Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng

Xuất bản: 16/02/2023 - Tác giả:

Hướng dẫn làm bài văn cảm nhận vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng (Ta-go) kèm theo một số bài văn mẫu tham khảo

Cùng Đọc Tài Liệu tham khảo những gợi ý cơ bản cho bài văn cảm nhận vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng, hy vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình viết bài văn cảm nhận tác phẩm cũng như ôn luyện kĩ năng làm văn.

Dàn ý vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng

1. Mở bài

-  Giới thiệu sơ lược về nhà thơ Ta-go: Một nhà thơ Ấn Độ tài năng với tấm lòng yêu thương đối với trẻ thơ.

- Giới thiệu về tác phẩm: Mây và sóng là một bài thơ ông viết với tấm lòng yêu trẻ thơ của mình, đồng thời gửi gắm vào đó những triết lí sâu sắc về tình mẫu tử.

2. Thân bài: Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng

a) Lời mời gọi của những người trên mây và sóng

- Lời mời gọi của mây và sóng:

+ Những người trên mây: “Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”.

+ Những người trên sóng: “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao?”

=> Thế giới mà mây và sóng vẽ ra là thế giới diệu kì, bí ẩn, hấp dẫn, đặc biệt là đối với trẻ thơ.

- Cách đến với mây và sóng:

+ Đến với mây: đến nơi tận cùng trái đất và đưa tay lên trời.

+ Đến với sóng: đến rìa biển cả và nhắm nghiền mắt lại.

- Nhận xét:

+ Lời mời gọi của mây và sóng rất hấp dẫn, thú vị, khơi gợi trí tò mò.

+ Cách đến với mây và sóng rất thú vị và dễ thực hiện.

- Nghệ thuật: nhân hóa, sử dụng hình ảnh ẩn dụ đầy sức gợi.

=> “mây” và “sóng” là biểu tượng cho thế giới thần tiên kì ảo mà em bé tưởng tượng ra, nhưng “mây” và “sóng” cũng là những thú vui, những cám dỗ trong cuộc sống thường ngày mà con người rất dễ bị thu hút.

b) Phản ứng của em bé trước lời mời gọi

- Ban đầu, em bé bị hấp dẫn bởi những lời mời:

+ Với mây, em bé hỏi lại: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”

+ Với sóng, em bé cũng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình ra đó được?

=> Những lời mời vô cùng thú vị, dễ hấp dẫn, đặc biệt là đối với trẻ con.

- Sau đó, em bé đã từ chối lời mời: “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được”. -> Lời từ chối dễ thương nhưng đầy cảm động.

=> Em bé từ chối lời mời vì nghĩ tới mẹ em đang đợi và luôn mong muốn em ở nhà. Mẹ chính là lí do khiến em bé từ chối những lời mời hấp dẫn đó.

- Nghệ thuật: đối thoại.

=> Dù luyến tiệc cuộc vui, nhưng sự từ chối lời mời gọi đã thể hiện tình yêu thương mẹ thiết tha của em bé, lúc nào em cũng nghĩ đến mẹ, luôn mong muốn ở bên mẹ. Mẹ với tình yêu thương đã trở thành sức mạnh, nguồn động lực cho em bé vượt qua những cám dỗ.

c) Trò chơi của em bé và mẹ

- Trò chơi của em bé và mẹ:

+ Sau khi từ chối mây: “Con là mây và mẹ là trăng. Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm”.

+ Sau khi từ chối sóng: “Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ".

- Đối với em bé: đó là trò chơi thú vị hơn, hay hơn vì những trò chơi ấy bắt nguồn từ tình yêu thương mẹ.

=> Hình ảnh thiên nhiên “mây”, “sóng” ở đây tượng trưng cho con thích vui chơi, hình ảnh “trăng”, “bến bờ kì lạ” tượng trưng cho sự dịu dàng dàng và tấm lòng bao la, tình yêu thương con không bờ bến

=> Lòng yêu thương mẹ bộc lộ rõ nét hơn nữa.

- Hai câu thơ cuối là lời khẳng định tình mẫu tử thiêng liêng và bất diệt, đó là tình cảm lớn lao được nâng tầm vũ trụ.

- Nghệ thuật: Sử dụng hình ảnh biểu tượng, điệp ngữ, câu thơ giàu hình ảnh... (đặc trưng nghệ thuật tiêu biểu cho thơ Ta-go).

=> Hình tượng em bé hiện lên vừa có những nét ngây thơ đáng yêu, đồng thời thể hiện thông minh, trí tưởng tượng phong phú và tình yêu thương mẹ thiết tha, từ đó thể hiện tinh thần nhân văn của Ta-go đó là ngợi ca vẻ đẹp tình mẫu tử.

d) Triết lí qua bài thơ

- Con người không tránh khỏi những sự thu hút, cám dỗ từ đời sống, nếu như không có điểm tựa vững chắc, con người rất dễ vướng vào những cám dỗ đó. Tình mẫu tử chính là một điểm tựa vững chắc trong đời người.

- Hạnh phúc, đó không phải là những thứ quá xa vời, cũng không phải tự nhiên mà có, hạnh phúc luôn nằm ngay gần chúng ta, trong những điều giản dị hàng ngày, do chính chúng ta tạo ra.

3. Kết bài

- Nêu cảm nghĩ của em về vẻ đẹp mộng mơ của bài Mây và sóng

- Khái quát ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng: Qua bài thơ ta có thể nhận ra được tình mẫu tử thiêng liêng của mẹ con cậu bé khi không đồng ý lời mời gọi mà từ chối một cách dễ thương để ở lại bên cạnh mẹ mình của đứa bé.

Top 3 bài văn hay cảm nhận vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng

Dưới đây là một số bài văn cảm nhận về vẻ đẹp mộng mơ, ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng do Đọc Tài Liệu tổng hợp được hi vọng sẽ giúp các em có thêm vốn từ ngữ và rút kinh nghiệm về cách trình bày cho bài văn của mình.

Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng bài số 1

Tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. Chế Lan Viên đã từng dùng hình ảnh cánh cò trắng bên nôi để khái quát nên quy luật muôn đời của lòng mẹ:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”

Không giống với cánh cò trong lời ru của mẹ, những hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng trong bài Mây và sóng của Ta-go lại ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng một cách rất khác, từ lời kể của đứa bé. Người đọc ấn tượng sâu sắc bởi vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc mà Ta-go gửi gắm trong bài thơ ấy.

Ta-go là một người nghệ sĩ đa tài. Ông đã để lại một gia tài văn hóa nghệ thuật đồ, có giá trị đến tận bây giờ cho nền nghệ thuật thế giới. Ta-go là nhà thơ hiện đại lớn nhất của Ấn Độ và là nhà thơ đầu tiên của Châu Á đoạt giải Nô-ben văn học với tập Thơ Dâng. Hầu hết các tác phẩm đều được chính ông dịch sang tiếng Anh. Thơ của ông thể hiện tinh thần dân tộc và dân chủ sâu sắc, tinh thần nhân văn cao cả và tính chất trữ tình, triết lí nồng đượm. Thơ ông sử dụng rất thành công những hình ảnh thiên nhiên mang ý nghĩa tượng trưng, những hình thức liên tưởng so sánh và thủ pháp trùng điệp. Điều ấy được thể hiện rõ nét qua bài thơ Mây và sóng của ông.

Bài thơ mở đầu với một tiếng gọi “Mẹ ơi” của em bé và sau đó là lời kể lại cuộc đối thoại giữa em và những người sống trên mây và sóng. Em bé được mây và sóng rủ rê, mời gọi bằng những đề nghị vô cùng hấp dẫn “Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc” và “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nào”. Tác giả đã thật tinh tế khi mở ra một thế giới mới lạ, hoàn toàn khác so với thế giới thực tại trong mắt của đứa trẻ. Mây và sóng, những cuộc dạo chơi đến “tận cùng trái đất”, đến “rìa biển cả” - những nơi xa xôi và cũng chính vì thế mới gợi lên sự tò mò của em bé. Ta-go còn thấu hiểu tâm lí của một đứa trẻ, khi để cho em bé lưỡng lữ, phân vân trước lời đề nghị đầy hấp dẫn của mây và sóng. Nếu thiếu đi chi tiết này, cuộc đối thoại của em bé sẽ không thực, vì trẻ em ai lại không ham chơi, không muốn khám phá thế giới mới lạ? Thế nhưng điều đã níu chân em, để em quyết tâm từ chối lời mời hấp dẫn ấy là tình mẫu tử. Vì “Mẹ mình đang đợi ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đến được?” và “Buổi chiều mẹ mình luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Với em, mẹ còn quan trọng hơn cả những cuộc dạo chơi, khám phá kia. Bởi em đã tự sáng tạo ra được trò chơi của chính mình, có em và có mẹ. Em sẽ là mây, mẹ là trăng, mái nhà là bầu trời xanh thẳm. Em là sóng còn mẹ sẽ là bến bờ kì lạ, “con lăn lăn lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ”. Tác giả đã dựng nên một bức tranh thật đẹp với những hình ảnh đầy thơ mộng, là sóng là mây, là trăng, là gió, là bến bờ kì lạ. Những sự vật ấy khiến cho không gian như được mở ra mênh mông, cũng giống như trí tưởng tượng bao la của những đứa trẻ.

Không chỉ dựng nên một bức tranh mộng mơ, bài thơ còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ta-go đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ giàu tính biểu tượng để gợi về tình mẫu tử. Mây, sóng, trăng, bến bờ kì lạ là những sự vật thiên nhiên mang tính vĩnh hằng. Điều ấy cũng có nghĩa, ông đã nâng giá trị của tình mẫu tử lên ngang với tầm vóc của vũ trụ, biến nó trở thành tình cảm thiêng liêng, bất diệt. Hơn thế nữa, trong trò chơi của đứa trẻ, con sẽ là mây, mẹ sẽ là trăng, mái nhà sẽ là bầu trời xanh thẳm; con là sóng, mẹ sẽ là bến bờ kì lạ với hành động “hai bàn tay con ôm lấy mẹ”, “con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ” đã gợi cho ta niềm hân hoan, vui sướng của đứa trẻ khi được ở cùng mẹ. Hạnh phúc giản đơn của chúng chỉ là được mẹ nâng niu, ôm ấp trong sự bao dung như cái bến bờ kì lạ mà con sóng lăn vào. Câu thơ cuối đã mang tới cho người đọc nhiều suy ngẫm “Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào”. Câu thơ vang lên như một lời khẳng định mẹ con ta ở khắp mọi nơi, không ai có thể chia lìa, cũng có nghĩa tình mẫu tử thiêng liêng luôn tồn tại ở khắp mọi nơi trên thế gian này.

Với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé, qua những hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng, bài thơ Mây và sóng của Ta-go đã ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng bài số 2

Ta-go là nhà thơ nổi tiếng Ấn Độ Ông là người châu Á đầu tiên được giải nô ben văn học. Gia tài ông để lại vô cùng đồ sộ và phong phú. Trong đó bài thơ mây và sóng được xem là một kiệt tác được in bằng tiếng anh trong tập in măng non.

Bài thơ gồm có 2 phần đó là rủ rê em bé sống trên mây và rủ rê em bé sống trên sóng. Qua đó thể hiện được vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ. Đây là bài thơ trữ tình nó như một khúc hát đồng dao và qua đây ta bắt gặp câu chuyện kể của em bé đối với mẹ về người trên mây và người trên sóng đã mời mọc rủ rê em bé đi chơi.

Trước hết là lời của người trên mây: "Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng bọn tớ chơi với vầng trăng bạc"

Tác giả hình dung ra em bé ngước mặt lên bầu trời cao và em bé lắng nghe lời nói trên chín tầng mây cao vời vợi ấy. Mây đã được nhân hóa ta tưởng tượng ra lời nói rủ rê mời mọc rất thân tình. Và mây đã trở thành đối tượng giao tiếp lúc này. Lời rủ của mây hết sức là hấp dẫn "được chơi từ sáng sớm cho đến chiều tà". Lời rủ quá lôi cuốn khiến cho cậu bé phải hỏi lại: Nhưng làm thế nào mình lên đó đươc! Người sống trên mây đã bày vẽ em bé hãy đi đến tận cùng của thế giới. Đưa tay lên trời cậu sẽ được nhấc bổng lên chín tầng mây. Chúng ta gặp cả một bức tranh thiên nhiên đẹp nào là bình minh vầng trăng bạc, là nơi tận cùng trái đất. Đưa tay lên sẽ có người nhấc bổng lên chín tầng mây. Qua bức tranh này chúng ta cảm nhận được cả một không gian bao la của trời cao đối với trẻ thơ. Không gian ấy là thế giới thần tiên thường chỉ gặp trong truyện cổ tích hay nó chỉ ở trong mơ của trẻ thơ.

Lời rủ đầy hấp dẫn của mây có phải chăng là ước muốn của trẻ em được đi đến tận cùng trái đất được bay bổng lên trời được khám phá thiên nhiên đầy bí ẩn. Qua những vần thơ ta thấy Ta-go phải là nhà thơ rất yêu thiên nhiên rất yêu trẻ em và có tâm hồn rất trẻ thì mới thể hiện được những ước mơ diệu kì đến như vậy. Thơ Ta-go là bài ca về tình nhân ái thể hiện khát vọng hạnh phúc tự do. Không chỉ có vậy em bé không chỉ có ước mơ được bay lên tận cùng trái đất mà muốn chu du khắp đại dương. Lời rủ của người sống trên sóng còn hấp dẫn hơn: Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nào. "Ta hình dung em bé đang đứng trước bờ biển đại dương với em bé là vô cùng bao la vô tận.

Cho nên em bé đã hỏi làm thế nào mình ra ngoài ấy được. Đại dương đã trả lời "hãy đến rìa biển cả con sẽ được sóng nâng đi. Chúng ta lại thấy cả một thế giới cổ tích đầy hấp dẫn. Đứng ngoài biển nhắm mắt lại thì sóng sẽ nâng đi Ta-go dẫn chúng ta bước vào thế giới cổ tích thế giới của thiên nhiên đầy kì lạ. Và ta thấy được sự giao cảm của tâm hồn trẻ thơ với bức tranh thiên nhiên. Không chỉ cả trời rộn rã còn có đại dương mênh mông, tất cả đều hấp dẫn và ta tưởng tượng rằng em bé sẽ quên tất cả sau lưng mình và đi theo người sống trên mây, người sống trên sóng. Thế nhưng làm sao có thể rời mẹ mà đi được.

Mẹ đã níu chân em ở lại bằng "buổi chiều mẹ luôn một mình ở nhà làm sao rời mẹ mà đi được". Thế giới thiên nhiên bí ẩn hấp dẫn thật đấy! nhưng còn một thứ hấp dẫn hơn nữa là mẹ. Chúng ta thấy thế giới thiên nhiên đầy hấp dẫn nhưng vẫn không bằng thế giới tình mẹ con. Để từ đó trong bài thơ Mây và sóng, Ta-go dẫn chúng ta đến giấc mơ tuyệt vời của tuổi thơ đó là sự sáng tạo trong trò chơi của em bé. Trước hết con là mây và mẹ sẽ là trăng. Con là sóng mẹ sẽ là bến bờ kì lạ. Cái độc đáo trong trò chơi này là có mây là có trăng. Trăng và mây chung một bầu trời. Mây và trăng luôn kề cận bên nhau. Có sóng là có bờ sóng vỗ về vào bờ như mẹ vỗ về con vào lòng mẹ. Em bé gọi đây là trò chơi nhưng thật ra không phải là trò chơi đây chính là tình cảm của con đối với mẹ, ước mơ được ôm ấp trong lòng mẹ và mẹ không bao giờ rời xa.

Cả bài thơ cho ta thấy sự giao cảm thần tiên của em bé với thiên nhiên tuyệt đẹp. Cả bài thơ ta thấy được bức tranh về thiên nhiên. Cả bài thơ ta thấy được sự sáng tạo của em bé trong trò chơi để vừa được chơi vừa được gần mẹ. Từ vẻ đẹp mộng mơ ấy bài thơ đã có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Trước hết là tác giả đã ca ngợi tình mẹ bao la vĩ đại. Nét độc đáo thứ hai là Ta-go đã dẫn ta đến thế giới thần tiên với những ước mơ bay bổng kì diệu với tuổi thơ.

Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng bài số 3

Văn học muôn đời vẫn đầy ắp tình yêu thương. Nhiệm vụ của nó là thể hiện và ngợi ca những tình cảm đẹp đẽ trong cuộc sống con người. Chính vì vậy mà tình mẫu tử được đưa vào thơ ca và trở thành một chủ đề không bao giờ vơi cạn. “Mây và sóng” là một trong những bài thơ đó. Với thi pháp độc đáo, thi phẩm đã ca ngợi tình cảm của đứa con dành cho mẹ. Sức gợi cảm của bài thơ không chỉ là nghệ thuật đặc sắc mà còn là chiều sâu ý nghĩa của một vẻ đẹp chan chứa tình cảm thiêng liêng của con người.

Bài thơ là lời kể của em bé, được chia thành hai phần có nhịp điệu giống nhau nhưng các từ ngữ, hình ảnh có sự khác biệt mới mẻ và mức độ tình cảm của em bé dành cho mẹ phát triển ngày càng sâu sắc, mạnh mẽ hơn. Chính điều này làm nên sự hấp dẫn cho bài thơ.

Phần thứ nhất của bài thơ, em bé kể việc mình được rủ đi chơi và em đã từ chối; phần thứ hai là sự sáng tạo ra trò chơi của em bé. Tinh yêu quý cha mẹ là điều không mới mẻ nhưng ở đây, tình cảm đó bộc lộ một cách không giống lẽ thường mà nó vượt qua mọi thử thách, vượt qua mọi cám dỗ ở đời. Hai phần của bài thơ đứng cạnh nhau, giúp chúng ta hiểu rõ về tình mẫu tử sâu sắc và trọn vẹn của em bé đã dành cho mẹ.

Những trò chơi trên mây, dưới sóng được mời chào rất lí thú và hấp dẫn trên nền của bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng đã gợi nên trong lòng con người sự ham mê khó có thể cưỡng lại được… Chúng ta tưởng như những trò chơi đó chỉ có thể có ở những xứ sở thần tiên hay ở cõi thiên đường huyền bí:

“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà.

Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc.”

Trẻ em ai chẳng thích đi chơi, nhất là khi trò chơi lại thú vị và lôi cuốn như thê. Vậy mà những lạc thú vui chơi nào đã dừng lại ! Càng về sau chúng càng rủ rê, chèo kéo tha thiết hơn, sôi nổi hơn, hết lần này đến lần khác, mỗi lần một lí thú hơn, hấp dẫn hơn :

Dư âm của tiếng cười như những giọt pha lê ngân mãi trong lòng chúng ta bởi niềm vui bất tận của tình mẫu tử thiêng liêng và kì diệu. Niềm vui đó như được ủ kín, như của chỉ riêng hai mẹ con mà người ngoài không ai tìm được:

“Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào.”

Tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý đã hoà vào vũ trụ và cuộc sống xung quanh. Nó hiện hữu ở mọi nơi trên thế gian để khẳng định tình yêu thương có sức mạnh biến đổi khôn lường.

Qua câu chuyện thần tiên giản dị đó, bài thơ còn gửi gắm nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nó không chỉ là lời ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng mà còn gửi gắm nhiều suy ngẫm về cuộc sống. Cũng như những trò chơi trên mây dưới sóng, cuộc sống có rất nhiều cám dỗ mà mỗi con người rất khó vượt qua. Nhưng người ta hoàn toàn có thể vượt qua những thử thách ấy bằng sức mạnh của những tình cảm tốt đẹp trong cuộc đời. Tình mẹ con là một trong những chỗ dựa ấm áp nhất, vững chắc nhất của con người. Nó là ngọn lửa khơi nguồn sáng tạo, nó làm thăng hoa vẻ đẹp tinh thần muôn đời bất diệt của nhân loại. Cũng như em bé đã hướng lòng mình vào sự vĩnh cửu của tình mẫu tử, chúng ta luôn tin tưởng vào sức trường tổn của tình cảm con người. Nhờ đó con người có đủ dũng cảm để đối mặt với mọi cám dỗ, mọi thử thách trong cuộc sống bộn bề gian khó hôm nay.

Ta-go đã lựa chọn được một đề tài rất độc đáo cho thị phẩm của mình: tình yêu thương đầy hi sinh và sáng tạo của đứa con đối với mẹ – điều mà từ trước đến nay rất ít người đề cập. Và ông đã thành công trong việc miêu tả, ngợi ca bằng hình thức đối thoại trong lời kể của em bé, lồng vào bức tranh thiên nhiên thơ mộng đầy sức sống. Bài thơ đá thành công khi thể hiện những suy ngẫm sâu sắc, tâm hồn và trái tim mơ mộng của con người.

-/-

Vừa rồi là nội dung chi tiết một số mẫu bài văn cảm nhận vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng - Văn mẫu lớp 7 do Doctailieu tổng hợp và biên soạn chi tiết hi vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để có một bài văn cảm nhận hay và sâu sắc. Chúc các em học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM