Viết bài văn thuyết minh về quy tắc, luật lệ trong một hoạt động hay trò chơi

Xuất bản: 01/08/2022 - Tác giả:

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc, luật lệ trong một hoạt động hay trò chơi trang 112, 113, 114 SGK Ngữ văn 7 tập 1 Cánh diều.

Cùng Đọc tài liệu xem chi tiết phần soạn bài Viết bài văn thuyết minh về quy tắc, luật lệ trong một hoạt động hay trò chơi (Bài 5: Văn bản thông tin SGK Ngữ văn 7 Cánh diều tập 1).

1. Định hướng

* Viết bài văn thuyết minh về quy tắc, luật lệ của một hoạt động hay trò chơi là giới thiệu những quy định mà các thành viên tham gia hoạt động hay trò chơi ấy cần tôn trọng và tuân thủ.

* Những lưu ý khi viết văn thuyết minh về quy tắc, luật lệ của một hoạt động hay trò chơi:

- Xác định hoạt động hay trò chơi cần thuyết trình

- Tìm thông tin về hoạt động trò chơi đó ở các nguồn khác nhau, chọn lọc những thông tin quan trọng, tập trung vào các thông tin liên quan đến quy tắc, luật lệ của hoạt động hay trò chơi đã xác định.

- Xác định bố cục của bài văn

- Xác định hình thức trình bày

- Có thể trình bày bài văn bằng cách viết tay hoặc thiết kế trên máy vi tính.

2. Thực hành

Bài tập: Dựa vào các văn bản đã học ("Ca Huế", "Hội thi thổi cơm", "Những nét đặc sắc trên "đất vật" Bắc Giang"), hãy viết bài văn thuyết minh về một số quy tắc, luật lệ cho một trong các hoạt động hay trò chơi đã được giới thiệu hoặc các hoạt động hay trò chơi tương tự của địa phương em.

Để hoàn thành "Viết bài văn thuyết minh về quy tắc, luật lệ trong một hoạt động hay trò chơi" thì dưới đây Đọc tài liệu đã sưu tầm 3 bài viết tham khảo giúp các em hiểu và so sánh đối chiếu để xây dựng lên bài viết của mình.

Bài văn tham khảo số 1

Lễ hội Đập niêu

Đập niêu đất là trò chơi đã có từ rất lâu về trước nó đã trở thành hoạt động không thể thiếu trên quê hương em trong những ngày đầu xuân năm mới.

Đập niêu đất là một trò chơi thú vị. Vì vậy, nó đã thu hút sự tham gia cổ vũ của rất nhiều người. Trò chơi thường được làng em tổ chức vào mồng 4 Tết hàng năm. Trong làng lại có các thôn, xóm nhỏ nên các thôn, xóm sẽ cử ra hai người làm thành một đội chơi tham gia tranh tài.

Để chơi trò chơi, người ta dựng hai đoạn tre to, chắc khỏe cao khoảng hai mét xuống đất. Sau đó, nối hai cây lại với nhau bằng một đoạn tre nằm ngang. Lúc này ba đoạn tre đã tạo thành hình giống như một cái cổng nhà. Trên thanh tre nằm ngang, ban tổ chức sẽ treo khoảng năm, sáu niêu đất lủng lẳng. Nhiệm vụ của các đội chơi là bịt mặt rồi cầm gậy gỗ đập hết các niêu đất đó sớm nhất để giành chiến thắng. Để cho cuộc chơi thêm phần hấp dẫn, mỗi đội chơi gồm 2 người và 1 người trong đó phải cõng người còn lại, cả hai người sẽ cùng bị bịt mắt và dựa vào trí nhớ của mình để đập niêu đất.

Để công bằng, các đội chơi sẽ lần lượt chơi và có trọng tài bấm giờ. Mỗi khi có hiệu lệnh xuất phát, các đội chơi sẽ phải dựa vào trí nhớ của mình và sự chỉ dẫn của dân làng để xác định và tiến đến vị trí của niêu đất; người được cõng trên lưng sẽ cố gắng đập vỡ niêu đất, còn người cõng sẽ cố gắng đứng vững và di chuyển theo sự chỉ dẫn của dân làng. Vì thế, mỗi khi một đội chơi xuất phát là tiếng hò reo, cổ vũ lại vang lên tạo thành một bầu không khí rất vui nhộn.

Sau khi các đội chơi của các thôn, xóm đã chơi xong, người dân trong làng và du khách có thể trực tiếp tham gia trò chơi để tự mình trải nghiệm.

Em rất yêu thích và mong chờ trò chơi đập niêu đất. Trò chơi đã trở thành niềm vui, thành nét văn hóa độc đáo trên quê hương em. Nó giúp cho mọi người cảm thấy vui vẻ hơn khi tết đến, xuân về và nó cũng làm cho con người ở làng quê trở nên gần gũi, thân thuộc với nhau hơn.

Bài văn tham khảo số 2

Hội vật Liễu Đôi (Hà Nam)

Đấu vật là một môn thể thao, là một loại hình trò chơi dân gian thường được tổ chức trong các lễ hội truyền thống của từng vừng. Quê hương của em cũng vậy, đấu vật luôn được tổ chức một cách có quy mô vào tuần đầu của tháng Giêng âm lịch được gọi là Hội vật Liễu Đôi. Đây là một hoạt động văn hóa rất tuyệt vời và thú vị ở quê hương em.

Đấu vật thường là sân rộng trước đình, trên bãi cỏ mịn, có một vòng tròn lớn ở giữa sân. Các đô vật thường đóng khố màu, thân trần, đầu trần hoặc quấn khăn đầu rìu. Hội thường mở đầu bằng lễ rước Thánh vào sáng ngày diễn ra đấu vật. Từng đôi đô vật đi song song vào đình làm lễ trước hương án. Tiếp đến là màn vật mở đầu như thay cho lời giới thiệu. rồi mới đến vật chính thức. Thành phần giám khảo ngồi một bên để quan sát và trao thưởng. Đồng thời trên sân cũng có hai người một người phất cờ, một người đánh trống nhằm tạo không khí sôi sục, khích lệ của hai đô vật.

Hội vật ở quê em có nhiều sự khác biệt so với những nơi khác. Trong khi vật, người tham gia sử dụng nhiều loại võ truyền thống của địa phương như vạch sườn, sốc nách, miếng gồng... tạo nên những cú tấn cộng mạnh mẽ, đẹp mắt khiến người xem phải gieo hò. Cùng với đó, những đòn hiểm bị cấm trong khi đấu vật nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia đấu vật. Đô vật nào vi phạm sẽ bị đuổi ra ngoài, nặng hơn có thể bị phạt án treo một thời gian. Người thắng cuộc là người khiến đối thủ bị “tấm lưng, trắng bụng” hoặc bị nhấc bổng. Những người tham gia cũng sẽ được trao giải thưởng.

Như vậy, dù ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam này, đấu vật luôn là một hoạt động sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong những ngày lễ Tết. Nó thể hiện sự tôn trọng truyền thống, nét đẹp văn hóa dân tộc của thế hệ sau.

Bài văn tham khảo số 3

Hội Dâu Thuận Thành, Bắc Ninh

Lễ hội là nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của từng dân tộc, từng địa phương. Hầu như làng, xã nào cũng có lễ hội được tổ chức vào mỗi mùa xuân sang. Và mọi người dân ở Thuận Thành, Bắc Ninh thường có câu ca:

Dù ai buôn đâu, bán đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.

Câu ca dao như một lời nhắc nhở các người dân nơi đây hãy nhớ về hội Dâu được tổ chức vào đầu xuân hàng năm.

Hội Dâu được tổ chức vào mùng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Chùa Dâu là một ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây dựng vào những năm đầu thế kỉ XV. Mặc dù vậy chùa Dâu vẫn giữ được những nét nguyên bản từ khi được xây dựng tới nay. Hàng năm, chùa Dâu thu hút rất nhiều tín đồ đến thắp hương, đặc biệt là vào dịp lễ hội. Vào mỗi dịp lễ hội, người dân háo hức tổ chức sửa sang chùa chiền. Ngay từ chiều mùng 7 đã có lễ rước các bà Dâu, bà Đậu, bà Đàn, bà Keo mà theo truyền thuyết bốn bà được tạc từ một cây dâu, chị cả là bà Dâu nên chùa Dâu được xây dựng lớn nhất. Đặc biệt vào ngày mồng 7, các vãi đến để cúng, quét dọn và làm lễ rửa chùa. Ngày hội chính diễn ra rất sôi động, náo nhiệt. Mọi người đến đây với lòng thành kính, kính mong đức phật ban cho sự an lành, ấm no. Chùa có rất nhiều gian, điện, đặc biệt có pho tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ đạt đến chuẩn mực nghệ thuật cao với các tỉ lệ của người thật. Hành lang hai bên có những pho tượng với nhiều tư thế, nét mặt khác nhau. Người ta đến lỗ hội không chỉ để thắp hương, cầu an mà còn để vui chơi, đón không khí ngày xuân. Có rất nhiều trò chơi được tổ chức trong lễ hội như: đu quay, hát quan họ đối đáp, giao duyên giữa các liền anh, liền chị dưới thuyền rồng với những trang phục mớ ba, mớ bảy cổ truyền. Khắp sân chùa là những hàng bán đồ cúng, những nén hương trầm, hay những đồ chơi dân gian cho trẻ em như sáo, trống... hoặc chỉ là những bông lan thơm ngát. Tất cả tạo ra một không khí cộng đồng ấm cúng. Mọi người quên đi sự bận rộn, quên đi sự bon chen, thách thức để nhớ tới đức phật cùng sự thánh thiện, nhớ tới cõi bình an của tâm hồn. Khoảng 7 giờ sáng ngày 8/4, người ta đã nghe thấy tiếng chiêng, tiếng trống và tiếng cúng tế dâng sớ cầu mong bình an, lạy tạ các vị thánh thần, phật pháp của đội tế lễ tứ sắc chùa lập ra. Đặc biệt, ở lễ hội Dâu thờ Tứ Pháp là Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi.

Sau khi các cụ làm lễ xong, đoàn rước từ chùa Tổ bắt đầu quay về, hàng đoàn người kéo nhau đi theo hộ tống. Người đi đầu cầm bình nước, người thứ hai dâng hương, tiếp đó là đoàn kiệu được những trai tráng của lồng khiêng. Họ mặc những trang phục như quân tốt đỏ thời xưa, theo sau là các bà mặc áo nâu đội sớ. Người cầm nước vừa đi vừa cầm cành trúc vẩy nước vào những người xung quanh như ban sự may mắn cho mọi người. Người ta quan niệm rằng ai được vẩy nước vào sẽ may mắn, được Phật ban phước quanh năm và được Phật phù hộ, bảo vệ. Khi hội tan, mọi người về rồi thắp hương ở ngoài sân thờ nhớ lời hẹn gặp năm sau. Nhưng lạ lùng hơn hầu như năm nào sau hội trời cũng mưa và người dân cho đấy là lễ tẩy chùa, ở một khía cạnh nào đó thì đây được coi như một điều linh nghiệm huyền bí.

Lễ hội thể hiện trình độ tổ chức cao, sự kết hợp giữa làng xã và ý thức cộng đồng, cuốn hút khách thập phương với những nét nghệ thuật, văn hóa đặc sắc, phong phú. Đối với Bắc Ninh, cái nôi của Phật giáo thì đây là dịp thể hiện sự tài hoa, tinh tế, lịch lãm trong văn hóa ứng xử, giao tiếp. Là một người con của Bắc Ninh, em cảm thấy tự hào về truyền thống của quê hương mình và em sẽ luôn có ý thức bảo vệ và gìn giữ những nét văn hóa ấy, đặc biệt là những lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc vào những ngày đầu xuân.

-/-

Trên đây là gợi ý viết bài văn thuyết minh về quy tắc, luật lệ trong một hoạt động hay trò chơi Ngữ văn 7 Cánh diều tập 1, đừng quên tham khảo trọn bộ Soạn văn 7 Cánh Diều!

- Tổng hợp các tài liệu và bài học soạn văn 7 mới -

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM