Ý nghĩa món canh bánh gạo Tteok kuk của người Hàn vào dịp Tết Nguyên đán
Nếu như bánh chưng mang niềm tự hào của nền văn minh lúa nước, được bày biện ngay ngắn trên ban thờ người Việt vào dịp Tết Nguyên đán thì canh bánh gạo Tteok kuk của dân tộc Hàn Quốc cũng mang rất nhiều ý nghĩa, đằng sau món canh tưởng chừng đơn giản này.
Canh bánh gạo (Tteok kuk) là món ăn truyền thống lâu đời và đặc trưng của ẩm thực Hàn Quốc. Theo các tài liệu ghi chép lại thì không có nhiều thông tin chính xác về thời điểm ra đời của món ăn này. Tuy nhiên, trong một quyển sách của triều đại Joseon đã có dòng giới thiệu rằng canh bánh gạo là món ăn truyền thống ngày Tết Nguyên đán.
Nếu bạn là người có đam mê với ẩm thực Hàn Quốc thì chắc chắn sẽ biết đến món bánh gạo cay Tteokbokki nổi tiếng. Và phần bánh gạo trong món canh bánh gạo này cũng tương tự như bánh gạo trong Tteokbukki. Những chiếc bánh gạo có thể mang hình dạng dài hoặc tròn mỏng, tùy theo hình dạng mà ý nghĩa của món ăn cũng khác nhau.Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là canh bánh gạo vào dịp năm mới phải đều sử dụng màu trắng hoàn toàn.
Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc, nhà nào cũng ăn Tteok kuk, bở Tteok kuk có nghĩa là một sự khởi đầu mới. Do đó, màu trắng được sử dụng cho bánh gạo để nhằm mang ý nghĩa làm sạch cả cơ thể và tâm trí. Có như vậy thì vào năm mới, con người mới rũ bỏ được những điều không tốt đẹp và có sự bắt đầu hoàn hảo hơn.
Trong đó, nếu sử dụng bánh gạo trắng dài thì ý nghĩa tiềm ẩn bên trong là muốn mang đến cuộc sống khỏe mạnh và trường thọ hơn. Do đó, khi ăn bánh gạo dài thì người Hàn Quốc tự nhủ rằng không nên làm đứt miếng bánh gạo trước khi ăn, ngược lại nếu kéo bánh gạo ra càng dài sẽ càng tốt.
Ngoài ý nghĩa trường thọ thì bánh gạo dài còn tượng trưng cho sự thịnh vượng về tài sản và tiền tài. Bởi chiều dài của chiếc bánh gạo được ví như sự giàu có của gia đình. Song song đó, bánh gạo có dạng hình tròn cũng tượng trưng cho mong ước phát tài và kiếm được nhiều tiền hơn vào năm mới.
Đặc biệt, vào ngày Tết Nguyên đán, món canh bánh gạo không hẳn chỉ có màu trắng bởi ngoài bánh gạo thì món canh này còn có sự tham gia của nhiều nguyên liệu khác như trứng, rong biển, cá tuyết, thịt bò, tôm, bào ngư, gà... Do đó, tuy nguyên liệu chính là bánh gạo nhưng món canh này lại có rất nhiều vị đậm đà bạn nhé.
Nguồn: Webzine