1. Định hướng
1.1 Những lưu ý chung về kiểu bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học:
a) Viết bài nghị luận so sánh, đánh giá tác phẩm là trình bày một cách thuyết phục những điểm tương đồng và khác biệt hoặc chỉ tương đồng hay khác biệt về nội dung, hình thức nghệ thuật của hai văn bản, từ đó bình luận, nhận xét giá trị độc đáo của mỗi văn bản, nhận ra đặc điểm thể loại, vai trò của cá tính sáng tạo…
- Trong kiểu bài nghị luận này thao tác so sánh có một vai trò đặc biệt quan trọng. So sánh phải lô gich, mạch lạc, đích đáng từ đó giúp người viết đưa ra những đánh giá thuyết phục và có ý nghĩa.
b) Bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thường được thực hiện giữa các tác phẩm cùng thể loại. Ở mỗi thể loại khác nhau lại có những điểm nhấn khác nhau trong so sánh, đánh giá.
+ Với các văn bản thơ, cần chú ý đến nghệ thuật sử dụng, sáng tạo từ ngữ; các hình ảnh và biểu tượng, cách cấu tử, các dạng thức của cái "tôi" trữ tỉnh...
+ Với các văn bản truyện và tiểu thuyết, cần chú ý đến mô típ, cốt truyện, kiểu loại nhân vật, điểm nhìn trần thuật, kết cấu, cách kết thúc truyện, kĩ thuật miêu tả ngoại hình, chân dung và phân tích tâm lí nhân vật...
+ Với các văn bản kịch, cần chú ý đến mô típ, cốt truyện, hệ thống nhân vật, xung đột kịch, các dạng thức của lời đối thoại, độc thoại...
+ Với các văn bản kỉ, cần chú ý đến đề tài, cách tiếp cận vấn đề, cách khai thác số liệu, tài liệu....
c. Để viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học, các em cần lưu ý:
- Xác định mục đích so sánh.
- Xác định nội dung, tiêu chí so sánh.
- Đảm bảo cấu trúc chung của một bài nghị luận.
- Các bước để viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm như sau:
Bước 1
+ Tìm kiếm đối tượng so sánh (với trường hợp người viết phải tự xác định) theo các định hướng: thể loại, phong cách tác giả, khuynh hướng sáng tác, thời điểm sáng tác.
+ Xác định phạm vi so sánh (giữa hai tác phẩm, hai đoạn trích, hai mô típ,...).
Bước 2
+ Phân tích điểm giống nhau, điểm khác nhau hoặc cả giống nhau và khác nhau giữa hai tác phẩm được so sánh.
+ Chỉ ra ý nghĩa của sự giống nhau và khác nhau, từ đó giúp người đọc nhận thấy tính độc đáo, đặc sắc riêng của từng tác phẩm.
Bước 3
+ Bình luận, lí giải về nguyên nhân dẫn đến sự giống nhau, sự khác biệt giữa hai tác phẩm.
+ Rút ra những nhận thức về đặc điểm thể loại, vai trò của cá tính sáng tạo, quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương.
1.2 So sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện.
a. Đọc và tìm hiểu văn bản và trả lời câu hỏi.
Đề bài: Trong Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh tiếp thu các mô típ dân gian ở nhiều cấp độ; cốt truyện, nhân vật, tình huống…Ở cấp độ nào thì người đọc cũng có thể thấy những cố gắng của nhà văn để khẳng định tiếng nói của riêng mình.
Câu hỏi 1:
Văn bản lựa chọn cấp độ nào để tiến hành so sánh? Việc so sánh dựa trên những tiêu chí nào?Trả lời:
=> Văn bản lựa chọn cấp độ cốt truyện để tiến hành so sánh. Việc so sánh dựa trên những tiêu chí:
+ Nhân vật
+ Tình cảm giữa hai nhân vật chính
+ Trở ngại của tình yêu
+ Kết thúc
Câu hỏi 2: Việc lập bảng có tác dụng gì trong thao tác so sánh? Xác định hai ý chính trong đoạn văn sau bảng? Hai ý có quan hệ thế nào với những tiêu chí lập bảng ở trên?
Trả lời:
- Việc lập bảng giúp cho các nội dung tiêu chí được thể hiện rõ, từ đó sẽ nhận diện và phân biệt được các vấn đề cần làm rõ. Hai ý chính của đoạn văn sau bảng: Vũ Trinh không kể lại chuyện cổ tích; Trương Chi là câu chuyện về một tình yêu không thành nưng lớn hơn là câu chuyện về nỗi cô đơn của con người còn Câu chuyện tình ở Thanh Trì nghiêng về một vấn đề xã hội và hướng đến những ý nghĩa xã hội. Hai ý này có mối quan hệ chặt chẽ với bảng. Nó là phần trình bày cụ thể của các ý trong bảng.
- Những khác biệt nào giữa hai tác phẩm được nêu ra.
Câu chuyện tình ở Thanh Trì | Trương Chi | |
---|---|---|
Nhân vật | Nhân vật nam (Nguyễn Sinh) có ngoại hình khôi ngô, tuấn tú. | Nhân vật nam (Trương Chi) có ngoại hình xấu xí. |
Tình cảm giữa hai nhân vật chính | - Nguyễn Sinh không gặp mặt trực tiếp cô gái. - Nhân vật nữ chủ động đính ước với chàng trai và giữ mối chung tình đến trọn đời. - Tình yêu xuất phát từ hai phía. | - Trương Chi gặp và say mê Mị Nương. - Mị Nương hết tương tư khi nhìn thấy diện mạo xấu xí của Trương Chi. - Tình yêu đơn phương từ Trương Chi. |
Trở ngại của tình yêu | Sự ngăn cản của người cha cô gái. | Sự vô tình của Mị Nương. |
Kết thúc | Cô gái chết với trái tim hoá đá in bóng hình người tình. | Trương Chi chết với trái tim hoá đá và chỉ Mị Nương mới nhìn thấy bóng một chàng trai chèo thuyền đang hát trong khối đá ấy. |
Câu hỏi 3: Những văn bản trên đảm bảo các yêu cầu của một bài so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện không? Vì sao?
Trả lời:
- Văn bản trên đã đảm bảo yêu cầu của bài so sánh vì đã đưa ra được tiêu chí so sánh, kết quả so sánh, phân tích cụ thể và rút ra nhận thức về đặc điểm thể loại.
2. Thực hành
2.1. Thực hành viết theo các bước
Bài tập: So sánh yếu tố kì ảo trong “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của Nguyễn Dữ với yếu tố kì ảo trong truyện cổ tích “Thạch Sanh”.
a. Chuẩn bị
- Đọc kĩ văn bản Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ và truyện
cổ tích Thạch Sanh.
- Thống kê yếu tố kì ảo có trong hai văn bản.
- Tìm kiếm yếu tố kì ảo tương tự nhau trong hai văn bản. – Phân tích những điểm tương đồng và khác biệt.
b. Tìm ý và lập dàn ý
− Tìm ý cho bài viết bằng cách trả lời một số câu hỏi như sau:
+ Đối tượng và phạm vi so sánh là gì?
+ Những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm.
+ Hai tác phẩm khác biệt ở những điểm nào?
+ Có thể rút ra những nhận xét, đánh giá như thế nào?
– Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần
c. Viết
Dựa vào dàn ý đã lập, các em viết bài văn hoặc đoạn văn trong phần thân bài. d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Đọc lại bài văn đã viết, đối chiếu với các yêu cầu đã nêu ở mỗi bước (chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý) để:
+ Kiểm tra về nội dung và hình thức của bài đã viết.
+ Nhận biết các lỗi còn mắc phải và cách chỉnh sửa.
+ Tự đánh giá kết quả viết.
2.2 Rèn luyện kĩ năng viết: Viết đoạn văn so sánh hai tác phẩm truyện
a. Cách thức
- Xem lại mục 1. Định hướng để hiểu rõ thế nào là so sánh hai tác phẩm truyện. Từ đó tập trung vào rèn kĩ năng viết so sánh thông qua thực hành bài tập.
b. Bài tập
Bài tập: Đọc lại đoạn trích so sánh giữa “Câu chuyện tình ở Thanh Trì” và “Trương Chi” và phân tích làm sáng tỏ ba điểm cần lưu ý:
- Xác định rõ cấp độ so sánh: đề tài hay cốt truyện, nhân vật, hình ảnh…
- Các dẫn chứng phục vụ cho việc so sánh phải chính xác và cùng cấp độ.
=> Cấp độ: Cốt truyện.
- Chỉ ra được ý nghĩa tương đồng hoặc khác biệt của hai tác phẩm.
=> Bằng việc khai thác nội dung hiện thực thông qua mô típ Trương Chi, Vũ Trinh quả thực đã đem đến cho câu chuyện cổ tích nổi tiếng một sự tái sinh mới.