Viết đoạn văn về trang phục và văn hóa lớp 8

Xuất bản: 05/03/2020 - Tác giả:

Hướng dẫn viết đoạn văn về trang phục và văn hóa dành cho học sinh lớp 8 tham khảo để hiểu rõ nét về vấn đề xã hội quan tâm.

Những nội dung em cần lưu ý để viết được một đoạn văn về chủ đề trang phục và văn hóa hay:

Tổng quan về đề tài

Thông qua trang phục có thể biết tư cách của người mặc nó, hay nói cách khác, trang phục làm sao văn hóa làm vậy. Ngày nay, xã hội đã có cái nhìn thoáng hơn về phong cách thời trang, cũng như đón nhận các xu thế mới trên thế giới. Nhưng việc này không có nghĩa là chấp nhận mọi hình thức trang phục "lạ mắt", thậm chí lố lăng.

Sự phong phú về trang phục ở Việt Nam:

Nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều những có các đặc trưng văn hóa riêng và trang phục cũng là một cách thể hiện nét văn hóa truyền thống vốn có,  ví dụ như:

- Trang phục của người Thái đặc biệt với các họa tiết thêu thổ cẩm cầu kì.

- Trang phục của người H’Mông thì sử dụng chủ đạo gồm bốn màu xanh, đỏ, tím, vàng tạo nên các hình họa tiết hết sức cầu kỳ và sặc sỡ;

- Trang phục của người Ê Đê chủ yếu là màu chàm, có điểm những hoa văn sặc sỡ…

- Trang phục dân tộc Mường lại khá thanh thoát, đơn giản nhưng mang đậm nét riêng.

- Trang phục của dân tộc Ba Na chủ yếu 3 màu đen, đỏ, vàng với các họa tiết thường chạy dọc theo trang phục mang nét phóng khoáng, gần gũi với thiên nhiên đại ngàn.

Tương tự những dân tộc khác, bằng màu sắc, kiểu dáng, hoa văn trong trang phục đều thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.

Xem thêm: Nghị luận về vấn đề trang phục học đường

Vậy để các em học sinh lớp 8 hoàn thiện được đoạn văn về trang phục và văn hóa thì Đọc tài liệu có thể giúp các em tìm những chủ đề chính của đoạn như sau:

Xác định chủ đề chính của một đoạn văn về trang phục và văn hóa lớp 8

- Trang phục chính là văn hóa.

- Trang phục truyền thống và hiện đại là một vấn đề văn hóa đa dạng và phức tạp.

- Mặc trang phục như thế nào để phù hợp với văn hóa.

- Trang phục văn hóa đi liền với nhau thể hiện sự tôn trọng người khác.

- Trang phục nói lên trình độ văn hóa người mặc.

- ......

Sau khi xác định được chủ đề chính của đoạn thì các em tiến hành viết đoạn văn với những gợi ý sau đây:

Gợi ý viết đoạn văn về trang phục và văn hóa lớp 8

Những khía cạnh về tranh phục và văn hóa

- Có thể nhận biết được nghề nghiệp, gu thẩm mỹ của mỗi người thông qua trang phục.

- Trang phục sẽ thể hiện trình độ văn hóa hoặc làm cơ sở đánh giá người có văn hóa hay không.

- Trang phục phù hợp văn hóa là trang phục không cầu kì, tuy đơn giản nhưng phù hợp với đối tượng, khung cảnh và tuỳ vào từng hoàn cảnh giao tiếp .

Quan điểm về đồng phục học sinh.

- Tôn thêm nét đẹp của tuổi học trò, đảm bảo tính nghiêm túc, loại bỏ được tình trạng ăn mặc kệch cỡm, lố lăng không phù hợp với lứa tuổi ở trường học.

- Xoá bỏ sự ngăn cách và mặc cảm về giàu nghèo.

- Cách thể hiện truyền thống, hình ảnh của nhà trường.

Làm thế nào để lựa chọn trang phục phù hợp với văn hóa?

- Phải suy nghĩ rằng việc lựa chọn trang phục hết sức quan trọng.

- Trang phục đẹp không phải là trang phục đắt tiền, mà là phù hợp với lứa tuổi, tính cách của mỗi người.

- Tránh ăn mặc hở hang, chưng diện trong hoàn cảnh không phù hợp.

- Chọn trang phục thể hiện tính cách riêng của mỗi người.

Xem thêm: Dàn ý nghị luận về trang phục học đường

2 đoạn văn tham khảo về trang phục và văn hóa lớp 8

Đoạn văn mẫu số 1

Nhân dân ta từ xưa đã có câu tục ngữ: “ Cái răng cái tóc là góc con người”. Trong mọi hoàn cảnh, vẻ bề ngoài “cái răng, cái tóc” được xem là “góc” của một con người. Nhưng bên cạnh “răng, tóc” thì quan trọng hơn chính là trang phục. Trang phục của một người ảnh hưởng như thế nào đến “góc con người”.Nó phản ánh văn hóa ra sao?  Trước hết, ta hiểu rằng trang phục muốn nói đến bề ngoài của con người, là những vật ta khoác lên, mang theo trên mình như quần, áo, váy vóc, giày dép và các phụ kiện…Còn văn hóa là hành vi, lối sống, cách ứng xử, trình độ học vấn…Trang phục và văn hóa của mỗi người, mỗi cộng đồng dân tộc là không như nhau nhưng lại cùng tồn tại, song hành tạo nên những giá trị và bản sắc riêng. Giữa trang phục và văn hóa có quan hệ qua lại, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Qua cái nhìn đầu tiên, cách ăn mặc của một người còn giúp ta có cái nhìn chủ quan về tính cách, trình độ văn hóa của đó. Tất nhiên một người học sinh mặc quần vải, áo trắng sẽ để lại ấn tượng rất khác một bạn mang trên mình trang phục hầm hố, phụ kiện dây xích lằng nhằng. Tất nhiên, mỗi cá nhân đều có trách nhiệm trong việc sử dụng trang phục để thể hiện văn hóa riêng. Chúng ta hãy lựa chọn trang phục sao cho phù hợp với hoàn cảnh và lứa tuổi của mình. Trang phục đi học, trang phục đi chơi, trang phục ở nhà… Chắc chắn rằng, không ít người đã lầm lẫn, chọn sai trang phục trong nhiều trường hợp và rất đáng tiếc vì vô hình chung họ bị đánh giá sai. Việc chọn trang phục chưa bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt hơn bởi bạn mang trên mình không chỉ trang phục mà còn là văn hóa.

Đoạn văn mẫu số 2

Nhiều khi chỉ cần nhìn cách ăn mặc thì ấn tượng ban đầu có ý nghĩa không nhỏ đối với việc đánh giá một con người. Việc lựa chọn trang phục quả thực là vô cùng quan trọng, bởi ngoài thể hiện khiếu thẩm mỹ thì bộ trang phục cũng ngầm nói lên rằng chủ nhân mang nó có lịch sự, có văn hoá hay không. Theo tôi nghĩ, không chỉ giới trẻ mà hầu như tất cả mọi người, trong đó có cả các em học sinh tiểu học, trung học đều hiểu việc mặc như thế nào là đẹp, là có văn hoá, nhất là trong thời đại ngày nay, sự giáo dục của gia đình và nhà trường trong vấn đề ăn mặc được quan tâm và có điều kiện hơn trước. Nhưng không ít bạn trẻ ăn mặc một cách tự do, “phóng khoáng” tới mức lố lăng. Sự thái quá trong giới trẻ về cách ăn mặc là sự đua đòi, bắt chước nhau diễn ra ngày càng phổ biến và khó dừng lại. Ra phố, nhất là vào mùa hè hẳn chúng ta đã có phần "quen mắt" với hình ảnh các chàng trai, cô gái trẻ mặc những bộ trang phục ngắn cũn cỡn, te tua, hở hang … đến đáng ngại? Ta còn tự hỏi liệu họ thấy vậy là đẹp và “thời trang” ở điểm nào. Có hay chăng liệu đó là người có văn hoá thì mọi người sẽ nhìn họ với con mắt ác cảm và đánh giá họ là những người… không có văn hoá, thậm chí là vô học, vô văn hoá! Vẫn biết rằng việc yêu thích cái đẹp, chạy theo xu hướng là nhu cầu của mỗi người, nhất là trong khi điều kiện kinh tế đã cho phép thì vấn đề càng dễ hiểu. Thế nhưng chúng ta, nhất là học sinh thì chỉ cần mặc sao đấy cho kín đáo, tế nhị đã là đẹp nhất rồi. Như vậy, biết cách lựa chọn trang phục đẹp phù hợp với lứa tuổi, với hoàn cảnh đặc biệt là phù hợp với hình ảnh của một học sinh trên ghế nhà trường chính là các giúp ta thể hiện mình là người có văn hóa.

-/-

Trên đây là chi tiết hướng dẫn viết đoạn văn về trang phục và văn hóa lớp 8 mà các em có thể tham khảo, đừng quên tham khảo thêm thật nhiều các bài phân tích tác phẩm thuộc văn mẫu 8 nữa em nhé!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM