Thế nào là câu đặc biệt? Phân biệt câu đặc biệt và câu rút gọn

Trong ngữ pháp tiếng Việt các câu đều tuân theo cấu trúc chung. Vậy câu đặc biệt là gì? Cấu trúc và tác dụng của câu đặc biệt như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Trả Lời Nhanh

Câu đặc biệt là loại câu không có cấu tạo theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ.

Thế nào là câu đặc biệt?

Câu đặc biệt là câu không có cấu tạo theo mô hình cụm chủ ngữ – vị ngữ như các câu thông thường. Hay nói cách khác, câu đặc biệt là kiểu câu không tuân theo bất kỳ quy tắc ngữ pháp nào.

Ví dụ:

Mưa và rét! vắt rừng! Đoàn quân vượt suối băng rừng tiến lên phía trước. Dân công ùn ùn lướt theo…

(Nguyễn Đình Thi)

→ “Mưa và rét! vắt rừng!” là 2 câu đặc biệt, ở hai câu này không xác định được đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ.

Cấu tạo và tác dụng của câu đặc biệt

1. Cấu tạo câu đặc biệt

Câu đặc biệt không có cấu tạo theo mô hình chủ ngữ - vị ngữ. Câu đặc biệt thường được cấu tạo gồm một từ hoặc một tập hợp từ.

Ví dụ:

  • Chửi. Kêu. Đấm. Đá. Thụi. Bịch. (Nguyễn Công Hoan)
  • Chân đèo Mã Phục. (Nam Cao)

2. Tác dụng của câu đặc biệt

Câu đặc biệt được sử dụng phổ biến trong giao tiếp hàng ngày và trong văn học với các mục đích cụ thể:

- Xác định chính xác thời gian và địa điểm diễn ra của sự việc:

Ví dụ:

“Đêm Giáng Sinh. Cái lạnh như “cắt da cắt thịt” vẫn không đủ để xua tan đi sự cô đơn trong lòng”.

→ “Đêm giáng sinh” là một câu đặc biệt dùng để xác định thời gian.

- Dùng để bộc lộ cảm xúc:

Ví dụ:

“May quá! Điểm của tao vừa đủ để qua môn!”

→ “May quá!” là câu đặc biệt dùng để bộc lộ cảm xúc vui mừng của người nói khi vừa đủ điểm qua môn, không phải học lại.

- Câu đặc biệt được dùng với chức năng gọi đáp:

Ví dụ:

“Hoa ơi! Hoa ơi! – Hồng kêu lên khi thấy một người có dáng người giống bạn của mình”.

→ “Hoa ơi! Hoa ơi!” là câu đặc biệt có chức năng dùng để gọi đáp.

Hay: “Thanh ơi! Xuống đây mẹ bảo! – Dạ”

→ “Thanh ơi!” là câu đặc biệt được dùng với chức năng gọi. “Dạ!” là câu đặc biệt có chức năng dùng để đáp.

- Sử dụng để liệt kê hoặc để thông báo sự có mặt của hiện tượng, sự vật:

Ví dụ:

“Buổi sớm tại vùng quê thật trong lành. Tiếng chim. Tiếng người.”

→ “Tiếng chim. Tiếng người” là câu đặc biệt dùng để liệt kê các âm thanh vào buổi sáng sớm của vùng quê.

Phân biệt câu đặc biệt và câu rút gọn

Câu rút gọn là gi?

Câu rút gọn là câu bị lược bỏ một số thành phần trong câu để khi nói hoặc viết trở nên ngắn gọn hơn.

Về mặt hình thức, câu đặc biệt và câu rút gọn tương đối giống nhau. Người đọc dễ bị nhầm lẫn giữa câu đặc biệt và câu rút gọn. Cùng tìm hiểu sự khác biệt giữa câu rút gọn và câu đặc biệt thông qua hai ví dụ dưới đây:

Ví dụ 1: Chửi. Đấm. Đánh. Đá. → Câu đặc biệt

Ví dụ 2: Lão ta chạy đến. Chửi. Đấm. Đánh. Đá. → Câu rút gọn.

Một số dạng bài tập về câu đặc biệt

Dạng 1: Xác định câu đặc biệt trong đoạn văn cho trước.

Để làm được dạng bài tập này, các bạn phải vận dụng các kiến thức về đặc điểm của câu đặc biệt để tránh nhầm lẫn với câu rút gọn khi xác định câu này.

Dạng 2: Xác định tác dụng của câu đặc biệt.

Dạng bài này không chỉ tổng hợp kiến thức về câu đặc biệt mà còn giúp tăng khả năng cảm thụ văn học cho học sinh.

Dạng 3: Viết một đoạn văn ngắn có sử dụng câu đặc biệt và chỉ ra tác dụng của chúng trong đoạn văn.

Bài tập vận dụng

Bài 1. Tìm câu đặc biệt và câu rút gọn trong các ví dụ sau đây và chỉ ra tác dụng của câu đặc biệt trong mỗi ví dụ.

a) Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

(Hồ Chí Minh)

b) Đứng trước tổ dế, ong xanh khẽ vỗ cánh, uốn mình, giương cặp răng rộng và nhọn như đôi gọng kìm, rồi thoắt cái lao nhanh xuống hang sâu. Ba giây… Bốn giây… Năm giây… Lâu quá!

(Vũ Tú Nam)

c) Sóng ầm ầm đập vào những tảng đá lớn ven bờ. Gió biển thổi lồng lộng. Ngoài kia là ánh đèn sáng rọi của một con tàu. Một hồi còi.

(Nguyễn Trí Huân)

d) Chim sâu hỏi chiếc lá:

- Lá ơi! Hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi!

- Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu

(Trần Hoài Dương)

Trả lời:

a) Không có câu đặc biệt:

- Câu rút gọn:

+ “Có khi được trưng bày... trong hòm”

+ “Nghĩa là phải ra sức giải thích... kháng chiến"

b)

- Câu đặc biệt: “Ba giây... Bốn giây... Năm giây... Lâu quá!”

→ Tác dụng: Xác định thời gian, bộc lộ cảm xúc.

- Không có câu rút gọn.

c)

- Không có câu đặc biệt

- Câu rút gọn: "Một hồi còi".

d)

- Câu đặc biệt: “Lá ơi!”

→ Tác dụng: Gọi đáp.

- Câu rút gọn: “[...] - Hãy kể chuyện cuộc đời của bạn cho tôi nghe đi!”

- "Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu".

Bài 2. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 5-7 câu) tả cảnh quê hương em trong đó có một vài câu đặc biệt.

Tham khảo:

Không nhớ vào một buổi sáng nào được bà ngoại cho ra đồng nhặt cỏ cùng với dì tôi nhưng đó là lần tôi ngạc nhiên quá đỗi. Bước chân ngắn của thằng bé là tôi cứ líu ríu níu váy bà để lên cho được con đê cao. Lần đầu tiên tôi đứng trên đê làng. Cả một cánh đồng bát ngát trải dài những lượn sóng xanh rập rờn đến những dãy núi xa vời. Những cánh cò đang lả cánh như những con diều trắng chấp chới bay về phía mặt trời. Phương Đông sáng hồng lên, những đám mây ngũ sắc cho tôi một ấn tượng thần tiên. Ôi, con đê làng! Một buổi bình minh. Vâng, một bình minh mãi mãi cho tôi nhớ về quê hương dù nay tôi đã ở chân trời góc bể.

CÁC CÂU HỎI LIÊN QUAN