Kinh đô của nhà nước Văn Lang đóng ở đâu?

Kinh đô của nhà nước Văn Lang đóng ở đâu? Tìm hiểu lịch sử quá trình hình thành của nhà nước Văn Lang, nhà nước Văn Lang ra đời vào thời gian nào, do ai đứng đầu?

Trả Lời Nhanh

Kinh đô của nhà nước Văn Lang đóng ở Phong Châu (thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay), nằm trải từ thành phố Việt Trì cho tới khu vực Đền Hùng thuộc huyện Lâm Thao.

MỤC LỤC NỘI DUNG
  • Kinh đô của nhà nước Văn Lang đóng ở đâu?
  • Giới thiệu chung về Nhà nước Văn Lang
  • Nhà nước Văn Lang ra đời vào thời gian nào?
  • Các đời vua Hùng cai trị nhà nước Văn Lang

Kinh đô của nhà nước Văn Lang đóng ở đâu?

Kinh đô của nước Văn Lang là Bạch Hạc (chim hạc trắng) đóng ở Phong Châu thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay, nằm trải từ thành phố Việt Trì cho tới khu vực Đền Hùng thuộc huyện Lâm Thao. Các tên gọi chữ Hán của kinh đô Văn Lang về sau như: Chu Diên (diều hâu đỏ), Ô Diên (quạ đen), Hồng Bàng cũng đều mang nghĩa chỉ loài chim nước lớn thuộc họ Diệc...
Kinh đô cổ của quốc gia Văn Lang thời Hùng Vương dựng nước nằm trên một vùng rộng lớn từ ngã Ba Hạc - nơi hợp lưu của ba dòng sông lớn (sông Hồng, sông Lô, sông Đà) đến chân núi Nghĩa Lĩnh (Núi Hùng - Núi Cả). Từ các xã ở tả ngạn sông Lô như Hùng Lô, Phượng Lâu, Trưng Vương đến các xã Thanh Đình, Chu Hóa (Lâm Thao) đều nằm trong phạm vi kinh đô xưa của nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Đây là một vùng đất địa linh có hình thế “Sơn chầu thủy tụ; sơn thủy hữu tình” tả có dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa và sừng sững ngọn Ba Vì hùng vĩ; hữu có dòng sông Lô nước xanh trong lững lờ trôi xuôi và xa xa là ngọn Tam Đảo án ngữ. Phía sau lưng là ngọn núi thiêng Nghĩa Lĩnh, nhìn về vùng đồng bằng rộng lớn, có xu hướng tiến xa, mở rộng bờ cõi cho muôn đời con cháu mai sau.

Giới thiệu chung về Nhà nước Văn Lang

Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam cai trị bởi các Vua Hùng, tương ứng với các thời kỳ văn hóa Đông Sơn, Phùng Nguyên, Gò Mun và Đồng Đậu.
- Về nguồn gốc tên gọi Văn Lang, theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, trong truyền thống của người Mường, tổ tiên của họ là hai con chim Klang và Klao. Văn Lang, Gia Ninh, Mê Linh... là cách đọc tiếng Việt của Klang, Blang, Bling, Mling... đều chỉ loài chim lớn.
- Lãnh thổ nhà nước Văn Lang gồm một phần Trung Quốc, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay. Theo truyền thuyết, vị trí nước Văn Lang có phía đông giáp biển Nam Hải (biển Đông), phía tây đến Ba Thục, phía bắc đến hồ Động Đình và phía nam giáp nước Hồ Tôn.
- Về tổ chức bộ máy nhà nước, đứng đầu nhà nước Văn Lang là vua Hùng Vương (hoặc Lạc Vương), dưới có các quan Lạc Hầu (văn) và Lạc Tướng (võ) cai quản các bộ (15 bộ). Thấp hơn nữa là các quan Bồ Chính cai quản từng khu vực nhỏ (làng). Bên cạnh bồ chính có lẽ còn có một nhóm người hình thành một tổ chức có chức năng như một hội đồng công xã để tham gia điều hành công việc của công xã nông thôn. Mỗi công xã có nơi trung tâm hội họp, sinh hoạt cộng đồng, thường là một ngôi nhà công cộng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Tôi tớ nữ gọi là xảo, nam gọi là xứng, kẻ bề dưới gọi là hôn.

Nhà nước Văn Lang ra đời vào thời gian nào?

Nhà nước Văn Lang ra đời vào khoảng thế kỉ VII TCN. “Sử cũ viết: '… ở vùng Gia Ninh (Phú Thọ), có vị thủ lĩnh dùng tài năng khuất phục các bộ lạc và tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang (Bạch Hạc, Phú Thọ ngày nay), đặt tên nước là Văn Lang”. Địa bàn chủ yếu của nhà nước Văn Lang thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện nay.

- Bộ sử Đại Việt sử lược viết thời Trần: Hùng Vương đầu tiên là người ở bộ Gia Ninh, dùng ảo thuật quy phục các bộ khác vào khoảng đời Chu Trang Vương (696 - 682 TCN). Ông lên ngôi đặt Quốc hiệu và kinh đô đều là Văn Lang, truyền 18 đời, mỗi đời trị vì khoảng 24 năm. 
- Theo bộ Đại Việt sử ký toàn thư viết thời Lê: Hùng Vương đầu tiên là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, cháu Kinh Dương Vương (vua nước Xích Quỷ vào khoảng năm 2879 TCN). Ông lên ngôi lấy Quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Lạc Long Quân và Âu Cơ (con gái Đế Lai) sinh được 100 người con, 50 người con theo mẹ lên núi phủ tuyết (Âu Việt) và 50 người con theo cha xuống biển (Lạc Việt). Con trai cả của Lạc Long Quân lên làm vua hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc, Phú Thọ. Theo thuyết này thì mỗi đời tối thiểu 131 năm, do đó nên hiểu là 18 chi (nhánh) hay 18 vương triều.
- Nhà nước Văn Lang tồn tại tới năm 258 TCN thì bị An Dương Vương sáp nhập vào nước Âu Lạc.

Các đời vua Hùng cai trị nhà nước Văn Lang

Theo Ngọc phả Hùng Vương, có tất cả 18 đời vua từng cai trị nhà nước Văn Lang:

- Kinh Dương Vương, vị vua viễn tổ.
- Lạc Long Quân, hiệu là Sùng Lãm, chính là Lạc Long Quân vị vua cao tổ.
- Hùng Quốc Vương, húy là Lân Lang, vị vua mở nước.
- Hùng Diệp Vương Bảo Lang.
- Hùng Huy Vương Viên Lang.
- Hùng Huy Vương (cùng hiệu với đời thứ 5) huý Pháp Hải Lang.
- Hùng Chiêu Vương Lang Tiên Lang.
- Hùng Vi Vương Thừa Vân Lang.
- Hùng Duy Vương Quốc Lang.
- Hùng Uy Vương Vương Hùng Hải Lang.
- Hùng Chính Vương Hùng Đức Lang.
- Hùng Việt Vương Đức Hiền Lang.
- Hùng Việt Vương Tuấn Lang.
- Hùng Anh Vương Châu Nhân Lang.
- Hùng Chiêu Vương Cảnh Chân Lang.
- Hùng Tạo Vương Đức Quân Lang.
- Hùng Nghị Vương Bảo Quang Lang.
- Hùng Duệ Vương Huệ Lang.

CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN