Ca dao là gì? Khái niệm, đặc điểm và phân loại ca dao

Giải đáp Ca dao là gì? Nêu khái niệm, đặc điểm đặc trưng của ca dao. Các thể loại ca dao thường gặp trong đời sống hiện nay.

Trả Lời Nhanh

Ca dao là lời thơ trữ tình dân gian, thường có sự kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người.

Khái niệm ca dao là gì?

Khái niệm ca dao có nhiều góc nhìn, quan niệm khác nhau như sau:

Trong sinh hoạt văn học dân gian, có một bộ phận quan trọng là sinh hoạt ca hát, trong đó tiêu biểu nhất là việc diễn xướng ca dao, dân ca. Ðể chỉ lĩnh vực ca hát dân gian, nhân dân sử dụng các từ: ca, hò, ví, lý, hát giao duyên, hát đối, hát huê tình …

Giới nghiên cứu, các nhà nho sưu tầm, biên soạn gọi những câu hát dân gian là: phong sử, phong dao, ca dao, dân ca, thơ ca dân gian, thơ ca truyền miệng dân gian, thơ ca trữ tình dân gian…

Ca dao là thuật ngữ Hán Việt. Theo từ nguyên, ca là bài hát có chương khúc, giai điệu; dao là bài hát ngắn, không có giai điệu, chương khúc.

Sách Trung Quốc ca dao: ca là bài hát có hòa với nhạc, dao là lời của bài hát đó.

Theo Lịch sử văn học Việt Nam của Bùi Văn Nguyên: ca dao là những bài có hoặc không có chương khúc, sáng tác bằng thể văn vần dân tộc (thường là lục bát), để miêu tả, tự sự, ngụ ý và diễn đạt tình cảm. Dân ca là những bài hát có hoặc không có chương khúc do nhân dân sáng tác lưu truyền trong dân gian ở từng vùng hoặc phổ biến ở nhiều vùng có nội dung trữ tình và có giá trị đặc biệt về nhạc.

Theo SGK Ngữ văn 10, Ca dao là lời thơ trữ tình dân gian, thường có sự kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác nhằm diễn tả thế giới nội tâm của con người.

Tham khảo: Tục ngữ là gì?

Đặc điểm của ca dao

Cũng như các thể loại văn học dân gian khác, ca dao cũng có những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật riêng.

Đặc điểm nội dung

Nội dung của ca dao thường diễn tả đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ đôi lứa, gia đình, quê hương, đất nước,… Trong đó có các chủ đề chính là những tiếng hát than thân, những lời ca yêu thương tình nghĩa cất lên từ cuộc đời còn nhiều xót xa, cay đắng nhưng đằm thắm ân tình của con người Việt Nam và những bài ca dao hài hước thể hiện tinh thần lạc quan của người lao động.

Đặc điểm nghệ thuật

+ Lời thơ thường ngắn gọn.

+ Sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể.

+ Ngôn ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày, giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ.

+ Lối diễn đạt bằng một số hình thức mang đậm sắc thái dân gian.

Mục đích sáng tạo ca dao

Cũng như các thể loại văn học khác, ca dao cũng mang trong mình những mục đích riêng, giá trị riêng cho người sáng tác và người nghe.

Thể hiện đời sống tinh thần của nhân dân

Ca dao trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Những lúc giải lao khi lao động, những câu ca dao, dân ca trở thành “phương tiện” giải trí, giúp người dân xua tan đi mệt mỏi, lau đi những giọt mồ hôi vất vả. Những lúc đau khổ vì bị chèn ép, bị khinh thường, coi rẻ, ca dao dân ca là nơi để họ giãi bày tâm sự kín đáo. Sự tủi nhục, đắng cay mà họ phải gánh chịu không biết phải san sẻ với ai nên họ đã gửi gắm vào ca dao.

Đồng thời, ca dao cũng thể hiện tinh thần sống lạc quan, cố gắng vượt lên trên số phận, không gục ngã trước hoàn cảnh để làm chủ cuộc đời mình của những người dân lao động.

Tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu

Ca dao được sáng tác một cách ngẫu nhiên, tùy hứng nhưng lại chứa đựng nhiều bài học quý báu. Những bài học về tình yêu đất nước, cội nguồn, tình cảm vợ chồng, tình yêu đôi lứa,… Hay những kinh nghiệm sản xuất, cách đối nhân xử thế; những bài học về ý chí vươn lên trong cuộc sống,… cũng được cha ông ta lồng ghép khéo léo trong ca dao và truyền lại cho con cháu đời sau.

7 thể loại ca dao thường gặp

Ca dao là một thể loại văn học dân gian hay gặp ngày xưa, vì ngôn từ gần gũi lại mang âm điệu nhẹ nhàng. Và vì vậy mà nội dung của ca dao trải rộng khắp 7 thể loại, bao trùm cuộc sống của người dân xưa.

Đồng dao

Đây là những bài thơ ca dân gian truyền miệng dành cho trẻ em. Những bài đồng dao có đặc điểm là có nhịp điệu và dễ nhớ. Chúng được chia thành 2 loại: gắn với công việc của trẻ nhỏ và gắn với các trò chơi của trẻ.

Ví dụ:

“Nu na nu nống,
Cái cống nằm trong,
Cái ong nằm ngoài,
Củ khoai chấm mật.”

"Rồng rắn lên mây
Có cây xúc sắc
Có quả đồng hồ
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?"

"Hàng trầu hàng cau
Là hàng con gái
Hàng bánh hàng trái
Là hàng bà già
Hàng hương hàng hoa
Là hàng cúng Phật."

Ca dao lao động

Được sáng tác trong quá trình lao động của người dân. Vì vậy, nó gắn liền với nhịp điệu lao động và cảm xúc của người dân. Đồng thời cũng đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu của người lao động.

Ví dụ:

“Tháng chạp là tiết trồng khoai,
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà.
Tháng ba thì đậu đã già,
Ta đi ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò,
Ðể ta sắm sửa làm mùa tháng năm…”

Ơn trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.
Công lênh chẳng quản lâu đâu,
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.

Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.

Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng, đá mềm
Trời êm, bể lặng mới yên tấm lòng.

Ca dao ru con

Những bài ca dao ru con được xuất hiện trong hoàn cảnh những người mẹ phải địu con khi lên nương, lên rẫy làm việc. Vì vậy, chúng không chỉ đơn thuần là những bài hát ru mà qua đó còn gửi gắm tình cảm của người mẹ với hy vọng con ngủ ngoan để mẹ làm việc. Hoặc mong con sau này khôn lớn, trưởng thành sẽ đỡ đần cha mẹ.

Ví dụ:

“Ru con, con ngủ cho say
Để u dệt vải cho thầy nhuộm nâu
Cắt quần cắt áo u khâu
Để thầy con mặc dãi dầu mùa chiêm.”

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha

Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Ca dao than thân

Những bài ca dao than thân cũng chiếm một phần lớn trong kho tàng ca dao Việt Nam. Đó là những tiếng nói được cất lên từ những con người lầm than, cùng cực trong xã hội cũ. Cuộc đời của họ là những chuỗi ngày đắng cay, chịu bảo uất ức, tủi hờn vì thấp cổ bé họng.

Ví dụ:

“Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay

Ai làm cho bể kia đầy?
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?”

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

Thân ai khổ như thân con rùa
Xuống sông đội đá, lên chùa đội bia

Thân ai khổ như thân anh kia
Ngày đi cuốc bãi tối về nằm suông

Ca dao trữ tình

Loại ca dao này chủ yếu thể hiện tình yêu đôi lứa, tình cảm nam nữ. Chúng thường được dùng để tỏ tình hoặc “tán tỉnh” nhau giữa các cặp đôi. Thời xưa, chuyện tình cảm nam nữ khá tế nhị nên các cặp đôi yêu nhau thường dùng những câu ca dao trữ tình như thay lời mật ngọt muốn nói gửi đến người thương của mình.

Ví dụ:

Cây cao, quả chín đồi mồi,
Anh trông mỏi mắt, anh chòi mỏi tay.

Chàng về để áo lại đây,
Phòng khi em nhớ, cầm tay đỡ buồn.

Bắc thang lên hái hoa vàng,
Vì ai cho thiếp biết chàng từ đây.

Ca dao trào phúng, hài hước

Những câu ca dao hài hước thể hiện tinh thần lạc quan, vượt lên số phận của người dân lao động. Ngược lại, những câu ca dao châm biếm lại có tác dụng lên án, phê phán những thói hư của con người trong xã hội cũ.

Ví dụ:

Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm
Trên đầu những rác cùng rơm
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.

Hai tay cầm hai quả hồng,
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai.

Chỉ đâu mà buộc ngang trời
Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ.

Ca dao về các phong tục và lễ nghi của người Việt

Những câu ca dao này thể hiện hình thức sinh hoạt, các phong tục – tập quán, lối sống của người dân Việt Nam.

Ví dụ:

Thịt Mỡ dưa hành câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Ai về Phú Thọ cùng ta,
Vui ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười.

Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.

Thứ nhất là hội Cổ Loa
Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm.

CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN