Kể về một ngày hội ở quê em

Xuất bản: 11/08/2018 - Cập nhật: 30/10/2018 - Tác giả:

Tham khảo tuyển chọn những bài văn hay kể về một ngày hội ở quê em - Dành cho học sinh lớp 3 rèn luyện tư duy học tập môn Văn.

Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn kể về một ngày hội ở quê em.

*****

Bài văn kể về ngày hội Chùa Hương hay nhất

Hằng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương.

Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Trên những triền núi cao thấp, những rừng cây, rừng mơ.... là những đoàn người nô nức chảy hội. Bộ trang phục của họ thật đẹp với những khuôn mặt rạng rỡ. Ngày 6 tháng Giêng là ngày khai hội. Đỉnh cao của lễ hội là Rằm tháng Giêng đến 18 tháng 2 Âm lịch.

Lễ hội chùa Hương trong phần lễ thực hiện rất đơn giản. Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội dường như bao trùm cả xã Hương Sơn. Ngày hội làng tổ chức rước thần từ đền ra đình, cờ trống đi trước dàn nhạc bát âm kế theo, trai thanh gái lịch phù kiệu, ông già bà cả thành tâm tiễn thần. Không khí ấy làm cho mọi người sảng khoái. Trong suốt những ngày lễ hội kẻ đi ra, người đi vào, kẻ đi lên người đi xuống bồng bềnh vào những đám mây nhẹ. Họ hẹn gặp nhau quen hay không quen cũng vui vẻ chào nhau bằng một lời chào: "Nam mô a di đà phật" nhẹ nhàng đằm thắm và ấm áp. Vào những ngày tổ chức lễ hội chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền.

Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi phật. Và đến nay ngày hội bơi thuyền ở chùa Hương luôn tạo cảm hứng mãnh liệt cho người đi hội.

***

Những bài văn mẫu kể về ngày hội sưu tầm từ học sinh

Bài mẫu 1: Lễ hội với trò chơi đu quay.

Trước sân đình rộng lớn ở làng quê, mọi người đứng đông và chật như nêm tạo thành một vòng tròn người. Giữa vòng tròn là hai anh thanh niên đang chơi trò đu quay.

Mọi người tham dự lễ hội thật náo nhiệt. Quần áo đẹp đủ màu sắc, không khí tưng bừng hơn với tiếng hò reo cổ vũ và tán thưởng. Ngang tầm với lá cờ ngũ sắc, dáng đu đưa của hai anh thanh niên khiến người xem nín thở theo dõi. Họ nắm chắc tay đu để đánh những khoảng xa và cao. Họ phải rất dũng cảm và điệu nghệ. Mọi người ngước nhìn theo từng nhịp chao đảo của hai anh.

Sau mỗi lần lộn vòng, tiếng hò reo vang lên như sấm dậy. Không khí vô cùng vui tươi và sôi nổi.

***

Bài mẫu 2: Lễ hội đua thuyền trên sông Hồng.

Hằng năm, cứ đến mùa xuân, quê em lại tưng bừng mở hội đua thuyền trên sông Hồng.

Sáng hôm ấy, hai bên bờ sông suốt đường đua dài 1000m, kẻ khua trống, người thổi kèn tàu, đông vui và náo nhiệt. Đường đua bắt đầu ở một khúc đầu làng em. Dưới sông năm con thuyền đua đã xếp thành hàng ngang ở vạch xuất phát. Trên thuyền, các tay đua là những thanh niên khoẻ mạnh ngồi thành hàng, tay lăm lăm mái chèo. Mỗi đội có một màu áo khác nhau. Đến giờ xuất phát, kèn trống nổi lên thì các chiếc thuyền lao nhanh vun vút về đích. Hai bên bờ sông tiếng hò reo, cổ vũ của người xem làm náo động cả một khúc sông. Đội làng em đã về đích trước tiên. Cuối hội là phần trao giải thưởng, ai cũng có mặt đông đủ để chúc mừng các tay đua.

Hội đua thuyền là nét văn hoá truyền thống của quê hương em. Em sẽ học giỏi, tập thể thao cho cơ thể mạnh để được tham gia hội đua thuyền.

***

Bài mẫu 3: Lễ hội Đền Voi Phục.

Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên Đán làng em lại mở lễ hội Đền Voi Phục.

Hội được tổ chức tại sân đền, người từ tứ xứ về dự lễ hội đông như nước chảy, mọi người đều trong trang phục rất đẹp. Những người trong đội nghi thức mặc lễ phục truyền thống của làng. Không khí của lễ hội rất trang nghiêm và quang cảnh được trang hoàng rất đẹp với cờ ngũ sắc tung bay trước gió. Mở đầu là lễ dâng hương đọc văn tế, sau đó là lễ rước Thánh đi du xuân. Kiệu của Thánh đi đến đâu, trống giong cờ mở đến đó. Mọi người vừa đi theo kiệu Thánh vừa lễ. Trẻ con, người lớn thay phiên nhau chui qua kiệu Thánh để mong ước Thánh ban cho nhiều điều tốt lành trong cả năm. Có những lúc kiệu của Thánh tự nhiên quay vòng tròn, em nghe người lớn nói đó là những lúc Thánh vui. Em rất thích lúc được chui qua kiệu Thánh vừa vui lại vừa được Thánh phù hộ cho mạnh khỏe, học giỏi, ngoan ngoãn. Lễ hội được diễn ra từ 9 giờ sáng đến 1giờ chiều thì kết thúc.

Em rất thích được tham dự lễ hội truyền thống của làng. Đó cũng là nét đẹp truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của quê hương.

--------------------------------------------------------------------

» Tham khảo thêm:

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM