh hùng.

Nguyễn Du để cho Từ Hải ngồi trên yên ngựa với tư thế đã sẵn sàng lên đường rồi mới nói với Kiều những lời tiễn biệt. Có thể thấy đây là một cuộc chia tay rất khác thường. Cuộc đời Kiều đã trải qua nhiều cuộc chia tay. Đó là cuộc chia tay với Kim Trọng âm thầm, lưu luyến "khách đà lên ngựa người còn ghé theo" – của đôi nam nữ thanh tú mới gặp nhau lần đầu mà đã "tình trong như đã mặt ngoài còn e"; đó là cuộc chia tay bịn rịn với Thúc Sinh "người lên ngựa, kẻ chia bào" Trong cuộc chia tay lần này, Từ Hải đã ở trong tư thế sẵn sàng của con người dứt lòng ra đi vì nghĩa lớn. vì lí tưởng, vì sự nghiệp của mình. Tiếng gọi của sự nghiệp đã lay động chàng. Từ không thể đắm mình trong chốn phòng khuê và Kiều cũng không thể ngăn chàng thực hiện khát vọng lập nghiệp của mình. Sự nghiệp đối với Từ là điều trên hết. Đó không chỉ là ý nghĩa sự sống của chàng mà còn là điều kiện để chàng thực hiện những khát vọng, ước ao mà người tri kỉ đã gửi gắm ở chàng.

Khi Thúy Kiều xin với Từ cho nàng được đi theo, Từ đã trách người tri kỉ chưa thoát khỏi "nữ nhi thường tình". Từ Hải mong muốn Kiều sẽ vượt lên những tình cảm thông thường để làm vợ một anh hùng có chí khí phi thường. Cho nên sau này trong nỗi nhớ thương của Thúy Kiều "Cánh hồng bay bổng tuyệt vời / Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm" không chỉ có sự mong chờ người yêu nơi phương xa mà còn hi vọng thành công trong sự nghiệp

Những lời nói của Từ Hải, còn thể hiện chàng là con người rất mực tự tin. Ngay trong cảnh trần ai, Từ Hải đã xem mình như một người anh hùng, sự nghiệp của chàng như đã nắm vững trong tay. Bây giờ mới bắt đầu xuất phát với "thanh gươm yên ngựa" nhưng chàng đã khẳng định không quá một năm sau chàng sẽ trở về với một cơ đồ to lớn. Ngôn ngữ đối thoại cũng là tất yếu góp phần tô đậm khí phách của người anh hùng. Biết rõ Từ đi "bốn bể là nhà" Kiều vẫn tha thiết xin được đi cùng: "Nàng rằng" Phận gái chữ tòng / Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi" Từ đã nói với nàng những lời kiên quyết và tin tưởng chàng trở về với "mười vạn tinh binh – tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường". Chàng hứa "Chầy chăng là một năm sau vội gi!" Những lời nói của Từ không chỉ thể hiện khí phách hiên ngang của người anh hùng mà còn thể hiện chàng là người rất tự tin, tin vào sức mạnh tin vào tài năng của mình, chàng sẽ lập nên sự nghiệp lớn.

Vận dụng linh hoạt và sáng tạo các yếu tố nghệ thuật,chỉ qua 12 câu thơ, Nguyễn Du đã xuất sắc tái hiện lên vẻ đẹp kỳ vĩ của nhân vật Từ Hải. Khuynh hướng lí tưởng hóa với những nét tính cách đẹp đẽ sinh động mang đậm chất lí tưởng.

Cảm nhận 14 câu thơ cuối đoạn trích Chí khí anh hùng

-------

Trên đây là những bài văn mẫu hay nhất được Đọc tài liệu sưu tầm với nội dung cảm nhận 12 câu thơ giữa bài Chí khí anh hùng, hy vọng đã giúp các em có thêm nội dung bổ sung vào bài viết của mình. Chúc các em học tốt môn văn mẫu 10

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM