Viết đoạn văn về lòng dũng cảm

Xuất bản: 19/10/2020 - Tác giả:

Viết đoạn văn về lòng dũng cảm dành cho các em học sinh lớp 9, 10, 11, 12 tham khảo dàn ý và những mẫu bài viết đoạn văn 200 chữ về lòng dũng cảm hay nhất.

Để viết đoạn văn về lòng dũng cảm thì trước hết các em cần lưu ý những nội dung cần có để hoàn thành bài văn này như sau:

Yêu cầu của đề: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của em về lòng dũng cảm.

Đề tài nghị luận:

lòng dũng cảm.

Cùng xem dàn ý chi tiết dưới đây để viết đoạn văn về lòng dũng cảm:

Dàn ý đoạn văn về lòng dũng cảm

1. Giới thiệu vấn đề: nghị luận về dũng cảm

2. Bàn luận

*Giải thích: Dũng cảm là gì?

- Dũng cảm là dám đối mặt với sự thật dù nó có khó khăn và rất gian nan, là không trốn tránh, dám đối đầu với những khó khăn của cuộc sống.

- Dũng cảm là dám làm những việc mà người khác không dám làm, là dám đương đầu với những khó khăn thử thách của bản thân, dám đối diện với chính mình.

- Lòng dũng cảm luôn hướng tới những điều tốt đẹp, mang lại lợi ích cho con người và xã hội.

-> Lòng dũng cảm là một đức tính vô cùng cần thiết đối với mỗi con người.

*Phân tích, chứng minh:

- Trong cuộc sống, chúng ta vẫn luôn phải đối mặt với những khó khăn; lòng dũng cảm là sức mạnh để con người có thể vượt lên mọi gian nan thử thách và gặt hái thành công.

- Lòng dũng cảm được biểu hiện vô cùng đa dạng: Dám đứng lên vạch trần cái sai, cái xấu để bảo vệ cái đúng, cái tốt trong xã hội; tự nhận ra lỗi sai của bản thân và sửa chữa…

- Dũng cảm nhất là vượt lên chính bản thân mình.

*Mở rộng, rút ra bài học:

-  Khẳng định lòng dũng cảm là đức tính quý báu mà mỗi người cần rèn luyện để có được, đặc biệt là thế hệ trẻ.

-  Phê phán những con người yếu đuối, hèn nhát.

-  Liên hệ bản thân và rút ra bài học: rèn luyện đức tính dũng cảm từ những việc làm nhỏ nhất…

Đoạn văn ngắn nhất về lòng dũng cảm

Đoạn văn ngắn số 1

Lòng dũng cảm là một trong những đức tính vô cùng cần thiết và đáng quý ở mỗi con người. Dù ở nơi đâu khi làm bất cứ việc gì thì con người cũng đều cần đến lòng dũng cảm. Dũng cảm là không sợ nguy hiểm, khó khăn. Là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lí, chính nghĩa. Dũng cảm là sẵn sàng hy sinh bản thân mình để cứu giúp những người khó khăn hoạn nạn. Khi xưa thì trong chiến tranh chống thực dân, nhờ những tấm gương dũng cảm như Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, La Văn Cầu… và bao tấm gương thương binh, liệt sĩ mà đất nước mới có được nền độc lập. Trong hoà bình những người lính, những chiến sĩ dũng cảm đấu tranh với tội phạm để bảo vệ bình yên cho nhân dân, sẵn sàng mỗi khi dân cần.

Đoạn văn ngắn số 2

Lòng dũng cảm chính là động lực giúp ta vượt qua những nhiều khó khăn và gian khổ trong cuộc sống, nó là một điều rất quan trọng mà mỗi người cần có. Lòng dũng cảm là sự can đảm, không run sợ, nản chí trước bất kỳ một điều gì, dù có khó khăn vẫn giữ được cho mình sự bình tĩnh, tự tin. Nếu ta gặp những thất bại mà lại bị gục ngã, sợ sệt không bao giờ dám đứng lên, làm lại từ đầu thì bạn sẽ không bao giờ vượt qua được sự khó khăn đó. Vậy nên là lòng dũng cảm chính dám là ta dám đối diện với khó khăn và lỗi lầm của bản thân mình. Bên cạnh đó, khi mọi thứ dường như quá sức hoặc ngoài tầm tay của ta thì lòng dũng cảm sẽ giúp cho ta có được bản lĩnh, sự tự tin, kiên cường để đối diện. Người có lòng dũng cảm sẽ dám đương đầu, dám dấn thân, còn kẻ yếu đuối sẽ chẳng bao giờ đi đến được cái đích của mình. Mỗi người chúng ta, cần biết rèn luyện cho mình một lòng dũng cảm vì nó rất cần thiết với mỗi người. Có lòng dũng cảm, thì khi con đường phía trước có mịt mờ thì ta vẫn có thể tìm ra tia sáng để chỉ dẫn bước đi của mình.

Đoạn văn 200 chữ về lòng dũng cảm 

Đoạn văn viết về lòng dũng cảm số 1

Dũng cảm là phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người. Lòng dũng cảm được hiểu là tấm lòng gan dạ, dám dấn thân, đương đầu với khó khăn, gian khổ vì mục đích cao đẹp. Trong cuộc sống, lòng dũng cảm được biểu hiện bằng những hành động cụ thể trong từng hoàn cảnh khác nhau. Đó có thể là lòng dũng cảm của những vị anh hùng cứu nước, của những người chiến sĩ cách mạng dám dấn thân vào vòng vây của giặc, đứng hiên ngang trước mũi súng, làn bom vì mục đích cứu nước cứu dân cao cả. Đó cũng có thể là lòng dũng cảm của những con người đi tuyến đầu chống dịch, của những con người dám đi tới trung tâm vùng lũ cứu nạn, dám thách thức về sức khỏe, tính mạng của mình để giúp đỡ những ai đang cần họ. Hay những tấm gương hiệp sĩ tự nguyện đứng lên chống cướp, bắt cướp, đảm bảo an toàn cho người dân, tiêu biểu như nhóm hiệp sĩ ở các quận thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua. Có thể thấy, lòng dũng cảm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những yếu tố làm nên sự thành công của con người và cả xã hội. Hiểu rõ điều đó, bản thân mỗi người cần rèn luyện cho mình lòng dũng cảm, kiên cường, gan dạ từ những việc nhỏ nhất, tránh xa lối sống hèn nhát, ích kỉ, ngại khó. Có như vậy, ta mới trở thành người công dân có ích, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đoạn văn viết về lòng dũng cảm số 2

Lòng dũng cảm là một trong những đức tính vô cùng cần thiết và đáng quý ở mỗi con người. Dù ở nơi đâu khi làm bất cứ việc gì con người cũng đều cần đến lòng dũng cảm. Dũng cảm là dám đối mặt với sự thật dù nó có khó khăn và rất gian nan, là không trốn tránh, dám đối đầu với những khó khăn của cuộc sống. Người có lòng dũng cảm là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lí, chính nghĩa. Dũng cảm là sẵn sàng hy sinh bản thân mình để cứu giúp những người khó khăn hoạn nạn. Trong chiến tranh, nhờ những tấm gương dũng cảm như Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, La Văn Cầu… và bao tấm gương thương binh, liệt sĩ mà đất nước mới có được nền độc lập. Trong hoà bình những người lính, những chiến sĩ dũng cảm đấu tranh với tội phạm, canh giữ biên cương để bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ. Người dũng cảm luôn được mọi người yêu mến và quý trọng. Qua đây ta cũng cần phê phán những người nhầm tưởng lòng dũng cảm với hành động liều lĩnh, mù quáng, bất chấp công lí. Dũng cảm là điều cần thiết và nó được rèn luyện từ những việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Luôn đấu tranh loại bỏ sự hèn nhát, rèn cho mình ý chí, nghị lực, bản lĩnh. Hãy nhớ rằng, hèn nhát là bóng tối đẩy lùi bước tiến của xã hội và chỉ có dũng cảm mới có thể dẫn lối soi đường cho ta thoát khỏi con đường hầm tăm tối đó.

Một số đoạn văn về lòng dũng cảm hay có bố cục rõ ràng

Viết đoạn văn về lòng dũng cảm số 1

Trong cuộc sống, con người luôn cần ý chí để vượt qua mọi gian nan, cách trở, nhưng trước khi có được ý chí ấy, thì không thể không cần đến lòng dũng cảm để đối diện với chúng. Lòng dũng cảm là sự can đảm, không run sợ, nản chí trước bất kỳ một điều gì, dù có khó khăn vẫn giữ được cho mình sự bình tĩnh, tự tin. Ta không thể tránh khỏi có những lúc gặp phải thất bại khiến ta gần như tuyệt vọng, thế nhưng nếu cứ để cho nỗi tuyệt vọng ăn mòn đi khả năng của bạn thì chẳng bao giờ bạn có thể thành công được đâu. Điều cần thiết nhất là bạn cần phải biết đứng dậy, nhìn nhận ra lỗi sai của bản thân, can đảm mà bước tiếp bằng những kinh nghiệm đã rút ra được, rồi sau một lần, hai lần, … hay nhiều lần sau đó bạn chắc chắn sẽ đạt được điều mà mình mong muốn. Đó chính là lòng dũng cảm dám đối diện với khó khăn và lỗi lầm của bản thân mình. Người có lòng dũng cảm sẽ dám đương đầu, dám dấn thân, còn kẻ yếu đuối sẽ chẳng bao giờ đi đến được cái đích của mình. “Bạn không thể yếu đuối trên con đường theo đuổi giấc mơ. Hãy dám vượt qua các rào chắn để tìm con đường của riêng mình.” (Les Brown). Nếu không có lòng dũng cảm, bạn chắc chắn sẽ bị bỏ lại ở phía sau, đó là lý do vì sao có rất nhiều những tấm gương sáng về lòng dũng cảm đã dám đương đầu để đạt được những điều tốt đẹp. Thế hệ ông cha ta ngày trước là biểu tượng sáng ngời cho lòng dũng cảm, kiên cường chống lại kẻ thù xâm lăng để bảo vệ bờ cõi mà không ngại đổ máu, hy sinh. Hay trên thế giới, Thomas Edison có lẽ sẽ chẳng thể phát minh ra điện, một bước tiến trong lịch sử phát triển của nhân loại nếu không có sự dũng cảm đối mặt với biết bao khó khăn, thất bại trong quá trình nghiên cứu. Vậy nên, có thể thấy, dũng cảm sẽ đem lại cho ta bản lĩnh để làm nên những kỳ tích, những điều kỳ diệu, tốt đẹp trong cuộc sống, nó giúp ta nhìn nhận được bản thân mình và tôi luyện ý chí để vượt qua khó khăn, thử thách. Mỗi người chúng ta, cần biết rèn luyện cho mình một lòng dũng cảm vì nó rất cần thiết với mỗi người, trước hết hãy học cách dũng cảm với bản thân mình, đừng bao giờ sợ hãi hay tự ti về bất kỳ một khiếm khuyết nào mà hãy tự tìm ra nó để sửa chữa và hoàn thiện, có như thế, con người ta mới có một bản lĩnh kiên cường, vững vàng. Có lòng dũng cảm, đó sẽ là ngọn đèn soi sáng mọi con đường tối tăm trong cuộc sống của mỗi người.

Viết đoạn văn về lòng dũng cảm số 2

Lòng dũng cảm là một trong những đức tính không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Vậy lòng dũng cảm là gì? Dũng cảm là có dũng khí, bản lĩnh, dám đối mặt với mọi khó khăn, nguy hiểm để làm những việc nên làm. Người dũng cảm là người có bản lĩnh, ý chí, nghị lực, dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh với cái ác để bảo vệ cái thiện...Tại sao mỗi chúng ta lại cần có lòng dũng cảm? Vâng, hẳn ai cũng có sẵn cho mình những câu trả lời thích đáng. Cuộc sống vốn không bằng phẳng, đường đời vốn không phải lúc nào cũng trải hoa hồng đón bước ta đi. Trước những khó khăn thử thách, những vật cản ngăn bước ta đi, lòng dũng cảm trở thành một nguồn sức mạnh nội sinh, một nhân tố quyết định cuộc đời mỗi người thành hay bại. Dũng cảm để nhận ra cái xấu xa đang len lỏi vào đời sống. Dũng cảm để đứng lên tố cáo cái xấu để bảo vệ cái tốt cái thiện. Dũng cảm để mang đến một cuộc sống nhân loại ngày càng văn minh và hạnh phúc hơn. Trong bộ phim truyền hình dài tập của Ấn Độ “Cô dâu 8 tuổi”, đạo diễn của bộ phim đã lên án tố cáo tục lệ tảo hôn ở những vùng nông thôn lạc hậu trên đất nước này. Chính vì lẽ đó mà khi được công chiếu, bộ phim đã nhận phải rất nhiều chỉ trích của chế độ bảo thủ lạc hậu ở những vùng nông thôn còn nghèo khổ đó. Những người làm phim đã không ngại những lời chỉ trích trái chiều của dư luận để nêu ra một vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội Ấn Độ, từ đó gióng một hồi chuông cảnh tỉnh cho con người, những người cần tự giải thoát mình khỏi những hủ tục lạc hậu để đến gần với văn minh nhân loại. Ở đây, lòng dũng cảm hòng kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Dũng cảm để đấu tranh chống lại cái khó, cái ác, song, dũng cảm cũng còn là dám đối mặt với chính những thiếu sót của bản thân, vượt lên chính mình. Tóm lại lòng dũng cảm là một đức tính quý báu của mỗi con người. Mỗi chúng ta phải biết sống ngay thẳng, thật thà, cần rèn luyện năng lực và trí tuệ để bồi đắp thêm cho lòng dũng cảm của mình.

-/-

Trên đây là hướng dẫn viết đoạn văn về lòng dũng cảm với dàn ý và những đoạn văn mẫu hay nhất do Đọc tài liệu tổng hợp, mong rằng các em có thể hoàn thành bài làm của mình tốt nhất.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM