Vẻ đẹp tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến

Xuất bản: 19/04/2023 - Tác giả:

Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước qua truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê

Tham khảo mẫu bài văn phân tích vẻ đẹp tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước qua truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê để thấy được vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng của tuổi trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ.

Top 3 bài văn phân tích vẻ đẹp tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến

Vẻ đẹp tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước mẫu số 1

Khi đọc truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê, người đọc sẽ bị cuốn vào hình ảnh ba cô gái thanh niên xung phong (Thao, Nho, Phương Định) và cảm nhận được những suy nghĩ sâu sắc về thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trên tuyến đường Trường Sơn. Thao, Nho, Phương Định và các lính lái xe trong bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của nhà thơ Phạm Tiến Duật đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam thời bấy giờ.

Những cô gái, chàng trai ấy đều đang trong độ tuổi 18 đến 20, sẵn sàng từ bỏ ghế nhà trường để ra chiến trường đáp lại lời kêu gọi của Tổ quốc. Với lí tưởng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cùng khẩu hiệu "Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả vì miền Nam yêu thương", họ đã tự nguyện lên đường tham gia chiến trường. Chúng ta phải ngưỡng mộ và khâm phục lòng yêu nước, gan dạ, dũng cảm của họ, dám đối mặt với mọi khó khăn, gian khổ. Họ đã vượt qua tất cả những khó khăn, bao gồm lái những chiếc xe không kính, không đèn, không mui... hay làm công việc phá bom đầy nguy hiểm, cái chết luôn rình rập.

Những con người này luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc. Chúng ta yêu mến họ bởi trong môi trường chiến tranh khốc liệt, họ vẫn giữ được vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, đáng trân trọng và luôn lạc quan yêu đời. Như Tố Hữu đã viết: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – mà lòng phơi phới dậy tương lai". Chúng ta tự hào và biết ơn họ - những con người đã hy sinh cả thanh xuân và tính mạng để đổi lấy độc lập, tự do cho tổ quốc, đại diện cho tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến thần kì đó. Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết:

“Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước”

(Trích “Đất nước”)

Sự hy sinh của những con người tuyệt vời ấy đã góp phần rất lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giúp chúng ta có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay. Bởi vậy, thế hệ trẻ ngày hôm nay cần phải kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ tiền bối đi trước. Ngay cả trong thời bình, chúng ta vẫn luôn phải nỗ lực học tập, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức để trở thành những công dân có ích cho đất nước. Ngoài ra, cần nêu cao tinh thần cảnh giác đối với các thế lực thù địch âm mưu phá hoại và thôn tính đất nước ta. Chúng ta phải bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc bởi vì trên đó đã chứa đựng bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của những thế hệ đi trước.

Vẻ đẹp tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước mẫu số 2

Có một thời để nhớ, một thời đẹp hơn mọi lời ca, thời điểm cả nước đứng lên để chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Trên con đường Trường Sơn đi hành quân vào chiến trường, hình ảnh các cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đầu lửa đạn đã trở thành chủ đề của nhiều tác phẩm văn học. Những tác phẩm như "Mảnh trăng cuối rừng" của Nguyễn Minh Châu, "Lá đỏ" của Nguyễn Đình Thi, "Khoảng trời hố bom" của Lâm Thị Mỹ Dạ... đã khắc họa nên vẻ đẹp kiêu hùng của thời đại. Nhà văn Lê Minh Khuê đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam tác phẩm truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi", phản ánh thành công khốc liệt của cuộc chiến và đồng thời ánh lên vẻ đẹp tâm hồn của các cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn như những vì sao lung linh ngời sáng.

Khi đọc tác phẩm của Lê Minh Khuê, ta dễ dàng nhận ra cách tác giả phác họa khung cảnh và không khí trên tuyến đường Trường Sơn chỉ bằng vài nét miêu tả hiện thực, tuy ngắn gọn nhưng cũng đủ khái quát tình hình khốc liệt của cuộc chiến tranh. Tác phẩm của Lê Minh Khuê còn thành công ở nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật và ngôn ngữ trần thuật. Bằng cách lựa chọn ngôi thứ nhất, tác giả đã làm cho nhân vật chính của truyện, Phương Định, trở thành người kể chính, tạo nên sự chân thật và gần gũi với độc giả. Lê Minh Khuê đã miêu tả rất cụ thể thế giới nội tâm, những cảm xúc và suy nghĩ của ba cô gái thanh niên xung phong. Mặc dù truyện viết về đề tài chiến tranh, tuy nhiên tác giả chủ yếu tập trung vào thế giới nội tâm của con người, làm hiện lên vẻ đẹp tâm hồn trong hoàn cảnh khốc liệt. Sự thành công của tác phẩm phần lớn là nhờ vào cách lựa chọn ngôi kể phù hợp của tác giả.

Cốt truyện của truyện ngắn "Những ngôi xa xôi" của Lê Minh Khuê khá đơn giản. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện về ba cô thanh niên xung phong Thao, Nho và Phương Định. Ba cô gái đã tập hợp lại để trở thành một tổ trinh sát mặt đường trên cao điểm tại một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Đây là nơi tập trung nhiều bom đạn và sự nguy hiểm ác liệt. Hoàn cảnh sống và chiến đấu của ba cô gái đặc biệt gian khổ nguy hiểm và công việc của họ cũng đầy nguy hiểm hi sinh. Trong ban ngày, họ phải phơi mình ra giữa vùng trọng điểm bị đánh phá bởi máy bay địch. Sau mỗi trận bom, họ phải lao ra trọng điểm, đo ước tính khối lượng đất đá lấp hố bom địch đào xới, đếm bom chưa nổ và phá bom.

Phá bom là một công việc rất mạo hiểm, căng thẳng, cái chết thì luôn rình rập bất cứ lúc nào, nó đòi hỏi ở người làm công việc này sự dũng cảm và bình tĩnh. Tuy nhiên, đối với ba cô gái thanh niên xung phong, công việc này đã trở nên quen thuộc và bình thường: "Có nơi đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay ầm ì xa dần. Thần kinh căng như dây chão, tim đập bất kể nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ… Rồi khi xong việc, quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, thở phào chạy về hang".

Ba cô gái làm trinh sát mặt đường đều có cùng xuất thân là những cô gái Hà thành với cá tính và hoàn cảnh riêng không giống nhau, nhưng ở họ đều có những phẩm chất chung của thanh niên xung phong đó là có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, không sợ hy sinh, tình đồng chí đồng đội yêu thương gắn bó. Họ là mẫu người luôn sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Bên cạnh đó, ở ba cô gái còn có những nét tính cách chung như dễ xúc cảm, mơ mộng, nhiều ước mơ, dễ vui dễ buồn, thích làm đẹp cho cuộc sống dù đang sống giữa chiến trường khắc nghiệt. Trước hết phải kể đến chị Thao, một người rất thích chép lời bài hát, kể cả lời hát bịa của Phương Định. Nho lại là một cô gái thích thêu thùa còn Phương Định thích ngắm mình trong gương hoặc ngồi bó gối mơ màng khi rảnh rỗi. Trong khói lửa chiến tranh, đó chính là những nét đẹp lãng mạn, sức sống dâng tràn mặc mưa bom đạn như Bùi Minh Quốc đã từng viết:

“Trong một góc vườn cháy khét lửa napan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc
Và em gọi đó là hạnh phúc.”

(Bài thơ về hạnh phúc)

Ba cô gái Nho, Thao và Phương Định cùng sống với nhau trong một tập thể và có tình cảm gắn bó, yêu thương nhau hết mực nhưng ở họ vẫn có những đặc điểm riêng biệt. Chị Thao lớn tuổi nhất trong ba chị em nên có thể nói ít nhiều đã từng trải hơn, khá nghiêm túc, suy nghĩ về tương lai thực tế hơn và cũng có những khát khao của tuổi trẻ. Trong chiến đấu, chị là người dũng cảm và bình tĩnh, tuy nhiên lại sợ máu và sợ cả vắt. Về phần Nho, vì là người trẻ tuổi nhất trong số ba người nên tính cách cô còn trẻ con hơn, thích ăn kẹo và được cả tập thể cưng chiều, luôn được giao những công việc nhẹ nhàng hơn so với hai người chị.

Tuy nhiên, điều đó không khiến Nho dựa dẫm, ỷ lại vào chị Thao và Phương Định. Cô vẫn can đảm, mạnh mẽ và hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc. Trong truyện, Phương Định là nhân vật chính và được Lê Minh Khuê tập trung mô tả chi tiết hơn cả. Phương Định vốn là một cô gái Hà Nội tình nguyện tham gia vào chiến trường. Trong quá khứ, thời học sinh vui tươi, hồn nhiên của cô luôn gắn liền bên cạnh mẹ. Trước khi chiến tranh xảy ra, cô có một căn phòng nhỏ ở một con phố yên tĩnh của thủ đô. Ngay giữa chiến trường khốc liệt, những ký ức ấy vẫn sống mãi trong lòng cô. Chúng vừa là niềm khao khát, vừa là dòng suối mát làm dịu tâm hồn cô giữa bối cảnh chiến tranh căng thẳng và khốc liệt.

Miêu tả ngoại hình của nhân vật, Lê Minh Khuê không đi vào chi tiết mà để cho chính nhân vật tự đánh giá: “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”". Đôi mắt của cô đẹp như một ánh sao giữa bầu trời, tạo cảm xúc cho những người lính lái xe trên đường Trường Sơn. Mặc dù vui và tự hào về điều đó nhưng cô vẫn chưa dành tình cảm cho riêng ai cả. Điều đó cũng đủ để chúng ta nhận thấy rằng Phương Định là một cô gái đẹp".

Không chỉ lôi cuốn bởi vẻ đẹp hình thức, Phương Định còn gây ấn tượng với người đọc bởi nét đẹp hồn nhiên, trong trẻo trong tâm hồn. Dù đã ba năm chiến đấu nơi chiến trường với những thử thách nguy hiểm, hàng ngày luôn giáp mặt với cái chết, nhưng ba chị em Phương Định không bao giờ đánh mất đi sự trong sáng, hồn nhiên và những ước mơ về tương lai. Là một người nhạy cảm, mơ mộng và rất thích hát, cô cho biết: “Tôi thích nhiều bài hát. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Tôi thích dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng. Thích Ca-chiu-sa của hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh…”. Đó là dân ca Ý trữ tình giàu có, phải lấy giọng thật trầm. Thích nhiều”.

Phương Định có những cử chỉ ngây thơ như một đứa trẻ và luôn giữ được sự trong sáng của tâm hồn. Khi mưa đá rơi ngoài hang, cô vui thích cuống cuồng như một đứa trẻ, đem cho Nho cục đá rồi lại chạy ra. Sau khi cơn mưa đá đã tan đi, cô lại thẫn thờ nhưng không phải vì tiếc những viên đá mà là vì nhớ đến mẹ, nhớ cái cửa sổ và những ngôi sao lớn trên bầu trời thành phố.

Là một cô gái khá nhạy cảm, nhưng Phương Định luôn giữ kín tình cảm của mình giữa đám đông. Có thể những người xung quanh nghĩ cô kiêu ngạo, nhưng sự thật là cô rất giàu tình cảm. Điều đó thể hiện qua việc cô yêu thương đồng đội trong tổ trinh sát và đơn vị của mình rất nhiều. Có lần Nho bị thương vì bom áp suất, cô đã rất chu đáo trong việc tiêm và chăm sóc cho Nho. Cô còn dành cả tình yêu và sự tôn kính của mình cho tất cả những chiến sĩ mà cô gặp trên con đường trọng điểm vào mặt trận hằng đêm. Cô đã thổ lộ tình cảm từ đáy lòng mình: “Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”.

Cô còn là một người giàu lòng tự trọng, dũng cảm trong chiến đấu, có trách nhiệm cao với công việc và đặc biệt là không ngại gian khổ hy sinh. Những phẩm chất này của cô được thể hiện rõ qua từng cảm giác, ý nghĩa dù chỉ là thoáng qua trong lần phá bom nào đó. Mặc dù cô đã quen với công việc nguy hiểm này và có thể phá đến năm quả bom một ngày, nhưng mỗi lần phá bom vẫn là một thử thách đối với thần kinh và cảm giác của Phương Định. Cô luôn cảm thấy rằng các anh "cao xạ" đang dõi theo từng động tác và cử chỉ của cô. Cô hiểu rằng các anh "không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới".

Lòng tự trọng của Phương Định đã kích thích cô, giúp cô dũng cảm đối mặt với quả bom và quyết tâm không đi khom. Cảm giác của cô trở nên sắc bén hơn khi đứng sát bên quả bom, gần với cái chết im lìm và bất ngờ. Cô cảm thấy những tiếng lưỡi xẻng chạm vào quả bom, khiến cho cơ thể cô run lên. Phương Định cảm thấy sao mình chậm chạp quá và tự thúc giục mình phải cố gắng nhanh hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Có một dấu hiệu không tốt khi mà vỏ quả bom trở nên rất nóng. Sau khi đã đặt mìn cạnh quả bom, cô chạy về nơi ẩn nấp và căng thẳng chờ đợi quả bom nổ. Cô tự hỏi liệu mìn có nổ, quả bom có nổ hay không, và nếu không, cô phải làm thế nào để châm mìn lần thứ hai? Những miêu tả chân thật này làm nổi bật vẻ đẹp nội tâm phong phú, tâm hồn trong sáng, lí tưởng sống đầy cao thượng và tinh thần trách nhiệm của Phương Định.

Tác giả đã mô tả rất tỉ mỉ, cụ thể và tinh tế đến từng cảm giác và ý nghĩ. Mỗi lần phá bom đều như một thử thách đối với thần kinh. Kề bên quả bom, gần sát với cái chết bất ngờ, từng cảm giác của con người trở nên rõ ràng hơn.

“Trường Sơn đông nắng tây mưa
Ai chưa qua đó như chưa hiểu mình.”

(Tố Hữu)

Nét đẹp đặc trưng của những chàng trai và cô gái trên con đường Trường Sơn khốc liệt đó là lãng mạn. Đồng thời, lãng mạn cũng là chủ nghĩa anh hùng ca cách mạng, đỉnh cao của một thời kì văn học. Tiêu biểu có thể kể đến mối tình lãng mạn và lí tưởng giữa cô gái thanh niên xung phong tên Nguyệt và anh bộ đội lái xe tên Lãm trong tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu. Một ví dụ khác là tấm gương hy sinh của những cô gái thanh niên xung phong trong Khoảng trời - hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ.

“Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom.”

Những tấm gương hy sinh của những cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc đã đóng góp cho sự phục hồi của Tổ quốc, như Lê Anh Xuân đã viết: "Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân". Bằng cách miêu tả tâm lý nhân vật đầy sinh động và chân thực, kết hợp với cách lựa chọn ngôi kể và giọng điệu trần thuật phù hợp, câu chuyện có giọng tự nhiên, thoải mái, trẻ trung và mang nét đẹp nữ tính. Lời kể thường sử dụng các câu ngắn, nhịp nhanh để tạo cảm giác khẩn trương trong bối cảnh chiến trường. Trong những đoạn hồi tưởng, nhịp kể chậm lại, gợi nhớ lại những kỉ niệm trong tuổi niên thiếu của một cô học sinh thành phố với tâm hồn hồn nhiên và nhạy cảm.

Truyện viết về chiến tranh không thiếu những chi tiết về bom đạn, chiến tranh và hi sinh, tuy nhiên chủ yếu vẫn tập trung vào thế giới tâm hồn, vẻ đẹp tinh thần của con người trong cuộc chiến. Lê Minh Khuê đã tạo nên hình ảnh tuyệt vời về những cô gái thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn, là biểu tượng của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ cứu nước đầy gian khổ, hy sinh và oai vệ. Tác phẩm của ông đã tinh tế miêu tả nét đẹp tâm hồn, tư tưởng và các phẩm chất cao đẹp của các nữ thanh niên xung phong.

Tham khảo thêm: Các đề văn về Những ngôi sao xa xôi

Vẻ đẹp tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước mẫu số 3

Năm 1971, trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt, Lê Minh Khuê đã viết tác phẩm Những ngôi sao xa xôi, mô tả cuộc sống của ba cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trinh sát và phá bom trên đỉnh Trường Sơn. Truyện tập trung ca ngợi tâm hồn và phẩm chất cao đẹp của người con gái Việt Nam thời chống Mĩ cứu nước: hồn nhiên, trong sáng trong cuộc sống, dũng cảm trong chiến đấu và luôn lạc quan trước tương lai. Bằng câu chuyện của những con người làm việc và hiến dâng cả tuổi xuân, cả máu của mình cho đất nước, tác giả đã thể hiện và ca ngợi vẻ đẹp tinh thần của những người phụ nữ Việt Nam, giúp độc giả nhận ra rằng trong chiến thắng vinh quang của dân tộc trước một cường quốc lớn, có những con người đã góp phần to lớn.

Ba cô gái ở cùng với nhau trong một cái hang dưới chân cao điểm nằm giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung bom đạn và sự nguy hiểm, ác liệt. Hàng ngày, hàng giờ, họ phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ đến mức đường bị đánh “lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn”, như thể sự sống đã bị huỷ diệt. Hai bên đường không còn lá xanh, thân cây thì bị tước khô cháy, rễ nằm lăn lóc, ngổn ngang cùng những hòn đá to... han rỉ trong lòng đất.

Công việc của ba cô gái là trinh sát và phá bom tại cao điểm Trường Sơn lại càng đặc biệt nguy hiểm khi họ phải phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch để thực hiện nhiệm vụ đo và ước tính khối lượng đất đá bị đào xới bởi bom địch, đếm số quả bom chưa nổ và dùng thuốc nổ để phá hủy chúng. Công việc này đầy rẫy nguy hiểm và căng thẳng, đòi hỏi sự dũng cảm và bình tĩnh, mạo hiểm đối mặt với cái chết.

Không khí trong chiến tranh có một âm điệu đặc biệt khác với quá khứ hay tương lai. Ví dụ như sự im lặng chẳng hạn: “Cuộc sống ở đây đã dậy cho chúng tôi thế nào là sự im lặng”. Im lặng có nghĩa là cái chết đang rình rập và có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nhưng đó mới chỉ là hiện thực trong thời gian yên tĩnh, còn khi có bom của địch rơi xuống thì sao?. Khi nghe tiếng bom đầu tiên, ai đó lại bị giật mình tỉnh dậy và nằm dán xuống đất, sau đó họ bị vùi lấp bởi bom. Lúc bò trên cao điểm trở về hang, mọi người đều chỉ thấy ở nhau "hai con mắt lấp lánh", nụ cười với "hàm răng lóa lên" và khuôn mặt lem luốc đầy mồ hôi và bụi bẩn.

Là các cô gái thuộc thế hệ thanh niên xung phong thời kì kháng chiến chống Mĩ, cả Thao, Phương Định và Nho đều có tuổi đời rất trẻ, tâm huyết với lí tưởng, quyết tâm xa gia đình, xa mái trường, tình nguyện cống hiến tuổi thanh xuân của mình vào những nơi đầy những hiểm nguy một cách vô tư, hồn nhiên. Họ là những anh hùng không tự biết, biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn của những cô gái mở đường thời kháng chiến chống Mĩ. Điều này còn xuất hiện trong các tác phẩm khác như "Gửi em, cô thanh niên xung phong" của Phạm Tiến Duật, "Khoảng trời hố bom" của Lâm Thị Mỹ Dạ và truyện ngắn "Mảnh trăng cuối rừng" của Nguyễn Minh Châu.

Trải qua những trận chiến thực tế, cả ba cô gái đều hiện ra là những người có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ, dũng cảm gan dạ không sợ hi sinh và đoàn kết gắn bó một lòng với đồng đội. Dù gặp phải bất kỳ tình huống nguy hiểm nào, bao gồm đối mặt với máy bay và bom đạn của quân thù, khi có lệnh là lên đường, họ sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Nghe Phương Định kể lại một lần phá bom: “tôi một quả bom trên đồi. Nho, hai quả dưới lòng đường. Chị Thao, một quả dưới cái chân hầm ba-ri-e cũ. Cảnh tượng chiến trường trở nên vắng lặng đến phát sợ”. Đến với tọa độ chết, đến với quả bom cần phải phá nổ (mà không biết nó sẽ nổ vào lúc nào, sự cầu viện tâm linh của cô gái (nhân vật tôi) giống như một ảo ảnh: “Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không?” mặc dù “quen rồi”. “Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần” nhưng cái hồi hộp dường như không hề thay đổi. Như cái cảm giác chờ bom phát nổ: tất cả đều đứng im, cả gió, cả nhịp tim trong lồng ngực. Chỉ có chiếc đồng hồ: “Nó chạy, sinh động và nhẹ nhàng đè lên những con số vĩnh cửu…. “. Quả bom có hai vòng tròn màu vàng nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Thần chết đang đợi chờ. Vỏ quả bom nóng. Định dùng lưỡi xẻng đào đất, có lúc lưỡi xẻng chạm vào quả bom.

Có lúc Phương Định “rùng mình” vì cảm thấy tại sao mình lại làm quá chậm thế ! … “Hai mươi phút đã trôi qua. Tiếng còi chị Thao rúc lên, Định cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi vào dây mìn. … tiếng không khí. Đất rơi lộp bộp. Bom nổ váng óc, ngực đau nhói, đôi mắt cay mãi mới mở ra được. Mồ hôi thấm vào môi, cát lạo xạo trong miệng. Nguy hiểm, căng thẳng không thể nào kể xiết… . Chị Thao vấp ngã, Nho bị thương. Bom nổ, hầm sập, chị Thao và Định phải moi đất bế Nho lên. Máu túa ra, ngấm vào đất”… Định rửa vết thương cho Nho, tiêm thuốc, pha sữa cho Nho, chị Thao nghẹn ngào….

Cuộc sống và chiến đấu ở chiến trường thật gian khổ, nguy hiểm và luôn căng thẳng nhưng họ vẫn bình tĩnh, chủ động, luôn lạc quan yêu đời. Phương Định cho biết : “Tôi có nghĩ đến cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể…. “.

Lê Minh Khuê đã sử dụng kỹ thuật tái hiện hiện thực để mô tả cảnh phá bom đầy nguy hiểm trên cao điểm. Tác giả đã dựng nên một hình tượng anh hùng lẫm liệt của tổ trinh sát mặt đường từ những con người bằng xương bằng thịt. Chị Thao, Nho và Phương Định như những ngôi sao xa xôi, sáng ngời giữa những bức tường khói lửa của chiến trường. Những chiến công thầm lặng của họ sẽ luôn được ghi nhớ trong lòng mỗi người dân Việt Nam như những nữ anh hùng của trận Ngã ba Đồng Lộc.

“Đất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm, tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh…”

(Khoảng trời hố bom – Lâm Thị Mỹ Dạ)

Tất cả đều là những cô gái trẻ có cuộc sống nội tâm đầy phong phú và đáng yêu: dễ cảm xúc, dễ vui, dễ buồn, nhiều mơ ước, hay mơ mộng. Sở thích của họ là tô điểm cho cuộc sống của bản thân ngay cả trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt. Nho thích thêu thùa, chị Thao chăm chép bài hát, Phương Định thích ngắm mình trong gương, ngồi bó gối mơ mộng và hát. Cả ba cô gái đều chưa có người yêu, sống hồn nhiên và tươi trẻ nhưng luôn nhớ về Hà Nội bất kỳ lúc nào. Một trận mưa đá bất ngờ lại gợi lên nỗi nhớ: “mà tôi nhó một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố”. Nỗi nhớ ấy là sự nối tiếp quá khứ, hiện tại và khát vọng tương lai.

Như những khoảng sáng trong tâm hồn trong trẻo, ngây thơ, dịu dàng, những kỉ niệm vẫn luôn sống dậy. Những cảm xúc chân thành như nguồn sống, điểm dựa, giúp họ càng trở nên vững vàng và mạnh mẽ hơn, vượt qua những khó khăn khắc nghiệt. "Khoảng trời xanh" trong thơ Phạm Tiến Duật và khoảng trời xanh của ký ức có sức mạnh không thể nhìn thấy được, đặc biệt là trong tâm hồn những người trí thức trên đường đến với trận địa.

Là người lớn tuổi nhất và còn đứng đầu đội, chị Thao có nhiều kinh nghiệm hơn, những ước mơ và kế hoạch tương lai cũng thực tế hơn, tuy nhiên những khát vọng và rung động của tuổi trẻ thì vẫn không thể thiếu. "Áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu", chị cũng thường tỉa lông mày nhỏ như một cây tăm. Nhưng trong công việc, ai cũng kính nể chị vì tính quả cảm và can đảm. Đặc biệt là sự "bình tĩnh đến phát bực": khi máy bay địch tới, chị vẫn "nhai bánh quy trong túi một cách thong thả". Không ai ngờ rằng một người đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống lại sợ máu và chết chóc: "Khi nhìn thấy máu hoặc chất nhầy, chị lại nhắm mắt lại, mặt tái nhợt." Và không ai có thể quên được chị khi hát: nhạc sai bét, giọng hát thì chua, chăm chép bài hát dù không thuộc lời và cũng không hát trôi chảy được bài nào. Chị có ba quyển sổ dày ghi chép bài hát và thường ngồi chép trong những lúc rảnh rỗi.

Về Nho, là một cô gái trẻ xinh đẹp, được Phương Định ví như "một que kem trắng mát mẻ nhẹ nhàng", "cái cổ tròn và những chiếc cúc áo nhỏ nhắn" đáng yêu làm người ta muốn "bế cô lên tay". Nho thích tắm suối đến mức bất chấp ngay cả khi suối đó chứa bom nổ chậm. Tính cách của Nho vẫn hồn nhiên như trẻ con: "vừa tắm ở dưới suối lên, cứ quần áo ướt, Nho ngồi, đòi ăn kẹo". Mặc dù hồn nhiên là vậy, nhưng khi bị thương thì rất bình thản: "Không chết đâu. Đơn vị đang làm đường kia mà. Việc gì phải khiến cho nhiều người lo lắng". Ngay cả khi đau đớn, Nho vẫn nhổm dậy, môi hé mở xòe tay xin mấy viên đá mưa: "Nào, mày cho tao mấy viên nữa". Đặc biệt, khi máy bay địch đến, cô hành động dũng cảm, cuộn tròn cái gối, cất nhanh vào túi, đội mũ sắt lên đầu và quay lưng lại chúng tôi. Và trong một lần phá bom, hầm không may bị đánh sập, đất phủ kín lên người. Có lẽ với những người con gái như Nho, sự sống luôn quan trọng hơn cái chết.

Đối với nhiều bạn đọc, cô gái để lại ấn tượng sâu sắc, khó quên nhất chắc hẳn là Phương Định. Cô là một học sinh Hà thành xinh đẹp, dũng cảm trong những trận đánh và đặc biệt rất giàu tình cảm với đồng đội. Ngoài ra, cô cũng là một người nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng, luôn sống với những kỉ niệm đẹp của tuổi trẻ về gia đình và thành phố của mình. Trong đoạn kết của câu chuyện, sau khi trận mưa đá kết thúc, một dòng ký ức về gia đình và thành phố trào lên trong tâm trí cô gái như một con sóng dữ. Điều đó thể hiện nét đặc trưng của các cô gái trẻ Hà Nội trên chiến trường, mặc dù gian khổ nhưng vẫn giữ được phong cách riêng của người Hà Nội, rất trữ tình và đáng yêu.

Dù chiến tranh đã qua đi sau hơn ba mươi năm, nhưng khi đọc truyện "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê, con tim ta như được tái sinh cùng với những kỷ niệm hào hùng của đất nước. Tác giả đã tái hiện lại những hình ảnh đẹp đẽ và những chiến công phi thường của các chiến sĩ trinh sát mặt đường, của Phương Định, của Nho, của Thao, cùng hàng ngàn cô thanh niên tình nguyện xung phong tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ. Các chiến công vĩ đại của họ là một bài ca bất diệt mãi mãi.

   Hy vọng rằng tài liệu tổng hợp những mẫu bài phân tích vẻ đẹp tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước trên đây sẽ giúp các em hoàn thành bài làm của mình một cách thuận lợi. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu lớp 9 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM