Viết bài văn nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ trang 80

Xuất bản: 24/08/2024 - Tác giả:

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ trang 80 được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 12 KNTT giúp học sinh soạn văn 12 dễ hơn.

* Yêu cầu:

- Nêu được vấn đề có ý nghĩa, liên quan đến những hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ để bàn luận.

- Trình bày được hệ thống luận điểm hợp lí, chặt chẽ; sử dụng lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác đáng; biết phối hợp hiệu quả các thao tác: chứng minh, bình luận, bác bỏ, giải thích, phân tích, so sánh để tăng sức thuyết phục cho bài viết.

- Nêu và phản bác được ý kiến trái chiều có thể có về vấn để được bàn luận nhằm củng cố quan điềm của nguời viét.

- Kết bài gây ấn tượng đối với người đọc, thúc giục tuổi trẻ hành động.

* Phân tích bài viết tham khảo:

Văn bản: Giá trị của tuổi trẻ (Nguyễn Lân Dũng)

1. Giới thiệu trực tiếp vấn đề nghị luận.

Những người tuổi trẻ là tác nhân lớn nhất của sự thay đổi trong xã hội.

2. Nêu luận điểm thứ nhất (bằng một tiểu mục).

Xây dựng tương lai cho tuổi trẻ

3. Triển khai nội dung nghị luận (sử dụng bằng chứng)

Các dẫn chứng: Trịnh Xuân Mười, Nguyễn Ngọc Bảo Khanh, Lê Thị Thắm.

4. Triển khai nội dung nghị luận (nêu lí lẽ)

Thanh niên là trụ cột của xã hội và do đó họ quyết định tương lai của bất kì xã hội nào. Thanh niên là xương sống của bất kì quốc gia nào

5. Nêu ý kiến trái chiều để phản bác

Một số người lớn nghĩ rằng giới trẻ ngày nay là một thế hệ nghiện công nghệ, không muốn làm việc và chỉ tập trung vào việc vui chơi.

6. Sử dụng ý kiến của người có uy tín để củng cố quan điểm đã nêu

Phrăng-cơ-lin D. Ru-dơ-ven: Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể xây dựng tương lai cho tuổi trẻ của mình, nhưng chúng ta có thể xây dựng tuổi trẻ cho tương lai.

7. Nêu luận điểm thứ hai (bằng một tiểu mục).

Học cách đặt mục tiêu

8. Triển khai luận điểm bằng cách sử dụng các loại bằng chứng khác nhau

Các bằng chứng:

- Khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 78,6% người được hỏi ý kiế cho rằng công nghệ đang ra ra chứ không phải đang phá hủy việc làm.

- Những thách thức toàn cầu, như đại dịch virus Corona hoặc biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề địa phương, sẽ ảnh hưởng đến tương lai.

9. Triển khai luận điểm bằng giải thích, phân tích, bình luận

- Cha mẹ muốn con mình thành công ở trường học để đạt được những thành công trong cuộc sống sau này.

- Các giáo viên muốn như vậy, vì họ có tham vọng giúp người trẻ thực hiện ước mơ và đưa ra lựa chọn.

- Một số trường học nói về thành tích cao trong học tập giúp một số người đạt được mục tiêu, phát triển được kiến thức, kĩ năng.

10. Sử dụng bằng chứng để củng cố lí lẽ

Các bằng chứng: Giêm Đai-xơn, Mai-cơn Giooc-đan.

11. Khái quát vấn đề nghị luận

Tuổi trẻ đồng nghĩa với thay đổi, tiến bộ và tương lai. Suy cho cùng, tuổi trẻ là đối mặt với những thách thức và tạo ra hoặc tái tạo ra không gian cho sự phát triển toàn diện trong tương lai.

* Trả lời câu hỏi:

Câu 1: Ở bài viết tham khảo, vấn đề gì liên quan đến tuổi trẻ được nêu để bàn luận? Người viết đặt mình vào vị trí nào để trình bày quan điểm về vấn đề này?

Trả lời

- Vấn đề: giá trị đích thực của tuổi trẻ

- Người viết đặt mình vào vị trí:

+ Là một nhà giáo uyên bác và giàu kinh nghiệm.

+ Là một người từng trải.

+ Là một người tâm huyết với thế hệ trẻ.

Câu 2: Bài viết triển khai mấy luận điểm? Cách phối hợp giữa lí lẽ và bằng chứng được thể hiện như thế nào ở từng luận điểm?

Trả lời:

- Bài viết triển khai 3 luận điểm.

- Cách phối hợp giữa lí lẽ và bằng chứng được thể hiện:

Luận điểmLí lẽBằng chứng
Luận điểm 1: Tuổi trẻ là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời:

- Tuổi trẻ có sức khỏe, trí tuệ, nhiệt huyết, dũng cảm, và ước mơ.

- Tuổi trẻ là thời gian để học hỏi, khám phá, trải nghiệm và cống hiến.

- Tác giả dẫn chứng về những thanh niên xung phong trong thời chiến tranh với lòng dũng cảm, nhiệt huyết.

- Những nhà khoa học trẻ tuổi đã có những đóng góp to lớn cho đất nước.

Luận điểm 2: Giá trị của tuổi trẻ

- Tuổi trẻ là tương lai của đất nước.

- Tuổi trẻ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giác ngộ cách mạng từ khi còn rất trẻ.

- Nhiều nhà lãnh đạo, nhà khoa học, doanh nhân thành công trên thế giới.

Luận điểm 3: Làm thế nào để tuổi trẻ có giá trị

- Cần rèn luyện ý chí, nghị lực, bản lĩnh, và lòng yêu nước.

- Cần học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, và kinh nghiệm.

- Cần cống hiến sức lực, trí tuệ cho đất nước.

- Tấm gương của các thanh niên xung phong, các nhà khoa học trẻ,...

- Tác giả cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ

Câu 3: 

Chỉ ra những thao tác nghị luận đã được phối hợp sử dụng trong bài viết.

Trả lời:

Các thao tác nghị luận được phối hợp sử dụng trong bài viết: giải thích, phân tích, bác bỏ, chứng minh, bình luận.

* Thực hành viết:

a. Chuẩn bị viết

Để viết bài văn nghị luận đáp ứng được yêu cầu của bài học, bạn phải chọn một đề tài có liên quan đến cuộc sống của tuối trẻ hiện nay (quan niệm sống, định hướng tương lai, việc học tập và rèn luyện, cách ứng xử trong các mối quan hệ,...). Có thể tìm kiếm đề tài từ các cuốn sách, các phương tiện truyền thông hoặc từ chính những trải nghiệm đời sống của bản thân. Gợi ý một số đề tài: Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến xu hướng chọn nghề của giới trẻ; Nhu cầu thưởng thức âm nhạc, phim ảnh của giới trẻ; Ý thức về giới của các bạn trẻ; Quyền được thử và sai lầm của giới trẻ; Sống theo sở thích cá nhân và sống để phụng sự xã hội;...

b. Tìm ý, lập dàn ý

* Tìm ý

Kết hợp tham khảo bài viết với việc tìm hiểu đề tài đã xác định, có thể nêu các câu hỏi như sau để suy nghĩ, tìm ý:

Cần giải thích điều gì ở vấn đề vừa nêu? Trong đề tài bài viết, có thể có các khái niệm, câu chữ cần được giải thích cặn kẽ thì mới bàn luận đúng hướng. Chẳng hạn, ở bài viết tham khảo, vấn đề bản chất của tuổi trẻ, các giá trị của tuổi trẻ đã được tác giả quan tâm giải thích trước khi nêu lí lẽ cần thiết.

Có những khía cạnh nào của vấn đề cần bình luận? Người viết có thể đánh giá sự đúng đắn của vấn đề hoặc nêu những ý kiến khác với quan điểm của mình để bình luận. Ở bài viết tham khảo, tác giả đã bình luận về tiềm năng của tuổi trẻ; những thách thức đối với tuổi trẻ trong thời đại khoa học công nghệ; thái độ thấu hiểu, đồng cảm cần có của người đi trước đối với thế hệ trẻ..

Cần có định hướng hành động như thế nào sau khi nhận thức được ý nghĩa của vấn đề? Tuỳ vào vấn đề đời sống và các luận điểm đã triển khai, người viết đề xuất phương hướng hành động. Bài viết tham khảo nêu trách nhiệm của xã hội đối với tuổi trẻ cũng như những điều người trẻ cần làm để phát triển bản thân.

* Lập dàn ý

Theo hướng trên, người viết sẽ tìm và ghi nhanh một số ý theo thứ tự các câu hỏi. Sau đó sắp xếp lại cho hợp lí để có dàn ý hoàn chỉnh.

Mở bài: Giới thiệu vấn đề liên quan đến tuổi trẻ, nêu quan điểm của người viết về vấn đề đó.

Thân bài:

- Giải thích từ ngữ, khái niệm để làm rõ bản chất vấn đề cần bàn luận liên quan đến tuổi trẻ.

- Trình bày các khía cạnh của vấn đề (Vì sao vấn đề này thiết yếu đối với tuổi trẻ? Vấn đề gợi cho tuổi trẻ những suy nghĩ và hành động như thế nào? Cần có những điều kiện gì để tuổi trẻ thực hiện yêu cầu mà vấn đề nêu ra? ..... Với từng luận điểm, cần dùng lí lẽ và bằng chứng phù hợp để lập luận nhằm tạo nên sức thuyết phục của bài viết.

- Bình luận về sự đúng đắn, thiết thực của vấn đề, bác bỏ ý kiến trái ngược để củng cố quan điểm của mình.

- Định hướng hành động của bản thân sau khi nhận thức về vấn để.

Kết bài: Khái quát lại ý nghĩa của vấn đề, liên hệ với đời sống thực tại, rút ra bài học cho bản thân.

c. Viết

- Khi viết bài, cần bám sát dàn ý để triển khai tuần tự các luận điểm, đảm bảo tính mạch lạc và sự liên kết chặt chẽ giữa các câu, các đoạn.

- Bàn về vấn đề liên quan đến tuổi trẻ, bạn cần viết với tâm thế của người trong cuộc, viết như trả lời những câu hỏi vẫn thường đặt ra cho bản thân, liên quan đến học tập và rèn luyện; cuộc sống hiện tại và định hướng tương lai; những ưu thế của tuổi trẻ hoặc khó khăn cần vượt qua;... Trong lập luận, cần khai thác dẫn chứng gắn với các mặt trong đời sống tuổi trẻ, từ những trải nghiệm của bản thân, tránh theo khuôn mẫu, công thức chung chung.

- Luôn chú ý phối hợp các thao tác thường được sử dụng trong bài nghị luận (giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ) để triển khai các luận điểm của phần Thân bài. Trong quá trình viết từng đoạn văn triển khai luận điểm, có thể dùng các yếu tố như tự sự, biểu cảm để tăng sức hấp dẫn và thuyết phục cho bài văn.

- Cần nhận thức rõ: Vấn đề liên quan đến tuổi trẻ không đồng nghĩa với vấn đề của riêng tuổi trẻ. Vấn đề được chọn làm đề tài của bài viết cũng có thể liên quan đến mọi thành viên của cộng đồng. Tuy nhiên, khi viết bài, cần biết triển khai luận điểm từ góc nhìn của tuổi trẻ và chú ý khai thác những điều có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến tuổi trẻ.

Bài viết tham khảo

Một ngôi nhà, dù đồ sộ hay bé nhỏ cũng cần nền móng vững chắc, kiên cố. Một cây xanh, muốn trụ vững trước gió bão thì rễ phải ăn sâu vào lòng đất mẹ. Mỗi người muốn có cuộc sống tốt đẹp, phải có nghề nghiệp ổn định. Càng ngày lựa chọn nghề nghiệp càng là vấn đề thu hút sư quan tâm của các bạn học sinh trung học phổ thông.

Với học sinh cuối cấp, giây phút cầm trên tay tập hồ sơ đăng kí tuyển sinh có lẽ là giây phút hồi hộp nhất. Gần như lần đầu tiên trong đời, chúng ta được và phải quyết định một việc hệ trọng - một việc có ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của chính bản thân. Việc thi trường nào đồng nghĩa với việc sau này chúng ta làm nghề gì? Giáo viên, bác sĩ, kĩ sư xây dựng, nhà thiết kế thời trang, hoạ sĩ hay đơn thuần là một công nhân cơ khí, một nhân viên văn phòng…? Phân vân là nét tâm lí dễ hiểu ở hầu hết các bạn học sinh thời điểm này. Giữa rất nhìểu điều chi phối, chúng ta phải tỉnh táo để tìm cho mình lối di đúng đắn nhất. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, đâu mới là lối đi đúng đắn nhất? Chọn cho mình một nghề phù hợp với năng lực bản thân, chọn nghề đang được ưa chuộng nhất trong xã hội hay theo đuổi nghề mà mình yêu tha thiết? Thật khó để đưa ra quyết định ngay tức khắc.

Thời phong kiến, các đấng nam nhi chỉ có con đường tiến thân duy nhất là khoa cử, tiến vi quan, thoái vi sư. Con đường công danh của người xưa không thênh thang rộng mở như bây giờ. Xã hội càng phát triển càng có nhiều ngành nghề để giới trẻ lựa chọn. Thanh niên thời nay không nhất thiết phải theo đuổi một nghề nào. Họ không bị ràng buộc bởi chế định xã hội nào nên có thể mặc sức lựa chọn ngành nghề cho mình. Họ luôn đủ tự tin để nói: “Con đường nào cũng dẫn đến thành công”.

Trên thế giới, đặc biệt ở những nước có nền kinh tế phát triển, xu hướng lựa chọn ở giới trẻ có năng lực là nhóm ngành quản lí, kinh tế, dịch vụ… Các ngành nghề này trước tiên thích hợp với sự năng động, nhạy bén, tư duy thực tiễn của thanh niên các nước phát triển. Mặt khác, đây cũng là những ngành học hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao. Ở Việt Nam, những năm gần đây, xu lurớng lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên cũng có nhiều biến đổi. Trước đó chưa xa, các bạn học sinh cuối cấp trung học phổ thông thường lựa chọn các ngành học mang tính truyền thống như sư phạm, quân sự, an ninh… Số lượng thí sinh thi vào các trường này luôn ở mức cao và tương đối ổn định. Nhưng khoảng bốn- năm năm trở lại đây, khâu chọn trường, chọn ngành học của các bạn học sinh trung học phổ thông đã có nhiều biến đổi. Họ không nhất thiết khuôn mình theo lối mòn của thế hệ đi trước. Những ngành nghề truyền thống vẫn được lựa chọn nhưng thực tế cho thấy, các nhóm ngành như kinh tế, tiếp thị- quảng cáo, du lịch, truyền thông… thu hút nhiều mối quan tâm nhiều hơn. Theo tổng hợp của Vietbao (tháng 5/2007), hồ sơ của nhóm trường kinh tế tăng đột biến. Đại học Thương mại có tới 33.137 hồ sơ đăng kí dự thi (năm 2006 là 24.000). Các trường nhóm kinh tế khác đều tăng vọt hồ sơ dự thi: Đại học Kinh tế Quốc dân 27.000 hồ sơ, tăng khoảng 7.000 thí sinh. Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận được 23.500 hồ sơ đăng kí dự thi trong khi năm trước đó chỉ có 6.000 hồ sơ. Không thể không tính đến hiện tượng các thí sinh nộp hồ sơ “ảo”, nhưng những con số trên đã phần nào cho chúng ta thấy được xu hướng lựa chọn nghề của thanh niên thời nay. Đâu là nguyên nhân chi phối xu hướng lựa chọn ấy?.

Trước hết, chúng ta phải kể đến những tác động về kinh tế và khoa học kĩ thuật. Trước đây, khi nước ta còn nghèo, kinh tế chậm phát triển, kinh tế các hộ gia đình còn chưa được cải thiện, các bạn học sinh sẽ chú ý nhiều hơn đến những ngành học được miễn học phí hoặc có học phí không quá cao, ra trường dễ xin được việc và có công việc ổn định, Hiển nhiên, những ngành nghề như sư phạm, quân sự, an ninh, cảnh sát… sẽ thu hút nhiều thí sinh đăng kí dự thi hơn. Mặt khác, điều kiện để học tập và khả năng giải quyết việc làm của các ngành kinh tế, kĩ thuật, dịch vụ… chưa tốt.

Sự phát triển của kinh tế trong những năm gần đây đã làm đất nước thay đổi toàn diện, điều kiện học tập, nghiên cứu cho sinh viên không ngừng được cải thiện. Thanh niên Việt Nam không chỉ cần cù, chăm chỉ mà còn rất năng động, nhạy bén, dũng cảm chủ động trước mọi hoàn cảnh. Họ có cơ hội thử thách mình trong những lĩnh vực mới, ngành nghề mới. Họ dám phiêu lưu với sự lựa chọn của mình, bất chấp sự lựa chọn ấy có thể chưa mang đến họ thành công ngay lập tức. Hơn nữa, cũng như thanh niên các nước trên thế giới, họ có tham vọng chính đáng là được làm giàu cho chính bản thân và đất nước. Những ngành nghề phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại chắc chắn sẽ giúp họ thực hiện được tham vọng đó. Tất nhiên, trước khi đưa ra quyết định chọn lựa nghề nghiệp nào bất cứ ai cũng sẽ phải cân nhắc rất nhiều điều.

Theo tôi, để lựa chọn cho bản thân một ngành nghề nào đó, chúng ta phải tự trả lời cho được một số câu hỏi như: Lực học thực của mình đến đâu? Mong muốn, nguyện vọng cho tương lai của mình là gì? Mình thực sự yêu thích ngành nghề nào? Ngành đó có đảm bảo khả năng tài chính cho tương lai của mình không? Những người thân của mình có ý kiến gì không? Tôi cho rằng, việc xác định thực lực của chính mình là điều quan trọng nhất. Có thể ước mơ của mỗi bạn rất cao, rất xa, có thể cha mẹ mong muốn cho chúng ta được học những ngành nghề sau này dễ xin việc làm, dễ kiếm sống… nhưng liệu rằng năng lực bản thân có cho phép ta thi đỗ được những trường, ngành như thế không? Rất nhiều bạn không xác định được lực học của mình, lại mơ hồ, viễn vọng những điều không tưởng nên không thể đáp ứng chỉ tiêu đầu vào của trường, ngành mình thi. Như vậy, các bạn lại phải mất công sức, thời gian, tiền bạc để ôn luyện lại kiến thức. Đấy là chưa kể đến những sức ép tinh thần từ phía gia đình và chính bản thân. Khi xác định được năng lực của mình rồi, lúc đó chúng ta mới quan tâm đến điều mà bản thân mình mong muốn. Nhiều bạn không biết rõ mong muốn của mình là gì. Không ít người chọn ngành học không phải vì niềm đam mê cá nhân mà do tác động của người thân hay vì trào lưu chung… nên đến khi gặp khó khăn trong học tập, tìm việc làm, họ trở nên hoang mang. Niềm đam mê, lòng yêu nghề sẽ cho chúng la niềm tin, nghị lực để vượt qua mọi trở ngại.

Là học sinh trung học phổ thông, cũng như những bạn cùng trang lứa. song song với việc học tập, ôn luyện để chuẩn bị cho các kì thi sắp tới. Tôi luôn dành thời gian suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề lựa chọn nghề nghiệp. Tôi luôn cân nhắc rất kĩ những câu hỏi đó để đưa ra câu trả lời hợp lí nhất. Và cuối cùng, tôi cũng đã tìm cho mình được ngành nghề phù hợp: ngành sư phạm. Bởi lẽ, xét cho đến cùng, mong muốn của tôi và gia đình, cũng như những cân nhắc về vấn đề kinh tế trong tương lai và năng lực của bản thân tôi đều đồng quy tại ngành nghề đó. Tôi không ngại bước đi trên lối mòn truyền thống ấy, bởi giờ đây và cả sau này nữa, tôi còn mãi tha thiết với nghề cao quý này.

Xưa các cụ nói Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, nghĩa là giỏi một nghề, sướng một đời. Tôi nghĩ, câu nói ấy đến nay vẫn còn lưu truyền giá trị. Cho dù bạn lựa chọn ngành nghề nào cho tương lai, khi đã đạt được mục tiêu rồi, hãy cố gắng để mình luôn đứng vị trí cao nhất trong lao động, công tác. Đó mới là đích đến cuối cùng, đích đến cao nhất của sự lựa chọn hôm nay.

d. Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý để có hướng chỉnh sửa. Ngoài việc soát lỗi chính tả, lỗi diễn đạt (từ ngữ, câu văn, đoạn văn), cần tập trung chú ý các phương diện sau đây:

- Vấn đề đời sống liên quan đến tuổi trẻ được trình bày như thế nào ở phần Mở bài? Người viết đã thể hiện rõ quan điểm của mình về vấn đề chưa?

- Các khía cạnh của vấn đề được triển khai thành các luận điểm ở phần Thân bài đã đầy đủ chưa? Có hiện tượng mất cân đối giữa các luận điểm trong bài không?

- Các thao tác nghị luận được sử dụng và phối hợp với nhau như thế nào?

- Phần Kết bài đã liên hệ với đời sống, nêu được phương hướng hành động sau khi nhận thức được ý nghĩa của vẫn đề chưa?

Lần lượt bám vào các phương diện nêu trên để rà soát. Nếu thấy luận điểm nào còn mờ nhạt, lí lẽ và bằng chứng chưa đầy đủ, các thao tác nghị luận chưa rõ ràng, tương quan giữa các luận điểm thiếu cân đối,... thì phải chỉnh sửa hoặc bổ sung để hoàn thiện bài viết.

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM