Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất ?

Xuất bản: 20/08/2018 - Cập nhật: 26/09/2019 - Tác giả:

Sưu tầm tuyển chọn những bài văn nghị luận nêu suy nghĩ về vấn đề: Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay.

Bài nghị luận Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất gồm tuyển chọn những bài văn hay nêu suy nghĩ về vấn đề "Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất" của tuổi trẻ ngày nay.

Đề bài:

Nêu suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề: “Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay".

Văn mẫu nghị luận Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất ?

Bài số 1:

Học đại học là con đường ngắn nhất để trở thành kỹ sư, bác sĩ hay cử nhân. Mới chỉ cần nghe danh đã thấy oai, rồi đó là chưa kể đến khi có tấm bằng đại học trong tay thì dù sớm hay muộn họ cũng sẽ kiếm được một công việc ổn định để tạo dựng cho mình cuộc sống ổn định. Thế nhưng con đường đó có trải đầy nhung lụa không thì chỉ những người đã và đang trải qua mới có thể hiểu được. Nhưng để trả lời câu hỏi "Đại học có phải là con đường duy nhất?” thì tôi xin trả lời rằng ”Đại học không phải là con đường duy nhất”, đó chỉ là một con đường có thể nói là đó là con đường khá đơn giản và tối ưu.

“Đại học không phải là con đường duy nhất”. Nhưng bước vào đại học sẽ cho ta một chân trời để học hỏi tri thức mới. Đại học sẽ mở ra cho chúng ta một chân trời bao la của sự học, học nữa, học mãi. Ở Đại học, nơi tập trung những giảng viên, giáo sư giỏi, những nhân tài gọi là “nguyên khí của quốc gia”. Những người thầy, những trí thức ưu việt đó sẽ là những người hướng đạo tốt nhất, có ý nghĩa như những chiếc chìa khóa thần diệu giúp tuổi trẻ mở thẳng vào cánh cửa lâu đài khoa học kĩ thuật và trí tuệ. Dân tộc ta là một dân tộc có truyền thống hiếu học, giàu khát vọng trí tuệ. Cần phải coi việc vào Đại học là một con đường tiến thân đẹp đẽ, sang trọng, xứng đáng là một giấc mơ tốt đẹp của biết bao học trò. Phải dồn mọi tâm huyết thời gian, sức lực để có thể đạt kết quả tốt trong kì thi đại học này

Thật ra, có rất nhiều người thành công không từ con đường đại học. Đại học, chỉ là một bước đệm cho ta đi lên trên nấc thang thành công trong cuộc sống. Nhưng vì lối quan niệm như thế, rất nhiều bạn trẻ đã làm đủ mọi cách, học đủ mọi nơi để tìm cách có chân trong giảng đường đại học. Dạo một vòng mạng xã hội trong những mùa ôn thi, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những câu than thở đầy tuyệt vọng: “Bài vở nhiều quá, phải cố lên, cố lên..” hay “Làm sao để vào được đại học..?”. Với những bạn có học lực khá giỏi, có lẽ việc đậu vào một trường đại học không có gì khó, nhưng đối với những học sinh trung bình, thì đó quả thật là một vấn đề nan giải. Tuy nhiên, dù biết rằng mình không hề có đủ khả năng để thi vào đại học, nhưng các bạn ấy vẫn cứ nhắm mắt đưa chân chọn con đường này. Bởi vì, những bạn ấy không đủ can đảm bước đi một con đường khác, đại học vốn dĩ là con đường hầu hết các bạn lựa chọn sau khi tốt nghiệp cấp 3.

Quả thật vậy, vì xã hội quan niệm “đại học là hàng đầu” nên rất nhiều bạn trẻ có cái nhìn khinh thường đối với những văn bằng thấp hơn đại học như trung cấp, cao đẳng, học nghề. Nhưng liệu các bạn có biết, cái giá trị của thành công là những gì ta đạt được, chứ không phải là từ những ta học được. Dù bạn học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hay thậm chí là chẳng học gì sau 12 năm phổ thông đi chăng nữa, thì chỉ cần bạn có tinh thần học hỏi, có ý chí cầu tiến và có quyết tâm làm đến cùng, thì bạn sẽ thành công.

Vào đại học hoàn toàn không phải là con đường duy nhất. Trên thế giới đã chứng kiến nhiều người thành công mà không sở hữu tấm bằng đại học nào cả. Các em vẫn hoàn toàn có thể thành công bằng việc đi theo những con đường khác nhau, miễn là các em có đam mê, có sự cố gắng và nỗ lực hết mình. Có rất nhiều người nổi tiếng trên thế giới không cần học đại học mà vẫn có được những thành công đáng ngưỡng mộ, tiêu biểu như Bill Gates. Hay những nhà bác học nhà phát minh như Edixon, Anstain. Con đường vào đời, vào chân trời hạnh phúc ngày nay của tuổi trẻ cũng đã mở ra rất nhiều cánh cửa. Có thể cánh cửa đại học không mở rộng với bạn nhưng những cánh cửa khác không khép lại với bạn.

Qua mỗi mùa thi, có rất nhiều bạn thất vọng vì không thể bước vào đại học, thậm chí nhiều bạn có suy nghĩ tiêu cực dẫn đến những việc làm phá hỏng cả tương lai của mình. Bạn xem đại học là con đường lớn lao mà không bước vào nó thì sẽ cảm thấy xấu hổ và tồi tệ, cảm thấy thua kém bạn bè. Ngày nay, có một thực trạng là, có nhiều người học đại học xong nhưng tấm bằng thì cất vào tủ rồi đi làm công việc gì đó để kiếm sống. Nếu không có lựa chọn thông minh thì chính con đường đại học sẽ hủy hoại cả tương lai của bạn. Vì thế, việc vào đại học hay không cũng không còn quan trọng như trước nữa. Nhiều bạn học cấp ba xong lại lựa chọn đi học nghề, hay đi xuất khẩu lao động.

Nếu hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, trình độ học lực hiện tại còn có hạn thì hãy tạm gác giấc mơ xa vào Đại học, mà hãy thực hiện giấc mơ gần hơn, thực tế hơn. Hãy làm những công việc phù hợp với khả năng, có ích cho gia đình, xã hội. Hãy xem cuộc đời là một trường Đại học, cuộc sống chính là nhà trường mà ở đó mỗi người có thể học hỏi được rất nhiều điều mới lạ. Đại học không phải là con đường duy nhất. Nhưng có một điểm quan trọng là, dù có học đại học hay không thì con đường để thành công không thể nào không học tập.

» Tham khảo dàn ý Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất

Bài số 2:

Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng, chính vì thế chỉ cần chúng ta chăm chỉ trên con đường học vấn cũng như công việc của mình ắt hẳn chúng ta sẽ thành công. Chính vì thế có lẽ đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp của thanh niên.

Đại học là một cánh cửa mới mở ra cho rất nhiều người, nhưng không phải ai cũng lựa chọn cho mình cách vào đại học mới có thể thành công, bởi như Giáo sư Ngô Bảo Châu đã từng nói: “Học đại học phải trả giá bằng thời gian và sức lực”. Chính vì thế không chỉ riêng đại học mới giúp chúng ta thành công, có rất nhiều cách giúp chúng ta thành công mà không cần phải học đại học.

Đại học giúp cho chúng ta học hỏi và mở rộng được nhiều kiến thức mà người thầy vẫn là người định hướng và giáo dục cho chúng ta, học đại học cũng có rất nhiều ưu thế vì chúng ta có thể học được nhiều kiến thức hay bởi các chuyên ngành mà chúng ta đã lựa chọn. Tuy nhiên vào đại học và học một ngành nghề nào đó cuối cùng cũng chỉ để học nghề và ra để làm một công việc. Chính vì thế có rất nhiều người đã đi theo con đường khác, không phải theo con đường học đại học.

Lập nghiệp đó là việc lựa chọn cho mình một hướng đi, hướng đi đó giúp chúng ta định hướng được các công việc trong tương lai, chính vì thế việc lựa chọn cho mình một công việc và làm theo đó là việc làm rất cần thiết, nó giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc sống, một điều mà chúng ta thấy được đó là việc tự học và tự khởi nghiệp là điều mang lại cho chúng ta nhiều điều có ý nghĩa hơn.

Tự chủ trong các công việc của mình, mỗi cá nhân đều phải cố gắng, bởi thanh niên cần phải tích cực, chủ động và học tập thật tốt để xứng đáng với những danh hiệu mà đảng và nhà nước đã trao tặng. Thế hệ thanh niên là một tầng lớp thuộc mầm non của đất nước, chính vì thế việc học tập, tu dưỡng và rèn luyện bản thân đó là việc làm rất cần thiết và mang lại nhiều bài học quý giá cho con người.

Đại học là một con đường để mỗi chúng ta lập nghiệp, tuy nhiên nó không phải là một con đường duy nhất bởi chúng ta cần phải xác định được hướng mà chúng ta sẽ đi, việc mà chúng ta đang định làm, có như vậy chúng ta mới cảm thấy rằng cuộc đời của mình thật sự có ý nghĩa rất lớn trong việc lựa chọn một hướng đi cho phù hợp. Mỗi chúng ta đều có thể thấy được tất cả những điều đó qua những cách riêng, nó thể hiện những điều riêng tư nhất mà chúng ta đang có, mỗi người đều có những cách lựa chọn riêng, không ai là giống ai cả, chính vì vậy việc xác định vào đại học cũng là một con đường đi tốt. Ở đó chúng ta sẽ được mọi người định hướng, học tập tốt hơn.

Nhưng cũng có thể lựa chọn cho mình một hướng đi riêng, nó thể hiện một cái nhìn mới mẻ và đầy táo bạo, cách thể hiện hợp tình, hợp lý, chọn lựa kĩ càng và ngày càng thể hiện một hướng đi phù hợp với con người và khả năng của chính mình. Đại học là cách lựa chọn của rất nhiều người, nhiều người cũng đã rất thành công bởi con đường mà mình đang đi, tuy nhiên cũng có rất nhiều người lại bỏ gánh giữa đường, bởi đại học tốn rất nhiều thời gian của mỗi người, nó bắt con người phải đầu tư cả thời gian và công sức của mình vào đó.

Thời gian và tiền bạc đủ để cho con người ta có thể làm được rất nhiều thứ, tuy nhiên việc lựa chọn cho mình một con đường riêng, việc lựa chọn con đường đi sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều điều mà trong cuộc sống chúng ta đang phải gặp tới.

Đúng như có câu nói đã viết: “Không quan trọng mình đứng ở đâu mà quan trọng mình đi đâu”. Đây mới chính là những hướng đi hoàn hảo và có ý nghĩa to lớn đến con người, cái riêng biệt là tạo cho con người những sự bức phá mới mẻ và hợp lý hơn, trong cách xử lý đó, nó để cho con người một cái nhìn riêng, lạ và tạo nên những điểm nhấn hoàn toàn mới mẻ của mỗi người.

Thanh niên ngày nay không phải chỉ có lựa chọn con đường đại học mới có thể thành công được, trong cuộc sống chúng ta gặp rất nhiều người lựa chọn cho mình theo hướng tự do, họ đi theo một con đường độc lập, mới mẻ và ngày càng táo bạo hơn. Nhiều hình thức kinh doanh và mở rộng bản thân bằng cách học tập và ngày càng khéo léo và táo bạo tạo nên cái riêng cho mỗi con người.

Mỗi chúng ta hãy lựa chọn cho mình một hướng đi cho phù hợp có như vậy chúng ta mới cảm thấy được cuộc sống này đang tràn ngập nhiều điều có ý nghĩa và những điều có giá trị nhất. Đem lại cho chúng ta cái nhìn mới mẻ và toàn diện hơn.

» Tham khảo thêm văn mẫu nghị luận xã hội lớp 12:

Bài số 3:

Những ngày cuối tháng sáu đầu tháng bảy không khí ở khắp các tỉnh thành trên cả nước lại nóng bỏng hơn bao giờ hết. Hàng triệu thí sinh bước vào kì thi Trung học phổ thông Quốc gia đầy cam go, căng thẳng. Đã từ lâu, in hằn trong nếp nghĩ của mọi người về việc bằng mọi giá phải vào được đại học, bởi đó là con đường lập thân, lập nghiệp duy nhất. Liệu thực sự có phải vào đại học mới là con đường duy nhất giúp chúng ta vươn đến thành công?

Theo như định nghĩa, giáo dục đại học có nghĩa là “giáo dục thường được diễn ra ở các trường đại học, viện đại học, đại học, trường cao đẳng, học viện và viện công nghệ. Giáo dục đại học nói chung bao gồm các bậc sau trung học như cao đẳng, đại học và sau đại học và gồm cả một số cơ sở giáo dục bậc đại học hay cao đẳng như các trường huấn luyện nghề và trường kinh doanh có trao văn bằng, học thuật hay cấp chứng chỉ chuyên nghiệp.

Hiện nay nhiều người quan niệm rằng vào đại học là con đường tiến thân duy nhất của giới trẻ. Nhận định này chỉ đúng ở một phần nào đó, không đúng hoàn toàn.

Đại học là con đường, là mơ ước khát vọng đẹp đẽ mà bất cứ người trẻ nào cũng hướng đến. Đó là chân trời rộng mở, chân trời của tri thức, tự do và sự khám phá, trải nghiệm của bản thân. Vào đại học cũng là cách thức để chúng ta khẳng định bản thân và lập nghiệp. Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học kĩ thuật, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Nền kinh tế tri thức làm chủ đạo, bởi vậy nếu con người không ngừng học tập sẽ trở nên thụt lùi, lạc hậu và không bắt kịp với xu thế chung của thời đại. Bên cạnh đó, nền kinh tế ngày càng có sự phân loại và chuyên môn hóa cao, nếu chúng ta chỉ có kiến thức của cấp bậc phổ thông không thôi sẽ là chưa đủ, mà cần phải có kiến thức chuyên sâu của bậc đại học để tham gia vào quá trình lao động sản xuất. Hơn nữa, tuổi trẻ là tuổi để dễ dàng tiếp thu các tri thức mới, tiến bộ của nhân loại, lại cộng thêm với sự truyền đạt của những người thầy hàng đầu sẽ giúp các bạn trẻ tiếp cận tri thức một cách dễ dàng hơn. Và cuối cùng, cuộc đời con người là cả một quá trình học hỏi không ngừng, đúng như Lê-nin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Sau khi học phổ thông chúng ta tiếp tục học đại học sẽ tạo nên mạch liên tục cho việc tiếp thu tri thức.

Vào đại học cũng là con đường ngắn nhất để các bạn có nền tảng vững chắc, được theo đuổi một công việc mình mơ ước, đáp ứng nhu cầu sống của bản thân. Bởi vậy, mỗi chúng ta khi bước chân vào cánh cổng đại học cần phải chuyên cần, tập trung năng lực để tiếp thu tri thức. Không nên ham chơi, mải mê, lãng phí thời gian, tuổi trẻ.

Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thấy rõ rằng, Đại học không phải là con đường tiến thân duy nhất đối với mỗi người. Tùy vào hoàn cảnh, năng lực của mỗi cá nhân mà chúng ta có những cách lập thân và lập nghiệp khác nhau. Nếu điều kiện gia đình bạn không cho phép học đại học, hãy trở thành một người thợ lành nghề, làm việc thật cần cù, chăm chỉ, khi ấy bạn sẽ trở thành người thành công. Trong cuộc sống của chúng ta có không ít người không vào đại học những vẫn trở thành tấm gương thành công để mọi người noi gương học tập. Có thể kể đến như Michael Dell, nhà sáng lập của tập đoàn Dell. Ông bỏ học năm 19 tuổi và với số vốn ít ỏi ông đã mở công ty, phát triển công ty nhỏ bé của mình thành một tập đoàn hùng mạnh như hiện nay. Hay Henry Ford, ông chưa tốt nghiệp trung học, nhưng ông đã sáng lập nên một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Ford.

Quả thực vào đại học là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để chúng ta đi đến cái đích của sự thành công. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng vào đại học không phải là con đường duy nhất. Chúng ta sẽ có rất nhiều con đường khác nhau, có thể xa hơn, vòng vèo, vất vả hơn nhưng nếu có ý chí và nghị lực, nhất định ai cũng sẽ vươn đến cái đích của sự thành công. Vào đại học chỉ là một bước đệm còn quan trọng nhất vẫn là ở bản thân, ở ý chí, nghị lực của mỗi con người.

-/-

Nghị luận về ý kiến Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất có rất nhiều quan điểm khác nhau. Trên đây là 3 trong số những bài nghị luận hay bàn về ý kiến đó, các em có thể đọc tham khảo để có thêm những ý tưởng nội dung hay cho bài văn của mình. Chúc các em học tốt !

Bạn còn vấn đề gì băn khoăn?
Vui lòng cung cấp thêm thông tin để chúng tôi giúp bạn
Hủy

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM