Ý kiến về hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu

Xuất bản: 11/09/2019 - Cập nhật: 30/03/2021

[Văn mẫu 10] Tham khảo bài mẫu nêu suy nghĩ về hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu trong truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy.

Hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu là chi tiết có ý nghĩa quan trọng đối với truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy, là bài học lịch sử về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lý đúng đắn mối quan hệ chung - riêng. Để hiểu rõ về ý nghĩa của chi tiết này, mời các em tham khảo bài hướng dẫn chi tiết dưới đây của Đọc tài liệu nhé!

Ý kiến về hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu

Đề bài: Nêu ý kiến về hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu trong truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy.

----------------

Dàn ý nêu ý kiến về hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu

1/ Mở bài

Giới thiệu về truyền thuyết "An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy": Mị Châu - Trọng Thủy, một mối tình đẹp nhưng nhiều oan trái, tình nghĩa vợ chồng son sắt thủy chung nhưng thiếu sáng suốt, vợ vì tin tưởng chồng mà quên đi nghĩa vụ đối với dân tộc còn chồng thì vì nghĩa trung thần với cha và đất nước mình mà lợi dụng lòng tin của vợ

2/ Thân bài

- Khái quát nội dung truyền thuyết "An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy": Truyền thuyết "An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy" là một trong những cách giải thích về quá trình vua An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa và nguyên nhân dẫn đến mất nước Âu Lạc

- Nhận định chi tiết Mị Châu cho Trọng Thủy xem nỏ thần: Hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu là một thái độ đáng phê phán, đó là sự mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin, quá coi trọng tình cảm cá nhân mà thiếu đi sự suy xét sáng suốt

- Nêu ý kiến về hành động của Mị Châu: Trên cương vị người vợ, Mị Châu tin tưởng và nghe theo lời chồng là đúng nhưng cái sai ở đây là nàng đã nghe lời một cách mù quáng, nàng thuận theo tình cảm vợ chồng nhưng lại không nghĩ đến nghĩa vụ với đất nước.

3/ Kết bài

Bài học rút ra từ nhân vật Mị Châu: Đây chính là bài học lịch sử về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lý đúng đắn mối quan hệ chung - riêng mà nhân dân ta muốn gửi gắm đến mọi thế hệ mai sau.

Tham khảo:

Dàn ý phân tích chi tiết giếng nước, ngọc trai trong Truyện An Dương Vương

Dàn ý phân tích bi kịch mất nước và bi kịch tình yêu trong truyện An Dương Vương

Bài văn mẫu phân tích về hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu

Bài văn mẫu 1

Mị Châu - Trọng Thủy, một mối tình đẹp nhưng nhiều oan trái, tình nghĩa vợ chồng son sắt thủy chung nhưng thiếu sáng suốt, vợ vì tin tưởng chồng mà quên đi nghĩa vụ đối với dân tộc còn chồng thì vì nghĩa trung thần với cha và đất nước mình mà lợi dụng lòng tin của vợ. Bất cứ sai lầm nào cũng phải trả giá, và cái giá mà Mị Châu phải trả của hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần là một giá đắt, cả dân tộc ta cũng phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ sai lầm đó của Mị Châu.

Truyền thuyết "An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy" là một trong những cách giải thích về quá trình vua An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa và nguyên nhân dẫn đến mất nước Âu Lạc. Nhiều lần xây thành bị đổ, may mắn nhờ có thần Kim Quy nên vua An Dương Vương mới xây được thành, sau ba năm giúp vua, trước khi trở về biển cả thần Kim Quy còn tặng cho vua chiếc vuốt để làm lẫy nỏ thần. Nhờ có nỏ thần trong tay nên quân của An Dương Vương đánh thắng Triệu Đà, tuy nhiên sau đó vua mắc bẫy Triệu Đà, cho con gái là Mị Châu kết hôn cùng con trai Triệu Đà là Trọng Thủy, còn để cho ở rể. Làm theo âm mưu của cha, Trọng Thủy dụ dỗ Mị Châu cho xem nỏ thần rồi lén lấy trộm đem về cho cha, sau khi lấy được nỏ thần Triệu Đà đem quân đánh Âu Lạc, vua An Dương Vương chủ quan, đến khi biết mất nỏ thần đành bỏ chạy cùng con gái. Sau khi biết tội của con gái, chính tay vua An Dương Vương đã giết Mị Châu để trả thù cho đất nước.

Có thể nói, hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu là một thái độ đáng phê phán, đó là sự mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin, quá coi trọng tình cảm cá nhân mà thiếu đi sự suy xét sáng suốt. Trên cương vị người vợ, Mị Châu tin tưởng và nghe theo lời chồng là đúng nhưng cái sai ở đây là nàng đã nghe lời một cách mù quáng, thuận theo tình cảm vợ chồng nhưng lại không nghĩ đến nghĩa vụ với đất nước. Bởi trên cương vị của một người con, người dân của u Lạc, hành động của nàng đã phản bội lại cha và đất nước của mình. Nỏ thần là bí mật quốc gia, vậy mà nàng lại lén lấy cho con của kẻ thù xem, việc nàng tiết lộ cho người khác bất kể đó là ai cũng chính là phản bội quốc gia, dân tộc. Dẫu biết tình cảm mà Trọng Thủy dành cho Mị Châu là thật lòng, tình nghĩa vợ chồng son sắt nhưng chính chàng cũng vì sự nghiệp của quốc gia, dân tộc mà phản bội lại người vợ của mình. Xét cho cùng, hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu hoàn toàn làm theo cảm tính, không chứa đựng dã tâm bán nước, hại cha, hại dân.

Mị châu - trọng thủyTrong hoàn cảnh ấy, ta chỉ biết trách lý trí của nàng không chiến thắng được con tim, nàng quá coi trọng tình nghĩa vợ chồng, quá tin tưởng vào tình yêu của chồng dành cho mình mà quên đi mối thù năm xưa của hai dân tộc, không nghĩ được rằng hành động của mình ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận mệnh đất nước. Chính sự nhẹ dạ cả tin và tình yêu mù quáng của Mị Châu đã vô tình tiếp tay cho Triệu Đà thực hiện được âm mưu cướp nước. Tuy nhiên xét đi thì phải xét lại, nói về sự chủ quan thì chính An Dương Vương là người chủ quan đầu tiên, vua đã chủ quan khi gả con gái cho giặc mà không lường trước được âm mưu phục thù của Triệu Đà, hơn thế lại chủ quan trong tay có nỏ thần mà không chú trọng vào quân sự, đến khi giặc đánh mất nỏ thần cũng chỉ biết trốn chạy. Như vậy, chính Mị Châu là một nạn nhân của âm mưu chính trị, bị kẻ gian lợi dụng để rồi phải mang trọng tội không thể tha thứ.

Mị Châu chết hóa thành những hạt ngọc trai là chi tiết chứa đựng tinh thần nhân văn cao đẹp của nhân dân ta, phần cũng là vì tấm lòng trong trắng, trung thành của nàng nhưng cái chết là không thể tránh khỏi. Đây chính là bài học lịch sử về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lý đúng đắn mối quan hệ chung - riêng mà nhân dân ta muốn gửi gắm đến mọi thế hệ mai sau.

Bài văn mẫu 2

Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy chứa đựng nhiều chi tiết sâu sắc, cảm động nhưng cũng gây nhiều tranh cãi. Một trong số đó là chi tiết cho Trọng Thủy xem Nỏ thần của Mị Châu. Bàn về vấn đề này, có hai cách đánh giá: Có ý kiến cho rằng "Mị Châu làm như vậy chỉ thuận theo tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ đối với đất nước". Ý kiến khác lại khẳng định "Mị Châu làm theo ý chồng là lẽ tự nhiên, hợp đạo lý".

Mị Châu và Trọng Thủy là cặp uyên ương trời sinh vừa đẹp đôi lại có một cuộc sống gia đình hòa thuận hạnh phúc. Tuy nhiên sự đời ngang trái đã đẩy đôi trai tài gái sắc đến đỉnh điểm của mâu thuẫn và hận thù. Và châm ngòi cho mâu thuẫn ấy trỗi dậy chính là hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu. Hai ý kiến bàn về hành động ấy đều có phần đúng đắn nhưng vẫn chưa hoàn toàn hợp lý và thuyết phục. Bởi trong hành động của Mị Châu còn có rất nhiều uẩn khúc và sự tình phải đi sâu khai thác và tìm hiểu ta mới có thể cảm nhận hết được.

Vì nghe theo sự sắp xếp của vua cha nên Mị Châu đồng ý lấy Trọng Thủy làm chồng dù trước đó nàng không hề biết chàng là ai. Nghĩa là trước đó giữa hai người họ chưa hề gặp nhau và cũng chưa hề nảy sinh tình cảm. Có thể gọi Mị Châu là cô công chúa ngây thơ khi tin tưởng hoàn toàn vào sự sắp xếp của vua cha mà không hề nghi ngờ hay đề phòng gì đến Trọng Thủy - con trai của kẻ thù trước kia đã xâm lược đất nước. Tuy vậy, sau khi kết hôn và trở thành vợ chồng, Mị Châu nảy sinh tình cảm với Trọng Thủy. Đó không chỉ là tình yêu mà cao hơn đó còn là nghĩa vợ chồng. Trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc cần có sự vun đắp của cả hai người, điều đó có nghĩa rằng hai người phải chia sẻ cho nhau những điều cần thiết và cảm thông, thấu hiểu cho nhau. Bởi vậy hành động cho Trọng Thủy xem Nỏ thần của Mị Châu hoàn toàn là lẽ dễ hiểu vì nó thuận theo tình cảm vợ chồng. Bản chất của người phụ nữ là yếu đuối và mong manh, bởi vậy họ luôn có xu hướng được san sẻ với người mà mình yêu thương. Như vậy, hành động đó hoàn toàn thuận theo lẽ tự nhiên.

Hành động của Mị Châu hợp tình nhưng lại không hợp lý bởi nàng đã quên mất bổn phận của mình đối với đất nước. Bên cạnh là một người phụ nữ bình thường thì Mị Châu lại mang trong mình trọng trách của một nàng công chúa. Bởi vậy, trong Mị Châu luôn song hành hai con người: Con người cá nhân và con người bổn phận. Tuy vậy, vì là một nàng công chúa ngây thơ nên Mị Châu không ý thức được điều đó. Trong phút giây mê đắm của tình yêu và tin vào những lời đường mật của Trọng Thủy, nàng đã mù quáng quên mất trách nhiệm của mình dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Mặc dù hành động cho Trọng Thủy xem Nỏ thần của Mị Châu là cực kì đáng trách thế nhưng đó không phải là một hành động cố ý. Hay nói cách khác, nếu nàng biết được sự thật đằng sau âm mưu ấy là gì, chắc hẳn, nàng sẽ nhất quyết không cho chồng mình có được Nỏ thần.

Thật ra, Mị Châu là một cô công chúa đáng thương hơn là đáng trách. Nàng hoàn toàn không có ý đồ xấu xa phản bội đất nước và nhân dân. Nàng chỉ hành động theo trái tim và bản năng của mình mà thiếu đi tiếng nói của lý trí. Mị Châu đã yêu Trọng Thủy bằng toàn bộ trái tim của mình và tin tưởng chàng sẽ đi cùng mình đến đầu bạc răng long. Mị Châu đáng thương đã yêu chồng mình đến những giây phút cuối cùng ể rồi cuối cùng, điều nàng nhận được là sự phản bội. Sự phản bội của Trọng Thủy như một nhát dao đâm thẳng vào trái tim ngây thơ của nàng khiến nó tan nát, vỡ vụn.

Tuy hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu có nhiều ý kiến trái chiều nhưng theo ngụ ý của dân gian, đến cuối truyện, nhân dân đã tha thứ cho nàng bằng chi tiết ngọc trai - giếng nước. Khi xây dựng cốt truyện, dân gian chỉ muốn nhấn mạnh sự ngây thơ, dại dột của Mị Châu mà không cố tình lên án hay phê phán hành động của nàng. Chính vì vậy mà câu chuyện dù đã qua ngàn năm nhưng vẫn đọng lại trong lòng độc giả những ý vị chua xót, đau thương. Và đâu đó vang lên câu thơ của Tố Hữu:

"Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần sơ ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu."

Tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu hay:

**********

Hy vọng rằng hướng dẫn nêu ý kiến về hành động cho Trọng Thủy xem nỏ thần của Mị Châu trên đây sẽ giúp các em hoàn thành bài làm của mình một cách hoàn thiện và thuận lợi nhất. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 10 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM