CẨN TRỌNG khi uống rượu bia mừng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi

Hỏi - đáp TS. BS Nguyễn Xuân Cẩm Huyên - ĐH Y Dược TP.HCM về những lưu ý quan trọng khi uống rượu bia ngày Tết Nguyên đán

Lưu ý cần biết khi uống rượu bia ngày Tết Nguyên đán

Vào dịp cuối năm, các đấng mày râu và một số chị em phụ nữ thường không tránh khỏi những buổi tiệc tùng triền miên, có người phải dùng đến thuốc giải rượu mới nâng công suất “chiến đấu” với chiến hữu. TS-BS Nguyễn Xuân Cẩm Huyên, khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM, cộng tác viên của Trung tâm Chăm sóc và Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng, lý giải những sai lầm khi uống thuốc giải rượu cũng như dấu hiệu nhận biết bị ngộ độc rượu.

Không nên ăn mặn khi uống rượu

CẨN TRỌNG khi uống rượu bia mừng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 1

Hỏi: Thưa bác sĩ, vì sao có người chỉ uống một ly là nằm cả ngày, còn có người uống cả ngày cũng không say xỉn?

Đáp: Phản ứng với rượu của người này khác với người kia, có thể là do yếu tố di truyền (cha mẹ nghiện rượu thì các con sẽ “uống tốt” hơn người khác) hay yếu tố sinh học, thường uống rượu bia thì sau một thời gian sẽ “tăng đô” hay nói cách khác, hệ thần kinh “lờn” rượu nên sẽ lâu say hơn.

Hỏi: Khi bị say rượu, theo bác sĩ thì nên giải rượu bằng cách nào?

Đáp: Trong y khoa, giải rượu tức là rượu được chuyển hóa thành chất khác trong cơ thể. Chuyển hóa này là do một hệ thống men (chủ yếu là men alcohol dehydrogenase của gan). Vậy “giải rượu” lâu hay mau là do tương quan giữa hệ thống men này với lượng rượu đến gan. Nếu “nhậu quá đà” (nghĩa là lượng rượu đến gan nhiều hơn lượng men sẵn có của gan) thì mất nhiều thời gian hơn để giải rượu.

Không thể giải rượu theo ý muốn mà phải để cho cơ thể giải rượu một cách tự nhiên. Cần biết là khoảng 10% rượu có thể thải ra qua hơi thở, mồ hôi và nước tiểu. Nếu các hoạt động này tăng có thể làm cho việc thải rượu tăng theo. Ngày tết phải tiếp khách nhiều, khi uống rượu nên ăn kèm thức ăn có mỡ (bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng…) hoặc thức ăn chua (củ kiệu, hành muối, dưa chua…) để làm chậm sự hấp thu rượu. Uống từ từ (tránh “dzô” 100%) và uống rượu với nhiều nước (uống bia với nhiều nước đá) cũng giúp làm chậm hấp thu rượu, bia giúp gan có thì giờ “giải rượu”.

Hỏi: Bác sĩ có thể khuyến cáo những thức ăn nào cần kiêng cữ khi uống rượu?

Đáp: Khi uống rượu không nên ăn thức ăn mặn vì rượu ức chế một chất nội tiết khiến người uống rượu đi tiểu nhiều. Đi tiểu nhiều gây khát nước, càng khát lại càng uống nhiều.

Quá “lượng chuẩn” mới say

CẨN TRỌNG khi uống rượu bia mừng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2

 

Hỏi: Vào dịp lễ tết, uống như thế nào cho vừa vui vừa không say?

Đáp: Rượu gây hưng phấn và thư giãn với nồng độ rượu trong máu thấp, từ 20 đến 50 mg/dl. Tuy nhiên, ở người có thói quen uống nhiều, do hiện tượng dung nạp, có thể cần một nồng độ cao hơn, có khi lên đến 80 mg/dl. Quá nồng độ này có thể say rượu. Nồng độ rượu trong máu còn tùy thuộc cân nặng của người đó, một người có cân nặng bằng phân nửa cân nặng người khác thì chỉ uống bằng phân nửa nồng độ rượu trong máu đã tương đương.

Do đó để vừa vui vừa không say, một người cân nặng 50 kg không nên uống quá hai lượng chuẩn, 60-80 kg không nên uống quá ba lượng chuẩn và 90-100 kg không nên uống quá bốn lượng chuẩn.

Hỏi: Dấu hiệu nào nhận biết ngộ độc rượu và cách xử lý ngộ độc ra sao, thưa bác sĩ?

Đáp: 

Vấn đề ngộ độc rượu tùy thuộc nồng độ rượu trong máu nhiều hay ít. Khi nồng độ rượu trong máu từ 100 mg/dl máu trở lên có thể có dấu hiệu ngộ độc. Nồng độ này sẽ đạt được khi một người cân nặng 50-70 kg uống ba lượng chuẩn rượu trở lên, một người 80-100 kg uống bốn lượng chuẩn rượu trở lên.

Các dấu hiệu ngộ độc chính, theo mức độ tăng dần là: không nhận biết được xung quanh, cử động thiếu phối hợp, phản ứng không kịp thời, nói không rõ, nhìn không rõ, ói, đi không vững, đờ đẫn và buồn ngủ. Ngộ độc nặng có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Khi có dấu hiệu ngộ độc rượu nặng nên vào điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhân bị ngộ độc sẽ được theo dõi kỹ về các dấu hiệu như mạch, huyết áp, nhịp thở và nhiệt độ, được truyền dịch, điều trị chống toan và cung cấp vitamin.

Đúng hay Sai về những hiểu lầm khi sử dụng rượu bia

CẨN TRỌNG khi uống rượu bia mừng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 3

Hỏi: Với người bị tiểu đường, huyết áp không nên uống rượu bia, thưa bác sĩ?

Đáp: Không hẳn. Rượu làm tăng huyết áp nên làm tăng nguy cơ đột quỵ. Rượu cũng làm giảm bài tiết insulin. Do đó bệnh nhân tiểu đường và tăng huyết áp không nên uống rượu bia. Nhưng nếu có uống thì chỉ nên uống bằng nửa người bình thường, theo cân nặng như đã nói ở trên.

Hỏi: Có người mách nước trước khi uống rượu thì uống một muỗng cà phê hoặc muỗng muối sẽ không say?

Đáp: Với nồng độ rượu trong máu cao, rượu sẽ gây ức chế hệ thần kinh với các dấu hiệu như đã trình bày khi say rượu. Do đó theo tôi nghĩ cà phê giúp người uống “tỉnh” hơn nên dấu hiệu say sẽ chậm hơn nhưng như thế có thể làm tăng thêm hiện tượng dung nạp.

Khi ăn thức ăn mặn sự co bóp của dạ dày sẽ giảm, do đó thức ăn từ dạ dày xuống ruột sẽ chậm hơn mà rượu lại được hấp thu chủ yếu tại ruột. Vì vậy uống một muỗng cà phê muối có thể sẽ có tác dụng làm thức ăn xuống ruột chậm hơn, trong đó có rượu nên rượu sẽ được hấp thu chậm hơn, khiến lâu say hơn.

Hỏi: Thuốc giải rượu hiệu quả đến đâu và có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

Đáp: Sai. Hiện nay, theo y học, không có thứ thuốc nào gọi là thuốc giải rượu. Thuốc “giải rượu” lưu hành trên thị trường có tác dụng không rõ ràng. Do đó nên để cơ thể phản ứng tự nhiên với rượu, bắt cơ thể thích nghi với rượu bằng thuốc “giải rượu” chỉ làm tăng nguy cơ dung nạp và nghiện rượu.

Xin cảm ơn bác sĩ.