Tham khảo những bài văn về đề tài môi trường hay nhất do Đọc Tài Liệu sưu tầm, chọn lọc và tổng hợp nhằm biết thêm nhiều dạng bài có thể sẽ gặp trong các đề kiểm tra, đề thi học kỳ hay đề thi THPTQG sắp tới.
Những bài văn về đề tài môi trường hay nhất
Nghị luận về ô nhiễm môi trường
1. Mở bài
Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề trọng tâm của toàn xã hôi và được dư luận hết sức quan tâm. Ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày ngày hàng giờ và ngày càng trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Ô nhiễm môi trường đã và đang để lại những hệ lụy hết sức khôn lường cho toàn nhân loại.
2 . Thân bài
a. Biểu hiện của ô nhiễm môi trường
- Môi trường không khí đang bị ô nhiễm hết sức nặng nề, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã vượt quá ngưỡng mức cho phép về ô nhiễm không khí. Những năm gần đây nồng độ chì đã và đang tăng lên ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
- Ô nhiễm môi trường nước: Tình trạng ô nhiêm nguồn nước đang ngày càng báo động. Nguyên nhân chính là do một số khu công nghiệp đã xả nước thải không qua xử lý ra môi trường. Bên cạnh đó hiện tượng xả rác ra ao, hồ sông suối vẫn còn tôn tại ở rất nhiều nơi (dẫn chứng).
- Ô nhiễm môi trường đất: Đất là môi trường sống của một số sinh vật, tuy nhiên hiện tượng đất nhiễm chì, nhiễm chất hóa học do thuốc trừ sâu đang trở thành một vấn nạn mà chúng ta vẫn đang tìm cách giải quyết. Đặc biệt đối với những vùng đất thuộc các khu công nghiệp thì việc ô nhiễm môi trường đất đã trở thành vấn đề thường trực… (dẫn chứng)
b. Nguyên nhân của ô nhiễm môi trường
- Ý thức của một số doanh nghiệp còn kém: một số doanh nghiệp bất chấp pháp luật cố ý xả chất thải chưa qua xử lý vào môi trường, gây nên hiện tượng ô nhiễm môi trường nặng nề ở biển, sông…
- Người dân xả rác thải dẫn đến tình trạng ô nhiễm diện rộng không kiểm soát được.
- Sự quản lý của nhà nước còn nhiều yếu kém, hệ thống quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều lỗ hổng.
c. Giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường
- Cần có sự quản lý chặt chẽ của người nhà nước trong việc xứ lý những doạnh nghiệp cá nhân vi phạm.
- Tăng cường tuyên truyền để cho nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Đồng thời nêu rõ tác hại của ô nhiễm môi trường đối với hệ sinh thái, sức khỏe con người…
3. Kết bài
Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề hết sức cấp bách hiện nay. Chúng ta những thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước không thể làm ngơ trước những hiện tượng này. Bằng mọi cách hãy hành động để bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
>> Xem thêm: Hiện tượng gây ô nhiễm môi trường do xả rác bừa bãi ở nước ta hiện nay
Nghị luận về vai trò của môi trường
Dàn ý:
1. Mở Bài
Giới thiệu vấn đề nghị luận: Môi trường và cuộc sống con người
2. Thân Bài
a. Giải thích môi trường sống là gì
b. Vai trò của môi trường sống đối với cuộc sống của con người
- Là không gian sinh sống, tồn tại của con người;
- Là nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho đời sống của chúng ta.
c. Thực trạng môi trường hiện nay
Những nhân tố quan trọng như đất đai, nguồn nước, không khí,... đều bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng.
d. Tác hại của ô nhiễm môi trường
- Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây ra những hiểm họa như thiên tai, bão lũ.
- Ô nhiễm tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người.
đ. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường
- Xuất phát từ chính ý thức của con người: Con người chưa có những nhận thức đúng đắn về vai trò của môi trường, dẫn đến những hành động sai trái ảnh hưởng đến môi trường.
- Hệ lụy tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa
e. Giải pháp
- Nâng cao ý thức của con người.
- Ngăn chặn các biện pháp tàn phá môi trường.
- Tăng cường các biện pháp bảo vệ và cải tạo môi trường.
3. Kết Bài
Khẳng định lại trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ môi trường.
Bài văn mẫu:
Trong số những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc sống của con người, môi trường là một trong những nhân tố có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, ngày càng có nhiều vấn đề được đặt ra trong mối quan hệ giữa môi trường và cuộc sống của con người.
Môi trường sống là tất cả những yếu tố thuộc về tự nhiên như đất đai, cây cối sinh vật, khí hậu,.... và rất nhiều tài nguyên thiên nhiên khác có ảnh hưởng đến sự sống của con người.
Môi trường có vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định đối với cuộc sống của con người. Trước hết, môi trường là không gian sinh sống, tồn tại của con người; đồng thời cũng là nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho đời sống của chúng ta. Nhờ có đất đai, con người có thể xây dựng nhà cửa, nơi cư trú an toàn. Đất đai còn là nơi để con người trồng trọt, canh tác và thực hiện công cuộc lao động sản xuất để trồng trọt và tạo ra lương thực, thực phẩm. Những cánh rừng xanh là nơi cung cấp nguồn oxi trong lành và được ví như những lá phổi xanh của nhân loại, đồng thời có tác dụng chống lại những tác động của thiên tai như ngăn chặn xói mòn, sạt lở đất. Biển xanh, đại dương bao la là nguồn cung cấp hải sản phong phú cho con người,... Vậy mà hiện nay, môi trường sống đang bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng.
Ô nhiễm môi trường đang trở thành một thực trạng đáng báo động trong vô vàn những vấn đề mang tính thời sự hiện nay. Những nhân tố quan trọng như đất đai, nguồn nước, không khí,... đều bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng. Đó là những mảnh đất bị bạc màu, vôi hóa, không còn khả năng canh tác; là bầu không khí chứa đầy khói bụi và các chất nguy hại đến cuộc sống của con người như khí cacbonic, khói bụi từ các khu công nghiệp,.... Nguồn nước sạch cũng ngày càng trở nên khan hiếm, hàng loạt những con sông vốn mang trên mình vẻ đẹp hiền hòa, trong xanh trở nên ô nhiễm với làn nước đen sì, bốc mùi hôi thối,....
Tình trạng trên đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống của con người. Trước hết, ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây ra những hiểm họa như thiên tai, bão lũ. Hiện tượng sa mạc hóa đang diễn ra ở miền Trung là một trong những hiện tượng thể hiện rõ điều này. Đặc biệt, ô nhiễm tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người. Khi tiếp xúc với nguồn không khí khói bụi, con người sẽ dễ dàng mắc các bệnh về đường hô hấp, nguồn nước bẩn cũng là nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh khác nhau. Theo thống kê, mỗi ngày, ô nhiễm nguồn nước gây ra cái chết cho 14.000 người. Những biểu hiện, con số trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những hậu quả con người phải gánh chịu trước thực trạng môi trường bị ô nhiễm.
Thực tế đã cho thấy, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường trước hết xuất phát từ chính ý thức của con người. Con người chưa có những nhận thức đúng đắn về vai trò của môi trường, dẫn đến những hành động sai trái ảnh hưởng đến môi trường. Vì lợi ích trước mắt, một số cá nhân sẵn sàng bất chấp pháp luật, chặt phá và hủy hoại những cánh rừng vốn trù phú. Những chủ giám đốc, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, doanh thu, chất lượng sản phẩm mà bỏ qua và xem nhẹ và bỏ qua khâu xử lí rác thải, lén lút xả thẳng các chất thải công nghiệp xuống những con sông. Sự ô nhiễm của dòng sông Thị Vải trước hành động của công ty Vedan là một trong những minh chứng tiêu biểu cho điều này, và hàng loạt con sông khác đã trở thành "con sông chết" như sông Tô Lịch,.... bởi chính hành động xả rác bừa bãi của con người. Chúng ta không thể phủ nhận quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã dẫn đến sự xuất hiện của các khu công nghiệp và những ống khói cao ngất hằng ngày thải ra làn khói đen sì là điều không tránh khỏi, nhưng nếu con người có ý thức giữ gìn và bảo vệ thì tình trạng ô nhiễm sẽ được cải thiện.
Như vậy, để hạn chế tình trạng môi trường bị ô nhiễm, trước hết cần nâng cao ý thức của con người. Đồng thời, có những biện pháp cụ thể để lên án, ngăn chặn những hành động khai thác, tàn phá tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi. Bên cạnh đó, con người cần không ngừng chăm sóc, cải tạo môi trường bằng những việc làm thiết thực như trồng nhiều cây xanh, vứt rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi ni lông,....
Môi trường có mối quan hệ mật thiết đối với cuộc sống của con người. Bởi vậy, khi môi trường bị ô nhiễm cũng là lúc con người phải đối mặt với vô vàn hiểm họa khác nhau. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần hành động quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến bảo vệ môi trường.
>> Tham khảo thêm: Chứng minh Đời sống sẽ bị tổn hại nếu không có ý thức bảo vệ môi trường
Nghị luận về ô nhiễm môi trường không khí
Cách mạng công nghiệp bùng nổ đã làm thay đổi mạnh mẽ xã hội và cuộc sống của con người trên hành tinh. Công nghiệp phát triển đã làm tăng nhanh chóng số lượng nhà máy, phương tiện giao thông hiện đại và nhiều vật dụng trong cuộc sống hằng ngày mà có thải ra khí. Bên cạnh sự tiện lợi, hiện đại mà chúng mang đến cho đời sống con người thì đã vô tình thải một lượng lớn khí thải vào không khí, từ đó gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Ô nhiễm không khí là sự thay đổi lớn trong thành phần không khí có mặt một chất lạ hoặc một sự biến đổi quan trọng, làm cho không khí không sạch hoặc gây ra sự toả mùi, có mùi khó chịu, giảm tầm nhìn xa do bụi. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí và người ta thường chia chúng thành hai loại chính là ô nhiễm không khí tự nhiên và ô nhiễm không khí nhân tạo.
Trước hết, các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tự nhiên chủ yếu là do núi lửa phun trào, các vụ cháy rừng, các vụ bão bụi và do các quá trình phân huỷ, thối rữa của xác động, thực vật tự nhiên. Đặc điểm chung của các nguyên nhân này là thường thải ra không khí một lượng bụi lớn trong một không gian rộng lớn, từ đó gây ra tình trạng ô nhiễm không khí.
Thế nhưng chúng ta cần cân nhắc một điều là không phải giờ nào, phút nào cũng liên tục xảy ra những hiện tượng tự nhiên ấy và với Trái đất khổng lồ của chúng ta, những tác nhân tự nhiên này không phải là nguyên do chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng như hiện nay mà nguyên nhân chính là do những nguyên nhân nhân tạo, hay nói cách khác là môi trường không khí bị ô nhiễm là do chính bàn tay con người chúng ta tạo nên. Chúng ta có thể dễ dàng kể tên những hoạt động của con người mà góp phần đẩy môi trường không khí vào tình trạng ô nhiễm như do các hoạt động sản xuất công nghiệp nhà máy, do sinh hoạt hằng ngày và do đi lại, giao thông vận tải.
Không khó để chúng ta nhận ra hậu quả của việc môi trường không khí bị ô nhiễm. Đầu tiên ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây ra rất nhiều bệnh về đường hô hấp hay các cơ quan lục phủ ngũ tạng khác của con người. Việc chúng ta hằng ngày hít thở bầu không khí bị ô nhiễm đã vô tình tích bụi cũng như các chất độc khác vào cơ thể, ngày qua ngày lâu dần thành bệnh, nhẹ thì là viêm mũi họng, viêm xoang, nặng hơn là lao, viêm phổi và đỉnh điểm là căn bệnh ung thư quái ác không kịp phát hiện và chữa trị kịp thời đã cướp đi sinh mạng của biết bao con người. Nguy hiểm hơn, đã có nhiều trường hợp những người công nhân làm trong nhà máy hay môi trường bị ô nhiễm không khí nặng nề mà tử vong do nhiễm độc không khí. Tính mạng và sức khoẻ là điều quan trọng nhất của con người, tiền tài có còn ý nghĩa chi không cơ thể không khoẻ mạnh hay đáng buồn hơn là phải rời xa dương thế mãi mãi.
Hậu quả tiếp theo mà ô nhiễm không khí gây ra là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất. Đó là hiện tượng El nino làm Trái đất không ngừng nóng lên, nhiệt độ thay đổi thất thường, thiên tai biến đổi không ngừng và ngày càng khó dự báo hơn trước, chưa kể ô nhiễm không khí làm cho băng vĩnh cửu ở hai đầu cực càng ngày càng tan chảy, ảnh hưởng đến hệ động vật ở vùng đó. Tiếp theo ô nhiễm không khí còn gây ra hiệu ứng nhà kính, làm lỗ hổng tầng ozon lớn dần, từ đó khiến bức xạ mặt trời chiếu trực tiếp xuống hành tinh, gây ảnh hưởng lớn đến con người và toàn bộ các hệ động thực vật trên hành tinh.
Trái đất là hành tinh kì diệu có sự sống suy nhất trong hệ Mặt trời bởi nó có không khí giúp con người và các loài động vật hít thở, duy trì sự sống, do đó mà không khí trong lành có vai trò rất quan trọng đối với mỗi cá nhân, không khí bị ô nhiễm không khác gì con dao đang đe doạ cuộc sống của chúng ta. Chính vì vậy để khắc phục tình trạng không khí bị ô nhiễm và cũng là để cứu chính bản thân mình và những người thân yêu, cả cộng đồng chúng ta cần chung tay hành động để đưa bầu không khí trở lại trong lành như vốn ban đầu của nó. Các nhà máy xí nghiệp cần đầu tư hệ thống xử lí chất và khí thải trước khi thải ra ngoài môi trường và cần cử các cán bộ thường xuyên rà soát, quản lí chặt chẽ. Ở các thành phố lớn mọi người nên hạn chế các phương tiện cá nhân và ưu tiên chuyển sang các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt. Tiếp theo là các hộ gia đình cũng như các công ty nên chuyển sang dùng các nguồn năng lượng xanh như pin mặt trời để hạn chế khí thải. Và quan trọng nhất là mỗi người cần phải tự ý thức được rằng trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí là của tất cả mọi người trong xã hội, không ngoại trừ một ai.
Con người không có môi trường tự nhiên sẽ không thể tồn tại được nhưng tự nhiên không có con người vẫn tồn tại mãi và có phần yên bình hơn. Vì vậy chúng ta hãy có ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là môi trường không khí để tự cứu lấy cuộc sống của chính bản thân mình.
Nghị luận về ô nhiễm môi trường biển
Nghị luận xã hội về môi trường biển qua hiện tượng cá chết hàng loạt
Đề bài: Từ hiện tượng cá chết hàng loạt tại ven biển miền Trung, anh chị hãy viết một bài văn nghị luận khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của mình về đến vấn đề ô nhiễm môi trường biển hiện nay.
Dàn ý:
1. Mở bài
Gần đây, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đang rầm rộ đưa tin về hiện tượng cá chết hàng loạt ở các vùng biển duyên hải miền Trung. Điều này dẫn tới nhiều lo ngại trong dân chúng về cuộc sống ngày càng kém chất lượng hơn.
Cá chết hàng loạt không chỉ tạo nên cảnh cực khổ nhọc nhằn với miếng cơm manh áo của dân chài miền Trung quanh năm bám biển mà còn nữa là câu chuyện làm sao để giữ cảnh quan thiên nhiên dưới tay "tử thần" khi mà biển biến thành "biển đen", "biển chết" vì ô nhiễm ngày càng thêm nặng nề.
2. Thân bài
a. Giải thích vấn đề
Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề toàn cầu nóng bỏng của nhân loại, cụ thể là hiện trạng môi trường xuất hiện những chất độc, chất hại dẫn đến thay đổi nhanh chóng và gây tác hại xấu đến cuộc sống con người. Biển là một bộ phận của môi trường, ô nhiễm biển là việc tồn tại nhiều chất hại trong môi sinh biển khiến các sinh vật biển không thể sinh sống và tạo ra những vấn đề xấu với con người.
b. Thực trạng
- Hiện nay, việc cá chết hàng loạt ở khắp các tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị mỗi ngày lại thêm những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân vẫn chưa được công khai chính thức trong dư luận vì vậy sự hoang mang của xã hội ngày càng tăng dần lên.
- Dẫn chứng
+ Cá chết bất thường được phát hiện từ đầu tháng 4 ở Hà Tĩnh, lan vào khu vực Hòn La (Quảng Bình, giáp Hà Tĩnh) rồi mở rộng xuống vùng biển Nhật Lệ, Hải Ninh và Lệ Thuỷ. Đến ngày 18 và 19/4, Quảng Trị và Huế cũng xuất hiện tình trạng này.
+ Riêng tại Quảng Trị, tổng khối lượng cá chết mà người dân vớt được từ 2 đến 4 tấn.
Hàng ngày có hàng tấn rác thải được đổ ra biển, các chất độc hại ngày càng tích lũy và ảnh hưởng xấu tới môi sinh và các sinh vật biển.
- Dẫn chứng
+ 10 tấn rác thải "tấn công" vịnh Nha Trang mỗi ngày.
+ Chỉ trong mấy ngày qua bờ biển tỉnh Hà Tĩnh chứng kiến hai sự cố mà tác nhân chủ yếu đến từ ô nhiễm môi trường ven bờ biển. Từ ngày 2 - 3, hơn 50ha nghêu thương phẩm vùng bờ biển bãi ngang hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên chết rạt đến gần 90% chưa có biện pháp khắc phục hậu quả thì ngay sau đó sò lông, ốc hương tự nhiên chết theo sóng biển tấp vào đầy nghẹt bờ cát ven bờ huyện Kỳ Anh, dọn không xuể.
c. Nguyên nhân
+ Do ý thức kém của con người.
+ Do hiện tượng cực đoan của xã hội.
+ Sự quản lí của nhà nước: hoạt động của các doanh nghiệp trong việc xử lí.
d. Hậu quả
+ Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
+ Mất đi các nguồn lợi từ biển: các hải sản, du lịch biển.
+ Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2008 dự báo, mỗi năm, Việt Nam đang mất đi ít nhất 69 triệu USD thu nhập từ ngành du lịch do hệ thống xử lý vệ sinh kém. Ô nhiễm môi trường cũng làm giảm đi sức thu hút khách của ngành du lịch.
+ Mất cân bằng đa dạng sinh học của môi trường sống.
e. Giải pháp
+ Nâng cao ý thức con người.
+ Tăng cường sự quản lí của nhà nước.
+ Tiến hành áp dụng công nghệ khoa học để giải quyết hiện trạng ô nhiễm nước thải ... hiện nay.
3. Kết bài
+ Hiện tượng cá chết vẫn đang đặt ra cho xã hội những bài toán khó để.
+ Để khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, du lịch biển cần sự tham chống ô nhiễm biển cần sự tham gia của các cấp, các ngành và mọi thành phần của xã hội.
Bài văn mẫu:
Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm ngay trên các phương tiện truyền thông. Điều này khiến ta phải suy nghĩ...
Tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải, nước thải nên ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động.
Trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường... Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là 510.000m3/ngày. Ví dụ đau lòng của việc xả nước thải, hẳn không ai không biết, là trường hợp của con sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hoá chất thải ra từ nhà máy của công ti bột ngọt Vê Đan suốt 14 năm liền. Con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân ở xung quanh. Hay việc ô nhiễm hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng của nền văn hoá dân tộc.
Vậy nguyên nhân của những sự việc trên là do đâu?
Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người dân mà đặc biệt là các bạn trẻ. Họ nghĩ rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Hoặc cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền mà không phải là của mình. Một số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì đi chăng nữa cũng không đáng kể, và việc ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng gì tới mình nhiều... Vậy nhưng không phải vậy! Phá hoại môi trường của một người tuy chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng tập hợp nhiều người lại là lớn. Dù trách nhiệm bảo vệ môi trường tuy cũng có một phần là của nhà nước nhưng đa phần lại là của người dân. Những việc chúng ta làm đối với môi trường, tuy hiện giờ ta chưa thấy được, nhưng về lâu về dài nó sẽ ảnh hưởng tới ta ít nhiều.
Một nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Họ đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần đáng kể gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước cũng đã tiếp tay cho các hành vi phá hoại môi trường tiếp diễn. Việt Nam thiếu những chính sách và quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và do đang thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư để phát triển nên dễ mắc vào "cạm bẫy": trở thành nơi tiếp nhận nhiều ngành công nghiệp "bẩn". Ví như, ngành cán thép làm tốn nhiều tài nguyên như đất, nước, năng lượng, thải ra những chất thải nguy hại cho môi trường. Ngoài ra, lượng xe cô lưu thông ngày càng nhiều ở nước ta cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm bầu không khí.
Điều này đã để lại hậu quả gì?
Nhiều người đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn ô nhiễm môi trường. Điển hình như "làng ung thư" Thạch Sơn ở Phú Thọ, hàng trăm người đã chết vì căn bệnh ung thư mà nguyên nhân là do dùng nguồn nước bị ô nhiễm thải ra Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ. Hàng năm có khoảng 16.000 người ở Việt Nam chết vì những căn bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Dự báo trong những năm tới, con số này còn có thể tiếp tục gia tăng. Cạn kiệt tài nguyên sinh vật là một hậu quả khác không thể tránh được của ô nhiễm môi trường. Các rặng san hô ở cửa sông cũng như các vùng nước lợ biến mất dần. Hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã xuất hiện ở nước ta từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển nam trung bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hơn 30 km bãi biển từ Cà Ná đến Long Hương nhầy nhụa những bột báng màu xám đen dày cả tấc, trộn với xác chết của sinh vật tạo nên mùi hôi thối. Khối nhầy trong suốt bao quanh một số loài vi tảo biển là nguyên nhân làm cho nước biển đặc quánh như cháo. Ngoài ra, trong tương lai gần, Việt Nam có thể sẽ bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do lượng nước sạch bị ô nhiễm ngày một nhiều...
Lẽ nào ta lại nhắm mắt làm ngơ?
Không! Chúng ta cần phải tiếp tục công cuộc bảo vệ và làm sạch môi trường bằng những biện pháp tốt hơn, thiết thực hơn nữa! Thứ nhất, phải có các hình thức xử phạt thật nặng và nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức, cơ quan có hành vi phá hoại môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục ý thức cho người dân qua các hình thức tuyên truyền, cổ động như tổ chức những buổi giao lưu bàn về vấn đề môi trường tại các đơn vị hành chính cấp phường, xã... Đưa những bài viết chi tiết hơn về môi trường trong các sách giáo khoa ngay từ cấp tiểu học, giúp học sinh có thái độ và cái nhìn đúng đắn về môi trường và những hậu quả của việc phá hoại môi trường, từ đó giúp các em biết yêu và bảo vệ môi trường mình đang sống. Một cách khác để giúp bảo vệ môi trường phát động thường xuyên hơn những phong trào tình nguyện như bảo vệ môi trường khu dân cư, dọn rác ở các khu vực công cộng, làm sạch bãi biển...
Tình trạng môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Vậy nên, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường và tránh gây ô nhiễm. Vì tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như của các thế hệ sau! Hãy bảo về môi trường để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.
>> Có thể bạn quan tâm: Nghị luận xã hội về vấn đề thực phẩm bẩn
Nghị luận về ô nhiễm môi trường đất
Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của con người ngày càng đầy đủ và hiện đại, nhưng đi kèm với đó là hệ luỵ ô nhiễm môi trường cũng ngày càng nghiêm trọng. Một trong những loại ô nhiễm nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân là ô nhiễm đất đai.
Trái đất tuy rộng lớn nhưng hai phần ba diện tích lại là biển và đại dương, diện tích đất liền chỉ chiếm một phần ba, chưa kể phần nhiều diện tích đất lại là những vùng đồi núi hiểm trở, những cánh rừng rậm bạt ngàn hay những sa mạc khô cằn nên diện tích để con người chúng ta sống và canh tác, sinh hoạt lại càng ít ỏi. Do vậy, đất là một trong những tài nguyên quý giá mà thiên nhiên dành tặng cho chúng ta. Đất là nền móng để chúng ta xây nhà, xây trường học, bệnh viện, xí nghiệp, … và là điều kiện quyết định để chúng ta có thể canh tác, trồng trọt lương thực, thực phẩm nuôi sống bản thân. Có thể nói rằng nếu không có đất đai, loài người chúng ta không thể sống và phát triển được. Đất quý giá và quan trọng với chúng ta là vậy nên lẽ ra chúng ta phải quan tâm, bảo vệ nó nhưng thực tế chỉ ra lại đáng buồn làm sao khi môi trường đất đang ngày càng trở nên ô nhiễm, gây ra nhiều hậu quả cho con người mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất ô nhiễm này không ai khác chính là loài người chúng ta.
Ở nước ta hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đất vẫn không ngừng diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nước ta có hình chữ S với ba phần tư diện tích là đồi núi, dân cư tập trung chủ yếu ở những vùng đồng bằng phía bắc, nam và ven biển duyên hải miền trung, nơi là một phần tư đất đồng bằng ít ỏi kia. Mật độ dân số cao trên diện tích đất có hạn là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm đất. Khi dân số đông, nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cũng tăng theo, do đó rác thải sinh hoạt hằng ngày của con người là vô cùng lớn. Với lượng rác thải khổng lồ kèm với việc không được các cơ quan chức năng quan tâm, có biện pháp xử lí hợp lí, thay vì phải được phân loại và xử lí triệt để, rác thải lại bị thải trực tiếp ra môi trường và tất nhiên, đất là nơi đầu tiên hứng chịu những rác thải ấy. Ngày qua ngày, lượng rác thải trong đất tăng dần nhưng khó phân huỷ đã làm đất trở nên biến chất, ô nhiễm và không thể sử dụng được. Ngoài ra, với đặc thù là một quốc gia nông nghiệp, khi công nghệ ngày càng phát triển, người nông dân ngày càng tăng cường sử dụng hoá chất, thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, diệt cỏ,…và việc lạm dụng ấy không chỉ tăng lượng độc hại vào chính cây trồng mà còn làm cho đất đai ngày càng ô nhiễm.
Đất bị ô nhiễm không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên mà hơn hết là trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khoẻ của con người chúng ta. Đất khi bị ô nhiễm không chỉ là đất bẩn mà còn là đất bị nhiễm độc, con người chúng ta thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với đất trong canh tác, xây dựng hay hít thở qua đường hô hấp mà hấp thu vào người những chất độc hại, lâu dần khiến cơ thể sinh bệnh. Hay khi đất bị ô nhiễm thì trong đất không còn chất dinh dưỡng có thể nuôi cây, vùng có đất ô nhiễm sẽ không thể canh tác được nữa, điều này với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam ta thực sự là một mối nguy nghiêm trọng.
Trước tình trạng đất bị ô nhiễm nghiêm trọng và vai trò to lớn của nó, chúng ta cần tìm ra và thực hiện ngay những biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm đất. Khôi phục lại môi trường đất như ban đầu vốn có của nó là một quá trình lâu dài và cần sự chung tay hành động của cả xã hội. Mọi người dân phải có ý thức bảo vệ môi trường đất xung quanh mình bằng cách không vứt rác bừa bãi ra môi trường, hạn chế các loại túi ni lông, rác thải khó phân huỷ. Người nông dân phải hạn chế sử dụng các chất hoá học, phân bón độc hại, không vì tham món lợi nhỏ trước mắt mà dùng vô tội vạ những loại hoá chất độc hại lên cây trồng, thay vào đó có thể sử dụng các chế phẩm sinh học, vừa giúp cây trồng phát triển tốt và an toàn vừa bảo vệ môi trường đất khỏi ô nhiễm và bảo vệ chính cuộc sống của mình và những người thân yêu. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, không chỉ để những thảo luận, biện pháp trên bàn hội nghị mà phải mang chúng áp dụng vào thực tiễn, tuyên truyền và đôn đốc người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường đất.
Cuộc sống luôn vận động không ngừng, một đất nước phát triển là một đất nước với những người dân ngày càng văn minh, lịch sự và có môi trường sống trong lành, khoẻ mạnh. Chính vì vậy, hãy tập cho mình một nếp sống văn hóa, để bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống, cũng như góp phần làm văn minh hơn cho xã hội mà trước hết là bảo vệ chính môi trường đất xung quanh.
>> Xem thêm: Tuyển tập các bài văn nghị luận về vấn đề xã hội
*********
Với hướng dẫn chi tiết trên đây của Đọc tài liệu, hy vọng các em đã nắm được cách làm bài những bài văn về đề tài môi trường. Ngoài ra, rất nhiều bài Văn mẫu lớp 12 hay nhất cũng được chúng tôi chọn lọc và thường xuyên cập nhật để phục vụ việc học tập cho các em. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!