Viết bài văn số 1 lớp 10 đề 2

Xuất bản: 23/08/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 10] Viết bài văn số 1 lớp 10 đề 2: Nêu cảm nghĩ sâu sắc nhất về một câu chuyện anh (chị) đã học mà đến nay vẫn không thể nào quên

Viết bài tập làm văn số 1 đề 2 lớp 10 chính là một đề tài cảm nghĩ về một tác phẩm văn học đã học mà vẫn luôn để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất.

Đề bài: Nêu cảm nghĩ sâu sắc nhất về một câu chuyện anh (chị) đã học mà đến nay vẫn không thể nào quên (ví dụ: Chuyện người con gái Nam Xương, Chiếc lược ngà, Bố của Xi-mông,..)

-/-

Dàn ý viết bài tập làm văn số 1 lớp 10 đề số 2

1. Mở bài

- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.

- Nêu cảm nhận của em về tác phẩm (Tại sao nó để lại cho em ấn tượng không thể nào quên?)

2. Thân bài

Dấu ấn đặc sắc trong nội dung:

- Phản ánh bi kịch của người phụ nữ sống cuộc sống không tình yêu, tuổi thanh xuân bị vùi dập, đánh mất.

- Bày tỏ niềm cảm thương, xót xa cho thân phận người phụ nữ.

- Trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp thủy chung, giàu lòng hi sinh và bao dung, độ lượng của người phụ nữ.

- Tố cáo chiến tranh phi nghĩa đã là mầm mống gây nên bất hạnh gia đình.

.............

Cảm nhận về đặc sắc nghệ thuật:

- Những tình huống truyện độc đáo, xây dựng hình thượng nhân vật chân thực

- Câu văn, đoạn văn biền ngẫu dễ đi vào lòng người.

- Những thi liệu ước lệ được vận dụng nhuần nhuyễn.

- Các yếu tố kì ảo được vận dụng sáng tạo, đan xen yếu tố thực, tạo sự li kì hứng thú nhưng cũng là sự tin cậy cho người đọc.

..........

3. Kết bài

- Khẳng định tài năng tác giả và cảm nhận của bản thân.

Viết bài văn số 1 lớp 10 đề 2 - Cảm nhận về tác phẩm văn học để lại cho em ấn tượng sâu sắc

Cùng tham khảo 2 bài văn mẫu sau với 2 tác phẩm văn học mà em đã được học nhé:

Bài số 1 - Viết bài văn số 1 lớp 10 đề 2

Cảm nhận về truyện ngắn Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

Trong xã hội cũ, số phận của người phụ nữ luôn gặp bất hạnh, không có nhiều những cuộc đời nữ nhi được như mong muốn mà luôn bị chà đạp, bị đối xử bất công. Nhìn thấy sự bất công ở đời, nhiều tác phẩm ra đời bênh vực và đòi quyền sống cho người phụ nữ, mà một trong nhưng tác phẩm mở đầu là những truyện ngắn trong “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ, mà tiêu biểu là “Chuyện người con gái Nam Xương”. Câu chuyện để lại trong lòng người đọc những suy nghĩ sâu sắc về thân phận người phụ nữ, chế độ nam quyền và ước mơ thay đổi.

Ngay từ mở đầu câu chuyện, ta đã bắt gặp một người con gái “thùy mị nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp”, cứ ngỡ cuộc đời sẽ dành cho cô những trái ngọt nhưng số phận của cô cũng rơi vào thân phận giống như tất thẩy mọi người phụ nữ bất hạnh trong xã hội phong kiến. Đầu tiên là một cuộc hôn nhân sắp đặt với bóng dáng kim tiền, đây là một cuộc hôn nhân báo trước sự không mấy hạnh phúc. Quả vậy, chồng nàng là một người ít học, tính nóng nảy lại hay ghen, cuộc sống vợ chồng quả không dễ chịu nếu nàng không chịu nhúng nhường. Không bao lâu, gia đình nàng rơi vào bi kịch thời đại, đó là chịu ảnh hưởng của chiến tranh, chồng nàng ra trận, nàng phải ở nhà một mình tự gánh vác mọi chuyện, từ việc sinh con đến mẹ chồng ốm đau, qua đời. Mọi việc nàng làm chu đáo đến mức không có gì phải chê. Sau ba năm, chồng nàng đi lính về, tưởng rằng nàng sẽ được đền đáp xứng đáng nhưng lại bị chồng hiểu lầm mà đuổi đi một cách không thương tiếc. Vì không sao giải được nỗi oan lăng loàn, nàng lấy cái chết để chứng minh trong sạch, tự trẫm mình xuống bến Hoàng Giang. Cuộc đời nàng quả là bất hạnh. Từ đâu đến cuối, ta có thể nhìn ra nàng không làm sai bất cứ một chuyện gì mà còn lo chu đáo tất thẩy mọi việc, là một người vợ đảm đang đáng mơ ước, nhưng nàng lại không được đền đáp một cách xứng đáng với những điều mà nàng bỏ ra. Điều này khiến ta đau xót thay cho số phận chung của kiếp má hồng ở xã hội phong kiến, nơi mà người phụ nữ không có tiếng nói, không thể được bênh vực và đứng lên tự bênh vực mình. Họ bị coi thường, bị rẻ núng, không được đối xử công bằng và mang nhiều nỗi oan không thể giải, ai trong số họ cũng đều là những con người lương thiện, đảm đang, xứng đáng, nhưng cuộc đời không vì thế mà đối cử lương thiện với họ.

Nếu nói về nguyên nhân đã đẩy Vũ Nương vào tấn bi kịch, ta nghĩ đến chi tiết chiếc bóng. Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, chi tiết này chỉ xuất hiện duy nhất một lần khi Vũ Nương đã trẫm mình chứ không xuất hiện nhiều như trong cổ tích “Vợ chàng Trương”, sáng tạo này không chỉ có ý nghĩa tạo bất ngờ cho câu chuyện mà còn tạo hiệu quả cho chiếc bóng là chi tiết thắt nút và mở nút của câu chuyện. Chính chiếc bóng đẩy Vũ Nương đến cái chết nhưng chỉ có nó mới giải được nỗi oan cho nàng. Chiếc bóng ấy là bóng của nàng, hằng đêm khi thắp đèn, bóng đen ấy xuất hiện trên tường và nàng bảo con đó là cha. Chi tiết này tố cáo rất nhiều hiện thực. Trong nhà, chỉ còn lại Vũ Nương- một người phụ nữ yếu đuối với đứa con nhỏ, đó là hậu quả của chiến tranh vô nghĩa, tàn khốc, thiếu bóng những người đàn ông, chiếc bóng còn là đại diện cho chế độ nam quyền vô tình, vô nghĩa, đẩy người phụ nữ vào cùng cực, bất công. Đây là một chi tiết hay và mang nhiều ý nghĩa thể hiện tài năng của Nguyễn Dữ, là “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.

Sáng tạo của Nguyễn Dữ không dừng lại ở đó, những chuyện ở dưới thủy cung đều do ông sáo tạo nhưng những yếu tố kì ảo ấy mang những ý nghĩa nhất định. Đó không chỉ là sự kết hợp lịch sử khéo léo mà còn là sự không nỡ cho một tâm hồn cao đẹp như Vũ Nương phải chôn vùi nơi địa ngục, nàng xứng đáng là một tiên nữ, kể cả sau khi trẫm mình, nàng vẫn được là tiên nữ chốn thủy cung. Điều này còn là sự khẳng định vẻ đẹp vĩnh cửu của người phụ nữ dù bị vùi dập, họ chết về thể xác nhưng vẻ đjep thì luôn được lưu giữ ở chốn thần tiên, nhất là sự nhớ mong quê nhà của Vũ Nương ở dưới thủy cung càng tôn lên vẻ đẹp thủy chung son sắt ở nàng. Đặc biệt là chi tiết nàng trở về trong ngày lập đàn nhưng chỉ nói một câu rồi biến mất trong sương khói, khi mà những yếu tố kì ảo làm giảm nhẹ bị kịch đi bao nhiêu thì cái kết này lại tô đậm bi kịch này bấy nhiêu. Sự thật là nàng đã ra đi và quá khứ không thể thay đổi, nàng không thể quay lại được nữa.

Câu chuyện đã để lại cho người đọc biết bao nhiêu ám ảnh về nỗi bất hạnh của một người con gái đứa hạnh. Từ đó nổi lên tình thương yêu với thân phận người phụ nữ phong kiên cũng như sự căm ghét đối với chế độ nam quyền và hủ tục hà khắc phong kiến.

Bài số 2 - Viết bài văn số 1 lớp 10 đề 2

Văn mẫu cảm nhận về truyện ngắn Lão Hạc

Chúng ta đã từng học qua những truyện ngắn như Lão Hạc, Tắt đèn và chắc không mấy ai trong số chúng ta lại không trầm trồ thán phục tài năng nghệ thuật của Nam Cao hay Ngô Tất Tố. Với riêng tôi, dù đã đọc đi đọc lại truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao rất nhiều lần nhưng dường như lần nào tôi cũng lại tìm thấy thêm được một vài điều lý thú. Nó cuốn hút tôi, lay động tôi, khi thì gợi trong tôi sự căm thù, khi lại gọi về chan chứa những yêu thương.

Lão Hạc là sản phẩm của một tấm lòng nhân đạo cao cả. Nó là tình yêu thương, là sự ngợi ca, trân trọng người lao động của Nam Cao. Giống như Ngô Tất Tố cùng nhiều nhà văn thời đó, Nam Cao đã dựng lên hình ảnh người nông dân Việt Nam trước Cách mạng với những phẩm chất đáng quý, đáng yêu: chăm chỉ, cần cù, giàu tình yêu thương và giàu đức hy sinh.Trước cách mạng, Nam Cao say sưa khám phá cuộc sống và tính cách của người nông dân. Trong các tác phẩm của ông, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật chính thường gắn liền với cái nghèo, cái đói, với miếng ăn và với các định kiến xã hội đã thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ vào cách nhìn của con người ở nông thôn.

Lão Hạc cũng vậy, suốt đời sống trong cảnh nghèo và cái đói. Lão đã dành hầu như cả đời mình để nuôi con mà chưa bao giờ nghĩ đến mình. Lão thương con vô bờ bến: thương khi con không lấy được vợ vì nhà ta nghèo quá, thương con phải bỏ làng, bỏ xứ mà đi để ôm mộng làm giàu giữa chốn hang hùm miệng sói. Và đọc truyện ta còn thấy lão đau khổ biết nhường nào khi phải bán đi cậu Vàng, kỷ vật duy nhất của đứa con trai. Không bán, lão biết lấy gì nuôi nó sống. Cuộc sống ngày thêm một khó khăn. Rồi cuối cùng, đến cái thân lão, lão cũng không giữ được. Lão ăn củ chuối, ăn sung luộc. Nhưng lão nghĩ, lão "không nên" sống nữa. Sống thêm, nhất định lão sẽ tiêu hết số tiền dành dụm cho đứa con mình. Vậy là, thật đớn đau thay! Lão Hạc đã phải tự "sắp xếp" cái chết cho mình. Cuộc sống của nông dân ta trước cách mạng ngột ngạt đến không thở được. Nhìn cái hiện thực ấy, ta đau đớn, xót xa. Ta cũng căm ghét vô cùng bọn địa chủ, bọn thực dân gian ác.

Lão Hạc chết. Cái chết của lão Hạc là cái chết cùng đường, tuy bi thương nhưng sáng bừng phẩm chất cao đẹp của người nông dân. Nó khiến ta vừa cảm thương vừa nể phục một nhân cách giàu tự trọng. Lão chết nhưng đã quyết giữ cho được mảnh vườn, chết mà không muốn làm luỵ phiền hàng xóm.

Đọc Lão Hạc ta thấy đâu phải chỉ mình lão khổ. Những hạng người như Binh Tư, một kẻ do cái nghèo mà bị tha hoá thành một tên trộm cắp. Đó là ông giáo, một người trí thức đầy hiểu biết nhưng cũng không thoát ra khỏi áp lực của cảnh vợ con rách áo, đói cơm. Cái nghèo khiến ông giáo đã phải rứt ruột bán đi từng cuốn sách vô giá của mình. Nhưng cái thứ ấy bán đi thì được mấy bữa cơm? Vậy ra ở trong truyện tất cả đã đều là lão Hạc. Lão Hạc phải oằn mình mà chết trước thử hỏi những người kia có thể cầm cự được bao lâu?

Vấn đề nổi bật được thể hiện trong Lão Hạc là niềm tin và sự lạc quan của nhà văn vào bản chất tốt đẹp của con người. Thế nhưng điều quan trọng hơn mà nhà văn muốn nhắn gửi đó là một lời tố cáo. Nó cất lên như là một tiếng kêu để cứu lấy con người. Từ chiều sâu của nội dung tư tưởng, tác phẩm nói lên tính cấp bách và yêu cầu khẩn thiết phải thay đổi toàn bộ môi trường sống để cứu lấy những giá trị chân chính và tốt đẹp của con người.

Lão Hạc cho ta một cái nhìn về quá khứ để mà trân trọng nhiều hơn cuộc sống hôm nay. Nó cũng dạy ta, cuộc sống là một cuộc đấu tranh không phải chỉ đơn giản là để sinh tồn mà còn là một cuộc đấu tranh để bảo toàn nhân cách.

-.-

Trên đây là hướng dẫn viết bài tập làm văn số 1 lớp 10 đề 2 (làm tại nhà) chi tiết nhất do Đọc tài liệu thực hiện, đừng quên tham khảo thêm thật nhiều bài soạn văn 10 cũng như văn mẫu:

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM