Thế nào là câu rút gọn?
Câu rút gọn là câu bị lược bỏ một số thành phần trong câu để khi nói hoặc viết trở nên ngắn gọn hơn. Tùy theo hoàn cảnh và mục đích cụ thể mà ta có thể lược bỏ chủ ngữ, vị ngữ hoặc cả chủ ngữ và vị ngữ sao cho phù hợp; đảm bảo đúng nội dung cần truyền đạt và câu văn không bị cộc lốc, khiếm nhã.Ví dụ:
My: Cuối tuần này chúng mình sẽ đi đâu?
Nhung: Cuối tuần này chúng mình sẽ đi xem phim (câu đầy đủ)
Nhung: Đi xem phim (câu rút gọn)
→ Lưu ý: Thông thường, câu rút gọn được dùng phổ biến trong văn nói, trong các đoạn hội thoại giao tiếp giữa những người cùng cấp bậc hoặc những người thân quen. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, câu rút gọn cũng được sử dụng trong văn viết. Ví dụ như trong câu ca dao "Học ăn, học nói, học gói, học mở"
Tác dụng của câu rút gọn
- Giúp câu văn trở nên ngắn gọn hon, xúc tích hơn nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin bạn muốn truyền đạt đến người đọc, người nghe.- Tránh trường hợp bị lặp từ quá nhiều khiến câu văn trở nên lủng củng, mất đi độ hay, độ trôi chảy.
- Lược bỏ những chủ ngữ không cần thiết giúp câu bao hàm được ý một cách tổng quát hơn. Người nghe tiếp nhận được thông tin nhanh, chính xác.
- Ngụ ý về hành động, suy nghĩ trong câu là dùng chung cho tất cả mọi người nên bất kỳ ai đều có thể hiểu.
- Rút gọn câu còn giúp cho người nói nhấn mạnh vào ý quan trọng; khiến cho người nghe có thể tập trung vào nội dung chính nhiều hơn.
Các kiểu câu rút gọn
Dựa vào thành phần rút gọn của câu mà có thể chia câu rút gọn thành 3 kiểu câu:Câu rút gọn chủ ngữ
Là những câu được rút gọn chủ ngữ khi sử dụng. Ví dụ:
An: Ngày mai có buổi họp lớp ấy! Có đến không? (Ngày mai có buổi họp lớp ấy! Cậu có đến không?)
Hương: Chưa biết nữa, dạo này hơi bận! (Tớ cũng chưa biết nữa vì dạo này tớ hơi bận!)
Câu rút gọn vị ngữ
Là câu được rút gọn thành phần vị ngữ khi sử dụng. Ví dụ:
Hoa: “Có những ai tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh?”.
Lan: “Hồng và Huệ” (Có Hồng và Huệ tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh).
Câu rút gọn cả chủ ngữ và vị ngữ
Là những câu được rút gọn cả phần chủ ngữ và vị ngữ. Ví dụ:
An: Bình thường cậu giành bao nhiêu thời gian để luyện đàn mỗi ngày?
Hương: 2 tiếng. (Mỗi ngày tớ dành 2 tiếng để luyện đàn)
Nên sử dụng câu rút gọn như thế nào?
Không phải câu nào cũng có thể rút gọn được. Vì vậy, tùy theo ngữ cảnh và mục đích cụ thể để lược bỏ một số thành phần câu sao cho phù hợp.Rút gọn câu nhưng vẫn phải đảm bảo đúng nội dung truyền đạt, tránh trường hợp người nghe không hiểu hoặc hiểu sai ý nghĩa câu.
Không nên lạm dụng rút gọn câu quá nhiều bởi như vậy có khiến người nghe cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, cần phải tránh rút gọn khiến cho câu văn trở nên cộc lốc.
Trong giao tiếp, chỉ nên sử dụng câu rút gọn với những người cùng cấp bậc, cùng trang lứa. Bạn không nên rút gọn câu khi đang giao tiếp với những người thuộc vai trên như ông, bà, cha, mẹ,… vì như vậy thể hiện sự thiếu tôn trong với bề trên.
Phân biệt câu rút gọn và câu đặc biệt
Có nhiều người bị nhầm lẫn câu rút gọn và câu đặt biệt bởi chúng đều ngắn gọn và thiếu một thành phần nào đó trong câu. Cùng tìm hiểu những đặc điểm khác nhau của 2 loại câu này theo bảng so sánh dưới đây.Câu rút gọn | Câu đặc biệt | |
---|---|---|
Cấu tạo | Về bản chất nó là một câu đầy đủ nhưng lược bớt đi các thành phần trong quá trình sử dụng. | Là câu không có cấu tạo theo câu đầy đủ với mô hình chủ ngữ - vị ngữ. |
Khôi phục thành câu hoàn chỉnh trở lại | Căn cứ vào hoàn cảnh sử dụng có thể xác định được từ hay cụm từ nào bị rút gọn và nó thuộc thành phần nào trong câu. | Từ hoặc cụm từ ở đây là trung tâm chính, không thể xác định là thành phần nào của câu. |
Xác định thành phần bị rút gọn | Có thể khôi phục thành một câu đầy đủ. | Không thể khôi phục thành một câu đầy đủ. |
Ví dụ:
“Mừng quá! Lần này thi được điểm A”. → Trong ví dụ này, mừng quá là câu đặc biệt, không có cấu tạo theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ và không thể phục hồi các thành phần đó được.
“Ăn cơm chưa?”. → Trong ví dụ này, “Ăn cơm chưa” là câu rút gọn chủ ngữ.
Bài tập về câu rút gọn
Câu 1. Hãy xác định câu rút gọn có trong mỗi đoạn trích sau và khôi phục lại thành phần được rút gọn trong câu tìm được.a) Con cá trả lời:
- Thôi đừng lo lắng. Cứ về đi. Trời phù hộ lão. Mụ già sẽ là nữ hoàng.
(Ông lão đánh cá và con cá vàng – A.Pu-skin)
b) Quan lớn đỏ mặt tía tai, quay ra quát rằng:
– Đê vỡ rồi!... Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?
(Sống chết mặc bay – Phạm Duy Tốn)
Hướng dẫn trả lời
Thôi đừng lo lắng. (rút gọn chủ ngữ) → Thôi ông lão đừng lo lắng.
Cứ về đi. (rút gọn chủ ngữ) → Ông lão cứ về đi.
Câu 2. Tìm trong các ví dụ dưới đây những câu đặc biệt và câu rút gọn.
a. Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
(Hồ Chí Minh)
b. Đứng trước tổ dế, ong xanh khẽ vỗ cánh, uốn mình, giương cặp răng rộng và nhọn như đôi gọng kìm, rồi thoắt cái lao nhanh xuống hang sâu. Ba giây... Bốn giây... Năm giây... Lâu quá!
(Vũ Tú Nam)
c. Sóng ầm ầm đập vào những tảng đá lớn ven bờ. Gió biển thổi lồng lộng. Ngoài kia là ánh đèn sáng rọi của một con tàu. Một hồi còi.
(Nguyễn Trí Huân)
d. Chim sâu hỏi chiếc lá:
- Lá ơi! Hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi!
- Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu.
(Trần Hoài Dương)
Hướng dẫn giải
a.
Không có câu đặc biệt.
Câu rút gọn:
- Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm.
- Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
b.
Câu đặc biệt: Ba giây... Bốn giây... Năm giây... Lâu quá!
Không có câu rút gọn.
c.
Câu đặc biệt: Một hồi còi.
Không có câu rút gọn.
d.
Câu đặc biệt: Lá ơi!
Câu rút gọn:
- Hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi!
- Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu.